
Xuất tinh ngược dòng có nguy hiểm không? Có chữa được không
Xuất tinh ngược dòng là bệnh gì?
Xuất tinh ngược dòng là một thuật ngữ chỉ tình trạng tinh dịch chảy ngược vào bàng quang, sau đó đi ra bên ngoài theo con đường nước tiểu, thay vì ra khỏi cơ thể qua niệu đạo đến đầu dương vật nam giới khi đạt đến khoái cảm. (1)
Xuất tinh ngược dòng có nguy hiểm không?
Không. Xuất tinh ngược dòng không gây nguy hiểm nhưng gây ra một số tình trạng ảnh hưởng gián tiếp đến tâm lý, sức khỏe như:
- Chất lượng đời sống tình dục, chuyện chăn gối giảm: thông thường sau cuộc yêu, nam giới xuất tinh vào âm đạo của bạn tình, điều này giúp cả 2 cùng thăng hoa, thỏa mãn. Khi gặp tình trạng xuất tinh ngược dòng, lâu dần sẽ tạo cảm giác hụt hẫng, mất dần hứng thú tình dục, chán nản, tình cảm rạn nứt.
- Áp lực tâm lý: xuất tinh ngược dòng khiến nam giới luôn bất an, lo lắng, không giữ vững phong độ…lâu dần dẫn đến trầm cảm.
- Gây vô sinh: tinh trùng không có hoặc có rất ít khi xuất tinh, khiến khó thụ thai tự nhiên.
Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về xuất tinh ngược dòng khi thấy những bất thường sau:
- Không thấy tinh dịch sau khi đạt được khoái cảm.
- Tinh dịch trở nên ít sau khi đạt được cực khoái.
- Nước tiểu màu trắng đục, có mùi hoặc không có mùi sau khi thủ dâm hoặc quan hệ chăn gối.

Nguyên nhân nào gây xuất tinh ngược dòng?
Ở nam giới, thông thường cơ vòng gần cổ bàng quang và cơ niệu đạo có nhiệm vụ đóng – mở nhịp nhàng khi đi vệ sinh hoặc quan hệ tình dục. Một số trường hợp, các cơ này hoạt động kém hiệu quả khiến đường niệu đạo bít chặt. Tinh dịch không thể thoát ra ngoài được nên theo nhánh còn lại chảy vào bàng quang. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu từ những yếu tố sau:
- Tổn thương do phẫu thuật đối với các cơ bàng quang hoặc các dây thần kinh kiểm soát. Tổn thương này có thể xảy ra do biến chứng của các phẫu thuật sau:
- Phẫu thuật tuyến tiền liệt: 10%-15% bệnh nhân nam sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo bị xuất tinh ngược dòng.
- Phẫu thuật mở rộng vùng chậu, đặc biệt để điều trị ung thư tuyến tiền liệt, tinh hoàn, đại tràng hoặc trực tràng.
- Phẫu thuật ung thư vùng xương chậu hoặc vùng bụng dưới.
- Một số loại phẫu thuật trên đĩa và đốt sống của cột sống dưới.
- Tổn thương thần kinh do bệnh nội khoa: tình trạng này rất phổ biến ở những nam giới mắc bệnh đa xơ cứng hoặc mắc bệnh tiểu đường trong thời gian dài và kiểm soát tình trạng bệnh kém.
- Bệnh cũng có thể do tác dụng phụ của thuốc điều trị tâm thần, tăng huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt,…
- Yếu tố bẩm sinh: một số nam giới bị dị tật bẩm sinh ở niệu đạo và bàng quang từ lúc sinh ra.
Chẩn đoán tình trạng xuất tinh ngược dòng như thế nào?
Nếu bạn hay gặp các tình trạng xuất tinh ngược dòng và đang gặp khó khăn về chuyện sinh con hãy đến bệnh viện để các bác sĩ chẩn đoán và tiến hành các phương pháp tìm ra nguyên nhân.
- Hỏi bệnh sử: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, thời gian xuất hiện tình trạng xuất tinh ngược dòng, tình trạng sức khỏe nói chung như: bệnh tật, từng phẫu thuật và điều trị bệnh gì chưa?
- Khám sức khỏe tổng thể.
- Khám cơ quan sinh sản (dương vật, tinh hoàn, trực tràng).
Việc của bạn ngay lúc này là cung cấp trung thực các thông tin:
- Vấn đề xuất tinh ngược dòng đã kéo dài bao lâu và tần suất như thế nào? (1 lần/tuần, 2 lần/tuần,..)
- Những dấu hiệu bất thường khác kèm theo mà bạn quan sát được? (Nước tiểu có màu trắng đục, mùi khó chịu,..)
- Những loại thuốc điều trị các bệnh khác mà bạn đang sử dụng (Các loại thuốc liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt, trầm cảm,..)
- Trước đây bạn có điều trị ung thư không, nếu có thì điều trị như thế nào, bao lâu rồi và đã dứt điểm tình trạng bệnh hay chưa?
- Bạn đang mắc những bệnh mạn tính nào hoặc trước đây có chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động,… không?
Tất cả những thông tin bạn cung cấp giúp bác sĩ có những kết luận ban đầu. Từ đó đưa ra những bước tiếp theo để chẩn đoán một cách chính xác nhất.
Cách tốt nhất để chẩn đoán được xuất tinh ngược dòng là bạn nên xét nghiệm nước tiểu, bạn nên thủ dâm trước khi xét nghiệm nước tiểu. Nếu trong nước tiểu của bạn chứa lượng lớn tinh dịch, giúp việc chẩn đoán thuận lợi hơn.
Còn trong trường hợp, nếu mẫu nước tiểu ngay sau xuất tinh không chứa tinh dịch. Lúc này, bạn phải khám bác sĩ về vô sinh hoặc bác sĩ chuyên khoa khác để kiểm tra chuyên sâu hơn vì có thể liên quan đến vấn đề nam khoa khác.

Xuất tinh ngược dòng có chữa được không?
Thông thường, xuất tinh ngược dòng không cần điều trị, nếu bệnh không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Trong trường hợp cần phải điều trị thì phương pháp nào phù hợp, có hiệu quả hay không… phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây bệnh.
Cách điều trị xuất tinh ngược dòng hiệu quả
1. Điều trị bằng thuốc
Xuất tinh ngược dòng do tổn thương dây thần kinh, ảnh hưởng do bệnh tiểu đường, đa xơ cứng, một số cuộc phẫu thuật vùng bàng quang… thì việc điều trị bằng thuốc có thể mang lại hiệu quả.
Những loại thuốc này giữ cho cổ bàng quang đóng lại trong quá trình xuất tinh nhưng có thể gây tác dụng phụ hoặc phản ứng bất lợi với các loại thuốc khác. Người bệnh, nhất là khi bị cao huyết áp hay bệnh tim mạch có gặp tác tác dụng phụ của thuốc điều trị xuất tinh ngược dòng thì báo ngay cho bác sĩ.
Nếu người bệnh đang dùng các loại thuốc khác ảnh hưởng đến việc xuất tinh cũng chia sẻ để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
2. Hỗ trợ sinh sản
Với sự tiến bộ của các công nghệ hỗ trợ sinh sản hiện nay, bạn hoàn toàn có thể làm cha dù bị xuất tinh ngược dòng. Y học hiện đại giúp người bệnh có nhiều cơ hội làm cha “chính chủ” như lấy tinh trùng từ tinh hoàn, mào tinh, xử lý trong phòng thí nghiệm để phục vụ cho việc thụ tinh ống nghiệm và đã được chứng minh hiệu quả cho những trường hợp vô sinh do xuất tinh ngược dòng.
Phương pháp phòng ngừa xuất tinh ngược dòng ở nam giới
Để phòng ngừa xuất tinh ngược dòng, các bác sĩ chuyên về nam khoa khuyên “cánh mày râu” nên:
- Khi điều trị phì đại tuyến tiền liệt, người bệnh nên tìm đến các chuyên gia đầu ngành về Tiết niệu – Nam học để có cơ hội sử dụng các phương pháp mổ ít xâm lấn, ít gây tổn thương thần kinh, cơ, mang lại hiệu quả cao.
- Nếu mắc bệnh và đang trong thời gian bắt buộc phải dùng thuốc điều trị, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ để ít ảnh hưởng đến xuất tinh ngược dòng.
- Tăng cường lối sống lành mạnh, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, vận động điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, tham gia những câu lạc bộ mang lợi ích cho cộng động để cuộc sống tích cực góp phần phòng ngừa bệnh tiểu đường, trầm cảm, tim mạch, huyết áp…

Khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, PlinkCare TP.HCM là cơ sở uy tín, với chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, bệnh viện đầu tư hệ thống máy móc công nghệ cao, nhập khẩu từ các nước Âu – Mỹ, giúp bạn an tâm điều trị các bệnh nam khoa như xuất tinh ngược dòng, hẹp bao quy đầu, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương…
Bài viết trên phần nào giải đáp được thắc mắc xuất tinh ngược dòng có nguy hiểm không? Tóm lại, xuất tinh ngược dòng không gây nguy hiểm, tuy nhiên điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản, hiếm muộn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình.