
Xơ nang tuyến vú: Nguyên nhân, chẩn đoán và triệu chứng cần lưu ý
Xơ nang tuyến vú là gì?
Xơ nang tuyến vú là tình trạng lành tính ở vú, biểu hiện lâm sàng thường khi người bệnh sờ vào vú có cảm giác lổn nhổn không đều. Những thay đổi này có thể xảy ra liên tục hoặc theo chu kỳ kinh nguyệt. Xơ nang tuyến vú không gây hại hoặc nguy hiểm nhưng có thể khiến người bệnh cảm thấy đau hoặc khó chịu ở ngực. Hơn nữa, tình trạng này có thể gây nhầm lẫn với ung thư.
Khi kiểm tra dưới kính hiển vi, xơ nang tuyến vú (hay thay đổi sợi bọc tuyến vú) được chia thành các phần riêng biệt như:
- Dạng túi hình tròn hoặc hình bầu dục chứa đầy chất lỏng (u nang).
- Xuất hiện mô sợi giống như sẹo (xơ hóa).
- Sự phát triển quá mức của tế bào (tăng sản) lót các ống dẫn sữa hoặc mô sản xuất sữa (tiểu thùy) của vú.
- Thùy vú mở rộng.

Các loại xơ nang tuyến vú thường gặp
Một số loại xơ nang tuyến vú thường gặp, bao gồm:
- Nang vú đơn giản: nang này chứa đầy dịch và không nguy hiểm.
- Nang vú có biến chứng: nang này hiếm khi phát triển thành ung thư. Bác sĩ sẽ khuyên người bệnh tái khám để theo dõi hoặc thực hiện thủ thuật hút chất lỏng đem xét nghiệm để có kết quả chẩn đoán chính xác hơn.
- Nang vú phức tạp: nang này vừa có thành phần dịch vừa có phần đặc, hoặc có thành ngoài dày. Loại này có nguy cơ ung thư cao hơn 2 loại trên nên cần sinh thiết để đưa ra kết luận chẩn đoán cuối cùng.
Triệu chứng xơ nang tuyến vú có thể nhận biết
Một số triệu chứng xơ nang tuyến vú có thể nhận biết, bao gồm:
- Cơn đau hoặc khó chịu ở vú đến và đi theo chu kỳ kinh nguyệt hoặc có thể kéo dài cả tháng.
- Vú có cảm giác căng, sưng hoặc nặng.
- Đau hoặc khó chịu lan đến nách.
- Khối u vú thay đổi kích thước theo chu kỳ kinh nguyệt.
Các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn ngay trước kỳ kinh nguyệt và giảm nhẹ khi cơ thể bắt đầu hành kinh. Nếu người bệnh có kinh nguyệt không đều, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn. Hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ giảm đi sau khi mãn kinh.
Nguyên nhân xơ nang tuyến vú và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính xác gây xơ nang tuyến vú chưa xác định rõ nhưng thường do hormone thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là estrogen. Các triệu chứng bệnh sẽ giảm khi người bệnh đến thời kỳ mãn kinh, sự dao động và sản xuất các hormone giảm xuống, ổn định hơn.
Xơ nang tuyến vú khiến người bệnh cảm thấy khó chịu ở vú và vùng mô vú trở nên gồ ghề hoặc cảm thấy mềm, đau và sưng. Người có xơ nang tuyến vú thường cảm thấy khó chịu ở vú hơn vào thời điểm trước kỳ kinh nguyệt và dễ chịu hơn sau khi bắt đầu giai đoạn hành kinh.
Xơ nang tuyến vú có nguy hiểm không?
Không, xơ nang tuyến vú nếu được chẩn đoán chính xác sẽ không nguy hiểm hoặc liên quan đến bất kỳ bệnh, tình trạng sức khỏe nào. Người bệnh chỉ cần báo cho bác sĩ về bất kỳ khối u nào trong mô vú để được kiểm tra. Đồng thời, người bệnh hãy đi khám và tầm soát vú định kỳ để bác sĩ theo dõi và kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường khác ở vú nếu có. [2]
Xơ nang tuyến vú có thành ung thư không?
Không, xơ nang tuyến vú không phát triển thành ung thư vú. Tuy nhiên, người bệnh có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú và bản thân cũng có xơ nang tuyến vú thì nguy cơ sẽ tăng lên một chút.
Ngoài ra, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng như:
- Phát hiện các khối u mới hoặc khác lạ khi tự khám vú.
- Núm vú tiết dịch lạ, đặc biệt nếu theo máu.
- Da vú đỏ hoặc nhăn.
- Núm vú xẹp hoặc lõm xuống.
- Xơ nang tuyến vú xuất hiện dai dẳng hoặc mô vùng vú dày hoặc cứng rõ rệt.
- Đau vú hoặc vùng ngực nhiều không giảm.
- Xơ nang tuyến vú to hơn.

Biến chứng của tình trạng xơ nang vú kéo dài
Xơ nang vú kéo dài không gây ung thư nhưng nếu tăng kích thước hoặc tiến triển có thể gây một số biến chứng như: thay đổi hình dáng vú, gây đau nhức,…
Các phương pháp chẩn đoán bệnh xơ nang vú
Một số phương pháp chẩn đoán bệnh xơ nang tuyến vú, bao gồm:
- Khám vú lâm sàng: bác sĩ sẽ khám ngực, các hạch bạch huyết nằm ở vùng dưới cổ và nách để kiểm tra mô bất thường. Đồng thời, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và đưa ra kết luận. Nếu các triệu chứng thay đổi ở vú bình thường, người bệnh không cần xét nghiệm bổ sung. Nếu phát hiện khối u hoặc mô vú đáng ngờ, bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám sau kỳ kinh hoặc vài tuần để kiểm tra vú lần nữa. Trường hợp, dấu hiệu bất thường vẫn xuất hiện, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm bổ sung, như siêu âm, chụp X-quang tuyến vú hoặc sinh thiết vú.
- Siêu âm vú: phương pháp này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh ngực và thường được kết hợp với chụp X-quang tuyến vú. Với người bệnh dưới 30 tuổi chỉ cần siêu âm để đánh giá mô vú dày đặc – mô kết nối chặt với tiểu thùy, ống dẫn và mô liên kết. Siêu âm cũng giúp bác sĩ phân biệt giữa u nang chứa đầy chất lỏng và khối u đặc.
- Chụp X-quang tuyến vú: bác sĩ phát hiện khối u vú hoặc mô vú dày lên rõ rệt sẽ yêu cầu người bệnh chụp X-quang tuyến vú để chẩn đoán. Phương pháp này tập trung vào một khu vực cụ thể cần kiểm tra ở vú. Chụp X-quang tuyến vú thường được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, định kỳ 1-2 năm/lần. Chụp X-quang tuyến vú có tác dụng tốt nhất trong việc phát hiện ung thư vú ở phụ nữ 40-74 tuổi nhưng chưa rõ hiệu quả ở phụ nữ từ 75 tuổi trở lên.
- Sinh thiết vú: nếu chụp X-quang tuyến vú và siêu âm cho kết quả bình thường nhưng bác sĩ vẫn lo ngại về khối u ở vú, đặc biệt cảm giác giống u nang, người bệnh cần sinh thiết vú để được kiểm tra chính xác hơn. Bác sĩ sử dụng kim nhỏ chọc hút chất lỏng trong khối u và mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể làm xẹp và loại bỏ khối u.

Phương pháp điều trị xơ nang tuyến vú
Trường hợp người bệnh không có triệu chứng hoặc chỉ ở mức nhẹ sẽ không cần điều trị u xơ nang vú. Bác sĩ có thể kê một số cách để giảm cơn đau ngực của người bệnh, như:
- Thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (Tylenol, các loại khác) hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (Advil, Motrin IB, các loại khác) hoặc thuốc theo toa
- Thuốc tránh thai đường uống nhằm làm giảm nồng độ hormone liên quan đến chu kỳ gây ra những thay đổi ở vú do xơ nang gây ra.
- Chườm ấm hoặc chườm mát ngực.
- Mặc áo ngực thoải mái.
- Tránh ăn nhiều chất béo, thức ăn quá mặn hoặc cà phê.
Trường hợp người bệnh đau nhiều hoặc u nang lớn, bác sĩ cần điều trị xơ nang tuyến vú bằng một số phương pháp, bao gồm:
- Chọc hút bằng kim nhỏ: bác sĩ sử dụng cây kim mỏng để dẫn lưu dịch từ u nang. Phương pháp này giúp bác sĩ chẩn đoán và làm xẹp xơ nang tuyến vú, người bệnh cũng giảm cảm giác đau khó chịu.
- Phẫu thuật cắt bỏ: hiếm khi bác sĩ lựa chọn phương pháp này, chỉ khi xơ nang tuyến vú tồn tại dai dẳng không khỏi sau nhiều lần hút và theo dõi hoặc có đặc điểm khiến bác sĩ lo ngại trong quá trình khám lâm sàng.
Phòng ngừa và theo dõi chăm sóc tình trạng xơ nang tuyến vú
Một số cách phòng ngừa và theo dõi chăm sóc tình trạng xơ nang tuyến vú, bao gồm:
- Mặc áo ngực phù hợp.
- Hạn chế uống cà phê.
- Ăn ít chất béo hơn.
- Giảm hoặc ngừng dùng liệu pháp hormone nếu bạn đã mãn kinh – nhưng hãy nhớ nói chuyện với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với thuốc theo toa của bạn.
Câu hỏi thường gặp
1. Xơ nang tuyến vú có cần điều trị không?
Trong hầu hết các trường hợp, xơ nang tuyến vú không cần điều trị khi bác sĩ đã loại trừ ung thư. Nếu người bệnh cảm thấy đau, khó chịu ở ngực, bác sĩ có thể chỉ định kiểm soát tại nhà bằng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen natri.
Ngoài ra, người bệnh hãy mặc áo ngực phù hợp, tránh môn thể thao va chạm và các hoạt động khác có thể gây tổn thương cho ngực. Đồng thời, người bệnh cần tránh xa cà phê, trà, soda và sô-cô-la vì đều có thể gây ra các triệu chứng khó chịu.
2. Xơ nang tuyến vú có thể thay đổi kích thước không?
Có, xơ nang tuyến vú có thể thay đổi kích thước liên tục hoặc theo chu kỳ kinh nguyệt. Nếu kết quả khám vú và chụp X-quang tuyến vú bình thường, người bệnh không cần lo lắng về các triệu chứng của mình. Những thay đổi về xơ nang tuyến vú thường không làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
3. Xơ nang tuyến vú có làm tăng nguy cơ ung thư vú không?
Không, chỉ riêng những thay đổi xơ nang tuyến vú không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, người bệnh có những thay đổi ở mô vú có thể khiến việc xác định ung thư trở nên khó khăn hơn.
Khoa Ngoại Vú, PlinkCare TP.HCM quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, liên tục trau dồi các phương pháp điều trị mới trên thế giới giúp chị em tầm soát ung thư vú, các bất thường bẩm sinh hay mắc phải để bác sĩ giúp bạn lập kế hoạch điều trị toàn diện, hiệu quả và rút ngắn thời gian đáng kể.
Ngoài ra, PlinkCare TP.HCM cũng liên tục nhập các máy móc, trang thiết bị tân tiến nhằm hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Khoa còn lập nhóm “CLB bệnh nhân ung thư vú bệnh viện Tâm Anh” giúp người bệnh có thể chia sẻ những khó khăn, lo lắng với những người bệnh cùng hoàn cảnh.
Xơ nang tuyến vú thường lành tính, không gây nguy hiểm. Nguyên nhân hình thành xơ nang này chưa được xác định nhưng có thể estrogen và hormone sinh sản là yếu tố nguy cơ gây ra. Thông qua bài này, người bệnh hiểu và yên tâm hơn về vấn đề xơ nang tuyến vú. Đồng thời, người bệnh biết cách kiểm soát cơn đau, khó chịu ở vú và đến gặp bác sĩ để được khám, tầm soát định kỳ.