Image

Xét nghiệm nước tiểu khi nào cần thực hiện? Quy trình ra sao?

Xét nghiệm nước tiểu là gì?

Xét nghiệm nước tiểu là một dạng xét nghiệm được thực hiện nhằm kiểm tra các khía cạnh trực quan, hóa học và vi thể của nước tiểu; từ đó phát hiện các dấu hiệu/ tình trạng của một số vấn đề sức khỏe như bệnh gan, bệnh thận, tiểu đường hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.(1)

Xét nghiệm nước tiểu để làm gì?

Việc xét nghiệm nước tiểu nhằm phát hiện và đo lường các hợp chất khác nhau đi qua nước tiểu của người bệnh bằng cách sử dụng một mẫu nước tiểu duy nhất. Thông qua kết quả xét nghiệm sẽ giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý hoặc tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Khi nào cần thực hiện xét nghiệm nước tiểu?

Việc xét nghiệm phân tích nước tiểu rất phổ biến bởi đây là cách đơn giản và không xâm lấn để kiểm tra nhiều khía cạnh khác nhau của sức khỏe.(2) Một số lý do để thực hiện xét nghiệm nước tiểu là:

  • Khi thăm khám sức khỏe định kỳ – xét nghiệm nước tiểu là một trong các hạng mục cần thực hiện
  • Gặp phải dấu hiệu hoặc có triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe về tiểu đường, bệnh thận,… như có các triệu chứng bị đau bụng, đau lưng, đi tiểu nhiều hoặc bị đau khi đi tiểu, đi tiểu ra máu,…
  • Để theo dõi việc điều trị như điều trị tiểu đường hoặc các bệnh liên quan tới thận nhằm xem xét khả năng đáp ứng điều trị.
  • Thử thai: Đo nồng độ của hormone hCG, thường có kết quả chính xác nhất khi thử nước tiểu vào buổi sáng.
  • Sàng lọc thuốc: Ví dụ như tìm kiếm dấu hiệu của cần sa (có thể phát hiện sau vài tuần sử dụng) hoặc cocaine/ thuốc lắc/ heroin (có khả năng xuất hiện trong nhiều nhất 5 ngày).
  • Khi muốn chẩn đoán nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu: Tìm kiếm bằng chứng nhiễm trùng như nitrit hoặc leukocyte esterase (chỉ số của một sản phẩm tế bào bạch cầu).
  • Là bước kiểm tra trước khi phẫu thuật: Là một trong những đánh giá những bệnh nhân phẫu thuật có nguy cơ cao chảy máu nhiều hoặc các biến chứng khác.

    xét nghiệm nước tiểu là gì
    Xét nghiệm nước tiểu góp phần phát hiện ra nhiều vấn đề sức khỏe

Phương pháp xét nghiệm nước tiểu

Có 3 phương pháp xét nghiệm nước tiểu chính:

  • Phương pháp trực quan: Chủ yếu tập trung vào màu sắc nước tiểu thông qua việc quan sát bằng mắt thường. Màu sắc khỏe mạnh của nước tiểu thường là từ màu vàng nhạt cho tới màu hổ phách đậm tùy theo độ đặc loãng của mẫu thử. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới màu nước tiểu như thực phẩm, thuốc, chất bổ sung. Tuy nhiên màu bất thường cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý liên quan tới hệ thống tiết niệu, mất nước, các bệnh lây truyền qua đường tình dục,… Ví dụ: nhiễm trùng có thể khiến nước tiểu đục màu hoặc các vấn đề về thận sẽ khiến nước tiểu có bọt.
  • Qua kính hiển vi: Mẫu thử nước tiểu có thể được kiểm tra, phân tích dưới kính hiển vi để tìm kiếm các yếu tố như tế bào, mảnh tế bào, phôi tiết niệu, chất nhầy, vi khuẩn hoặc vi trùng,… Một số xét nghiệm kính hiển vi có thể dùng để phân tích nước tiểu bao gồm: kiểm tra hồng cầu/ bạch cầu, xét nghiệm tế bào biểu mô, tìm kiếm vi khuẩn/ nấm men hoặc ký sinh trùng, kiểm tra phôi tiết niệu,…
  • Bằng que thử: Que tăm thử được sử dụng để kiểm tra một số chất hóa học trong mẫu nước tiểu. Thông qua mức độ thay đổi màu sắc trên que thử mà bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán về lượng chất hiện diện. Các loại xét nghiệm nước tiểu bằng que thăm bao gồm: Xét nghiệm protein trong nước tiểu, kiểm tra nồng độ pH, nồng độ xeton, nồng độ glucose, nồng độ Bilirubin/ nước tiểu leukocyte esterase, kiểm tra trọng lượng riêng của nước tiểu,…
phương pháp xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu dưới kính hiển vi nhằm phát hiện chất nhầy, vi khuẩn hoặc vi trùng

Xét nghiệm nước tiểu giá bao nhiêu?

Bảng giá xét nghiệm nước tiểu ở mỗi cơ sở y tế khác nhau sẽ có mức giá khác nhau. Tùy theo chất lượng dịch vụ mà chi phí có thể dao động từ 50.000 – 300.000đ.

Cần chuẩn bị những gì trước buổi xét nghiệm nước tiểu?

Tùy vào mục đích kiểm tra sức khỏe mà người bệnh sẽ cần một số chuẩn bị trước buổi xét nghiệm nước tiểu. Trong một số trường hợp bạn sẽ cần lấy mẫu nước tiểu vào buổi sáng trong lần đi vệ sinh đầu tiên sau khi ngủ dậy.

Ngoài ra trước khi lấy mẫu, bạn có thể cần tạm ngưng một số loại thuốc đang dùng (như vitamin C, Riboflavin, Nitrofurantoin, thuốc nhuận tràng thuộc nhóm Anthraquinone,…) hoặc không ăn các thực phẩm như củ cải đường/ thực phẩm nhiều phẩm màu để tránh làm thay đổi màu sắc nước tiểu.

Nếu đang trong kỳ kinh nguyệt bạn cũng nên cho bác sĩ biết bởi dịch tiết âm đạo cũng có thể làm ảnh hưởng tới kết quả phân tích nước tiểu. Việc uống nước cũng là điều cần thiết; tuy nhiên bạn không nên uống quá nhiều nước để tránh làm “loãng” mẫu thử quá mức.

Quy trình lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm

Có 2 phương pháp lấy nước tiểu thường gặp là lấy nước tiểu giữa dòng và lấy nước tiểu sau 24 tiếng.

1. Lấy nước tiểu giữa dòng

Phương pháp này thường yêu cầu người bệnh lấy mẫu nước tiểu ngay tại bệnh viện/ phòng khám hoặc cơ sở xét nghiệm. Các bước tiến hành như sau:

  • Vệ sinh tay
  • Rửa sạch và lau khô khu vực xung quanh niệu đạo
  • Đi tiểu một lượng nhỏ vào nhà vệ sinh
  • Ngừng giữ dòng và lấy mẫu nước tiểu vào cốc (khoảng 1/2 cốc đựng hoặc theo vạch hướng dẫn – trung bình từ 30 – 60ml)
  • Tiếp tục đi tiểu cho xong
  • Làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chuyển mẫu

2. Lấy nước tiểu sau 24h

Việc thu thập nước tiểu trong 24 tiếng giúp chẩn đoán chính xác hơn các vấn đề về thận qua kết quả lượng creatinin đào thải qua thận cũng như lượng protein, hormone, khoáng chất và nhiều hợp chất hóa học khác. Quy trình lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu sau 24h như sau:(3)

  • Chuẩn bị thùng lớn để chứa nước tiểu – thường sẽ được cơ sở y tế cung cấp.
  • Bỏ lần đi tiểu đầu tiên sau khi ngủ dậy vào buổi sáng
  • Thu thập toàn bộ lượng nước tiểu trong 24 tiếng tiếp theo
  • Mang mẫu nước tiểu tới cơ sở xét nghiệm

Một số lưu ý khi thu thập nước tiểu 24 tiếng:

  • Tất cả nước tiểu phải được lưu, bảo quản và giữ lạnh. Điều này có nghĩa là người bệnh cần giữ mẫu trong tủ có đựng đá hoặc trong tủ lạnh trong 24 giờ tiếp theo.
  • Sau khi thu thập đủ mẫu cần mang mẫu thử đến phòng xét nghiệm càng sớm càng tốt.
  • Tùy vào điều kiện sức khỏe mà việc thu thập có thể kéo dài vài ngày.

Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm nước tiểu 24h

Ngoài 2 phương pháp trên, trong một số trường hợp đặc biệt như ở trẻ em, việc lấy nước tiểu có thể thực hiện bằng việc đưa ống thông tiểu qua đường tiết niệu vào bàng quang để lấy nước tiểu.

quy trình lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu
Mẫu nước tiểu có thể thu thập theo cách lấy nước tiểu giữa dòng hoặc sau 24 tiếng

Kết quả xét nghiệm nước tiểu mang ý nghĩa gì?

Trong khoảng 1-2 tiếng hoặc sau 1-2 ngày – tùy theo mức độ phức tạp, số lượng mức đo khi phân tích – sau khi chuyển mẫu, người bệnh có thể nhận được kết quả xét nghiệm nước tiểu.

Một chỉ số quan trọng chính là lượng protein có trong nước tiểu. Đôi khi mức protein có thể tăng đột biến do bạn bị sốt, căng thẳng quá mức hay vận động quá sức,… Tuy nhiên lượng protein cao trong nước tiểu bất thường còn là dấu hiệu tiềm ẩn có thể gây ra bệnh thận như tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu hồng cầu hình liềm hay viêm khớp dạng thấp,…

Nếu xét nghiệm nước tiểu bằng kính hiển vi như kiểm tra tế bào hồng cầu hoặc vi khuẩn; kết quả có thể đề cập tới phân loại số lượng của chất theo Ít – Trung bình – Nhiều.

Mặc dù chưa thể chắc chắn liệu người bệnh có vấn đề sức khỏe nào hay không nhưng kết quả xét nghiệm sẽ cho biết dấu hiệu cảnh báo. Trong hầu hết trường hợp, nếu có kết quả bất thường thì người bệnh thêm một số kiểm tra khác như chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm máu,… để cung cấp thông tin chẩn đoán rõ ràng hơn.

Xét nghiệm nước tiểu ở đâu chính xác?

Để có kết quả chính xác cũng như có thể kết hợp điều trị nếu mắc bệnh, bạn nên thực hiện xét nghiệm nước tiểu có thể thực hiện tại các bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế có chuyên khoa liên quan tới Nam khoa – Sản phụ khoa – Tiết niệu – Thận học. Tại những cơ sở y tế có chất lượng, bạn được xét nghiệm bởi hệ thống máy móc hiện đại cũng như nhận được nhiều tư vấn chuyên môn cao.

Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học của Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, Nội khoa và Ngoại khoa, giỏi chuyên môn, tận tâm.

Các chuyên gia, bác sĩ của Trung tâm luôn tự tin làm chủ những kỹ thuật mới nhất, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý về thận và đường tiết niệu, giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học – Tiết niệu Hệ thống PlinkCare, quý khách có thể đặt hẹn qua các cách sau đây:

Xét nghiệm nước tiểu là một trong những cách hỗ trợ kiểm tra không xâm lấn và theo dõi sức khỏe khá đơn giản. Chính bản thân mỗi người cũng có thể tự phát hiện những bất thường của nước tiểu thông qua mùi, màu sắc, độ đục trong.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send