
Xét nghiệm máu có cần nhịn ăn không? Lưu ý quan trọng cần biết
Tổng quan về xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu là đo số lượng và phân tích tế bào trong máu để bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng thể của người bệnh. Bác sĩ lấy mẫu máu và gửi về phòng thí nghiệm. Tại đây, bác sĩ sẽ thực hiện một loạt xét nghiệm để đánh giá tế bào máu.
Dựa vào kết quả xét nghiệm này bác sĩ sẽ chẩn đoán, theo dõi, tầm soát các loại bệnh, tình trạng rối loạn và nhiễm trùng trong cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ xét nghiệm công thức máu để tìm dấu hiệu tác dụng phụ của thuốc hoặc điều chỉnh phương pháp điều trị. (1)
Xét nghiệm máu có cần nhịn ăn không?
Xét nghiệm máu cần nhịn ăn trước khi thực hiện để có kết quả kiểm tra chính xác nhất. Tuy nhiên, một số loại xét nghiệm máu vẫn có thể kiểm tra được khi người bệnh đã ăn.
Một số xét nghiệm máu người bệnh có thể ăn uống bình thường, gồm:
- Xét nghiệm nội tiết.
- Xét nghiệm ung thư.
- Xét nghiệm acid uric có trong máu ở người bệnh Gout.
- Xét nghiệm miễn dịch ở người bệnh HIV/AIDS.

Vì sao cần phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu?
Người bệnh cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác. Tất cả thực phẩm và đồ uống (ngoài nước lọc) đều có vitamin, khoáng chất, chất béo, carbs và protein gây ảnh hưởng đến chỉ số nồng độ trong máu và kết quả xét nghiệm. Vì vậy, người bệnh chỉ uống nước trong 8 giờ trước khi kiểm tra. Tuy nhiên, thời gian người bệnh nhịn ăn trước khi kiểm tra máu sẽ thay đổi tùy theo loại xét nghiệm máu. Một số xét nghiệm có thể yêu cầu người bệnh nhịn ăn trong 12 giờ. (2)
Các loại xét nghiệm máu nào cần phải nhịn ăn?
- Xét nghiệm đường huyết: loại xét nghiệm này thường đo lượng đường trong máu để bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh liên quan tiểu đường. Vì vậy, người bệnh cần nhịn ăn từ 8-10 giờ trước khi làm xét nghiệm để thức ăn trong cơ thể không chuyển hóa thành đường Glucose khiến lượng đường trong máu tăng.
- Xét nghiệm mỡ máu: xét nghiệm này thường được khuyến cáo kiểm tra định kỳ để kiểm soát tốt lượng mỡ trong máu. Người bệnh nhịn ăn từ 8-10 giờ để kết quả xét nghiệm không ảnh hưởng bởi thức ăn mà người bệnh nạp vào cơ thể.
- Xét nghiệm sắt trong máu: bác sĩ xét nghiệm loại này để kiểm tra các bệnh như thiếu sắt, thiếu máu,… Xét nghiệm này, người bệnh cần nhịn ăn 4-6 giờ để tránh các thực phẩm chứa sắt. Bởi, chất này hấp thụ rất nhanh vào máu gây sai lệch chỉ số cần kiểm tra.
- Xét nghiệm chức năng gan: xét nghiệm này hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh gan. Xét nghiệm chức năng gan (GGT) là kiểm tra enzyme – chất hỗ trợ chức năng gan.

Ngoài ra, người bệnh cần nhịn ăn khi thực hiện một số xét nghiệm khác như: xét nghiệm chức năng thận, xét nghiệm Vitamin B12, các xét nghiệm chuyển hóa,… Người bệnh hãy lưu ý và tuân theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Các loại xét nghiệm máu nào thường không yêu cầu nhịn ăn?
Một số loại xét nghiệm máu thường không yêu cầu nhịn ăn, bao gồm:
- Xét nghiệm CBC (Complete Blood Count): xét nghiệm công thức máu (CBC) là bảng xét nghiệm máu toàn diện giúp bác sĩ đánh giá từng loại tế bào trong máu. Xét nghiệm CBC sẽ đo số lượng tế bào hồng cầu (RBC), bạch cầu (WBC) và tiểu cầu (PLT). Mỗi loại tế bào máu đảm nhiệm chức năng khác nhau. Vì vậy, bác sĩ xem kết quả xét nghiệm có thể nắm được thông tin cơ bản sức khỏe của người bệnh. Ngoài ra, CBC có thể được sử dụng để chẩn đoán một loạt tình trạng sức khỏe và theo dõi mức độ ảnh hưởng của cơ thể với các bệnh hoặc phương pháp điều trị y tế khác nhau.
- Xét nghiệm RBC (Red Blood Cell) và WBC (White Blood Cell): Xét nghiệm này nắm được chỉ số các tế bào hồng cầu (RBC) và bạch cầu (WBC). Cụ thể:
- RBC: hồng cầu có chức năng cung cấp, vận chuyển oxy và CO2 đi khắp cơ thể. Khi hồng cầu trong cơ thể quá thấp, người bệnh có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu.
- WBC: bạch cầu có nhiệm vụ giúp cơ thể chống lại vi trùng. Nếu kết quả xét nghiệm có quá nhiều bạch cầu, cơ thể người bệnh đang có dấu hiệu viêm, nhiễm trùng,… Nếu bạch cầu trong máu thấp, cơ thể người bệnh có thể nhiễm trùng nặng hơn, nhiễm virus, bệnh tủy xương hoặc thuốc điều trị nào đó.
- Xét nghiệm Platelet Count (Số tiểu cầu máu): xét nghiệm này đo số lượng tiểu cầu trong máu. Tiểu cầu là tế bào giúp đông máu trong cơ thể. Trong một giọt máu có đến hàng chục ngàn tiểu cầu. Khi cơ thể quá ít tiểu cầu có thể cảnh báo bệnh ung thư, nhiễm trùng,… Mặt khác, cơ thể quá nhiều tiểu cầu, người bệnh có nguy cơ bị đông máu hoặc đột quỵ.
- Xét nghiệm PT (Prothrombin Time) và INR (International Normalized Ratio): xét nghiệm PT để phát hiện và chẩn đoán rối loạn chảy máu hoặc rối loạn đông máu quá mức. INR được tính toán từ kết quả của xét nghiệm PT nhằm theo dõi mức độ hoạt động của thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) trong việc điều trị ngăn cục máu đông. Khi người bệnh chảy máu kéo dài hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân. Bác sĩ sẽ thực hiện loại xét nghiệm này để kiểm tra tình hình đông máu của người bệnh.
- Xét nghiệm PTT (Partial Thromboplastin Time): xét nghiệm này kiểm tra sức khỏe về rối loạn chảy máu hoặc cục máu đông (giai đoạn huyết khối). Kết quả xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán trường hợp sẩy thai tái phát hoặc hội chứng kháng phospholipid (APS). Ngoài ra, xét nghiệm PTT cũng hỗ trợ bác sĩ theo dõi liệu pháp chống đông máu heparin không phân đoạn để đánh giá trước khi phẫu thuật hoặc thực hiện thủ thuật xâm lấn.
- Xét nghiệm Electrolyte Panel (Panel điện giải): xét nghiệm này để đo nồng độ các chất điện giải natri, clorua, kali và bicarbonate. Chất điện giải là khoáng chất kiểm soát lượng chất lỏng trong cơ thể, điều chỉnh cân bằng axit-bazơ và hỗ trợ chức năng của cơ và dây thần kinh. Chất điện phân mang điện tích dương hoặc âm. Bác sĩ sử dụng mức chất điện giải có thể đo được khoảng trống anion sẽ tính toán sự khác biệt giữa các chất điện phân tích điện dương và âm. Cơ thể thường cố gắng duy trì tính trung lập giữa các điện tích này. Vì vậy, khi khoảng trống anion thay đổi sẽ gây mất cân bằng axit-bazơ trong cơ thể.
- Xét nghiệm Creatinine và BUN (Blood Urea Nitrogen): kết quả xét nghiệm này đo được lượng urê trong máu. Urê là chất thải hình thành trong quá trình phân hủy protein tự nhiên của cơ thể. Xét nghiệm BUN thường được kiểm tra cùng xét nghiệm creatinine để đánh giá thận hoạt động tốt không. Mặc dù, xét nghiệm BUN có thể kiểm tra độc lập nhưng thường kết hợp các xét nghiệm khác trong bảng xét nghiệm máu nhằm đánh giá sâu hơn về tình trạng sức khỏe của cơ thể.

Các loại thực phẩm, thức uống nào cần tránh trước khi xét nghiệm máu
- Thức uống có caffeine: chất trong thức uống này gây ảnh hưởng kết quả xét nghiệm, đặc biệt tác động trực điểm đến các xét nghiệm kiểm tra đường huyết, mỡ máu, đường tiêu hóa…
- Rượu: nước uống có nồng độ cồn khiến lượng đường và chất béo trong máu biến đổi. Vì vậy, người bệnh cần tránh trước khi xét nghiệm máu.
- Sữa: một số xét nghiệm máu để kiểm tra đường huyết, xét nghiệm sắt huyết thanh, Ferritin máu, mỡ máu, điện di đạm, C3, C4,… người bệnh cần tránh uống sữa.
- Thức ăn nhiều chất béo: món ăn chiên, rán, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo hoặc thức ăn nhanh sẽ ảnh hưởng các chỉ số giả của máu. Vì vậy, người bệnh cần hạn chế ăn thức ăn nhiều chất béo trước 1-2 ngày xét nghiệm.
- Thức ăn giàu đường: bác sĩ yêu cầu không được ăn trước khi làm xét nghiệm tiểu đường trong vòng 8-10 giờ. Việc này giúp kết quả xét nghiệm đưa ra chính xác lượng đường trong máu và giúp bác sĩ chẩn đoán đúng hơn về tình trạng bệnh.
- Thức ăn giàu sắt: xét nghiệm sắt nhằm đo hàm lượng sắt chứa trong máu. Xét nghiệm này dùng để xác định các bệnh về máu do thiếu sắt. Đa số các loại thức ăn đều chứa một hàm lượng sắt nhất định dù ít hay nhiều. Do đó, trước khi làm xét nghiệm, bạn nên nhịn ăn để kết quả không sai lệch.
- Nước ngọt và đồ uống có gas: nước giải khát có ga làm lượng đường trong máu tăng. Người bệnh uống các nước này trước khi xét nghiệm có thể làm kết quả chẩn đoán sai.
Lưu ý cần biết trước khi xét nghiệm máu
Người bệnh cần lưu ý một số điều sau trước khi xét nghiệm máu để đạt kết quả chẩn đoán chính xác nhất, bao gồm:
- Tuần thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế: người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế để kết quả xét nghiệm được chính xác nhất.
- Thông báo về thuốc và tình trạng sức khỏe: người bệnh đang dùng thuốc nào hãy nói rõ với bác sĩ lưu ý trước khi xét nghiệm máu. Ngoài ra, người bệnh đang mang thai cũng cần báo trước với bác sĩ để đảm bảo an toàn và giảm nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và em bé.
- Thời gian xét nghiệm: người bệnh hãy lựa chọn thời điểm thích hợp nhất để tiến hành xét nghiệm. Hầu hết mọi người thường xét nghiệm vào buổi sáng. Khoảng thời gian phù hợp nhất để xét nghiệm máu vì các chỉ số cơ thể tương đối ổn định.
- Uống đủ nước: người bệnh có thể uống đủ nước lọc trước khi xét nghiệm máu.
- Nghỉ ngơi đủ giấc: người bệnh hãy ngủ đủ giấc để tinh thần không căng thẳng trước khi xét nghiệm máu.
- Tránh tình trạng căng thẳng, lo lắng: người bệnh hãy thả lỏng cơ thể, giữ cho tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng và lo lắng trước khi xét nghiệm.

Một số câu hỏi liên quan
1. Đi xét nghiệm máu có được ăn sáng không?
Người bệnh cần nhịn ăn sáng khi xét nghiệm máu. Nếu người bệnh không nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm bắt buộc không được ăn, bác sĩ sẽ không có kết quả kiểm tra chính xác. Điều này có thể khiến bác sĩ chẩn đoán sai và ảnh hưởng việc điều trị.
2. Lỡ ăn trước khi xét nghiệm máu có sao không?
Nếu người bệnh quên và lỡ ăn hoặc uống trước khi xét nghiệm máu, hãy nói với bác sĩ xem có gây ảnh hưởng kết quả xét nghiệm máu của người bệnh không. Nếu sức khỏe người bệnh cần xét nghiệm máu yêu cầu không ăn trước, bác sĩ sẽ lên lịch hẹn lại hôm khác với người bệnh.
3. Trước khi xét nghiệm máu có được uống sữa không?
Không, người bệnh không uống sữa trước khi xét nghiệm máu. Một số loại xét nghiệm máu, bác sĩ yêu cầu không được ăn hoặc uống trước khi làm xét nghiệm. Nếu người bệnh muốn có kết quả xét nghiệm chuẩn xác, hãy tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh uống sữa hay các chất kích thích như bia, rượu, cà phê…, đặc biệt thuốc kháng sinh.
4. Yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu?
Một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu, gồm:
- Rượu: nước uống có nồng độ cồn này ảnh hưởng đến lượng đường và chất béo trong máu. Điều này có thể gây sai kết quả xét nghiệm máu.
- Hút thuốc: việc này có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm máu.
- Nhai kẹo cao su: Người bệnh trước khi xét nghiệm máu cũng cần tránh nhai kẹo cao su, bao gồm cả kẹo không chứa đường. Bởi, kẹo cao su có thể tăng tốc độ tiêu hóa và làm thay đổi kết quả xét nghiệm máu.
- Tập thể dục: hầu hết các bài tập đều tăng tốc độ tiêu hóa và ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu. Vì vậy, người bệnh cần tránh tập thể dục khoảng thời gian trước khi xét nghiệm máu.
Trung tâm Xét nghiệm, PlinkCare quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm trong tiếp nhận, phân tích mẫu bệnh phẩm, cung cấp kết quả xét nghiệm chính xác, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, Trung tâm Xét nghiệm còn được đầu tư, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012 với hệ thống máy Roche Cobas 6000; hệ thống quản lý phòng xét nghiệm Cobas Infinity; hệ thống máy Sysmex XN1000, Sysmex cs-1600; máy khí máu Roche Cobas b211; máy cấy máu; máy định danh – kháng sinh đồ tự động Vitek II Compact; máy PCR… được nhập từ các nước tiên tiến trên thế giới gồm Mỹ, Úc. Điều này nhằm đáp ứng các xét nghiệm tổng quát, các xét nghiệm chuyên sâu, góp phần nâng cao hiệu quả trong tư vấn, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Thông qua bài “Xét nghiệm máu có cần nhịn ăn không? Lưu ý quan trọng cần biết”, mong rằng người bệnh không quá căng thẳng vấn đề ăn uống trước khi xét nghiệm. Nếu khách hàng nhận thấy bản thân gặp vấn đề sức khỏe, hãy đến gặp bác sĩ tại Trung tâm xét nghiệm, PlinkCare TP.HCM để được kiểm tra và điều trị kịp thời.