Image

Vôi hóa tuyến vú: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Vôi hóa tuyến vú là gì?

Vôi hóa tuyến vú là hiện tượng canxi tích tụ, phát triển trong mô vú, không đau và rất nhỏ nên không thể sờ thấy. Vì vậy, người bệnh có thể không biết mình có sang thương vôi hóa trừ khi chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú).

Vôi hóa thường vô hại nhưng có thể là dấu hiệu sớm của các tế bào bất thường đang phát triển trong mô vú. Kích thước, hình dạng và sự phân bố của vôi hóa có thể là dấu hiệu của tình trạng lành tính hoặc cần xét nghiệm thêm để loại trừ bệnh ác tính.

Vú vôi hóa ảnh hưởng tới người bệnh thế nào?

Chỉ 1 nguy cơ nhỏ cho thấy vôi hóa có thể là dấu hiệu của ung thư cũng khiến người bệnh lo lắng. Tuy nhiên, ngay cả kết quả phim chụp nhũ ảnh phát hiện vôi hóa cũng chưa thể chắc chắn có phải ung thư hay không. Nhiều tình trạng lành tính có thể để lại cặn canxi trong mô vú. Ngay cả bác sĩ chẩn đoán ung thư bạn cũng không cần quá lo lắng, bởi nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp có thể ngăn bệnh tiến triển.

vi vôi hóa nhũ ảnh

Các loại vôi hóa vú khác nhau

Trên phim chụp nhũ ảnh, vôi hóa vú xuất hiện dưới 2 dạng: vôi hóa đại thể (còn gọi vô hóa vĩ mô) và vi vôi hóa.

1. Vôi hóa vĩ mô (vôi hóa đại thể)

Vôi hóa vĩ mô (vôi hóa đại thể) là sự lắng đọng canxi lớn, thô ở vú, phổ biến ở phụ nữ trên 50 tuổi. Tình trạng này thường lành tính, không phải ung thư và xuất phát từ những yếu tố sau:

  • Lão hóa động mạch.
  • Chấn thương mô vú.
  • Phẫu thuật hoặc xạ trị trên mô vú trước đó.
  • Nhiễm trùng ở các mô vú.
  • Sự phát triển không gây ung thư ở vú, chẳng hạn như u xơ tuyến hoặc u nang
  • Cặn canxi trong da hoặc mạch máu.

Các bác sĩ dễ dàng xác định các vôi hóa đại thể trên phim chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú). Vôi hóa đại thể thường không cần theo dõi hoặc làm sinh thiết chẩn đoán.

2. Vi vôi hóa

Vi vôi hóa là sự tích tụ canxi rất nhỏ trong vú. Một hoặc nhiều vi vôi hóa (cụm) có thể phát triển ở 1 vùng của vú.

Các tế bào vú phát triển và phân chia sẽ tạo nhiều canxi hơn. Điều này khiến vi vôi hóa có xu hướng xuất hiện ở vùng vú – nơi các tế bào đang phát triển và phân chia. Khi các tế bào hoạt động mạnh hơn ở 1 vùng nhất định của vú, điều đó đồng nghĩa, những tế bào ung thư cũng ở khu vực này. Các bác sĩ sẽ kiểm tra 1 loạt các vi vôi hóa. Tình trạng này không có nghĩa là bạn mắc ung thư.

Nếu mắc vi vôi hóa, bác sĩ sẽ yêu cầu:

  • Chụp nhũ ảnh chẩn đoán với kỹ thuật khu trú hoặc phóng đại.
  • Sinh thiết.
  • Theo dõi chụp nhũ ảnh trong 6 tháng nếu BIRADS 3.

Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chia vôi hóa thành các trường hợp sau:

  • Lành tính: không cần xét nghiệm thêm.
  • Không xác định (có thể lành tính): người bệnh được chỉ định tái khám sau 6 tháng để chụp nhũ ảnh lần nữa, nhằm kiểm tra sự thay đổi của vôi hóa.
  • Khả nghi: người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm bổ sung.

Nếu tình trạng vôi hóa lành tính thì không cần làm gì thêm. Trường hợp vôi hóa không xác định hoặc đáng ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm thêm.

Vôi hóa lành tính không đáng lo ngại và sẽ được đánh giá trên phim chụp nhũ ảnh trong tương lai bằng cách so sánh hình ảnh qua các lần kiểm tra định kỳ. Các sang thương vôi hóa có khoảng 98% lành tính, xếp loại BIRADS 3.

Vôi hóa đáng ngờ có thể nhìn thấy trong các tình huống lành tính hoặc ác tính (ung thư). Vôi hóa lành tính không cần loại bỏ. Vôi hóa nghi ngờ ác tính cần được sinh thiết. Những trường hợp không xác định có thể theo dõi định kỳ 6 – 12 tháng/lần hoặc sinh thiết.

Nếu chưa thể chắc chắn vôi hóa lành hay tính, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh quay lại chụp nhũ ảnh sau 6 tháng. Mặt khác, nếu nghi ngờ ác tính, bác sĩ sẽ đề nghị sinh thiết. Thực tế, chỉ có khoảng 1 trong 4 phụ nữ có vôi hóa đáng ngờ được thực hiện sinh thiết chẩn đoán ung thư vú, thường ở giai đoạn tiền xâm lấn sớm (DCIS).

Nguyên nhân vôi hóa tuyến vú

Các nhà nghiên cứu không biết nguyên nhân gây vôi hóa nhưng có một số cách giải thích về tình trạng này. Sự lắng đọng canxi được hình thành để đáp ứng cho các hoạt động khác có thể ảnh hưởng đến mô vú. Vôi hóa vú lành tính thường liên quan đến:

  • Chấn thương vú.
  • U nang vú.
  • Nhiễm trùng vú.
  • Lão hóa động mạch ở vú.
  • Các khối u lành tính ở vú (u xơ tuyến).
  • Giãn ống dẫn sữa.
  • Phẫu thuật vú trước đây.
  • Điều trị ung thư vú trước đây.
  • Ung thư: vôi hóa ung thư vú thường liên quan đến ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS). DCIS là dạng ung thư vú không xâm lấn hình thành trong ống dẫn sữa. Không xâm lấn có nghĩa là ung thư chưa lan ra ngoài ống dẫn sữa.
vú vôi hóa
Vôi hóa vú thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi, chủ yếu lành tính.

Dấu hiệu vôi hóa tuyến vú

Vôi hóa tuyến vú thường không gây triệu chứng, kích thước quá nhỏ nên không thể cảm nhận khi khám vú. Người bệnh chỉ có thể biết mình có vôi hóa khi chụp nhũ ảnh định kỳ.

Phương pháp chẩn đoán vôi hóa ở vú

Hầu hết vôi hóa vú đều lành tính và không cần theo dõi đặc biệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng này có thể là dấu hiệu bất thường của tuyến vú. Ví dụ, nếu kết quả chụp nhũ ảnh cho thấy cụm vôi hóa dày đặc hoặc những đốm trắng nhỏ trên 1 đường, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm bổ sung để loại trừ ung thư. Các xét nghiệm gồm:

1. Chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú)

Hình ảnh phần vú bị ảnh hưởng được chụp từ nhiều góc độ, phóng đại hoặc khu trú để bác sĩ xem xét kỹ và nhìn rõ hơn về hình dạng, sự sắp xếp của vôi hóa.

Phim chụp nhũ ảnh đôi khi sai lệch chẩn đoán vi vôi hóa: các khối u hoặc u nang không phải ung thư nhưng có thể liên quan đến tình trạng vôi hóa trên phim chụp nhũ ảnh khi người bệnh bôi bột, kem hoặc chất khử mùi lên vùng da gần ngực. Đây là lý do tại sao người bệnh không nên dùng chất khử mùi và nên lau sạch ngực trước khi chụp nhũ ảnh.

2. Sinh thiết vú

Trong nhiều trường hợp, người bệnh cần phải sinh thiết lõi kim để xác định nguyên nhân gây lắng đọng canxi. Kỹ thuật sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc nhũ ảnh sẽ lấy 1 lượng nhỏ mô vú để mang đi xét nghiệm giải phẫu bệnh.

3. Đánh giá và theo dõi xét nghiệm vôi hóa

Nếu vôi hóa xuất hiện trên phim chụp nhũ ảnh, bác sĩ sẽ so sánh kết quả hiện tại với các kết quả chụp trước đó, nhằm xác định vôi hóa mới chỉ xuất hiện hay bạn đã bị vôi hóa trước đó nhưng lần này có sự thay đổi về số lượng hoặc kích thước. Bác sĩ sẽ đề nghị chụp nhũ ảnh phóng đại để cung cấp thêm thông tin về đặc điểm của từng cụm vôi hóa.

Kỹ thuật chụp nhũ ảnh chuyên biệt này cung cấp tầm nhìn tập trung hơn vào 1 vùng cụ thể của vú. Nó cũng có thể liên quan đến việc nén tại chỗ, sử dụng các miếng đệm nhỏ để làm phẳng vùng vú cần quan tâm, điều này có thể cho phép quan sát tốt hơn.

Tùy thuộc vào cơ sở y tế – nơi bạn lựa chọn sàng lọc ung thư vú bằng nhũ ảnh. Nếu kết quả có dấu hiệu bất thường, bạn có thể sẽ phải quay lại chụp nhũ ảnh theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị vôi hóa vú

Hầu hết các nguyên nhân gây vôi hóa vú đều lành tính. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ xem phim chụp nhũ ảnh của bạn trước đó và đối chiếu với kết quả hiện tại để so sánh và xem liệu vôi hóa có thay đổi hay không.

Nếu 1 hoặc nhiều xét nghiệm tiếp theo cho thấy tình trạng vôi hóa bất thường hoặc biểu hiện của ung thư, người bệnh nên đến gặp bác sĩ khoa Ngoại Vú để được tư vấn điều trị.

Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

  • Theo dõi để xem có bất kỳ thay đổi nào đáng lo ngại không.
  • Loại bỏ mô vú 1 phần dưới hướng dẫn của nhũ ảnh
  • Vôi hóa ác tính sẽ điều trị tương tự ung thư vú.

Người bệnh cần thảo luận về kết quả và lựa chọn phương pháp điều trị với bác sĩ khoa Ngoại Vú.

Phòng ngừa và chăm sóc với tình trạng vú vôi hóa

Không thể ngừa tình trạng vôi hóa vú nhưng việc phát hiện sớm qua chụp nhũ ảnh có thể giúp xác định những dấu hiệu bất thường ở tuyến vú.

vú vôi hóa
Vôi hóa vú được phát hiện trên phim chụp nhũ ảnh khi người bệnh khám tầm soát ung thư vú.

Câu hỏi thường gặp về vôi hóa vú

1. Có cần lo lắng về tình trạng vôi hóa vú không?

Tình trạng vôi hóa vú khá phổ biến, phần lớn không phải ung thư. Ngay cả phụ nữ được chẩn đoán vôi hóa vĩ mô cũng không có nguy cơ mắc ung thư vú. Những vôi hóa đại thể không liên quan đến sự phát triển ung thư vú.

Nếu vi vôi hóa xuất hiện thành các đường hoặc cụm nhỏ, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm bổ sung.

Nếu kết quả sinh thiết không cho thấy ung thư, các cụm vi vôi hóa này sẽ được so sánh hàng năm để kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường. Sinh thiết bổ sung chỉ cần thiết khi phát hiện 1 vùng vi vôi hóa mới hoặc có sự thay đổi so với kết quả chụp nhũ ảnh trước đó của người bệnh.

Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh không muốn gây lo lắng cho người bệnh nhưng sẽ thận trọng để phát hiện sớm ung thư vú. Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số mới và kiến ​​thức về loại vôi hóa liên quan đến ung thư vú sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị hiệu quả. Điều quan trọng là sàng lọc ung thư vú định kỳ. Trao đổi với bác sĩ để được chỉ định phương pháp khám sàng lọc phù hợp với phụ nữ trước 35 tuổi.

2. Vôi hóa tuyến vú có thể biến thành ung thư vú không?

Khi kết quả chụp nhũ ảnh phát hiện vôi hóa, bác sĩ sẽ ghi nhận trong hồ sơ bệnh án của bạn, sau đó đối chiếu với kết quả chụp nhũ ảnh trong tương lai để xem xét có sự thay đổi nào xảy ra không.

Dù vôi hóa vú không phải ung thư nhưng ở 1 số trường hợp, tình trạng này có thể biểu hiện ung thư vú hoặc những thay đổi tiền ung thư đến mô vú.

Theo 1 nghiên cứu, các vôi hóa đáng ngờ BIRADS 4 trở lên cần xét nghiệm theo dõi, tỷ lệ ung thư ở trường hợp này chiếm khoảng 12% – 40%. Nghiên cứu khác cho thấy, nhiều trường hợp trong số này có khả năng dương tính giả, nghĩa là chẩn đoán có thể ung thư hoặc nghi ngờ ung thư nhưng hóa lành tính. Nghiên cứu đang được tiến hành để cải thiện công nghệ phát hiện ung thư, giúp chẩn đoán chính xác.

Chụp nhũ ảnh định kỳ là việc làm cần thiết để phát hiện sớm ung thư. Các vi vôi hóa xuất hiện ở khoảng 1 nửa số trường hợp ung thư vú khi không phát hiện khối u. Tầm soát bằng chụp nhũ ảnh giúp phát hiện các vi vôi hóa, từ đó chẩn đoán 85% – 95% DCIS, các tế bào ung thư giai đoạn đầu hoặc trong ống dẫn sữa.

3. Có cần loại bỏ vôi hóa ở vú không?

Không cần loại bỏ vôi hóa ở vú. Tình trạng này do cặn canxi hình thành khi tế bào phân chia và phát triển và thường vô hại. Nếu tình trạng vôi hóa xảy ra do các tế bào phát triển và phân chia bất thường, chẳng hạn như các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư. Trường hợp chưa khẳng định vi vôi hóa có phải ung thư hay không thì các vi vôi hóa từ BIRADS 4 trở lên cần được loại bỏ.

4. Cần làm gì khi phát hiện thấy vôi hóa vú trong lần chụp X-quang tuyến vú sau này?

Chụp nhũ ảnh định kỳ và trao đổi tình trạng sức khỏe của bản thân với bác sĩ. Nếu có nguy cơ mắc ung thư vú ở mức trung bình, từ 40 tuổi nên bắt đầu kiểm tra vú định kỳ 1 hoặc 2 năm/lần.

Nếu tình trạng vôi hóa liên quan đến ung thư, bạn cần thực hiện bổ sung các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hoặc chụp nhũ ảnh thường xuyên.

5. Tôi nên hỏi bác sĩ những câu hỏi gì nếu thấy vôi hóa?

Khi được chẩn đoán vi vôi hóa, cần trao đổi với bác sĩ về:

  • Nguyên nhân gây ra tình trạng vôi hóa của tôi là gì?
  • Tình trạng vôi hóa có phải dấu hiệu của bệnh ung thư?
  • Những xét nghiệm nào tôi cần làm tiếp theo?
  • Tình trạng vôi hóa ở vú có ảnh hưởng đến tần suất tôi chụp nhũ ảnh không?
  • Hồ sơ vôi hóa của tôi được lưu trữ như thế nào để so sánh với kết quả chụp nhũ ảnh trong tương lai?
vi vôi hóa tuyến vú
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang đang tư vấn cho người bệnh.

6. Vôi hóa vú có thể biến mất?

Tình trạng vôi hóa biến mất một cách tự nhiên trên chụp nhũ ảnh là 1 phát hiện hiếm gặp. Hiện tượng này được xác định bằng việc giảm số lượng hoặc mức độ vôi hóa vú trên phim chụp nhũ ảnh so với kết quả trước đó, xảy ra trên bệnh nhân có các vấn đề khác về vú đi kèm.

7. Ung thư vú dạng vi vôi hóa phát triển nhanh như thế nào?

Vi vôi hóa liên quan đến ung thư biểu mô ống tuyến vú tại chỗ (DCIS) biểu hiện ở kích thước lớn và tốc độ tăng trưởng mỗi năm tương đối cao so với vôi hóa liên quan đến bệnh vú lành tính.

Do vôi hóa lành tính ở tuyến vú phát triển theo thời gian nên việc sinh thiết “các loại vi vôi hóa tăng trưởng” hiện nay dẫn đến nhiều kết quả lành tính.

8. Caffeine có gây vôi hóa vú không?

Caffeine không phải nguyên nhân trực tiếp gây vôi hóa trong vú nhưng nhiều chuyên gia tin rằng, 1 lượng lớn caffeine có thể thay đổi nồng độ hormone, ảnh hưởng đến sự hình thành u xơ nang vú hoặc gây đau vú.

9. Ung thư vú giai đoạn đầu có dấu hiệu vi vôi hóa như thế nào?

Theo một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Nghiên cứu và Điều trị ung thư vú, vi vôi hóa vú là dấu hiệu duy nhất của ung thư vú ở 12,7% – 41,2% ở phụ nữ trải qua các xét nghiệm chẩn đoán sâu hơn, sau khi chụp nhũ ảnh khu trú và phóng đại vi vôi hóa.

10. Vi vôi hóa vú có phải là hiện tượng bình thường không?

Vi vôi hóa vú là hiện tượng tích tụ canxi nhỏ phát triển trong mô vú của phụ nữ, tình trạng này phổ biến và thường lành tính. Tuy nhiên, một số loại vi vôi hóa tuyến vú có thể gợi ý ung thư vú giai đoạn đầu.

11. Vi vôi hóa vú nghi ngờ là gì?

Trong một số trường hợp, vi vôi hóa bất thường nhưng không hẳn ác tính, xếp hạng BIRADS 3. Tình trạng này sau khi chụp nhũ ảnh cần theo dõi 6 tháng. Những vi vôi hóa có kích thước hoặc hình dạng không đều, dị dạng hoặc tập trung với nhau thành cụm được xem là các vôi hóa nghi ngờ ác tính, xếp hạng BIRADS 4 trở lên.

12. Vi vôi hóa vú có phải do di truyền không?

Mật độ vú, vi vôi hóa và khối lượng có thể di truyền. Nghiên cứu cho thấy, 3 yếu tố nguy cơ ung thư vú có thể truyền qua gen gồm: mô vú dày đặc, vi vôi hóa và khối u.

13. Vôi hóa vú có cần sinh thiết không?

Hầu hết các trường hợp lành tính không cần sinh thiết. Nếu vi vôi hóa nghi ngờ ác tính phải được sinh thiết dưới hướng dẫn của nhũ ảnh. Bác sĩ sẽ yêu cầu sinh thiết bằng kim lõi lớn, loại bỏ 1 mảnh mô nhỏ ở khu vực đó để kiểm tra xem có ung thư tiềm ẩn hay không. Phương pháp chụp nhũ ảnh được dùng để hướng kim đến vị trí vi vôi hóa vì chúng quá nhỏ nên không thể sờ được. Siêu âm không thể nhìn thấy các vi vôi hóa này.

14. Làm thế nào bạn có thể ngăn ngừa vi vôi hóa?

Không có cách nào ngăn tình trạng vi vôi hóa vì đây là kết quả của nhiều quá trình sinh học khác nhau. Bỏ hút thuốc và thay đổi chế độ ăn uống có thể tác động đến sự hình thành vi vôi hóa, tùy thuộc vào vị trí tích tụ vôi hóa.

15. Bao nhiêu phần trăm vi vôi hóa trong vú là ác tính?

Các hình thái vi vôi hóa nghi ngờ ác tính gồm: hình thái phân nhánh vô định hình, không đồng nhất thô, đa hình và tuyến tính theo ống dẫn sữa. Các giá trị tiên lượng dương tính cho tình trạng này lần lượt khoảng 20%, 20%, 28% và 70%.

16. Tình trạng vi vôi hóa vú có phổ biến ở ngực có mô vú dày đặc không?

Tỷ lệ phụ nữ có vi vôi hóa chiếm 0,3%. Tỷ lệ phụ nữ có bộ ngực dày đặc (phân loại mật độ mô vú 3 và 4) chiếm 38,4%. Phụ nữ ung thư vú có tỷ lệ vi vôi hóa và ngực dày đặc cao hơn phụ nữ không mắc bệnh.

17. Phân biệt vôi hóa có thể là lành tính hoặc ác tính như thế nào?

Vôi hóa lành tính thường lớn, thô, tròn với bờ nhẵn và phân bố rải rác hoặc lan tỏa. Vôi hóa ác tính thường xuất hiện thành cụm, đa hình thái, mịn và phân nhánh tuyến tính theo ống tuyến hoặc hình cành cây.

18. Siêu âm vú có thấy vi vôi hóa không?

Siêu âm vú có thể xác định các khối u có khả năng gây ung thư liên quan đến vôi hóa vú, bao gồm những u không thể nhìn thấy trên phim chụp nhũ ảnh. Tuy nhiên, nếu vi vôi hóa đơn thuần sẽ không thấy được trên siêu âm tuyến vú.

19. Sự phân bố vôi hóa nào đáng nghi ngờ nhất?

Những vôi hóa đáng ngờ thường không đều. Bất kể hình thái là gì thì sự phân bố vôi hóa theo từng đoạn hoặc tuyến tính trong ống tuyến vú có thể liên quan đến bệnh ác tính và cao gấp đôi so với bất kỳ hình thái nào khác.

20. Thực phẩm nào gây vôi hóa vú?

Chế độ ăn uống không liên quan đến vôi hóa vú. Vôi hóa có thể liên quan đến tuổi tác, chấn thương, viêm nhiễm trong quá khứ hoặc sưng mô vú do nhiễm trùng.

Khoa Ngoại Vú, PlinkCare TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu tất cả các vấn đề liên quan đến tuyến vú nói chung (khối u lành tính, bất thường bẩm sinh, vú sa trễ, vú phì đại…) và ung thư vú nói riêng.

Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị các máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ nhằm chẩn đoán bệnh chính xác nhất như máy siêu âm đàn hồi, máy chụp nhũ ảnh 3D, máy chụp cộng hưởng từ… giúp tất cả người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM.

Bài viết đã cung cấp những thông tin về vôi hóa tuyến vú là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị. Vôi hóa vú chủ yếu lành tính nên các chị em không nên quá lo lắng, tình trạng này chỉ cần theo dõi, kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send