Image

Vỡ tử cung trong chuyển dạ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí

Vậy nguyên nhân nào gây vỡ tử cung khi sinh? Tình trạng này được xử trí thế nào? Có thể phòng ngừa tai biến sản khoa này không?… Tất cả những thắc mắc này sẽ được ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa PlinkCare TP.HCM chia sẻ cụ thể trong bài viết dưới đây.

Vỡ tử cung trong chuyển dạ là gì?

Vỡ tử cung trong chuyển dạ là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm, gồm: vỡ tử cung, băng huyết sau sinh, nhau bong non, nhiễm trùng hậu sản và uốn ván sơ sinh. Khi vỡ tử cung không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, có thể thai nhi và dịch ối trong tử cung bị tống xuất ra ngoài tử cung và tràn vào ổ bụng. Tình trạng này có thể gây mất máu ở mẹ; thiếu oxy, tổn thương não bộ ở thai nhi. (1)

ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa – PlinkCare TP.HCM cho biết, ước tính cứ 5.000 – 7.000 ca sinh nở thì có 1 ca bị vỡ tử cung. Tỷ lệ vỡ tử cung ở ca tử cung có sẹo cũ và không có sẹo đều đang gia tăng trên toàn thế giới. Vỡ tử cung thường gặp hơn ở mẹ bầu có tiền sử sinh mổ lấy thai trước đó.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ vỡ tử cung khi sinh phụ thuộc vào số lần mổ lấy thai và loại sẹo mổ cũ ở tử cung hiện tại. Tỷ lệ vỡ tử cung là khoảng 1% đối với mẹ bầu từng sinh mổ 1 lần trước đó. Tỷ lệ này tăng lên 3,9% đối với mẹ bầu từng sinh mổ nhiều hơn 1 lần. Nghĩa là, nguy cơ vỡ tử cung sẽ tăng lên theo số lần sinh mổ lấy thai. (2)

tử cung bị vỡ khi sinh

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến vỡ tử cung

Các yếu tố nguy cơ vỡ tử cung, có thể từ mẹ bầu, từ thai nhi hay từ cuộc chuyển dạ. Cụ thể như sau:

Nguy cơ từ mẹ bầu

  • Bất tương xứng giữa khung chậu – thai: Khung chậu hẹp, không tương xứng với cân nặng của thai nhi; hoặc có khối u xơ, u buồng trứng nghi ngờ khối u tiền đạo;
  • Có vết sẹo mổ cũ trên tử cung, chẳng hạn như mổ lấy thai, mổ khâu vỡ tử cung, mổ bóc nhân xơ, sẹo mổ dọc thân tử cung;
  • Dị dạng tử cung như tử cung đôi, tử cung một sừng, tử cung hai sừng;
  • Mang thai và sinh nở nhiều lần, có tiền sử sinh song thai hoặc đa thai;
  • Có thai trở lại sớm sau mổ lấy thai;
  • Có nạo hút, phá thai nhiều lần;
  • Mẹ bầu gặp chấn thương mạnh ở vùng bụng.

Nguy cơ từ thai nhi

  • Thai nhi to bất cân xứng giữa thai nhi và khung chậu;
  • Thai não úng thủy to hoặc dính nhau;
  • Ngôi thai bất thường như ngôi mông, ngôi ngang, kiểu thế bất thường.
ngôi thai không thuận lợi
Ngôi thai không thuận là một trong những nguyên nhân từ phía thai nhi khiến mẹ bầu có nguy cơ vỡ tử cung khi sinh

Nguy cơ từ cuộc chuyển dạ

  • Thực hiện các thủ thuật khi chưa đủ điều kiện hoặc thao tác kỹ thuật chưa phù hợp;
  • Cuộc chuyển dạ kéo dài có bất thường của sự lọt xuống của thai khó khăn, khung chậu không rộng rãi;
  • Có cơn co tử cung bất thường, nhất là trong trường hợp chỉ định sử dụng thuốc tăng co.

Dấu hiệu vỡ tử cung trong chuyển dạ

Vỡ tử cung trong chuyển dạ sẽ diễn tiến các triệu chứng dọa vỡ tử cung trước khi phát triển thành triệu chứng vỡ tử cung thực sự. Bác sĩ Quý Khoa chia sẻ trên lâm sàng có thể phát hiện dấu hiệu dọa vỡ tử cung và vỡ tử cung như sau:

1. Dấu hiệu dọa vỡ tử cung

Chỉ xảy ra trên tử cung không có sẹo mổ cũ:

  • Mẹ bầu cảm thấy các cơn co tử cung diễn ra càng lúc càng nhanh và mạnh hơn, làm mẹ bầu cảm thấy đau nhiều hơn.
  • Thấy đáy tử cung ngày càng dâng lên cao so với rốn, ở phía dưới rốn thấy tử cung bị thắt lại, có hình dạng quả bầu nậm và vòng thắt (gọi là vòng Bandl).
  • Tim thai còn bình thường hoặc bắt đầu không đều, có dấu hiệu suy thai.

Bác sĩ Quý Khoa cho biết, vòng Bandl chính là ranh giới giữa thân tử cung và đoạn dưới của tử cung. Khi xuất hiện các triệu chứng dọa vỡ kể trên, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng vỡ tử cung thực sự.

2. Dấu hiệu vỡ tử cung trong chuyển dạ

  • Mẹ bầu đã có dấu doạ vỡ tử cung sẽ cảm thấy đột ngột đau nhói. Sau đó sẽ bớt đau hơn nhưng tổng trạng lại xấu dần.
  • Mạch đập nhẹ, tụt huyết áp, da xanh xao, chân tay lạnh.
  • Âm đạo chảy máu đỏ tươi.
  • Nước tiểu có thể có màu đỏ như lẫn máu.
  • Có những dấu hiệu suy thai như mất cơn co tử cung hoặc thai không máy.
  • Bụng có thể bị biến dạng, lình phình, có thể sờ thấy thai nhi.
  • Khi thăm khám có phản ứng thành bụng và đau nhói nơi vết mổ.
  • Không sờ thấy đáy tử cung trong trường hợp thai nhi đã bị đẩy vào ổ bụng.

Tử cung bị vỡ trong chuyển dạ nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ Quý Khoa cho biết, vỡ tử cung khi sinh nếu không được can thiệp ngay lập tức và hiệu quả có nguy cơ đe dọa tính mạng mẹ bầu lẫn thai nhi. Vỡ tử cung gây chảy máu ồ ạt, mẹ bầu dễ rơi vào tình trạng sốc do mất máu. Ngoài ra, tình trạng này còn đe dọa tính mạng thai nhi. Theo thống kê, 6,2% trường hợp tử vong chu sinh liên quan đến vỡ tử cung ở mẹ bầu. (3)

”Khi nghi ngờ mẹ bầu bị vỡ tử cung, bác sĩ Sản khoa sẽ chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp để cứu thai nhi, đồng thời cầm máu kịp thời cho mẹ bầu. Nếu không được đưa ra khỏi bụng mẹ nhanh chóng, tính mạng thai nhi sẽ bị đe dọa”, bác sĩ Quý Khoa chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, mẹ bầu có nguy cơ bị cắt tử cung rất cao nếu bị vỡ tử cung trong chuyển dạ. Thống kê cho thấy, khoảng 14-33% các trường hợp vỡ tử cung có chỉ định cắt tử cung khẩn cấp để đảm bảo tính mạng người mẹ, tuy nhiên sẽ có ảnh hưởng đến thiên chức và khả năng làm mẹ trong tương lai. Chưa kể đến, mẹ bầu còn có nguy cơ tổn thương các cơ quan lân cận tử cung như bàng quang, trực tràng, niệu quản, mạch hạ vị.. nhất là trong các tình huống vỡ tử cung phức tạp.

chỉ định cắt bỏ tử cung
Một vài trường hợp vỡ tử cung buộc phải cắt bỏ tử cung, tước đi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ

Chẩn đoán vỡ tử cung trong chuyển dạ

Tình trạng vỡ tử cung trong lúc sinh thường xảy ra đột ngột, các bác sĩ Sản khoa phải xử trí khẩn cấp để giúp mẹ bầu và thai nhi được an toàn, tránh nguy cơ các biến chứng nguy hiểm.

Việc chẩn đoán vỡ tử cung trong chuyển dạ dựa trên các dấu hiệu xảy ra trên lâm sàng, các nguy cơ từ các vết sẹo mổ cũ ở mẹ bầu cũng như các triệu chứng thăm khám thực thể mà bác sĩ nhận định được. Do đó, việc dự phỏng ngăn ngừa vỡ tử cung xảy ra rất quan trọng.

Nhóm đối tượng mẹ bầu được đề nghị theo dõi thai kỳ chặt chẽ, tầm soát nguy cơ vỡ tử cung khi sinh gồm:

  • Tiền sử mổ lấy thai ở trên thân tử cung.
  • Có từ hai lần mổ lấy thai trở lên.
  • Tiền sử từng mổ cắt góc tử cung trong điều trị mang thai ngoài tử cung.
  • Tiền sử từng mổ bóc nhân xơ tử cung.
  • Tiền sử từng khâu lỗ thủng tử cung.

Cách xử trí và điều trị vỡ tử cung khi sinh

Bác sĩ Quý Khoa chia sẻ, vỡ tử cung thường xảy ra trong quá trình sinh nở và có thể đe dọa tính mạng cả mẹ bầu lẫn thai nhi nếu không được can thiệp xử trí kịp thời và hiệu quả. Chính vì thế, yếu tố quan trọng trong xử trí vỡ tử cung là xác định sớm tình trạng, chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và ứng dụng phác đồ điều trị phù hợp ngay lập tức. (4)

Tất cả các trường hợp dọa vỡ tử cung, vỡ tử cung cần mổ lấy thai cấp cứu tối khẩn, vừa hồi sức vừa mổ. Tiến hành hồi sức cho mẹ bầu bằng cách bồi hoàn thể tích tuần hoàn, tức là bù lại khối lượng máu bị mất, đồng thời truyền dịch trước, trong và sau phẫu thuật.

Trong quá trình mổ, dựa trên tình trạng sức khỏe của mẹ bầu, vết vỡ tử cung đơn giản hay phức tạp cũng như kế hoạch mang thai và sinh nở của mẹ bầu mà bác sĩ có chỉ định bảo tồn hoặc cắt tử cung phù hợp.

chỉ định mổ lấy thai
Trong tình huống khẩn cấp, bác sĩ Sản khoa buộc phải chỉ định mổ bắt lấy thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi
  • Khâu bảo tồn tử cung: Tuổi mẹ bầu còn trẻ, còn nguyện vọng mang thai và sinh nở trong tương lai, vết vỡ tử cung không phức tạp, không bị nhiễm khuẩn tử cung.
  • Cắt tử cung: Khi mẹ bầu lớn tuổi và đã sinh nở nhiều lần, đã đủ số con mong muốn, không còn kế hoạch mang thai và sinh nở trong tương lai, đồng thời có tình trạng nhiễm khuẩn nhiều, hoặc nhận thấy vết vỡ tử cung phức tạp, bác sĩ sẽ chỉ định cắt tử cung nhằm cầm máu và cơ hội phục hồi tốt sức khoẻ cho mẹ bầu.

Khi vết vỡ tử cung phức tạp, cần kiểm tra các cơ quan lân cận như bàng quang, niệu quản 2 bên, ruột… có bị tổn thương không. Nếu các cơ quan lân cận bị tổn thương, sẽ tuỳ tình trạng mà xử trí theo đúng chuyên khoa. Sau phẫu thuật, mẹ bầu được chỉ định dùng kháng sinh liều cao và chăm sóc hậu phẫu sát sao.

Biện pháp phòng ngừa tử cung bị vỡ khi chuyển dạ

Trang bị kiến thức theo dõi, chăm sóc thai kỳ là cách để dự phòng nguy cơ vỡ tử cung khi sinh. Bác sĩ Quý Khoa khuyến cáo, mẹ bầu cần:

  • Thăm khám thai kỳ đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, luôn nói cụ thể tiền sử của bản thân hoặc các yếu tố nguy cơ từng có với bác sĩ.
  • Mẹ bầu có sẹo mổ cũ cần nhập viện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để được theo dõi sát sao, can thiệp đúng lúc và hiệu quả nhằm tránh các nguy cơ có thể xảy ra, tránh biến chứng nguy hiểm.
  • Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không mang thai và sinh nở quá dày. Khuyến cáo mẹ bầu nếu sinh mổ cần có kế hoạch ngừa thai ít nhất 1 năm.
  • Quan trọng nhất, mẹ bầu cần lựa chọn cơ sở y tế có đơn vị Sản khoa có uy tín để được chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh, can thiệp đúng lúc và hiệu quả, ngăn ngừa các nguy cơ đe dọa thai kỳ, đảm bảo mẹ tròn con vuông.

Khuyến cáo mẹ bầu nằm trong nhóm nguy cơ bị vỡ tử cung cần chọn đơn vị Sản khoa giỏi để được chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh và an toàn

box bác sĩ nguyễn thị quý khoa
ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa PlinkCare TP.HCM nhiều năm kinh nghiệm sẵn sàng đồng hành cùng mẹ bầu trải qua thai kỳ khỏe mạnh, an toàn

Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, ứng dụng phác đồ tiên tiến nhất trên thế giới trong chăm sóc thai kỳ và điều trị hiệu quả các tai biến sản khoa nguy hiểm.

Đặc biệt, Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống PlinkCare triển khai đa dạng gói thai sản theo yêu cầu, thai sản trọn gói, sinh con trọn gói… với đầy đủ tiện ích theo dõi, siêu âm, xét nghiệm thường quy trong suốt thai kỳ đến khi “vượt cạn” và sau sinh, đảm bảo mẹ bầu vui khỏe, an tâm tận hưởng thai kỳ khỏe mạnh, nhẹ nhàng và an toàn trong suốt cuộc sinh.

Để đặt lịch hẹn tư vấn và thăm khám với các chuyên gia Sản khoa tại Hệ thống PlinkCare, mẹ bầu vui lòng liên hệ đến:

Vỡ tử cung trong chuyển dạ là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng mẹ bầu và thai nhi nếu không được can thiệp xử trí kịp thời và hiệu quả. Chính vì thế, nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ vỡ tử cung nào, mẹ bầu cần tuân thủ thăm khám thai kỳ đều đặn theo chỉ định của bác sĩ đề được tầm soát, dự phòng đẩy lùi nguy cơ!

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send