
Viêm xoang mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Có nhiều tác nhân cản trở dẫn lưu dịch mũi, tạo ra điều kiện cho vi khuẩn tích tụ. Rối loạn chức năng lông chuyển hoặc bất thường về cấu trúc mũi có thể làm trầm trọng thêm quá trình này.

Viêm xoang mạn tính là gì?
Viêm xoang mạn tính là tình trạng viêm xoang hoặc viêm mũi xảy ra trong hơn 12 tuần. Viêm xoang mạn tính có thể biểu hiện dưới dạng viêm xoang mạn tính không có polyp mũi, viêm xoang mạn tính có polyp mũi và viêm mũi xoang do nấm dị ứng.
Triệu chứng viêm xoang mạn tính
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Hương, khoa Tai Mũi Họng, PlinkCare TP.HCM cho biết, người bệnh viêm xoang mạn tính thường có các triệu chứng chính của viêm xoang bao gồm:
- Chảy mũi đục: Chảy nước mũi màu xanh lá cây hoặc vàng.
- Đau nhức hàm mặt: Nhức hoặc đau vùng hàm mặt giống như bị đè ép.
- Nghẹt mũi: Có thể cảm thấy khó thở một hoặc cả hai bên mũi khiến người bệnh phải thở bằng miệng.
Ngoài ra, dấu hiệu viêm xoang mạn tính còn có thể bao gồm:(1)
- Giảm khứu giác, nhức đầu, đau tai, hôi miệng, ho hoặc mệt mỏi.
- Sốt chỉ có độ nhạy 50% nhưng lại là yếu tố quan trọng quyết định mức độ nặng nhẹ của viêm xoang.
- Các triệu chứng xảy ra trong hơn 12 tuần không tự khỏi.
- Riêng viêm xoang tái phát được định nghĩa có ít nhất 4 đợt viêm xoang trong vòng một năm.
Nguyên nhân gây viêm xoang mạn tính
Virus và vi khuẩn là căn nguyên phổ biến nhất gây viêm xoang. Trong đó, Streptococcus, phế cầu, Hemophilus và Moraxella là những vi khuẩn phổ biến nhất.
Viêm xoang mạn tính có nhiều yếu tố khởi phát và có thể bao gồm các yếu tố nhiễm trùng, viêm hoặc bất thường cấu trúc xoang. Các nguyên nhân khác như viêm mũi dị ứng (bụi, nấm mốc), phơi nhiễm (chất kích thích trong không khí, khói thuốc lá hoặc các chất độc khác), bất thường cấu trúc (polyp mũi, vẹo vách ngăn mũi), suy giảm miễn dịch và nhiễm nấm cũng có thể được xem xét. (2)
Viêm tai giữa, hen suyễn, AIDS là những tình trạng bệnh lý khác có thể liên quan đến viêm mũi xoang mãn tính.

Các biến chứng của viêm xoang mạn tính
Viêm xoang mạn tính có thể là một bệnh lý lành tính, nhưng có tỷ lệ mắc bệnh khá lớn. Nếu không được điều trị, chất lượng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng.
Bệnh lý này có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn và thậm chí có thể dẫn đến viêm màng não và hình thành áp xe não, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Trong một số ít trường hợp, viêm xoang mạn tính có thể gây biến chứng nhiễm trùng ổ mắt, dẫn đến suy giảm thị lực và thần kinh thị giác.
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm xoang mạn tính
Viêm xoang mạn tính được chẩn đoán khi có ít nhất hai trong số bốn triệu chứng sau đây và xảy ra trong hơn 12 tuần: bao gồm chảy mũi đục, đau nhức vùng hàm mặt, nghẹt mũi, giảm khứu giác.
Viêm xoang mạn tính ít phổ biến hơn viêm xoang cấp tính. Viêm xoang cấp tính có thể kéo dài đến 4 tuần. Tuy nhiên, viêm xoang mạn tính kéo dài 12 tuần hoặc lâu hơn. Vì vậy, các nguyên nhân khác cũng cần khảo sát như trào ngược dạ dày thực quản, các biến thể giải phẫu hoặc các vấn đề về cấu trúc của khoang mũi. Tiền sử suy giảm miễn dịch và tiền sử nhiễm nấm cũng là các yếu tố được xem xét tiếp theo.
Trong chẩn đoán viêm xoang mạn tính, các kiểm tra cận lâm sàng thường được chỉ định bao gồm.
- CT scan hoặc nội soi mũi: Nhằm xác định sự hiện diện của tình trạng viêm. CT nhạy hơn nhưng cũng đắt hơn nội soi mũi. Nội soi mũi có độ nhạy thấp hơn và không đủ sử dụng để xác định viêm xoang mạn tính.
- Nuôi cấy vi khuẩn: Có thể hữu ích trong quá điều trị, hỗ trợ trong việc cung cấp liệu pháp kháng sinh phù hợp. Nếu lấy dịch nuôi cấy, bác sĩ thực hiện qua nội soi để kết quả được chính xác nhất.
Điều trị viêm xoang mạn tính
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hương, việc điều trị viêm xoang sẽ tập trung điều chỉnh các yếu tố kích hoạt, giảm quá trình viêm và loại bỏ sự nhiễm trùng. Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị nội khoa hay phẫu thuật.
1. Điều trị nội khoa viêm xoang mạn tính không có Polyp mũi
- Giảm yếu tố kích hoạt: Các test dị ứng có thể giúp xác định các yếu tố kích thích mà bệnh nhân nên tránh.
- Steroid xịt mũi: Nên được sử dụng có hoặc không có nước muối rửa mũi. Việc điều trị chỉ kéo dài ít nhất 8-12 tuần theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Rửa mũi bằng nước muối: Mặc dù có kém hơn so với steroid xịt mũi, tuy nhiên, rửa mũi bằng nước muối có thể giúp hỗ trợ điều trị. Rửa mũi bằng nước muối với thể tích lớn được cho là hiệu quả hơn xịt mũi.
- Thuốc kháng histamin: Bác sĩ có thể cho dùng thuốc kháng histamin nếu nghi ngờ có viêm mũi dị ứng.
- Thuốc thông mũi: Có thể được sử dụng để giảm triệu chứng.
- Thuốc kháng sinh: Có thể được dùng trong thời gian phù hợp.
Thuốc kháng viêm đường uống: Có thể được sử dụng, tuy nhiên không nên sử dụng thường xuyên.

2. Điều trị nội khoa viêm xoang mạn tính có Polyp mũi
- Thuốc xịt mũi: Viêm xoang mạn tính có polyp được điều trị bằng thuốc xịt mũi chứa corticoid.
- Thuốc kháng viêm đường uống: Nếu nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với điều trị sau 12 tuần, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng một đợt ngắn steroid đường uống.
- Thuốc đối kháng leukotriene: Có thể được xem xét để điều trị. (4)
3. Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật nội soi mũi xoang có thể được xem xét cho những bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa.
Mục tiêu của phẫu thuật này là loại bỏ các cấu trúc bất thường, khôi phục hệ thống dẫn lưu và thanh thải chất nhầy, đồng thời mở rộng, làm thông thoáng các lỗ thông xoang.
Nếu bệnh nhân có bệnh nền kèm theo như các bệnh lý suy giảm miễn dịch, đái tháo đường…, việc điều trị bệnh nền được ưu tiên thực hiện trước. (3)

4. Hỗ trợ điều trị viêm xoang mạn tính tại nhà
Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể dùng các biện pháp hỗ trợ cải thiện triệu chứng viêm xoang tại nhà như:
- Xông tinh dầu: Liệu pháp xông tinh dầu hữu ích đối với bệnh nhân viêm xoang. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân viêm xoang do viêm mũi dị ứng thì nên cẩn trọng khi sử dụng liệu pháp. Xông tinh dầu cũng cần chú ý vệ sinh, thay nước xông hàng ngày để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn và nấm mốc.
- Chườm ấm: Chườm ấm giúp giảm đau nhức xoang, thông thoáng đường thở và giúp tan chất nhầy, thoát ra ngoài dễ hơn.
- Yoga: Một vài liệu pháp yoga cũng giúp ích trong việc hỗ trợ điều trị bệnh viêm xoang mạn tính. Bhramari pranayama là một bài tập thở đã được chứng minh tính hiệu quả trong hỗ trợ điều trị viêm xoang, người bệnh có thể áp dụng.
Cách phòng ngừa viêm xoang mạn tính
Để phòng ngừa viêm xoang mạn tính cần chủ động phòng ngừa các yếu tố căn nguyên dẫn đến bệnh này, chẳng hạn như:
- Tránh bị viêm mũi xoang hoặc tránh để tình trạng viêm mũi xoang kéo dài.
- Tránh bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn như Streptococcus, phế cầu, Hemophilus và Moraxella.
- Tránh nhiễm cảm cúm kéo dài.
- Luôn đeo khẩu trang và giữ ấm cơ thể khi ra khỏi nhà.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, lông và phân động vật.
- Tránh ăn các thực phẩm nghi ngờ khả năng gây dị ứng như hải sản, các loại ấu trùng, một số loại hạt…
Các câu hỏi thường gặp về bệnh viêm xoang mạn tính
1. Viêm xoang mạn tính có nguy hiểm không?
Viêm xoang mạn tính là bệnh lành tính nhưng các biến chứng của bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng, đôi khi đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng nhiễm trùng ổ mắt và nội sọ có thể dẫn đến mù lòa, hoặc tử vong ở số ít trường hợp.
2. Bệnh viêm xoang mạn tính có chữa được không?
Bệnh nhân viêm xoang mạn tính được điều trị thường có kết quả khả quan. Có thể giảm triệu chứng sau phẫu thuật xoang nội soi chức năng ở khoảng 75% bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa.
3. Viêm xoang có phải bệnh mạn tính không?
Viêm xoang là một bệnh lý mạn tính, kéo dài quá 12 tuần không khỏi với các triệu chứng đặc hiệu như đã nói ở trên.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia tại khoa Tai mũi họng, PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Việc điều trị viêm xoang mạn tính càng sớm thì hiệu quả càng cao, chi phí điều trị thấp hơn và ngược lại. Do vậy, ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ bị viêm xoang mạn tính, người bệnh nên thăm khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.