Image

Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không? Cần lưu ý những điều gì?

Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không

Viêm tuyến giáp là bệnh gì?

Viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị viêm cấp tính hoặc mạn tính. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và làm thay đổi chức năng của tuyến giáp. Viêm tuyến giáp có thể làm tuyến giáp sản xuất ra quá nhiều hormon hoặc quá ít hormon, ảnh hưởng lên chuyển hoá của cơ thể. (1)

Phân loại viêm tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nhỏ hình con bướm nằm ở phía trước cổ dưới da. Tuyến giáp thuộc một phần của hệ thống nội tiết. Tuyến này kiểm soát nhiều chức năng quan trọng của cơ thể bằng cách sản xuất và giải phóng một số hormone nhất định. Viêm tuyến giáp có thể do cơ chế tự miễn, viêm giáp bán cấp được thúc đẩy sau một đợt nhiễm siêu vi, viêm giáp do vi trùng hiếm gặp hơn. Ngoài ra, còn có viêm giáp sau chấn thương, viêm giáp sau xạ hay viêm giáp do thuốc.

Hầu hết viêm tuyến giáp có 3 giai đoạn: (2)

  • Cường giáp: tuyến giáp có tình trạng hoạt động quá mức.
  • Tình trạng tuyến giáp bình thường trở lại.
  • Suy giáp: tuyến giáp có tình trạng hoạt động kém.

Dựa vào nguyên nhân, triệu chứng và thời gian kéo dài của bệnh mà viêm tuyến giáp có nhiều các phân loại khác nhau. Dựa vào tính chất đau người ta phân ra làm 2 nhóm viêm tuyến giáp đó là viêm tuyến giáp có đau và viêm tuyến giáp không đau. Dựa vào thời gian bệnh người ta có thể chia ra làm 3 loại: viêm tuyến giáp cấp tính, bán cấp và mạn tính.

1. Viêm tuyến giáp cấp tính

Viêm tuyến giáp cấp tính là tình trạng vi trùng sinh mủ làm tuyến giáp viêm cấp tính. Đây là loại viêm ở tuyến giáp tương đối hiếm gặp và thường do vi khuẩn hoặc sinh vật truyền nhiễm gây ra.

2. Viêm tuyến giáp bán cấp

  • Viêm tuyến giáp u hạt bán cấp tính

Viêm tuyến giáp u hạt bán cấp gọi là viêm giáp de Quervain. Tình trạng này gây đau, nhiều khả năng do virus gây ra, thường thứ phát sau khi bị cúm, quai bị, sởi.

  • Viêm tuyến giáp Lympho bào bán cấp

Viêm tuyến giáp Lympho bào bán cấp không làm đau, còn gọi là viêm tuyến giáp yên lặng. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ nhưng phổ biến ở nữ giới hơn. Ở phụ nữ sau sinh, nếu tuyến giáp bị viêm mà không có triệu chứng đau xuất hiện được gọi là viêm giáp sau sinh.

Với tình trạng này, chức năng tuyến giáp của người bệnh sẽ ổn định lại sau 12 – 18 tháng tính từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh dẫn đến biến chứng suy giáp và phải điều trị lâu dài.

Viêm tuyến giáp Hashimoto là loại phổ biến nhất
Viêm tuyến giáp Hashimoto là loại phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp 7 – 8 lần nam giới và thường gặp ở độ tuổi 40-60.

3. Viêm giáp mạn tính

  • Bệnh Hashimoto hay viêm tuyến giáp Hashimoto: bệnh tự miễn do rối loạn hoạt động hệ miễn dịch gây ra . Ở bệnh này, hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể tấn công các tế bào tuyến giáp. Quá trình phá hủy diễn ra âm thầm, làm đa số người bệnh không phát hiện được ở giai đoạn sớm. Đây là loại viêm ở tuyến giáp phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp 7-8 lần nam giới, thường gặp từ 40-60 tuổi.
  • Viêm tuyến giáp Riedel: đây còn được gọi là viêm giáp mạn xơ hóa xâm lấn. Dạng viêm này cực kỳ hiếm gặp, chủ yếu có ở phụ nữ trung niên hoặc lớn tuổi. Trường hợp này, các tổ chức xơ dày đặc làm tuyến giáp bị xơ cứng và mất dần chức năng. Bệnh có thể kèm với tình trạng xơ hóa ở các khu vực khác trong cơ thể như xơ hóa sau màng bụng, xơ hóa trung thất, xơ hóa sau nhãn cầu…
  • Viêm tuyến giáp sau sinh: viêm do kháng thể kháng tuyến giáp gây ra. Bệnh có thể xảy ra trong vòng 1 năm sau khi sinh và tương đối ít gặp.
  • Viêm tuyến giáp do phóng xạ: tình trạng này gây ra tác dụng phụ của xạ trị – một phương pháp điều trị y tế đối với một số bệnh ung thư hoặc do iốt phóng xạ từ việc sử dụng để điều trị cường giáp.
  • Viêm tuyến giáp do thuốc: do người bệnh sử dụng các loại thuốc như amiodarone , interferon, lithium và cytokine. Viêm này chỉ xảy ra ở một phần nhỏ ở người sử dụng các loại thuốc này.

Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không?

Có. bệnh có thể điều trị khỏi tùy loại viêm giáp, trừ viêm tuyến giáp Hashimoto thường không trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể điều trị bằng cách thay thế hormone tuyến giáp suốt đời nếu có suy giáp.

Những người bị viêm tuyến giáp bán cấp thường có các triệu chứng trong 1 – 3 tháng. Thời gian cơ thể hồi phục hoàn toàn chức năng tuyến giáp có thể mất 12 – 18 tháng. Những người bệnh này có khoảng 5% khả năng phát triển chứng suy giáp vĩnh viễn.

Ngoài ra, thời gian người bệnh phục hồi chức năng tuyến giáp hoàn toàn sau sinh và viêm tuyến giáp thầm lặng cũng mất khoảng 12 – 18 tháng. Những người mắc bệnh này thì khả năng phát triển chứng suy giáp vĩnh viễn chiếm khoảng 20%.

Chẩn đoán viêm tuyến giáp

Để điều trị bệnh viêm tuyến giáp bác sĩ cần chẩn đoán bệnh bằng cách khám lâm sàng người bệnh, hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh.

Chẩn đoán viêm tuyến giáp
Chẩn đoán viêm tuyến giáp với phương pháp xét nghiệm chức năng tuyến giáp bằng cách đo nồng độ hormone liên quan đến tuyến giáp như TSH, FT4.

Nếu nghi ngờ người bệnh viêm tuyến giáp, bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng các xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: xét nghiệm máu đo nồng độ hormone liên quan đến tuyến giáp như TSH, FT4.
  • Siêu âm tuyến giáp: bác sĩ siêu âm để đánh giá tuyến giáp của người bệnh. Hình ảnh siêu âm có thể thấy bướu giáp có hay không, sự thay đổi lưu lượng máu đến tuyến giáp và mật độ, tính chất của tuyến giáp.
  • Xét nghiệm kháng thể tuyến giáp: xét nghiệm máu đo kháng thể tuyến giáp bao gồm kháng thể kháng tuyến giáp microsomal (TPO) hoặc kháng thể kích thích thụ thể tuyến giáp (TRAb). Những kháng thể này báo hiệu người bệnh mắc một loại viêm tuyến giáp do bệnh tự miễn dịch.
  • Tốc độ máu lắng: xét nghiệm giúp phát hiện tình viêm nhiễm trong cơ thể. Tốc độ máu lắng cao trong viêm tuyến giáp bán cấp.
  • Protein phản ứng C (CRP): đo mức độ protein phản ứng C (CRP) trong máu. CRP tăng khi cơ thể bị viêm và thường tăng đáng kể trong viêm tuyến giáp cấp (viêm giáp sinh mủ) hay giai đoạn viêm của viêm giáp bán cấp.
  • Đo độ hấp thụ i-ốt phóng xạ: phương pháp giúp đo lượng i-ốt phóng xạ mà tuyến giáp hấp thụ. Thường thấy độ hấp thu thấp trong giai đoạn cấp của viêm giáp bán cấp và dần tăng lại khi bước qua giai đoạn hồi phục.

Phương pháp điều trị viêm tuyến giáp

Việc điều trị viêm tuyến giáp tùy thuộc vào loại và các triệu chứng bệnh, bao gồm:

1. Điều trị nhiễm độc giáp cho bệnh viêm tuyến giáp

Nếu người bệnh đang trong giai đoạn nhiễm độc giáp, bác sĩ kê đơn thuốc để giảm nhịp tim nhanh và run. Khi các triệu chứng được cải thiện, bác sĩ sẽ giảm liều thuốc vì giai đoạn nhiễm độc giáp chỉ tạm thời. Thuốc kháng giáp chưa có chỉ định rõ ràng trong giai đoạn này, hầu hết các bác sĩ chỉ sử dụng thuốc để giảm triệu chứng.

2. Điều trị suy giáp cho bệnh viêm tuyến giáp

Nếu người bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có suy giáp, bác sĩ kê đơn thuốc thay thế hormone tuyến giáp như levothyroxine. Người bệnh sẽ dùng thuốc này trong suốt quãng đời còn lại vì chứng suy giáp do viêm tuyến giáp hashimoto thường vĩnh viễn.

Trường hợp người bệnh bị viêm tuyến giáp bán cấp hoặc viêm tuyến giáp sau sinh và có các triệu chứng suy giáp, bác sĩ sẽ thay thế hormone tuyến giáp bằng thuốc trong khoảng 6 – 12 tháng. Sau đó, người bệnh được giảm dần thuốc để xem tình trạng sức khỏe có bị suy giáp vĩnh viễn hay không. Nếu suy giáp nhẹ và có ít triệu chứng, bác sĩ sẽ không cần kê thêm thuốc cho người bệnh.

3. Các phương pháp điều trị khác cho bệnh viêm tuyến giáp

Nếu người bệnh bị viêm tuyến giáp nhiễm trùng cấp tính và viêm tuyến giáp bán cấp, có triệu chứng đau vùng cổ nhiều thường được kê đơn điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen. Trong một số trường hợp, cơn đau của người bệnh càng trở nên nghiêm trọng và cần điều trị bằng steroid.

Ngoài ra, với viêm tuyến giáp riedel ngoài việc điều trị với corticoid liều cao trong thời gian viêm giáp hoạt động, phẫu thuật cũng được đặt ra nếu bệnh nhân có biểu hiện chèn ép.

bác sĩ kê đơn thuốc thay thế hormone tuyến giáp
Nếu người bệnh viêm tuyến giáp hashimoto có suy giáp, bác sĩ kê đơn thuốc thay thế hormone tuyến giáp như levothyroxine.

Hầu hết, các trường hợp viêm tuyến giáp không thể phòng ngừa. Khi người bệnh bị viêm tuyến giáp hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, thực hiện xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khoa Nội tiết –  Đái tháo đường, PlinkCare TP.HCM hội tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại liên tục được cập nhật trên thế giới giúp quá trình khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với người bệnh.

Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không? Người bệnh mắc viêm tuyến giáp thường căng thẳng nhưng tin tốt là bệnh này có khả năng cao điều trị được. Qua bài viết này, mong rằng người bệnh hiểu hơn về tình trạng bệnh của mình và biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân, gặp bác sĩ để được thăm khám, theo dõi và điều trị bệnh.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send