Image

Viêm tuyến giáp bán cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm tuyến giáp bán cấp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến ở phía trước cổ tiết ra nhiều loại hormone giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Ngoài ra, tuyến giáp còn đóng vai trò trong phản ứng về thể chất và cảm xúc của con người như sợ hãi, phấn khích, vui sướng,… Viêm tuyến giáp gồm nhiều nhóm rối loạn khiến tuyến giáp bị viêm trong có viêm tuyến giáp bán cấp. (1)

Viêm tuyến giáp bán cấp là loại viêm tuyến giáp hiếm gặp, gây đau và khó chịu ở tuyến giáp. Người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng của cường giáp hoặc suy giáp. Phần lớn, viêm tuyến giáp bán cấp chỉ diễn ra cấp tính.

Nguyên nhân gây viêm giáp bán cấp

Nguyên nhân viêm tuyến giáp bán cấp thường gặp do virus gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Các bệnh liên quan đến nhiễm virus và dẫn đến viêm tuyến giáp bán cấp như cúm A, cảm lạnh, sởi, viêm tai, viêm họng… Để đối phó với virus, tuyến giáp sưng lên và làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone. (2)

Quá trình viêm giáp thường có 3 hoặc 4 pha.

Pha đầu tiên xảy ra sau khi tiếp xúc virus, một loạt thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể sẽ diễn ra làm tế bào tuyến giáp bị phá hủy, giải phóng ồ ạt hormone tuyến giáp vào máu và gây ra biểu hiện nhiễm độc giáp, hay còn gọi là pha “cường giáp giả”.

Tiếp đến là pha bình giáp kéo dài khoảng vài tuần. Sau đó là pha suy giáp, xảy ra khi số lượng tế bào còn lại chưa phản ứng kịp để bù trừ cho các tế bào bị phá hủy, do đó lượng hormone giáp sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể. Cuối cùng là pha muộn, giai đoạn các phản ứng viêm giảm dần, chức năng tế bào hồi phục đủ để bù trừ cho phần tế bào đã chết và chức năng tuyến giáp trở về bình thường.

Viêm tuyến giáp bán cấp là bệnh xảy ra cấp tính
Viêm tuyến giáp bán cấp là bệnh xảy ra cấp tính do virus gây ra.

Các loại viêm tuyến giáp bán cấp

Có 3 loại viêm tuyến giáp bán cấp:

  • Viêm tuyến giáp hạt bán cấp: Đây là loại viêm tuyến giáp bán cấp phổ biến. Nguyên nhân phần lớn do nhiễm virus.
  • Viêm tuyến giáp sau sinh: Xảy ra ở giai đoạn sau sinh. Phụ nữ mắc viêm tuyến giáp sau sinh được xem có bệnh tự miễn tiềm ẩn gây ra tình trạng viêm. Các triệu chứng xảy ra theo 2 giai đoạn, bắt đầu bằng các triệu chứng cường giáp và chuyển sang suy giáp.
  • Viêm tuyến giáp lympho bán cấp: Dạng viêm tuyến giáp bán cấp này xảy ra trong thời kỳ hậu sản. Các triệu chứng cường giáp phát triển trong vòng 3 tháng sau sinh và suy giáp kéo dài vài tháng sau đó.

Triệu chứng viêm tuyến giáp bán cấp

Các triệu chứng viêm tuyến giáp bán cấp sẽ thay đổi qua các giai đoạn sau:

1. Giai đoạn 1

Giai đoạn đầu kéo dài vài tuần đến 3 tháng, các mô tuyến giáp bị phá hủy giải phóng hormone tuyến giáp giáp gây nhiễm độc giáp.

Người bệnh có triệu chứng nhiễm siêu vi đường hô hấp trên trước đó 2 – 6 tuần như: ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, đỏ mắt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp,… (3)

Ngoài ra, đau nhiều vùng cổ phía trước là triệu chứng nổi bật. Sau đó, đau lan lên góc hàm, tai; vùng cổ cảm thấy nóng, sưng và căng tức. Người bệnh có thể khó nuốt, khó ngửa cổ và thường cúi đầu về phía trước để tránh căng vùng cổ.

Khi nhiễm độc giáp sẽ khởi phát các triệu chứng như:

  • Hồi hộp, khó thở, đánh trống ngực và tim đập nhanh.
  • Lo lắng, cáu gắt, mệt mỏi và mất ngủ.
  • Cảm giác nóng trong người, đổ nhiều mồ hôi.
  • Da lòng bàn tay ẩm ướt, nóng.
  • Sụt cân dù người bệnh vẫn thèm ăn.
  • Rối loạn kinh nguyệt.

2. Giai đoạn 2

Giai đoạn 2, kéo dài 1 – 2 tuần. Sau đó, chức năng tuyến giáp trở về bình thường khi hormone giáp được đào thải khỏi cơ thể, người bệnh trở về giai đoạn bình giáp. Tùy mức độ mô tuyến giáp bị phá hủy mà người bệnh có thể duy trì bình giáp hay chuyển sang giai đoạn suy giáp.

3. Giai đoạn 3

Người bệnh bước vào giai đoạn suy giáp. Nếu mô giáp bị phá hủy nhiều, người bệnh có thể suy giáp kéo dài nhiều tháng hoặc hơn.

Giai đoạn này, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng của tình trạng suy giáp:

  • Sợ lạnh, mặc áo ấm ngay cả khi trời nóng.
  • Thờ ơ, vô cảm, chậm chạp.
  • Ù tai, khàn tiếng.
  • Mệt mỏi.
  • Táo bón.
  • Tăng cân dù ăn ít.
  • Da khô, tróc vảy.
  • Tóc khô, dễ gãy rụng.
  • Nhịp tim chậm.
  • Rối loạn kinh nguyệt, phổ biến là rong kinh.

4. Giai đoạn 4

Giai đoạn hồi phục, các triệu chứng sẽ giảm. Phần lớn, người bệnh sẽ  phục hồi hoàn toàn. Khoảng 5% người bệnh suy giáp vĩnh viễn và 2% trường hợp tái phát nhiều đợt.

>>Tham khảo thêm: Viêm tuyến giáp bán cấp có nguy hiểm không?

Chẩn đoán viêm giáp bán cấp

Khi có triệu chứng nghi ngờ đến khám, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử, bệnh sử và thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán viêm giáp bán cấp. Các xét nghiệm như:

1. Xét nghiệm tình trạng viêm

Tốc độ máu lắng sẽ tăng hoặc C – reactive protein (CRP) tăng cho thấy người bệnh mắc viêm tuyến giáp bán cấp.

2. Xét nghiệm hormon tuyến giáp

Tùy vào giai đoạn người bệnh đến khám, kết quả TSH, FT4 và hoặc FT3 có thể thay đổi:

  • Giai đoạn nhiễm độc giáp: TSH giảm, FT4 và FT3 tăng.
  • Giai đoạn suy giáp: TSH sẽ tăng, FT4 và  FT3 giảm.

3. Xét nghiệm kháng thể kháng giáp

Xét nghiệm này giúp chẩn đoán phân biệt với nguyên nhân nhiễm độc giáp hoặc suy giáp:

  • Kháng thể kháng peroxidase (Anti-TPO) âm tính phân biệt với viêm giáp Hashimoto).
  • Kháng thể kháng thụ thể TSH (TRAb) âm tính phân biệt với bệnh Basedow gây nhiễm độc giáp.

4. Siêu âm tuyến giáp

Phương pháp này giúp bác đánh giá được những thay đổi về mặt cấu trúc của tuyến giáp. Qua phương pháp này, bác sĩ đánh giá được kích thước, mật độ tuyến giáp, viêm giáp bán cấp tuyến giáp to, mật độ giảm với những vùng echo kém, không tăng sinh mạch máu khi phổ Doppler.

5. Đo độ hấp thu iod phóng xạ

Người bệnh sẽ uống lượng nhỏ i-ốt phóng xạ. Lượng i-ốt này, khi vào cơ thể sẽ tập trung ở tuyến giáp, giúp bác sĩ đánh giá được kích thước, hình dạng của tuyến giáp và kiểm tra xem nhân giáp có hoạt động hay không.

6. Sinh thiết tuyến giáp

Sinh thiết thực hiện khi cần chẩn đoán về mô học. Đây là xét nghiệm, sử dụng một mẫu mô nhỏ của tuyến giáp để phát hiện các thay đổi do viêm tuyến giáp bán cấp gây ra. Mẫu mô giáp được lấy ra thông qua kỹ thuật chọc hút tế bào bằng đầu kim nhỏ.

Chẩn đoán viêm giáp bán cấp
Viêm tuyến giáp bán cấp thường được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc giảm đau, kiểm soát tình trạng viêm.

Điều trị viêm tuyến giáp bán cấp

Nếu bạn được chẩn đoán mắc viêm tuyến giáp bán cấp, bác sĩ sẽ dùng thuốc giảm đau và kiểm soát tình trạng viêm. Các loại thuốc bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid không kê đơn (NSAID): Các loại thuốc như aspirin và ibuprofen có tác dụng giảm đau.
  • Corticoid: Loại thuốc này được sử dụng khi thuốc chống viêm kể trên không hiệu quả. Prednisone là loại corticoid phổ biến được dùng điều trị viêm tuyến giáp bán cấp. Bác sĩ có thể kê đơn từ 15 – 30 miligam mỗi ngày, sau đó giảm dần liều lượng trong vòng 3 – 4 tuần.
  • Điều trị cường giáp: Giai đoạn cường giáp thường không cần điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng giáp. Bởi vì, bản chất của nồng độ hormone giáp tăng lên trong máu là do phá hủy tế bào tuyến giáp, không phải do tế bào tuyến giáp tăng hoạt động sản xuất hormone. Điều trị chủ yếu trong giai đoạn này là giảm triệu chứng như giảm nhịp tim bằng thuốc chẹn Beta. Những loại thuốc này giúp ổn định huyết áp, nhịp tim và giảm một số triệu chứng khác như bồn chồn, lo lắng.
  • Điều trị suy giáp: Trong giai đoạn sau, bệnh có thể tiến triển thành suy giáp. Người bệnh cần dùng hormone giáp thay thế (levothyroxin) tạm thời hay vĩnh viễn.

Tiên lượng viêm tuyến giáp bán cấp

Các triệu chứng viêm tuyến giáp bán cấp thường biến mất trong vòng 12 – 18 tháng. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh suy giáp có thể tồn tại vĩnh viễn. Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ ước tính khoảng 5% số người viêm tuyến giáp bán cấp sẽ suy giáp vĩnh viễn.

Phòng ngừa viêm tuyến giáp bán cấp

Một số phương pháp giúp bạn tăng cường sức đề kháng và ngừa nhiễm trùng nhằm phòng bệnh viêm tuyến giáp bán cấp như:

  • Tiêm ngừa các loại vắc xin như: cúm mùa sởi, rubella, quai bị,…
  • Tập thể dục thường xuyên, trong giới hạn sức khỏe cho phép.
  • Chế độ dinh dưỡng cân bằng.
  • Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh.
  • Không lạm dụng rượu, bia, chất kích thích.
  • Giữ ấm mũi, cổ họng, ngực vào mùa lạnh.

Viêm tuyến giáp bán cấp có thể điều trị khỏi. Do đó, khi phát hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào, bạn nên đến ngay bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn, tránh để lâu ngày gây biến chứng nguy hiểm, khó điều trị.

Chăm sóc bệnh nhân viêm tuyến giáp bán cấp

Để hỗ trợ quá trình điều trị viêm tuyến giáp đạt hiệu quả cao, người bệnh cần có chế độ chăm sóc sau:

  • Hạn chế vận động gắng sức với người bệnh nhịp tim nhanh chưa được kiểm soát.
  • Ngủ đủ giấc, đúng giờ.
  • Các cơn đau ở cổ hoặc hàm có thể khiến người bệnh khó ăn uống. Với trường hợp này, bạn nên chế biến các món ăn dạng mềm, dễ nhai, dễ nuốt, có thể chia nhỏ bữa ăn để việc hấp thụ dễ dàng hơn.
BS Thảo Mai đang thăm khám cho người bệnh nội trú
BS.CKII Đinh Thị Thảo Mai, khoa Nội tiết – Đái Tháo đường PlinkCare TP.HCM đang thăm khám cho người bệnh nội trú.

Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong kiểm soát quá trình chuyển hóa nên viêm giáp sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Bạn nên gặp bác sĩ trong trường hợp sau:

  • Mang thai hoặc đang cho con bú, hay bạn muốn có con.
  • Khi bắt đầu điều trị bằng hormone giáp, gặp triệu chứng như đau ngực, tim đập nhanh,..
  • Dị ứng với thuốc điều trị.
  • Điều trị được vài tuần nhưng luôn cảm thấy mệt mỏi, sốt cao.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, PlinkCare TP.HCM quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán, điều trị hiệu quả các bệnh nội tiết như:

  • Bệnh lý tuyến yên.
  • Bệnh lý tuyến giáp trong đó có viêm giáp bán cấp, viêm giáp Hashimoto
  • Bệnh tiểu đường và các biến chứng do đái tháo đường.
  • Bệnh lý tuyến thượng thận.
  • Bệnh béo phì…

PlinkCare TP.HCM có hệ thống máy thiết bị hiện đại và các bác sĩ luôn cập nhật phác đồ điều trị hiện đại, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cụ thể cho người bệnh, giúp người bệnh an tâm điều trị.

Hy vọng qua bài viết trên, mọi người sẽ nắm rõ các kiến thức cần thiết về “Viêm tuyến giáp bán cấp là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị ra sao?”. Từ đó, khi gặp các triệu chứng nghi ngờ viêm tuyến giáp bán cấp hoặc các loại viêm khác ảnh hưởng đến tuyến giáp mà đến bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send