Image

Viêm ruột thừa ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và chẩn đoán

Viêm ruột thừa ở trẻ em là gì?

Viêm ruột thừa ở trẻ em là tình trạng ruột thừa của trẻ bị viêm, gây ra bởi sự tắc nghẽn. Phần lớn trẻ bị viêm ruột thừa sẽ được điều trị bằng phẫu thuật cắt ruột thừa, loại bỏ phần bị viêm.

Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm ruột thừa, tuy nhiên bệnh có tần suất cao nhất là từ 11 đến 12 tuổi. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có tỷ lệ gặp ruột thừa vỡ cao hơn nhiều so với trẻ lớn. Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở nhiều thành viên trong một gia đình nhưng đây không phải bệnh lý di truyền. (1)

Vị trí viêm ruột thừa ở trẻ em ở đâu?

Ruột thừa là một phần của hệ ruột, khá nhỏ, có cấu trúc hình ống, nối với ruột già, nằm ở bên phải, phía dưới rốn. (2)

phần ruột nhỏ nối với ruột già, phía dưới bụng bên phải bị viêm
Viêm ruột thừa ở trẻ là tình trạng ruột thừa – phần ruột nhỏ nối với ruột già, phía dưới bụng bên phải bị viêm.

Các loại viêm ruột thừa ở trẻ em có thể gặp

Viêm ruột thừa ở trẻ có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau, điển hình như:

1. Phân loại theo mức độ

  • Viêm ruột thừa có biến chứng: Tình trạng viêm ruột thừa đã diễn tiến vỡ hoặc là khu trú lại như trong áp xe ruột thừa, hoặc lan toả như trong viêm phúc mạc toàn thể.
  • Viêm ruột thừa không biến chứng: Viêm ruột thừa chưa vỡ, bao gồm viêm sung huyết và nung mủ.

2. Phân loại theo giải phẫu

  • Viêm ruột thừa sung huyết: ruột thừa đỏ, phù nề, có chất ứ đọng bên trong.
  • Viêm ruột thừa nung mủ: ruột thừa sung huyết, có giả mạc bao quanh, có chứa mủ trong lòng ruột thừa.
  • Viêm ruột thừa hoại tử: ruột thừa đỏ sậm hoặc tím đen.

Nguyên nhân viêm ruột thừa ở trẻ em

Nguyên nhân gây viêm ruột thừa ở trẻ em không phải lúc nào cũng được xác định rõ. Phần lớn các trường hợp thường liên quan đến tình trạng tắc nghẽn ruột thừa, khiến niêm mạc bên trong ruột bị tổn thương, sưng lên, vi khuẩn phát triển gây viêm. Một số nguyên nhân dẫn đến sự tắc nghẽn này có thể là: (3)

  • Sỏi phân;
  • Phì đại mô lympho đó vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng;
  • Dị vật;
  • U;
  • Ký sinh trùng.

Triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, đề kháng và sức chịu cơn đau của từng trẻ, triệu chứng của viêm ruột thừa có thể khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung trẻ bị viêm ruột thừa sẽ có các triệu chứng dưới đây:

  • Đau bụng: Đau bụng là triệu chứng điển hình ở trẻ bị viêm ruột thừa. Cơn đau thường bắt đầu ở quanh rốn, dữ dội hơn khi trẻ cử động hay chạm vào vùng bụng. Sau đó, cơn đau chuyển dần sang vùng hạ vị và hố chậu phải.
  • Rối loạn tiêu hóa: Trẻ có thể bị chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Sốt nhẹ đến cao: Nhiễm trùng khiến trẻ bị sốt, có thể là sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy trường hợp nhưng thường là sốt nhẹ. Trẻ sốt cao có thể là dấu hiệu của viêm ruột thừa vỡ.
  • Chán ăn và mệt mỏi: Trẻ biếng ăn, mệt mỏi và cảm thấy khó chịu do viêm ruột thừa.
  • Buồn nôn: Nhu động ruột bị kích thích có thể khiến trẻ buồn nôn và nôn.
  • Bụng chướng: Trẻ chướng bụng, bụng căng to hơn.

Hình ảnh ruột thừa ở trẻ bị viêm

Dưới đây là một số hình ảnh về viêm ruột thừa ở trẻ em:

Viêm ruột thừa khiến trẻ đau bụng ở phía dưới rốn và bên phải
Viêm ruột thừa khiến trẻ đau bụng ở phía dưới rốn và bên phải.
Cơn đau bụng do viêm ruột thường trở nên dữ dội hơn
Cơn đau bụng do viêm ruột thường trở nên dữ dội hơn khi trẻ vận động.
Bác sĩ siêu âm, kiểm tra ổ bụng cho trẻ
Bác sĩ siêu âm, kiểm tra ổ bụng cho trẻ.
Sẹo để lại do phẫu thuật viêm ruột thừa ở trẻ
Sẹo để lại do phẫu thuật viêm ruột thừa ở trẻ.

Chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ em

Nếu nghi ngờ trẻ bị viêm ruột thừa, đau bụng dữ dội, đặc biệt cơn đau có vẻ nghiêm trọng hơn khi chạm vào vùng bụng của trẻ hoặc khi trẻ cử động, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Chẩn đoán viêm ruột thừa của trẻ, ban đầu, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, kiểm tra vị trí bị đau, mức độ đau và hỏi bố mẹ một số triệu chứng của trẻ như trẻ bắt bầu bị đau bụng từ khi nào? Dinh dưỡng của trẻ trong thời gian gần đây thế nào? Trẻ đi tiêu-tiểu bao nhiêu lần/ngày?… Tiếp đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số cận lâm sàng để xác định chính xác tình trạng bệnh, nguyên nhân và lựa chọn phương hướng điều trị cho trẻ. Một số cận lâm sàng có thể được chỉ định:

  • Siêu âm bụng;
  • Chụp X-quang bụng;
  • Chụp CT hoặc MRI;
  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Xét nghiệm máu.

Viêm ruột thừa ở trẻ em có nguy hiểm không?

Có. Viêm ruột thừa ở trẻ là một tình trạng nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và biện pháp điều trị, can thiệp kịp thời, phù hợp. Viêm ruột thừa không phát hiện kịp thời tăng nguy cơ vỡ, lan rộng nhiễm trùng, gây biến chứng như viêm phúc mạc, áp xe… thậm chí gây tử vong.

Trẻ bị viêm ruột thừa có nhất thiết phải mổ không?

Phẫu thuật cắt ruột thừa được xem là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho trẻ bị viêm ruột thừa. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho trẻ. Do đó, trẻ bị viêm ruột thừa cần được đưa đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn phù hợp.

Cách điều trị viêm ruột thừa cho trẻ em

Điều trị viêm ruột thừa cho trẻ em gồm:

1. Phẫu thuật viêm ruột thừa cho trẻ

Trẻ có thể được chỉ định phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi tùy vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của viêm ruột thừa:

  • Phẫu thuật mở: Hiện nay, phẫu thuật mở không còn phổ biến trong điều trị viêm ruột thừa cho trẻ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một vết cắt lớn ở phía dưới bụng, bên phải để tìm và cắt bỏ ruột thừa. Trẻ được gây mê trong quá trình phẫu thuật. Trẻ nằm viện để theo dõi khoảng 7 ngày Trẻ đau nhiều sau mổ và thường có thể nhiễm trùng vết mổ và sẹo xấu trên vùng bụng. (4)
  • Phẫu thuật nội soi: Đây là phương pháp phẫu thuật phổ biến trong điều trị viêm ruột thừa ở trẻ. Bác sĩ sẽ rạch một vết cắt nhỏ dài khoảng 1 – 2 cm để đưa thiết bị nội soi và loại bỏ ruột thừa cho trẻ. Trẻ được gây mê trong quá trình phẫu thuật. Đa số trẻ sẽ nằm viện để được theo dõi trong khoảng 3 ngày.  Trẻ ít đau sau mổ và thường không thấy sẹo mổ.
Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa cho trẻ
Phẫu thuật cắt ruột thừa cho trẻ được thực hiện bởi các bác sĩ Ngoại nhi tại PlinkCare TP.HCM.

2. Điều trị không phẫu thuật

Trong những trường hợp trẻ chưa thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa ngay, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau và kháng sinh với liều dùng phù hợp cho trẻ khi nằm viện.

Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật viêm ruột thừa

Trẻ mổ ruột thừa cần được chăm sóc đúng cách nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục vết thương, giảm nguy cơ biến chứng:

1. Chăm sóc vết thương cho trẻ em mổ ruột thừa

Vết mổ ruột thừa ở trẻ cần được vệ sinh và thay băng đúng cách mỗi ngày nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng. Lưu ý, cần dùng bông gòn, băng gạc sạch, vô trùng và rửa sạch tay với xà phòng, dung dịch khử khuẩn trước khi thay băng, vệ sinh vết mổ cho trẻ. Nếu băn khoăn, lo lắng, bố mẹ nên nhờ nhân viên y tế để được hướng dẫn thay băng, chăm sóc vết mổ cho trẻ đúng cách.

Chỉ khâu sẽ tự tiêu. Tránh cho trẻ hoạt động, vận động mạnh cho đến khi vết thương liền hẳn. Tránh để trẻ chạm tay vào vết mổ. Tắm rửa cho trẻ bình thường, hạn chế để nước bẩn thấm vào vết thương.

2. Trẻ em viêm ruột thừa nên ăn gì?

Bố mẹ cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng rồi chuyển dần qua thức ăn đặc hơn nếu trẻ không có biểu hiện nôn. Trẻ sau phẫu thuật ruột thừa cần được bổ sung đủ dinh dưỡng và năng lượng để cơ thể hồi phục. Do đó, bố mẹ cần duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ chất, ưu tiên những thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng và năng lượng.

3. Trẻ bị viêm ruột thừa kiêng gì?

Trẻ viêm ruột thừa nên kiêng ăn đồ chế biến sẵn không rõ nguồn gốc và không đảm bảo vệ sinh thực phẩm… Bởi đây là những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, ít dưỡng chất, khó tiêu hóa, dễ gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

Biến chứng sau cắt ruột thừa ở trẻ em

Biến chứng sau cắt ruột thừa ở trẻ em tuy không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra như xuất huyết tại vị trí cắt ruột thừa, nhiễm trùng, áp xe, dính ruột, tắc ruột… Do đó, cần cho trẻ tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có các bất thường:

  • Trẻ sốt cao, sốt dai dẳng.
  • Vết mổ có dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, đau, tấy đỏ, chảy dịch).
  • Trẻ đau dữ dội, kèm nôn ói, bí trung đại tiện.

Câu hỏi thường gặp

Một số câu hỏi thường gặp về viêm ruột thừa ở trẻ em:

1. Trẻ bị viêm ruột thừa bao lâu thì khỏi?

Hầu hết trẻ bị viêm ruột thừa sẽ khỏi sau khi phẫu thuật ruột thừa.

2. Kích thước ruột thừa bình thường ở trẻ em là bao nhiêu?

Ruột thừa dài trung bình 8cm, đường kính dưới 6mm. (5)

3. Viêm ruột thừa ở trẻ phòng ngừa được không?

Hiện chưa có cách phòng ngừa viêm ruột thừa ở trẻ.

4. Khám viêm ruột thừa ở trẻ em ở đâu đáng tin cậy?

Trẻ có dấu hiệu, nghi ngờ viêm ruột thừa, bố mẹ có thể đưa trẻ đến Khoa Nhi thuộc Hệ thống PlinkCare để được bác sĩ thăm khám và tư vấn phù hợp. PlinkCare là một bệnh viện đa khoa chuyên sâu, cơ sở vật chất tấn tiến, quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm.

Trẻ khi đến khám tại đây sẽ được bác sĩ thăm khám một cách kỹ lượng, tư vấn chi tiết về tình trạng sức khỏe của trẻ. Đối với trường hợp trẻ bị viêm ruột thừa, trẻ sẽ được điều trị theo phác đồ “cá thể hóa”, sắp xếp phẫu thuật cấp cứu.

Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về viêm ruột thừa ở trẻ em. Đây là một tình trạng cấp cứu nguy hiểm, nguy cơ vỡ nhiễm trùng cao, đe dọa tính mạng. Vậy nên, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu viêm ruột thừa.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send