
Viêm môi dạng u hạt: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, phòng ngừa
Viêm môi dạng u hạt là gì?
Viêm môi dạng u hạt (CG: Cheilitis Granulomatosa) là bệnh mạn tính hiếm gặp, gây sưng tấy ở môi trên, môi dưới hoặc cả hai và khi xét nghiệm giải phẫu bệnh xác định do nhiễm u hạt. Bệnh gồm 2 dạng: hội chứng Merkelsson-Rosenthal (sưng môi hoặc mặt mãn tính, liệt mặt và lưỡi nứt nẻ) và viêm môi hạt Miescher (sưng chỉ giới hạn ở môi). Viêm môi u hạt không lây nhiễm và không gây khó chịu cho người bệnh.
Có nhiều loại viêm môi khác không ?
Có! Viêm môi là thuật ngữ đề cập đến kích ứng môi nói chung. Viêm môi u hạt không phổ biến nhưng có các dạng thường gặp hơn như: (1)
- Viêm môi vùng mép: gây bỏng vảy, đau ở khóe miệng nguyên nhân do nhiễm nấm gây ra.
- Bệnh chàm ở môi (viêm da môi dị ứng): nếu bị chàm ở những nơi khác trên cơ thể hoặc có phản ứng dị ứng với thứ gì đó có nguy cơ xuất hiện chàm ở môi.
- Viêm môi nhiễm trùng: do vi rút herpes simplex (HSV) hoặc nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A gây ra và có thể lây sang vùng khác trên cơ thể.
Nguyên nhân viêm môi u hạt
Viêm môi u hạt do viêm trong mạch máu của dẫn đến các tế bào miễn dịch tập trung lại, gọi là u hạt. Loại viêm này có thể xảy ra mà không rõ nguyên nhân hoặc liên quan đến: (2)
- Các yếu tố dị ứng: nếu dị ứng với dụng cụ nha khoa, một số loại thuốc, thực phẩm và phụ gia thực phẩm có thể gây viêm môi u hạt.
- Bệnh Crohn (viêm ruột mạn tính từng vùng) ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và nhiều bộ phận khác như mắt, miệng.
- Các bệnh di truyền, chẳng hạn phù mạch di truyền (thiếu C1 esterase). Phù mạch di truyền do thiếu hụt hoặc rối loạn chức năng của chất ức chế C1 (một protein điều hòa con đường hoạt hóa bổ thể cổ điển), gây phù đột ngột tại nhiều vị trí như mặt, chân, tay,…
- Amyloidosis (tích tụ protein trong các cơ quan của bạn). Bệnh ảnh hưởng đến các cơ quan như gan, thận, khớp, da và mô mềm.
- Các vi sinh vật như Mycobacterium tuberculosis và Paratuberculosis, Borrelia burgdorferi, Saccharomyces cerevisiae và Candida albicans có thể gây bệnh viêm môi u dạng hạt.
- Nhiễm trùng, chẳng hạn bệnh lao hoặc bệnh histoplasmosis (nhiễm trùng phổi).
- Sarcoidosis là bệnh đặc trưng bởi sự phát triển các tập hợp nhỏ của tế bào (u hạt) ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, phổ biến ở phổi và hạch bạch huyết)
- Mẫn cảm với tia cực tím (UV).
Triệu chứng viêm môi hạt
Triệu chứng của viêm môi u hạt làm môi sưng húp, không gây đau và có thể lan đến má. Tình trạng viêm sẽ giảm sau vài giờ hoặc vài ngày nhưng dễ tái phát. Nếu mắc viêm môi u hạt mạn tính sẽ làm môi nứt, mất màu hoặc chuyển sang nâu đỏ.

Viêm môi u hạt có hại không?
Có! Viêm môi u hạt là bệnh mạn tính (lâu dài), dù tình trạng sưng tấy có thể đến rồi đi nhưng các đợt bùng phát càng kéo dài và nghiêm trọng hơn gây nguy cơ tổn thương vĩnh viễn cho môi càng cao.
Bài viết liên quan: Viêm môi bong vảy là bệnh gì?
Yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh viêm môi u hạt
Yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh viêm môi u hạt gồm có:
- Dị ứng (nguy cơ di truyền phát triển dị ứng).
- Sưng mặt mãn tính do các tình trạng sức khỏe khác.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh viêm da.
- Dị ứng thức ăn.
Viêm môi u hạt ảnh hưởng đến ai?
Viêm môi u hạt hiếm gặp, ảnh hưởng đến khoảng 0,08% dân số và xảy ra ở mọi lứa tuổi không phân biệt chủng tộc hay giới tính.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn nhận thấy mặt hoặc miệng đột ngột sưng lên và kèm theo các triệu chứng như khó thở, sưng bên trong miệng hoặc cổ họng, khó nuốt nên đến bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da ngay lập tức.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm môi dạng u hạt
Phương pháp chẩn đoán viêm môi da dạng hạt gồm có:
- Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ sưng của môi và các triệu chứng kèm theo (nếu có). Ngoài ra, ra bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử gia đình, các loại thực phẩm hoặc chất nghi ngờ dị ứng.
- Xét nghiệm: Thực hiện các xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để kiểm tra sức khỏe cơ bản, chẳng hạn như vi-rút hoặc nhiễm trùng. Xét nghiệm dị ứng có thể được thực hiện, để tìm hiểu xem thực phẩm hoặc chất kích thích khác có làm cho môi sưng lên, chẳng hạn test lẩy da (Prick test) hoặc test áp bì (Patch test).
- Sinh thiết (mẫu mô): Phương pháp này nhằm kiểm tra mẫu tế bào từ môi và kiểm tra u hạt do vi khuẩn nào gây nên hoặc các dấu hiệu bất thường khác.
Người bệnh cần nói với bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng khác như ho dai dẳng hoặc kích ứng đường tiêu hóa, vì có thể là dấu hiệu của bệnh lao hoặc Crohn. Ngoài ra, bác sĩ sẽ xem xét kỹ lưỡi của người bệnh và kiểm tra chức năng thần kinh trên khuôn mặt của bạn để đảm bảo không mắc hội chứng Melkersson-Rosenthal.
Cách điều trị viêm môi dạng u hạt như thế nào?
Thuốc corticosteroid được sử dụng phổ biến để điều viêm môi u dạng hạt, giúp giảm sưng và tần suất tái phát (quay trở lại). Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh viêm môi u hạt, bác sĩ sẽ chỉ định dùng corticosteroid dưới dạng kem, thuốc viên hoặc thuốc tiêm và liều lượng bao nhiêu.
Biến chứng bệnh viêm môi u dạng hạt.
Thể viêm môi hạt Miescher (sưng chỉ giới hạn ở môi) không gây biến chứng nguy hiểm. Nếu viêm môi u hạt liên quan đến hội chứng Merkelsson-Rosenthal có nguy cơ liệt cơ mặt. Ngoài ra, nếu viêm môi u hạt là biểu hiện bên ngoài của bệnh Crohn đang tiến triển, thì các biến chứng viêm ruột có thể xảy ra.
Biện pháp phòng ngừa viêm môi u hạt
Không có cách nào để phòng ngừa viêm môi hạt, nhưng có thể giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát bằng cách:
- Tránh mỹ phẩm, thực phẩm hoặc các chất khác gây ra phản ứng dị ứng. Một số nghiên cứu cho thấy, quế và natri benzoat (một loại natri được sử dụng trong chất bảo quản thực phẩm) là những chất gây kích ứng phổ biến.
- Ăn thực phẩm giúp giảm viêm như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, quả hạch, hạt và sữa và cá.
- Không ăn thực phẩm dễ gây viêm, chẳng hạn thịt chế biến, carbohydrate tinh chế, cholesterol, natri (muối) và đồ uống và thực phẩm làm bằng đường nhân tạo.

Các câu hỏi liên quan về viêm môi dạng u hạt
1. Viêm môi dạng u hạt có chữa được không?
Viêm môi u hạt không có cách chữa dứt điểm, các phương pháp điều trị chỉ giảm sưng và ngăn tần suất tái phát.
2. Nên làm gì khi phát hiện bị viêm môi dạng u hạt?
Viêm môi dạng u hạt gây sưng môi, dễ tái phát và có thể liên quan đến các bệnh viêm nhiễm khác. Do đó, khi phát hiện môi có biểu hiện sưng bất thường hoặc kèm theo các triệu chứng như phù mặt, liệt cơ mặt, lưỡi nứt nẻ cần đến ngay chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, PlinkCare TP.HCM có các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm trong điều trị các bệnh về viêm môi u hạt, viêm môi dị ứng, viêm da cơ địa cùng nhiều phác đồ, kỹ thuật mới, máy móc nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu – Mỹ mang lại kết quả điều trị hiệu quả.
Viêm môi dạng u hạt là bệnh hiếm gặp, gây sưng môi và có thể liên quan đến các rối loạn viêm nhiễm khác. Tình trạng sưng có xu hướng tái phát ở hầu hết những người mắc phải. Do đó, ngay khi phát hiện môi có biểu hiện sưng to bất thường nên đến bệnh viện kịp thời tránh để bệnh kéo dài, có nguy cơ gây tổn thương môi vĩnh viễn.