
Viêm mê đạo tai: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Viêm mê đạo tai là gì?

Nguyên nhân viêm mê đạo tai
Bệnh có thể do virus, vi khuẩn hoặc các bệnh toàn thân gây ra.
1. Viêm mê đạo do virus
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm mê đạo là nguyên nhân thứ phát sau nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus. Viêm mê đạo thứ phát do mẹ nhiễm rubella hoặc cytomegalovirus (CMV) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây điếc bẩm sinh.
Trong giai đoạn sau sinh, quai bị và sởi là nguyên nhân hàng đầu gây mất thính lực do virus.
Hội chứng Ramsay-Hunt, còn được gọi là herpes zoster oticus, xảy ra khi nhiễm virus varicella-zoster tiềm ẩn tái hoạt động, thường là nhiều năm sau khi nhiễm virus ban đầu, triệu chứng bao gồm phát ban mụn nước, thường ở niêm mạc miệng hoặc tai, cùng với liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cùng bên tai bị ảnh hưởng.
Virus cũng có thể liên quan đến tình trạng viêm dây thần kinh tiền đình – ốc tai trong 25% trường hợp.
Mặc dù nguyên nhân chính xác của chứng mất thính lực đột ngột (bệnh lý điếc đột ngột) vẫn chưa được xác định, một số nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân có thể qua trung gian là các protein gây viêm của cytomegalovirus.
2. Viêm mê đạo do vi khuẩn
Viêm mê đạo do vi khuẩn thường phát sinh từ viêm màng não do vi khuẩn. Khoảng 20% trẻ em bị viêm màng não do vi khuẩn sẽ phát triển các triệu chứng liên quan thính lực hoặc tiền đình hoặc viêm tai giữa.
Tình trạng viêm có thể xảy ra thông qua hai cơ chế khác nhau:
Trong viêm mê đạo thanh dịch, tình trạng viêm là thứ phát do độc tố vi khuẩn và/hoặc các cytokine và các chất trung gian gây viêm đi vào mê đạo màng qua cửa sổ tròn hoặc cửa sổ bầu dục.
Viêm mê đạo mưng mủ là tình trạng viêm trực tiếp do nhiễm vi khuẩn đi vào tai trong qua cửa sổ bầu dục hoặc cửa sổ tròn, hoặc qua hệ thống thần kinh trung ương qua ống thần kinh tiền đình ốc tai. Cửa sổ tròn là điểm vào phổ biến nhất. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập từ các khiếm khuyết mắc phải và bẩm sinh trong mê đạo xương.
3. Viêm mê đạo tự miễn dịch
Bệnh viêm mê đạo đã được chứng minh là một biến chứng hiếm gặp của bệnh viêm đa động mạch nút và u hạt với viêm đa mạch (u hạt Wegener).
4. Viêm mê đạo do HIV/Giang mai
Cả bệnh giang mai và HIV đều có liên quan đến viêm mê đạo tai. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về tình trạng viêm này do ức chế miễn dịch liên quan đến HIV hay do chính virus gây ra.
Triệu chứng viêm mê đạo tai
Các triệu chứng viêm mê đạo tai thường gặp như:
- Chóng mặt kịch phát: Cảm giác muốn té ngã khi di chuyển hoặc xoay tròn, và rung giật nhãn cầu (chuyển động giật nhanh của mắt theo một hướng xen kẽ với chuyển động chậm hơn trở lại vị trí ban đầu);(2)
- Buồn nôn và nôn ói;
- Ù tai;
- Nghe kém ở các mức độ khác nhau;
- Thường bị đau tai và sốt.

Phương pháp chẩn đoán viêm mê đạo tai
Nếu bệnh nhân có các triệu chứng như chóng mặt, rung giật nhãn cầu, điếc hoặc suy giảm thính lực, xảy ra trong một đợt viêm tai giữa cấp tính, chấn thương vùng tai thái dương hoặc lây lan từ nhiễm trùng mạn tính đã có (như viêm tai giữa mạn tính hay biến chứng của cholesteatoma), bác sĩ có thể nghi ngờ viêm mê đạo tai có mủ và cần thực hiện một số phương pháp chẩn đoán xác định bệnh như:
- Chụp CT xương thái dương: Được thực hiện để xác định độ ăn mòn của xương mê nhĩ và tìm xem có biến chứng của viêm tai giữa hay viêm xương chũm cấp không.
- Chụp MRI: Có thể được chỉ định nếu có các triệu chứng của viêm màng não hoặc áp xe não, chẳng hạn như tình trạng tâm thần thay đổi, sốt cao; trong những trường hợp này, chọc dò dịch não tủy và cấy máu cũng được thực hiện.
Chẩn đoán phân biệt
- Viêm dây thần kinh tiền đình: có triệu chứng tương tự như viêm mê đạo tai nhưng không gây mất thính lực.
- Bệnh Meniere: cũng gây mất thính lực và chóng mặt, tuy nhiên các triệu chứng thường không liên tục.
- Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: tình trạng chóng mặt xoay tròn nhưng không làm giảm thính lực và có các nghiệm pháp tiền đình dương tính như Dix hallpike…
- U thần kinh thính giác, u bao sợi thần kinh tiền đình: có thể được chẩn đoán bằng cách sử dụng GMRI.
- Dị tật tai trong (thiếu xương bàn đạp, thiểu sản, xương mọc bất thường): biểu hiện bằng tình trạng mất thính lực tiến triển và có thể được chẩn đoán bằng hình ảnh CT hoặc MRI.
- Chấn thương xương thái dương: được xem xét nếu có tiền sử chấn thương đầu gần đây và có thể được xác định bằng hình ảnh CT scan.
Phương pháp điều trị viêm mê đạo tai
Tùy theo nguyên nhân và triệu chứng của người bệnh, bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị viêm mê đạo tai phù hợp.
1. Điều trị viêm mê đạo do virus
Điều trị viêm mê đạo tai do virus chủ yếu là nâng đỡ tổng trạng và điều trị triệu chứng.
- Thuốc benzodiazepin và thuốc kháng histamin: có thể được sử dụng để điều trị chứng chóng mặt ban đầu.
- Thuốc chống nôn, chẳng hạn như prochlorperazine: giúp kiểm soát buồn nôn và nôn.
- Corticosteroid: sử dụng khi có tình trạng điếc đột ngột.
2. Điều trị viêm mê đạo tai do vi khuẩn
Kháng sinh là liệu pháp đầu tay trong điều trị viêm mê đạo do vi khuẩn, phụ thuộc vào nguồn gây bệnh.
- Kháng sinh đường uống: là phương pháp điều trị đầu tiên đối với viêm tai giữa cấp tính với màng nhĩ còn nguyên vẹn.
- Kháng sinh tiêm tĩnh mạch: có thể cần thiết nếu nhiễm trùng không đáp ứng. Nếu nghi ngờ viêm màng não do vi khuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị ngay lập tức bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch ngấm qua màng não tốt như Ceftriaxone, các chỉ định thuốc sau đó sẽ được bác sĩ điều chỉnh linh hoạt theo kết quả của việc cấy vi khuẩn. (3)
Phẫu thuật
Can thiệp phẫu thuật chỉ cần thiết trong một số ít trường hợp như:
- Đôi khi bệnh nhân có thể cần chích rạch màng nhĩ hoặc đặt ống thông nhĩ trong viêm mê đạo tai thứ phát sau viêm tai giữa.
- Phẫu thuật tiệt căn xương chũm ở bệnh nhân có cholesteatoma hoặc viêm xương chũm nặng.
- Khoan mê nhĩ kết hợp phẫu thuật tiệt căn xương chũm trong một vài trường hợp viêm tai xương chũm nặng biến chứng viêm mê nhĩ.
- Phẫu thuật cắt bỏ mê đạo có thể được cân nhắc để điều trị bệnh trong một số ít trường hợp viêm mê đạo thứ phát do cholesteatoma.
3. Điều trị viêm mê đạo tự miễn dịch
Đối với trường hợp viêm mê đạo tự miễn dịch, việc sử dụng corticosteroid là liệu pháp đầu tay. Nếu bệnh nhân kháng với liệu pháp corticosteroid, có thể xem xét các chất điều hòa miễn dịch khác, chẳng hạn như azathioprine, etanercept hoặc cyclophosphamide.
4. Điều trị viêm mê đạo do HIV/Giang mai
Với trường hợp này, bác sĩ sẽ điều trị triệu chứng thích hợp và chuyển đến bác sĩ chuyên khoa tiếp tục theo dõi.

5. Liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình
Viêm mê đạo tai cấp tính đã khỏi vẫn có thể để lại các triệu chứng tiền đình dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Người bệnh có thể cần tập phục hồi chức năng tiền đình để cải thiện dần triệu chứng bệnh.
Viêm mê đạo tai điều trị sau bao lâu phục hồi?
Chóng mặt cấp tính do viêm mê đạo tai sẽ hết trong vài ngày, tuy nhiên các triệu chứng nhẹ hơn có thể tồn tại trong vài tuần. Tiên lượng thường tốt nếu bệnh nhân không để lại di chứng nặng nề về thần kinh. Tuy nhiên, các biến chứng thần kinh có thể cần can thiệp thêm và tiên lượng trở nên thận trọng hơn.
Những bệnh nhân được điều trị kéo dài bằng thuốc benzodiazepin và/hoặc thuốc kháng histamin để điều trị chứng chóng mặt có thể chậm phục hồi chức năng tiền đình.
Trường hợp viêm mê đạo mưng mủ có nhiều khả năng gây suy giảm thính lực vĩnh viễn.
Biến chứng viêm mê đạo tai
Viêm mê đạo tai có thể gây ra các biến chứng sau:(1)
1. Suy giảm chức năng tiền đình hai bên
Đây là một biến chứng suy nhược liên quan đến viêm mê đạo hai bên, thường gặp nhất là do viêm màng não có nguyên nhân từ nhiễm vi khuẩn. Nó có thể dẫn đến suy giảm thị lực và suy giảm nhận thức, thường khiến bệnh nhân phụ thuộc vào các thiết bị hỗ trợ di chuyển.
2. Suy giảm thính lực
Nếu viêm mê đạo nghiêm trọng, một số bệnh nhân có thể bị giảm thính lực hoặc ù tai. Những trường hợp này có thể dùng máy trợ thính hoặc liệu pháp điều trị ù tai nhằm giúp cải thiện triệu chứng này.
3. Điếc hoàn toàn
Đây là một biến chứng hiếm gặp của viêm mê đạo hai bên, thường do viêm màng não do vi khuẩn gây ra.
4. Viêm xương chũm
Nếu viêm mê đạo do vi khuẩn không được điều trị hiệu quả có nguy cơ phát triển thành viêm xương chũm. Tình trạng này thường đáp ứng tốt với kháng sinh đường tĩnh mạch, tuy nhiên những trường hợp nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật cắt bỏ xương chũm kết hợp tạo hình màng nhĩ trong.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bị viêm mê đạo tai
Các triệu chứng của viêm mê đạo tai có thể gây căng thẳng cho người bệnh. Do đó, việc thực hiện lối sống lành mạnh có thể giúp đối phó tình trạng này, chẳng hạn như:
- Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, không nên ăn quá no;
- Tập thể dục hàng ngày;
- Ngủ đủ giấc;
- Hạn chế uống cà phê, tránh uống rượu bia, không hút thuốc lá.
Để giảm bớt căng thẳng, người bệnh có thể thực hiện các liệu pháp thư giãn, như: Hít thở sâu, thiền, Yoga…
Cách phòng ngừa viêm mê đạo tai
Viêm mê đạo tai thường do nhiễm trùng tai. Bản thân nhiễm trùng tai không lây nhiễm, nhưng virus và vi khuẩn gây bệnh thì có thể lây lan. Để phòng ngừa nhiễm trùng tai, mỗi người hãy thực hành vệ sinh tốt bằng cách:
- Rửa tay bằng xà bông sát khuẩn thường xuyên;
- Tránh dùng chung dụng cụ ăn uống;
- Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc khói thuốc lá;
- Trẻ em và người lớn nên được tiêm vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng phế cầu khuẩn vì vi khuẩn phế cầu là tác nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng tai;
- Thăm khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng ngay khi có dấu hiệu bất thường ở tai để được điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị bệnh viêm mê đạo tai và các bệnh lý về tai mũi họng tại PlinkCare, Quý khách hàng có thể liên hệ:
Chẩn đoán sớm và quản lý hiệu quả những bệnh lý nhiễm trùng như viêm tai giữa, viêm mũi xoang hay viêm màng não giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro do sự phát triển của bệnh viêm mê đạo tai hoặc ít nhất là giảm thiểu nguy cơ biến chứng lâu dài. Bên cạnh đó, người dân cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị, rubella. Bệnh nhân chóng mặt nên thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn một số bài tập chuyên biệt phục hồi chức năng tiền đình và cải thiện các triệu chứng bệnh.