
Viêm màng não do vi khuẩn: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm màng não do vi khuẩn là gì?
Viêm màng não do vi khuẩn hay viêm màng não do nhiễm khuẩn là một trường hợp cấp cứu nội khoa có thể dẫn đến tử vong chỉ trong 24 giờ sau khi khởi phát, nếu không điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra khi màng não (phần bao quanh não có nhiệm vụ bảo vệ não và tủy sống) và khoang dưới màng nhện bị viêm nhiễm bởi sự xâm nhập của vi khuẩn.
Khi đó, vi khuẩn xâm nhập vào màng não sẽ gây viêm các mô xung quanh não, khiến cho lưu lượng máu não bị gián đoạn và gia tăng nguy cơ đột quỵ não. (1)

Nguyên nhân bị viêm màng não do vi khuẩn
Như đã đề cập, nguyên nhân gây viêm màng não là do vi khuẩn xâm nhập vào màng não.
1. Viêm màng não do vi khuẩn nào gây nên
Hiện nay, nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 50 loại vi khuẩn khác nhau gây viêm màng não. Trong đó, viêm màng não xảy ra phổ biến do các loại vi khuẩn sau đây:
- Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae);
- Liên cầu khuẩn nhóm B (Streptococcus agalactiae);
- Vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis);
- Vi khuẩn Haemophilus;
- Vi khuẩn Listeria monocytogenes;
- Vi khuẩn E. coli (Escherichia coli). (2)
2. Yếu tố nguy cơ gây bệnh nhiễm khuẩn viêm màng não
Vi khuẩn gây bệnh viêm màng não thường có sẵn trong môi trường sống hoặc có thể tồn tại trong các bộ phận của cơ thể như cổ họng, mũi… mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Tuy nhiên, dù chưa khởi phát bệnh nhưng người mang vi khuẩn gây viêm màng não vẫn có thể lây vi khuẩn sang người khác thông qua dịch tiết đường hô hấp như ho, hắt xì, hôn, dùng chung dụng cụ ăn uống… Ngoài ra, liên cầu khuẩn nhóm B và vi khuẩn E. coli có thể lây lan từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.

Đối tượng nguy cơ bị viêm màng não do vi khuẩn
Mặc dù viêm màng não do vi khuẩn có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng nhóm người sau đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác:
- Trẻ em trong độ tuổi sơ sinh đến dưới 2 tuổi
- Người trưởng thành có các yếu tố như:
- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện (ma túy, bia, rượu, thuốc lá…);
- Nhiễm trùng tai hoặc mũi mạn tính;
- Viêm phổi do phế cầu khuẩn;
- Đã phẫu thuật cắt bỏ lá lách;
- Mắc bệnh hồng cầu hình liềm;
- Hệ thống miễn dịch suy yếu…
Bên cạnh đó, người từng phẫu thuật cột sống, não hoặc bị nhiễm trùng máu cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn viêm màng não cao hơn người bình thường.
Triệu chứng viêm màng não do vi khuẩn
Một số triệu chứng viêm màng não vi khuẩn thường gặp như:
- Sốt cao;
- Đau đầu;
- Cứng cổ khiến người bệnh không thể hạ cằm xuống ngực;
- Buồn nôn hay nôn ói;
- Lú lẫn;
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Mệt mỏi, uể oải giống biểu hiện bệnh cảm cúm.
Với trẻ dưới 2 tuổi, bệnh có thể gây sốt cao dẫn đến nôn ói, ngủ li bì, thóp phồng, co giật… Mặt khác, đối với trẻ em trên 2 tuổi và người lớn, bệnh viêm màng não do vi khuẩn có thể gây buồn ngủ kéo dài, gia tăng cảm giác khó chịu trong cơ thể, thậm chí xảy ra động kinh và đột quỵ.

Các biến chứng của viêm màng não do vi khuẩn
Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh viêm màng não do vi khuẩn có thể gây đột quỵ và tử vong. Trường hợp may mắn giữ được tính mạng, người bệnh có thể đối mặt một số biến chứng nguy hiểm như:
- Nhồi máu tĩnh mạch hoặc động mạch (xảy ra do huyết khối hoặc viêm ở trên bề mặt hoặc sâu trong não);
- Não úng thủy (di chứng sau viêm màng não);
- Liệt dây vận nhãn ngoài (xảy ra do dây thần kinh sọ số 6 bị chèn ép hoặc viêm nhiễm);
- Mất thính lực (do viêm cấu trúc tai giữa hoặc viêm dây thần kinh sọ số 8);
- Tụ mủ dưới màng cứng của não;
- Tăng áp lực nội sọ do phù não;
- Thoát vị não;
- Một số biến chứng toàn thân khác như đông máu nội mạch (DIC), sốc nhiễm khuẩn, hạ natri máu do xảy ra hội chứng tiết hormone chống bài niệu không phù hợp (SIAHD)…
>> Xem thêm: 3 biến chứng viêm màng não nguy hiểm và di chứng sau điều trị
Bên cạnh đó, người bị viêm màng não vi khuẩn có thể gặp phải các di chứng lâu dài như:
- Động kinh;
- Suy giảm trí nhớ, kém tập trung;
- Suy giảm hoặc mất khả năng vận động, giữ thăng bằng, phối hợp các chi;
- Mất hoặc suy giảm thính lực và thị lực;
- Giảm khả năng tư duy;
- Rối loạn ngôn ngữ.
Phương pháp chẩn đoán viêm màng não do vi khuẩn
Tại các cơ sở y tế, người bệnh bị nghi ngờ mắc viêm màng não do vi khuẩn sẽ được bác sĩ thăm khám lâm sàng và kiểm tra qua các xét nghiệm. Sau đó, bác sĩ có thể sẽ chỉ định các xét nghiệm máu, và các dịch trong cơ thể của người bệnh.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện chọc dò tủy sống để lấy dịch não tủy (chất lỏng bao quanh tủy sống). Mẫu dịch não tủy sau khi thu thập sẽ trải qua quá trình xét nghiệm, phân tích tại phòng thí nghiệm. Kết quả phân tích dịch não tủy sẽ góp phần giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh viêm màng não do vi khuẩn. (3)
Phương pháp điều trị viêm màng não do vi khuẩn
Sau khi đã chẩn đoán và xác định được loại vi khuẩn gây viêm màng não, người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng sinh dạng tiêm qua đường tĩnh mạch trong thời gian từ 14 đến 21 ngày hoặc lâu hơn, tùy tình trạng của người bệnh.
Ngoài ra, để điều trị hồi sức tích cực khi xảy ra biến chứng phù não, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thở máy qua nội khí quản, đặt truyền tĩnh mạch trung tâm để duy trì vận mạch, lọc máu hoặc sử dụng thuốc chống phù não. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thuốc corticosteroid để hỗ trợ cải thiện nhanh tình trạng viêm, sưng ở người bệnh.
Phương pháp phòng ngừa viêm màng não do vi khuẩn
Hiện nay, tiêm vaccine là cách phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn hiệu quả. Lưu ý, vaccine chỉ hỗ trợ phòng bệnh, người được tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh viêm màng não do nhiễm khuẩn. Vì vậy, cần tránh xa các yếu tố nguy cơ nhằm hạn chế khởi phát bệnh.
Phòng ngừa bằng vaccine
Hiện nay, các loại vaccine có thể giúp phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn bao gồm:
- Vaccine não mô cầu giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn N. meningitidis;
- Vaccine phế cầu khuẩn giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn S. pneumoniae;
- Vaccine Haemophilusenzae serotype b (Hib) giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn Haemophilus Influenzae serotype b.
Để phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm màng não do nhiễm khuẩn, trẻ cần được tiêm vaccine phòng bệnh trong độ tuổi từ 11 – 12 tuổi và tiêm nhắc lại vào năm 16 tuổi.
Hiện tại, người dân có thể tiêm phòng bệnh viêm màng não do vi khuẩn tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp phép cung cấp dịch vụ này, đơn cử như Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.
Tại đây cung cấp đầy đủ các loại vaccine tiêm phòng viêm màng não vi khuẩn cho người lớn và trẻ em với nguồn gốc rõ ràng như vaccine 6 trong 1 Infanrix Hexa, vaccine 5 trong 1 Pentaxim… Ngoài ra, VNVC còn là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP. Do đó, quy trình lưu trữ vaccine tại đây được đảm bảo đạt chuẩn quốc tế (2 đến 8 độ C). (4)

2. Biện pháp ngăn ngừa viêm màng não do vi khuẩn
- Bên cạnh việc tiêm vaccine, mỗi người nên chủ động phòng ngừa và ngăn nguy cơ lây lan bệnh viêm màng não do vi khuẩn bằng cách:
- Tránh xa chất kích thích như thuốc phiện, thuốc lá, rượu, bia….
- Che mũi và miệng bằng khăn giấy mỗi khi hắt hơi hoặc ho.
- Duy trì thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, thay tã cho trẻ, đi vệ sinh. Để việc rửa tay đạt hiệu quả diệt khuẩn tốt, bạn cần chà rửa kỹ từng ngón tay, mặt trước và sau của bàn tay. Rửa lại với nước sạch và lau khô tay trước khi cầm nắm bất kỳ vật dụng nào khác.
- Nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch hoạt động tốt sẽ giúp cơ thể tránh khỏi tác động của các loại vi khuẩn viêm màng não. Do đó, mỗi người cần quan tâm đến việc tăng cường hệ miễn dịch bằng cách:
- Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya;
- Thiết lập thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức;
- Duy trì thói quen rèn luyện thể chất;
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, ưu tiên thực phẩm giàu chất chống oxy hóa; vitamin và khoáng chất… hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa; chất gây viêm….
- Duy trì thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/ lần để sớm phát hiện các nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn trong cơ thể. Nhờ vậy, hiệu quả chữa bệnh và ngăn ngừa biến chứng sẽ được gia tăng đáng kể.
Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ lây bệnh nhiễm khuẩn viêm màng não từ mẹ sang con, phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm Streptococcus nhóm B vào tuần thứ 36 hoặc 37 của thai kỳ. Trường hợp dương tính với vi khuẩn này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thai phụ dùng thuốc kháng sinh trong quá trình chuyển dạ để hỗ trợ phòng tránh nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B cho em bé.
Khi có dấu hiệu viêm màng não do vi khuẩn cần đến ngay các sơ sở y tế
Bệnh nhiễm khuẩn viêm màng não thường chuyển biến nhanh và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Do đó, ngay khi xuất hiện triệu chứng, người bệnh cần nhanh chóng đến khám tại bệnh viện gần nhất nhằm hạn chế các biến chứng và nguy cơ tử vong do.
Quy tụ đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, Hệ thống PlinkCare là nơi chẩn đoán và chữa trị thành công nhiều trường hợp viêm màng não nói chung và viêm màng não do vi khuẩn nói riêng.
Bệnh viện được đầu tư xây dựng với hệ thống máy móc hiện đại, nhập khẩu đồng bộ từ các nước tiên tiến, hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường khám chữa bệnh chất lượng, thân thiện với người bệnh. Khoa Phẫu thuật thần kinh có sự phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa khác như Tai Mũi Họng, Trung tâm xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Sơ sinh,… giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh lý, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.
Tóm lại, để bảo vệ tính mạng cũng như hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng, việc chẩn đoán và điều trị viêm màng não nhiễm khuẩn cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Mỗi người cần chủ động ngăn ngừa viêm màng não do vi khuẩn bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh, nâng cao sức khỏe tổng thể với một lối sống khoa học.