
Viêm khớp cấp: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị, phòng ngừa
Viêm khớp cấp là gì?
Viêm khớp cấp là tình trạng viêm, đau khởi phát nhanh chóng hoặc đột ngột, do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, dẫn đến nhiều khớp bị tân công cùng lúc. Vấn đề bệnh lý này ít phổ biến nhưng cũng có nguy cơ tiến triển thành mãn tính nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Điểm khác nhau giữa viêm khớp cấp và viêm khớp thông thường
Khác với viêm khớp thông thường, viêm khớp cấp tính xảy ra đột ngột và không phải do tổn thương. Một số nguyên nhân có thể gây đau khớp cấp tính ngoài viêm khớp bao gồm: viêm bao hoạt dịch, bong gân, bệnh gút, viêm cho chấn thương, vận động quá mức… Tùy vào mức độ nghiêm trọng, tình trạng này thường khỏi trong vài tuần bằng cách tự chăm sóc và điều trị bảo tồn. (1)
Dấu hiệu viêm cấp tính
Tình trạng viêm khớp cấp thường xuất hiện với các dấu hiệu như sau:
- Sưng, đỏ và nóng ở các khớp bị ảnh hưởng.
- Phạm vi chuyển động bị hạn chế.
- Đau các khớp xuất hiện đột ngột, sau một bữa ăn thịnh soạn hoặc khi thời tiết thay đổi
- Người bệnh rất khó để phân biệt giữa viêm khớp thông thường và viêm khớp cấp. Theo đó, bác sĩ khuyên nên theo dõi các triệu chứng, khả năng tiến triển của cơn đau vào một thời điểm nhất định trong ngày, sau khi hoạt động thể chất hoặc nghỉ ngơi để hỗ trợ chẩn đoán chính xác.
- Nếu các dấu hiệu sưng đau vẫn tiếp tục kéo dài hơn một vài tuần, trở nên nghiêm trọng hơn hoặc xuất hiện một số triệu chứng như sốt, phát ban… người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế tối đa các biến chứng không mong muốn.
Nguyên nhân gây viêm khớp cấp tính
Tình trạng viêm khớp cấp có thể xuất hiện do một số nguyên nhân điển hình sau đây: (2)
- Nhiễm virus.
- Viêm cột sống dính khớp.
- Hoại tử vô mạch (hoại tử xương – mô xương chết do lưu lượng máu hạn chế).
- Ung thư xương.
- Xương gãy.
- Viêm bao hoạt dịch.
- Hội chứng đau phức hợp khu vực (đau mãn tính do rối loạn chức năng hệ thần kinh).
- Đau cơ xơ hóa.
- Viêm khớp do lậu cầu.
- Bệnh gút (viêm khớp liên quan đến hàm lượng acid uric dư thừa).
- Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém).
- Bệnh bạch cầu.
- Lupus.
- Viêm xương khớp.
- Viêm tủy xương (nhiễm trùng xương).
- Viêm đa khớp dạng thấp.
- Bệnh giả gút.
- Viêm khớp vảy nến.
- Viêm khớp phản ứng.
- Thấp khớp.
- Bệnh còi xương
- Viêm khớp nhiễm trùng
- Bong gân.
- Viêm gân.
Các yếu tố rủi ro
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm khớp cấp, nhưng một số người có thể có nguy cơ cao hơn do các yếu tố sau:
- Tuổi tác.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh.
- Tổn thương hoặc chấn thương khớp trước đó.
- Gặp phải các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, điển hình như béo phì.
- Có các bệnh nền điều trị không ổn định, dễ gặp trường hợp viêm khớp phản ứng.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Nếu các dấu hiệu sưng đau khớp vẫn không cải thiện trong một vài tuần, thậm chí trở nên năng hơn hoặc xuất hiện thêm một vài triệu chứng đáng lo ngại dưới đây, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ:
- Sưng, đỏ, nóng khớp nghiêm trọng.
- Phát ban với các đốm màu tím.
- Xuất hiện vết loét trong miệng, mũi hoặc bộ phận sinh dục.
- Đau ngực, khó thở.
- Ho dữ dội.
- Đau bụng.
- Sốt.
- Đổ mồ hôi, ớn lạnh.
- Sụt cân.
- Đau hoặc đỏ mắt.
Phương pháp chẩn đoán
Đối với tình trạng viêm khớp cấp, ban đầu, bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi về tiền sử triệu chứng bệnh, bao gồm: (3)
- Mức độ nghiêm trọng của cơn đau.
- Dạng khởi phát cơn đau (đột ngột, từ từ…).
- Sự thay đổi triệu chứng theo thời gian, những yếu tố làm tăng hoặc giảm cơn đau (nghỉ ngơi, vận động…).
- Tình trạng sưng khớp, cứng khớp hoặc các rối loạn khác đã được chẩn đoán trước đó.
- Nguy cơ tiếp xúc với các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Sau đó, bác sẽ sĩ tiếp tục chỉ định kiểm tra thể chất hoàn chỉnh, bao gồm:
- Kiểm tra tình trạng sưng đỏ, nóng, đau của khớp (bao gồm cả khớp cột sống).
- Kiểm tra tình phát ra tiếng động khi khớp cử động.
- Phạm vi chuyển động của các khớp.
- Kiểm tra mắt, miệng, mũi và vùng sinh dục để phát hiện vết loét hoặc các dấu hiệu viêm nhiễm khác.
- Kiểm tra chức năng hệ thần kinh để phát hiện các rối loạn cơ hoặc dây thần kinh.
Tiếp theo đó, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm dịch khớp: Nếu khớp bị sưng, bác sĩ sẽ tiến hành lấy dịch khớp để xét nghiệm (thủ thuật gọi là chọc hút khớp hoặc chọc dò khớp. Theo đó, vị trí lấy mẫu sẽ được gây tê để hạn chế cảm giác đau cho người bệnh. Bác sĩ sẽ mang dịch khớp đi kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng, gút hoặc một số rối loạn liên quan dựa trên số lượng bạch cầu.
- Xét nghiệm kháng thể: Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện được một số rối loạn tự miễn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ.
- Xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR) và CRP: ESR là xét nghiệm đo tốc độ lắng xuống đáy ống nghiệm chứa mẫu máu của bạch cầu. Tốc độ càng cao thì tỷ lệ bị viêm toàn thân càng lớn. Tuy nhiên, xét nghiệm dễ chịu ảnh hưởng bởi tuổi tác, thiếu máu nên kết quả đôi khi không chính xác. Lúc này, CRP sẽ tiếp tục được chỉ định thực hiện.
- Xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh giúp phát hiện các khối u xương hoặc khớp (nếu có). Theo đó, bác sĩ thường chỉ định chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI).
Biến chứng
Viêm khớp cấp thường có thể cải thiện sau vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, một số trường hợp không được điều trị kịp thời có nguy cơ tiến triển nghiêm trọng theo thời gian, dẫn đến mạn tính với nhiều biến chứng nguy hiểm như sau:
- Phá hủy xương và sụn khớp: Khớp bị viêm có thể gây ảnh hưởng đến cơ, gân, dây chằng khiến cho xương khớp yếu đi. Đặc biệt, bệnh còn có khả năng gây viêm bao khớp, làm giảm chất lượng dịch khớp. Điều này khiến sụn khớp bị thiếu dưỡng chất nuôi dưỡng, dần trở nên khô ráp và bong tróc. Phần xương dưới sụn cũng xuất hiện các vùng đặc, rỗng khác nhau, dẫn đến hiện tượng đau nhức liên tục.
- Làm biến dạng khớp: Bệnh tiến triển nặng sẽ xuất hiện các khối u tại vùng khớp bị viêm. Khớp không giữ được hình dạng ban đầu, trở nên gồ ghề, thậm chí lệch sang một bên gây ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Cách điều trị viêm khớp cấp tính
Cách điều trị viêm khớp cấp tính sẽ dựa vào từng nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh, cụ thể như sau:
- Viêm khớp phản ứng, do viêm nhiễm tại các cơ quan bộ phận lân cận làm phát sinh phản ứng viêm tại khớp: trường hợp đó cần điều trị nguyên nhân gốc, chẳng hạn người bị nhiễm trùng lậu ở khớp cần dùng kháng sinh.
- Đau không viêm: Trường hợp này thường được chỉ định dùng acetaminophen, cố định khớp bằng nẹp, chườm nóng, chườm lạnh để giảm đau.
- Sau khi cơn đau cấp tính giảm bớt, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện vật lý trị liệu để cải thiện phạm vi chuyển động cũng như tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh. Trong trường hợp đã tiến triển đến mãn tính, phương pháp điều trị quan trọng là hoạt động thể chất liên tục để ngăn ngừa hiện tượng mất cơ và cứng khớp vĩnh viễn.
Cách phòng tránh viêm khớp cấp tính
Tình trạng viêm khớp cấp tính có thể được phòng tránh hiệu quả thông qua một số giải pháp thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. (4)
1. Chế độ ăn
Xây dựng chế độ ăn giàu Omega-3, bao gồm: các loại cá (cá hồi, cá ngừ, cá mòi…), các loại hạt (hạt lanh, hạt chia, quả óc chó…), dầu thực vật (dầu hạt cải, dầu đậu tương…), sữa chua, trứng…
Bổ sung nhóm thực phẩm tốt cho xương, giúp tạo xương, tăng cường sức mạnh cho xương, tăng mật độ xương, bao gồm: sữa ít béo, bông cải xanh, trà xanh, cam quýt…
2. Hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất đều đặn là một trong những biện pháp hữu ích để ngăn ngừa chứng viêm khớp. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị nên vận động vừa phải 30 phút mỗi ngày, một tuần 5 lần để tăng cường sức mạnh cho cơ, xương, khớp.
3. Quản lý cân nặng ở mức hợp lý
Tình trạng thừa cân sẽ gây áp lực lên vùng hông và đầu gối, góp phần phá huỷ sụn ở đệm khớp. Do đó, việc duy trì mức cân nặng hợp lý là thực sự cần thiết để ngăn ngừa hiệu quả chứng viêm khớp thường gặp.
Ngoài ra, việc kiểm soát đường huyết ở mức ổn định và từ bỏ thói quen hút thuốc cũng là giải pháp hữu ích nên ưu tiên.
4. Kiểm soát các bệnh mạn tính
Nếu người bệnh có các bệnh lý mạn tính như tim mạch, nội tiết, ung thư cần được kiểm tra theo dõi định kỳ, kiểm soát tốt tình trạng bệnh để phòng tránh các viêm khớp phản ứng
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống PlinkCare, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…
PlinkCare còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Trên đây là tổng hợp tất cả thông tin hữu ích liên quan đến tình trạng viêm khớp cấp. Hy vọng với những chia sẻ này, người bệnh đã có thể nhiều cập nhật mới trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời, giúp hạn chế tối đa các biến chứng không mong muốn.