
Viêm gan D: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phòng ngừa
Viêm gan D là gì?
Viêm gan D (HDV) là một chủng viêm gan, xảy ra dưới dạng đồng nhiễm với viêm gan B (HBV). Là một trong những loại viêm gan tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm gây suy giảm chức năng gan nghiêm trọng và vĩnh viễn.
Tỷ lệ người bị viêm gan D sau khi bị viêm gan B là 4 – 6%, phần còn lại là ở người bị viêm gan B mạn tính. Cụ thể, virus thuộc họ Deltaviridae là tác nhân gây nên viêm gan D. Đây là một loại virus chưa hoàn chỉnh, chỉ có thể hoạt động khi nhân lên với virus Orthohepadnavirus gây viêm gan B. Do vậy, viêm gan D chỉ có thể xảy ra đồng thời (đồng nhiễm) hoặc sau khi (bội nhiễm) ở người bệnh bị viêm gan B.
Viêm gan D là một bệnh lý nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của gan. Gan bao gồm 5 chức năng chính là lọc máu; phân hủy các chất độc hại; sản xuất mật giúp tiêu hóa chất béo; tổng hợp protein; dự trữ vitamin và khoáng chất. Khi chức năng gan bị suy giảm ở người bệnh viêm gan D và những biến chứng của bệnh sẽ gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tích tụ chất lỏng (dẫn đến tăng áp hoặc tràn dịch), hội chứng máu khó đông, dễ bị thương và nhiễm trùng, suy giảm chức năng thận,…
Viêm gan D dễ dàng lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch hoặc máu của người bị nhiễm bệnh (như dùng chung kim tiêm/ đồ dùng cá nhân, quan hệ tình dục, chạm vào vết thương hở của người bệnh). Có rất ít trường hợp viêm gan D lây truyền từ mẹ sang con. Tình trạng lây nhiễm chéo viêm gan D giữa quan hệ tình dục đồng giới cũng cho tỷ lệ khá thấp.
Đến nay vẫn chưa có phác đồ hay thuốc đặc trị cho bệnh viêm gan D. Người bệnh chỉ có thể điều trị bảo tồn để cải thiện và duy trì chức năng gan.

Phân loại viêm gan D
1. Viêm gan D cấp
Viêm gan D cấp tính thường xuất hiện dưới dạng đồng nhiễm của viêm gan B. Là một dạng nhiễm trùng gan ngắn hạn, các triệu chứng không kéo dài hơn 6 tháng. Viêm gan D cấp tính có khả năng điều trị triệt căn cao, thậm chí một số người có thể tự khỏi mà không cần uống thuốc. Những triệu chứng của bệnh cũng chỉ ảnh hưởng tạm thời đến chức năng của gan, cũng như không gây tổn thương nghiêm trọng, vĩnh viễn.
2. Viêm gan D mạn
Viêm gan D mạn tính dễ xảy ra ở những người đã bị viêm gan B mạn tính. Các triệu chứng của viêm gan D mạn tính kéo dài trên 6 tháng. Người bệnh cũng đồng thời đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm về gan khác như: xơ gan, xơ gan mất bù, ung thư gan,… Viêm gan D mạn tính dễ tiến triển ở những người cao tuổi hoặc người không có kháng thể với virus viêm gan B và viêm gan D.
Triệu chứng viêm gan D
Những triệu chứng đặc hiệu của viêm gan D mà người bệnh có thể nhận biết bao gồm:
- Vàng da, vàng tròng mắt
- Sốt
- Suy nhược cơ thể
- Nước tiểu vàng đậm, sẫm màu
- Phân màu vàng nhạt
- Chán ăn
- Buồn nôn và nôn
Người bệnh sẽ gặp những triệu chứng này trong vòng 3 – 7 tuần sau lần bị nhiễm trùng gan đầu tiên. Triệu chứng sẽ tăng dần tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nhưng hầu hết các trường hợp viêm gan D do bội nhiễm từ viêm gan B mạn tính đều gặp những triệu chứng nặng nề, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh.
Nguy hiểm hơn, triệu chứng của viêm gan D cấp tính rất giống với triệu chứng của những loại viêm gan khác. Vì vậy, người bệnh cần nhanh chóng đi khám với bác sĩ chuyên khoa ngay khi xuất hiện một trong những triệu chứng nghi ngờ để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh sớm.

Nguyên nhân viêm gan D
Nguyên nhân gây viêm gan D là do tình trạng đồng nhiễm hoặc bội nhiễm từ viêm gan B. Ngoài ra, viêm gan D cũng có thể lây nhiễm từ người sang người thông qua các con đường sau: (1)
- Đường máu: Bất cứ hoạt động tiếp xúc trực tiếp nào với máu hoặc dịch cơ thể của người bị viêm gan D cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh. Phổ biến bao gồm: dùng chung kim tiêm, các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hay các dụng cụ y tế không được tiệt trùng kỹ lưỡng…
- Đường tình dục: Quan hệ tình dục là hoạt động mà cơ thể sẽ tiếp xúc trực tiếp giữa dịch cơ thể, máu qua da với da. Vì thế tỷ lệ viêm gan D sau khi quan hệ tình dục với người bệnh là rất cao. Tuy nhiên, không có sự chênh lệch về tỷ lệ nhiễm bệnh giữa quan hệ tình dục đồng tính và khác giới.
- Lây truyền từ mẹ sang con: Thống kê cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan D giữa mẹ sang con trong quá trình thụ thai là khá hiếm. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm gan D do mẹ bị bệnh trong thời gian thụ thai.
Với những nguyên nhân gây bệnh viêm gan D như trên thì những đối tượng có nguy cơ cao hơn so những người khác là:
- Người bị bệnh viêm gan B mạn tính
- Người có bạn tình bị bệnh viêm gan D
- Người sử dụng ma túy
- Người sống chung nhà, sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm gan D
- Nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với máu và dịch cơ thể người bệnh
Chẩn đoán viêm gan D
Chẩn đoán viêm gan D được thực hiện bằng xét nghiệm máu. 2 yếu tố để xác định người bệnh bị viêm gan D là: (2)
- HBsAg kháng thể nguyên bề mặt dương tính, người bệnh nhiễm viêm gan B
- Chỉ số IgG dương tính (chỉ số miễn dịch kháng HDV G)
- Chỉ số IgM dương tính
Dù vậy, nồng độ kháng thể HDV thường không thể hiện rõ ràng trong 1 – 3 tuần đầu. Vì vậy, người bệnh cũng cần thực hiện thêm những sàng lọc khác để loại bỏ khả bị viêm gan A, viêm gan C hoặc các bệnh về rối loạn khác gây triệu chứng vàng da.
Cách điều trị viêm gan D
Điều trị viêm gan D được áp dụng chủ yếu cho những trường hợp bị viêm gan D mạn tính, triệu chứng xảy ra lâu hơn 6 tháng. Các trường hợp cấp tính có thể tự khỏi mà không cần uống thuốc điều trị. Người bệnh chỉ cần bảo vệ sức khỏe gan và sức khỏe tổng thể để phục hồi và cải thiện chức năng gan sau đó.
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị tối ưu, đem lại hiệu quả cao cho viêm gan D. Thuốc Pegylat interferon alpha thường được kê cho người bệnh, tuy nhiên thống kê cho thấy tỷ lệ đáp ứng thấp, chỉ có 25% (Theo số liệu do Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa dịch bệnh Hoa kỳ cung cấp). (3)
Người bệnh có thể sử dụng Pegylat interferon alpha trong vòng 48 tuần để làm giảm tốc độ tiến triển bệnh. Nhưng thuốc này chống chỉ định cho người đã tiến triển thành xơ gan mất bù, bị viêm gan do bệnh tự miễn…
Điều quan trọng trong điều trị viêm gan D là người bệnh cần duy trì các thói quen sống tích cực để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh viêm gan D. Những điều mà người bệnh cần TRÁNH tuyệt đối để không làm nghiêm trọng bệnh viêm gan D bao gồm:
- Sử dụng rượu bia
- Ăn quá mặn (tiêu thụ cao hơn 10g muối/ngày)
- Ăn các thực phẩm có nhiều chất béo xấu
- Lạm dụng thực phẩm chức năng, uống thuốc bổ không theo liều lượng/ lời khuyên từ bác sĩ
Ngủ không đủ giấc (Ít hơn 4 tiếng/ngày)
Đối với những người bệnh không đáp ứng các phương pháp điều trị nội khoa trên. Đồng thời, chức năng gan bị tổn thương nghiêm trọng, khó hồi phục, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp ghép gan. Đây là phương pháp loại bỏ phần bị tổn thương và thay thế bằng một lá gan khỏe mạnh khác. Giúp kéo dài được tuổi thọ cho người bệnh và giảm thiểu tối đa các triệu chứng bệnh gan trước đó.
Tuy nhiên, ghép gan là một cuộc phẫu thuật lớn với triển vọng sống lên tới 70%. Vì thế, bác sĩ sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên sức khỏe chung và mức độ tổn thương hiện tại của lá gan người bệnh.

Phòng ngừa bệnh viêm gan D
Vì bệnh viêm gan D là dạng viêm gan chỉ có thể xuất hiện khi người bệnh bị viêm gan B. Do đó, phương pháp phòng ngừa viêm gan D hiệu quả nhất và cũng được khuyến khích nhất hiện nay là thực hiện tiêm phòng viêm gan B. Vaccine phòng viêm gan B có khả năng phòng ngừa 80 – 100% khả năng mắc bệnh.
Bộ y tế khuyến cáo thời gian tốt nhất để tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan B gồm:
- Mũi 1: Trong vòng 24 giờ sau khi sinh
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi đầu tiên
- Mũi 3: 5 tháng sau mũi thứ 2, 6 tháng sau mũi đầu tiên
Đối với người lớn, nên thực hiện xét nghiệm chỉ số kháng thể viêm gan B và viêm gan D theo chu kỳ 5 năm/lần. Cần thực hiện tiêm mũi nhắc nếu kháng thể giảm thấp.
Ngoài ra, viêm gan D có thể phòng ngừa bằng cách tăng cường sức khỏe gan thông qua lối sống lành mạnh, như:
- Hạn chế tối đa uống rượu bia
- Không ăn nhiều các thực phẩm chế biến bên ngoài, thức ăn nhanh vì chứa nhiều chất béo xấu gây hại cho gan, và không thể đo lường dưỡng chất trong thực phẩm
- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người khác, đặc biệt các dụng cụ dễ dính máu như dao cạo, bàn chải đánh răng, lược,…
- Không tái sử dụng kim tiêm đã dùng
- Sử dụng găng tay y tế khi chạm vào vết thương của người khác
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần/năm

Các thắc mắc về viêm gan D
1. Virus viêm gan D lây qua đường nào?
Virus viêm gan D lây qua 3 đường chính: đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con (hiếm gặp).
2. Bệnh viêm gan D có nguy hiểm không?
Viêm gan D cấp tính không nguy hiểm. Người bệnh có thể bị ảnh hưởng sức khỏe bởi những triệu chứng của bệnh như vàng da, sốt, suy nhược, nôn mửa… nhưng bệnh sẽ tự khỏi sau đó.
Viêm gan D mạn tính là tình trạng nguy hiểm, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ bị các bệnh như: xơ gan mất bù, ung thư gan… Giai đoạn viêm gan D mạn tính, người bệnh không thể loại bỏ bệnh hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát, ngăn chặn tốc độ phát triển của bệnh.
3. Mối liên quan của viêm gan B và viêm gan D?
Viêm gan D chỉ có thể xuất hiện ở những người đã hoặc đang bị viêm gan B. Căn nguyên của viêm gan D là một loại virus khiếm khuyết, không hoạt động. Loại virus này chỉ có thể hoạt động khi được nhân lên với virus viêm gan B.
Ngoài ra, viêm gan D do bội nhiễm hoặc đồng nhiễm với viêm gan B sẽ khiến các triệu chứng viêm gan trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bệnh cần đến khám với bác sĩ ngay sau khi có các triệu chứng liên quan đến viêm gan để được can thiệp y khoa sớm, tăng cao hiệu quả điều trị. Tốt nhất, mọi người nên thực hiện tiêm phòng viêm gan B theo phác đồ được khuyến cáo để cùng lúc phòng tránh cả 2 loại viêm gan này.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (PlinkCare Hà Nội) thuộc Hệ thống PlinkCare là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho người bệnh gặp các vấn đề về đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng.
Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp cũng dẫn đầu với các kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật nội soi ổ bụng với các tên tuổi chuyên gia như TTƯT.PGS.TS Triệu Triều Dương, ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Trường, ThS.BS Lê Văn Lượng… Các chuyên gia thuộc lĩnh vực nội soi tiêu hóa tiêu biểu như TS.BS Vũ Trường Khanh, BSNT Đào Trần Tiến, BSNT Hoàng Nam, BS.CKII Bùi Quang Thạch… Ngoài ra, bệnh viện còn được trang bị hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:
Viêm gan D là một loại viêm gan xảy ra đồng thời hoặc sau khi người bệnh bị nhiễm viêm gan B. Hiện nay, bệnh chỉ có thể được kiểm soát bởi các phương pháp điều trị nội khoa. Trường hợp nặng nhất, người bệnh sẽ cần phải phẫu thuật ghép gan mới, loại bỏ hoàn toàn phần gan bị tổn thương.