Image

Viêm dạ dày ruột: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng

Viêm dạ dày ruột là gì?

Viêm dạ dày ruột là bệnh nhiễm trùng đường ruột do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây nên, xuất hiện với các triệu chứng điển hình như đau bụng, nôn, tiêu chảy, có thể kèm sốt. Nguyên nhân chủ yếu do tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc ăn uống thực phẩm, đồ uống mang mầm bệnh. Với những người có thể trạng khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi trong khoảng 1 tuần và không để lại di chứng. Tuy nhiên, viêm dạ dày ruột có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh, người già và người có hệ thống miễn dịch yếu.

bị viêm dạ dày ruột
Viêm dạ dày ruột là bệnh nhiễm trùng đường ruột do virus hoặc vi khuẩn gây nên

Triệu chứng viêm dạ dày ruột

Nhìn chung, bệnh viêm dạ dày ruột thường xuất hiện với các triệu chứng điển hình sau đây:

  • Tiêu chảy ra nước, đôi khi có thể có máu
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đau bụng
  • Đau cơ
  • Nhức đầu
  • Sốt nhẹ

Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, các triệu chứng viêm dạ dày ruột có thể xuất hiện trong vòng 1 – 3 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh, diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, triệu chứng bệnh có thể kéo dài lên đến 14 ngày.

1. Triệu chứng viêm dạ dày ruột do nhiễm virus

Đối với tình trạng bị viêm dạ dày ruột do nhiễm virus, tiêu chảy phân nước là triệu chứng phổ biến nhất, phân hiếm khi có chất nhầy hoặc lẫn máu. Trong đó, dấu hiệu đặc trưng của viêm dạ dày ruột do virus adeno gây tiêu chảy kéo dài từ 1 – 2 tuần. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bị nôn nhẹ, thường xảy ra sau 1 – 2 ngày tiêu chảy. Trong khi đó, virus Cytomegalo có thể gây tiêu chảy ra máu ở người bệnh suy giảm miễn dịch.

2. Triệu chứng viêm dạ dày ruột do vi khuẩn

Một số vi khuẩn gây bệnh viêm dạ dày ruột như Shigella, Salmonella thường gây triệu chứng sốt, mệt mỏi và tiêu chảy ra máu.

3. Triệu chứng viêm dạ dày ruột do ký sinh trùng

Nhiễm ký sinh trùng thường gây tiêu chảy bán cấp hoặc mạn tính nhưng không kèm máu, đi kèm triệu chứng mệt mỏi, thiếu máu, sụt cân bất thường.

triệu chứng viêm dạ dày ruột
Tiêu chảy là triệu chứng điển hình của bệnh viêm dạ dày ruột

Nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột là bệnh lý do virus, vi khuẩn gây nên, lây lan trong quá trình ăn uống thực phẩm bẩn. Ngoài ra, nguyên nhân nhiễm bệnh cũng có thể do dùng chung đồ dùng, thức ăn với người mắc bệnh. Một số chủng virus gây ra viêm dạ dày ruột bao gồm:

  • Norovirus: Norovirus có thể xâm nhập và tấn công cơ thể cả người lớn và trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu do ăn thực phẩm bẩn. Đặc biệt, chủng virus này có khả năng lây lan trong điều kiện tiếp xúc ở khoảng cách gần hoặc dùng chung đồ ăn.
  • Rotavirus: Rotavirus là nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột phổ biến nhất ở trẻ em. Trẻ thường bị nhiễm bệnh khi ăn đồ ăn nhiễm virus hoặc đưa tay, các đồ vật nhiễm virus vào miệng. Tình trạng nhiễm trùng nặng nhất thường xảy ra ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Người lớn bị nhiễm virus không có triệu chứng vẫn có khả năng lây bệnh.

Ngoài ra, một số nguồn lây khác có thể kể đến như:

  • Một số loại hải sản có vỏ chứa virus, đặc biệt là hàu sống hoặc chưa nấu chín kỹ vẫn có thể là nguyên nhân gây bệnh
  • Nguồn nước uống bị nhiễm virus
  • Ăn thức ăn do người nhiễm bệnh chế biến

Bên cạnh đó, các chủng vi khuẩn gây viêm dạ dày ruột gồm:

  • Campylobacter
  • Clostridioides difficile
  • Escherichia coli (đặc biệt là loại O157:H7 )
  • Salmonella
  • Shigella
  • Tụ cầu khuẩn

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là các đối tượng dưới đây:

  • Trẻ em: Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị viêm dạ dày ruột do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện.
  • Người cao tuổi: Người già có hệ thống miễn dịch suy yếu, dễ bị lây nhiễm bệnh viêm dạ dày ruột.
  • Người sống ở khu vực dân cư tập trung đông đúc
  • Người có hệ thống miễn dịch suy yếu do bị nhiễm HIV AIDS, trải qua hóa trị
  • Người sống ở Bắc Bán Cầu: Nhóm đối tượng này có nguy cơ cao bị nhiễm rotavirus hoặc norovirus vào mùa đông và mùa xuân.
viêm ruột dạ dày
Mắc bệnh viêm dạ dày ruột do ăn thực phẩm nhiễm virus hoặc vi khuẩn

Phương pháp chẩn đoán viêm dạ dày ruột

1. Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, yếu tố dịch tễ học để loại trừ các vấn đề rối loạn tiêu hóa khác có triệu chứng tương tự viêm dạ dày ruột (viêm ruột thừa, viêm loét đại tràng…) như:

  • Tiêu chảy thường xuyên
  • Ăn thực phẩm bị nghi ngờ mang mầm bệnh, đặc biệt là trong thời gian bùng phát dịch bệnh.
  • Tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc động vật mang mầm bệnh
  • Đi du lịch đến vùng đang bùng phát bệnh dịch

Bên cạnh đó bác sĩ sẽ trực tiếp thăm khám bụng để xác định vị trí đau, mức độ cơn đau từ đó định hướng chẩn đoán bệnh và chỉ định các xét nghiệm phù hợp như xét nghiệm chỉ số viêm trong máu, xét nghiệm phân, siêu âm bụng….

2. Xét nghiệm phân

Xét nghiệm phân có thể cung cấp thêm thông tin nhằm chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên cần phối hợp thêm với xét nghiệm máu và thăm dò hình ảnh bụng để đưa ra kết luận chính xác. Xét nghiệm phân có thể cho kết quả có sự hiện diện của bạch cầu trong phân gợi ý tình trạng viêm, hoặc đôi khi có trứng giun sán, kí sinh trùng trong phân. Một số trường hợp nuôi cấy phân có thể phát hiện loại vi khuẩn cụ thể gây viêm đường ruột, từ đó bác sĩ sẽ phân tích thêm để đưa ra phác đồ thuốc kháng sinh phù hợp nhất.

3. Kiểm tra tổng quát

Bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác bệnh viêm dạ dày ruột, bao gồm:

  • Xét nghiệm điện giải đồ trong huyết thanh, nitơ urê máu (BUN) và cretinine: Nhằm đánh giá tình trạng mất nước do tiêu chảy và tác động của việc mất nước lên chức năng thận.
  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC): Kết quả phân tích công thức máu có thể cho thấy tình trạng tăng bạch cầu gợi ý có dấu hiệu viêm nhiễm trong cơ thể hoặc tăng bạch cầu ái toan gợi ý tình trạng nhiễm ký sinh trùng.

4. Nội soi

Đối với các trường hợp bị tiêu chảy nặng, bác sĩ có thể chỉ định nội soi, chủ yếu là nội soi đại tràng sigma để đánh giá thêm. Phương pháp chẩn đoán này thường được áp dụng với những người có tiền sử mắc bệnh viêm ruột hoặc suy giảm miễn dịch. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể quan sát được trực tiếp tình trạng niêm mạc ruột, đánh giá chính xác mức độ tổn thương, có thể tiến hành sinh thiết tại vùng nghi ngờ có bệnh lý để phân tích chi tiết hơn ở mức độ tế bào và mô học. (1)

chẩn đoán viêm dạ dày ruột
Nội soi để chẩn đoán viêm dạ dày ruột

Các biến chứng nguy hiểm của viêm dạ dày ruột

Biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm dạ dày ruột là mất nước và các khoáng chất thiết yếu do nôn mửa và tiêu chảy. Nhiều trường hợp nghiêm trọng có thể phải nhập viện, truyền dịch qua đường tĩnh mạch để tránh nguy cơ tử vong. Ngoài ra, bệnh không được điều trị kịp thời còn có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm toan chuyển hóa
  • Rối loạn điện giải (tăng natri máu, hạ natri máu, hạ kali máu)
  • Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng
  • Hoại tử, thủng đại tràng
  • Không dung nạp carbohydrate (lactose, glucose)
  • Dễ bị tái nhiễm về sau
  • Không dung nạp thực phẩm
  • Hội chứng tan máu, tăng urê máu

Cách chữa viêm dạ dày ruột

Thông thường, triệu chứng viêm dạ dày ruột chỉ kéo dài trong vòng vài ngày và tự khỏi. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng khó chịu của người bệnh như thuốc trị buồn nôn hoặc tiêu chảy dành cho người lớn (không được chỉ định sử dụng cho trẻ em). Một số trường hợp cũng có thể cần dùng thuốc kháng sinh.

Để điều trị viêm dạ dày ruột người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thêm dung dịch bù nước theo chỉ định của bác sĩ.

Ngay cả khi cảm thấy buồn nôn, người bệnh cũng nên cố gắng ăn theo từng lượng nhỏ, sau đó bắt đầu với những món dễ tiêu hóa như chuối, cháo lỏng khi cảm giác thèm ăn quay trở lại. Trong quá trình điều trị, bác sĩ khuyên không nên uống sữa, các sản phẩm từ sữa, nước ngọt, nước ép trái cây, đồ uống thể thao để tránh triệu chứng tiêu chảy tiến triển nghiêm trọng hơn.

Đối với các trường hợp bệnh diễn tiến nặng, mất nước nghiêm trọng, người bệnh cần đến bệnh viện để được truyền dịch và theo dõi sát sao, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm.

chữa viêm dạ dày ruột
Truyền dịch cho người bệnh bị mất nước nghiêm trọng do viêm dạ dày ruột

Phương pháp phòng ngừa viêm dạ dày ruột

Dưới đây là một số biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm dạ dày ruột:

  • Rửa tay thật kỹ trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, thay tã, tốt nhất nên sử dụng nước ấm, xà phòng và chà rửa tay thật kỹ ít nhất trong vòng 20 giây
  • Không dùng chung đồ cá nhân, đặc biệt là dụng cụ ăn uống, ly uống nước, khăn tắm, khăn lau mặt
  • Ngâm rửa thực phẩm với nước muối loãng thật kỹ trước khi ăn
  • Vệ sinh khu vực bếp và dụng cụ nấu nướng một cách kỹ lưỡng trước khi chế biến thức ăn
  • Tránh tiếp xúc với người/ vật mang mầm bệnh
  • Luôn khử trùng tay nắm cửa, bề mặt bồn cầu… trước khi dùng nếu trong gia đình có người đang nhiễm bệnh
  • Mang găng tay, khẩu trang trước khi chạm vào quần áo của người nhiễm bệnh, nên giặt đồ bằng nước nóng và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời
  • Một số loại virus gây viêm dạ dày ruột hiện đã có vacxin phòng bệnh, ví dụ như vaccine phòng virus Rota.
phòng ngừa viêm dạ dày ruột
Tiêm phòng vắc-xin phòng ngừa bệnh viêm dạ dày ruột

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Người bệnh bị viêm dạ dày ruột nên đi khám bác sĩ nếu gặp phải các trường hợp hoặc triệu chứng nghiêm trọng sau đây:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi
  • Đau bụng dai dẳng, triệu chứng ngày càng tiến triển nghiêm trọng
  • Sốt kéo dài hơn 48 giờ
  • Phát ban
  • Nôn mửa liên tục trong 4 – 6 giờ
  • Tiêu chảy thường xuyên và nhiều kéo dài hơn 7 ngày
  • Xuất hiện dấu hiệu rối loạn tâm thần, chóng mặt hoặc đau đầu
  • Có lẫn máu trong phân hoặc chất nôn
  • Phân đen
  • Chất nôn màu xanh
  • Người bệnh đang mắc bệnh mạn tính, có hệ thống miễn dịch suy yếu/ suy giảm miễn dịch

Khoa Tiêu hoá (PlinkCare Hà Nội) và Trung tâm Nội soi – Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) là những chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc những bệnh lý tiêu hóa từ nhẹ đến nặng. Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến bệnh viêm dạ dày ruột,nguyên nhân, triệu chứng đi kèm, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, người bệnh sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để chủ động theo dõi sức khỏe, thăm khám sớm, nhằm hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send