
Viêm cơ tim ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Viêm cơ tim ở trẻ em là gì?
Viêm cơ tim ở trẻ em là tình trạng các thành cơ tim bị viêm một phần hoặc toàn bộ. Ở hầu hết trẻ em, bệnh xảy ra là do nhiễm virus. Bệnh làm giảm co bóp cơ tim, giảm chức năng bơm máu của tim và gây rối loạn nhịp tim. Trẻ em là nhóm đối tượng dễ mắc viêm cơ tim do sức đề kháng còn yếu.
Đồng thời, các triệu chứng bệnh không rõ ràng nên không phát hiện sớm khiến nhiều trường hợp chuyển sang nặng, có nguy cơ tử vong. (1)
Nguyên nhân viêm cơ tim ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm cơ tim ở trẻ, có thể là do virus hoặc do các tác nhân khác, cha mẹ nên quan sát nếu trẻ có dấu hiệu viêm cơ tim thì nên đưa trẻ đi khám ngay.
1. Nguyên nhân thường gặp do virus
Parvovirus
Parvovirus B19 là loại virus có thể gây bệnh “má đỏ” ở trẻ em với tính lây lan cao. Trẻ nhỏ rất thường nhiễm phải loại virus này với các triệu chứng điển hình như:
- Sốt;
- Đau đầu;
- Đau dạ dày;
- Sổ mũi;
- Nổi mẩn đỏ trên mặt.
Phần lớn trẻ em bị nhiễm Parvovirus đều ở mức độ nhẹ và có thể chưa cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ có sức đề kháng kém, bệnh có thể chuyển biến nặng và gây nhiễm trùng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
Virus cúm
Nhiều người lầm tưởng virus cúm sẽ chỉ gây ho, đau họng, viêm phế quản, viêm phổi,… Nhưng trên thực tế, chúng có thể tấn công thẳng vào cơ tim gây viêm, làm cản trở quá trình bơm máu của tim. Không chỉ gây viêm cơ tim, virus cúm còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho trẻ nếu không điều trị kịp thời.
Adenovirus và virus coxsackie
- Adenovirus gây ra các bệnh lý như viêm đường hô hấp (có triệu chứng tương tự cúm (sốt, ho, đau họng, mệt mỏi), viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột,…. Đây được xem là một trong những virus phổ biến gây ra viêm cơ tim cấp ở trẻ em. Ngoài ra, Adenovirus còn có khả năng gây bệnh liên quan đến mắt, đường tiêu hóa, hô hấp,…
- Virus coxsackie: là loại virus gây ra các bệnh như tay chân miệng, viêm họng mụn nước, viêm não màng não ở trẻ em,… Đặc biệt, chủng coxsackie B có thể gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài cơ tim. (2)
Virus rubella, rubella và HIV
- Virus rubella cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm cơ tim, đặc biệt nguy hiểm cho trẻ sơ sinh khi nhiễm từ mẹ trong thai kỳ. Loại virus này đã có vaccine phòng bệnh, được khuyến cáo tiêm chủng cho phụ nữ trước khi mang thai.
- Rubeola (gây bệnh sởi): Là bệnh cực kỳ dễ lây lan, nhất là ở trẻ em suy dinh dưỡng. Các biến chứng có thể gặp gồm: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não sau sởi,…
- HIV: Viêm cơ tim còn do virus HIV/AIDS, có khả năng xâm nhập cơ tim trực tiếp.

2. Nguyên nhân khác
- Phản ứng một số loại thuốc: Trẻ sử dụng một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn như: Thuốc chống ung thư, cocain, phenothiazin, choloroquin, emetin,…
- Tiếp xúc hóa chất: Trẻ sống trong môi trường độc hại, thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất, kim loại nặng như thủy ngân, arsenic… hoặc khí CO là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc viêm cơ tim.
- Nhiễm trùng do nấm hoặc ký sinh trùng: Hệ miễn dịch của trẻ còn yếu. Do đó, trẻ rất dễ bị nhiễm một số loại nấm được cho là có liên quan đến bệnh viêm cơ tim như: nấm Candida, aspergillus và một số loại nấm được tìm thấy trong phân chim (như Histoplasma),… Một số loại ký sinh trùng như Trypanosoma cruzi và toxoplasma, một số loài truyền qua côn trùng… có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm cơ tim ở cả trẻ nhỏ và người lớn.
- Phơi nhiễm phóng xạ: Viêm cơ tim có thể xuất hiện khi người bệnh cần phải điều trị bằng phương pháp xạ trị hoặc phơi nhiễm chất phóng xạ.
- Một số bệnh rối loạn miễn dịch: Trẻ bị rối loạn miễn dịch (ví dụ bệnh tự miễn như lupus ban đỏ), “hàng rào” chắn vi khuẩn suy giảm sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại xâm nhập và gây bệnh, trong đó có các yếu tố có thể gây viêm cơ tim.
Dấu hiệu trẻ bị viêm cơ tim
Dấu hiệu viêm cơ tim ở trẻ có thể khác nhau theo từng độ tuổi, việc nhận biết sớm các triệu chứng cảnh báo giúp trẻ được chăm sóc sớm và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.
1. Trẻ nhỏ hơn 2 tuổi
Viêm cơ tim cấp ở trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 2 tuổi chủ yếu là do virus. Bệnh thường gây triệu chứng cấp tính nặng và tiến triển rất nhanh. Phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra nếu trẻ có một số biểu hiện như:
- Khó thở;
- Quấy khóc, không chịu bú;
- Ngủ li bì, rên rỉ;
- Bàn tay và bàn chân lạnh, nhợt nhạt;
- Sốt.
Những dấu hiệu này khá mờ nhạt, dễ bị nhầm lẫn với bệnh khác. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan vì bệnh có thể diễn tiến rất nhanh, gây biến chứng nếu không điều trị kịp thời.
2. Trẻ lớn hơn 2 tuổi
Ở mỗi trẻ sẽ có các dấu hiệu khác nhau, nhưng bố mẹ có thể nhận biết dấu hiệu cảnh báo nguy cơ viêm cơ tim qua một số biểu hiện như:
- Trẻ quấy khóc;
- Trẻ bỏ bú, chán ăn;
- Trẻ ngủ mê, khó đánh thức trẻ;
- Trẻ thường rên rỉ, nhất là khi ngủ mê,…
3. Đối với những trẻ lớn, thanh thiếu niên
Những trẻ lớn, thanh thiếu niên, triệu chứng của bệnh đa dạng hơn như: Sốt, khó thở, ho, thở khò khè, sổ mũi,… Một số trẻ còn xuất hiện thêm triệu chứng ở đường tiêu hóa như: tiêu chảy, buồn nôn, nôn,…
Phương pháp chẩn đoán viêm cơ tim ở trẻ
Tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp chẩn đoán viêm cơ tim phù hợp và chuẩn xác nhất.
1. X-quang ngực
Viêm cơ tim là bệnh lý khó chẩn đoán do những triệu chứng không đặc hiệu, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, nhất là ở trẻ nhỏ. Kết hợp các triệu chứng lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh của con, của bố mẹ, bác sĩ thường sẽ cho chụp X-quang ngực.
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất, giúp đánh giá tình trạng của lồng ngực, các cơ quan trong lồng ngực, bao gồm cả tim.
2. Điện tâm đồ
Biện pháp này được sử dụng nhằm giúp phát hiện các bất thường ở tim như: Nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, hỗ trợ chẩn đoán viêm cơ tim.
3. Siêu âm tim
Với kỹ thuật dùng sóng siêu âm để tái tạo được hình ảnh hoạt động của quả tim trong thời gian thực. Thông qua đó, các bác sĩ có thể đánh giá được cấu trúc, chức năng và hoạt động co bóp của tim, góp phần chẩn đoán viêm cơ tim. (3)

4. MRI tim
Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bị viêm cơ tim, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim). Với hình ảnh 3 chiều cấu trúc trái tim, bác sĩ có thể đánh giá những bất thường ở tim.
5. Xét nghiệm máu
Việc phân tích mẫu máu của người bệnh có thể giúp đánh giá các dấu hiệu viêm và nhiễm trùng, tìm ra một số nguyên nhân của viêm cơ tim, giúp chẩn đoán và điều trị.
6. Sinh thiết cơ tim
Sinh thiết cơ tim là phương pháp chính xác để chẩn đoán viêm cơ tim nhưng thường chỉ được sử dụng khi các phương pháp chẩn đoán khác không đủ và bệnh tiến triển nặng.
Các biến chứng của viêm cơ tim ở trẻ
- Bệnh cơ tim giãn: Cơ tim giãn gây ảnh hưởng đến tâm thất và tâm nhĩ của tim. Bệnh còn có thể dẫn đến loạn nhịp tim, hở van tim và cục máu đông trong tim. Ở một số bệnh nhân, cơ tim giãn được cho là bắt đầu với viêm cơ tim cấp tính.
- Suy tim ở trẻ em: Viêm cơ tim cấp ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm, dẫn đến suy tim nhanh chóng, thậm chí có thể gây tử vong.
- Loạn nhịp tim: Viêm cơ tim có thể gây rối loạn nhịp tim với các biểu hiện: tim đập quá nhanh hoặc quá chậm, hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức vùng ngực, khó thở, chóng mặt,…
Xem thêm: Bệnh viêm cơ tim có nguy hiểm không? 6 biến chứng thường gặp
Điều trị viêm cơ tim ở trẻ em
1. Điều trị nhiễm trùng, bệnh tự miễn
Đối với các bé có bệnh tự miễn, hệ miễn dịch của cơ thể bị mất đi khả năng nhận biết các tác nhân gây hại. Do đó, nhiễm trùng virus rất có thể xảy ra, từ đó dẫn đến nguy cơ viêm cơ tim. Điều trị nhiễm trùng hoặc tình trạng tự miễn dịch sẽ giúp củng cố hàng rào bảo vệ, ngăn chặn phần lớn virus gây bệnh.

2. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh có thể điều trị khí có các nhiễm vi khuẩn kèm theo (bội nhiễm)… Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ là hạn chế và chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
3. Thuốc chống viêm
Thuốc chống viêm có tác dụng ức chế miễn dịch, làm giảm tình trạng viêm. Viêm cơ tim tế bào khổng lồ, viêm cơ tim quá mẫn thường được bác sĩ chỉ định dùng thuốc để điều trị. Phụ huynh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc cho bé vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
4. Thuốc lợi tiểu
Viêm cơ tim cấp ở trẻ em dẫn đến suy tim thường được cho dùng thuốc lợi tiểu để giảm triệu chứng. Furosemide, bumetanide là những loại thuốc lợi tiểu thường được sử dụng cho bệnh nhân suy tim có hiện tượng thừa dịch.
5. Globulin miễn dịch
Sức đề kháng của trẻ em còn yếu nên không thể chống lại được hết các tác nhân gây bệnh, bao gồm các vi khuẩn, virus gây nên biến chứng viêm cơ tim. Chính vì vậy, việc tiêm Globulin miễn dịch (IgG) qua đường tĩnh mạch giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, góp phần trong điều trị bệnh.
6. Hỗ trợ thở
Hầu hết những trẻ em được chẩn đoán bị viêm cơ tim đều được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt để xử lý ban đầu. Trường hợp nặng, trẻ bị khó thở, nhịp thở không đều có thể sử dụng đến phương pháp hỗ trợ thở. (4)
7. Thuốc điều trị chứng suy tim
Các nhóm thuốc dùng để điều trị chứng suy tim được dùng nhiều bao gồm: Thuốc kháng aldosterone, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin, digoxin, thuốc ức chế xoang, thuốc ức chế chất đồng vận chuyển natri-glucose 2, thuốc giãn mạch,…
8. Thuốc điều trị nhịp tim bất thường
4 nhóm thuốc thường được bác sĩ tim mạch chỉ định nhằm cải thiện tình trạng rối loạn nhịp tim là:
- Nhóm thuốc chẹn kênh Natri: Tác dụng trực tiếp, mạnh trên hầu hết các tế bào cơ tim; tác dụng gián tiếp làm thay đổi điều hòa tự động tim.
- Nhóm thuốc chẹn Beta: Giảm tính tự động, giảm tính chịu kích thích, giảm tốc độ dẫn truyền và giảm lực co bóp của cơ tim. Ức chế co bóp cơ tim.
- Nhóm thuốc chẹn kênh Calci: Giúp giãn mạch và giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
- Nhóm thuốc chẹn kênh Kali: Chống loạn nhịp tim bằng cách kéo dài thời gian của điện thế hoạt động tế bào, kéo dài thời gian trơ của các mô có kênh ion chậm và nhanh.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm cơ tim
Trẻ em bị viêm cơ tim cần được chăm sóc đặc biệt và theo dõi chặt chẽ tiến triển bệnh. Song song với việc điều trị bằng thuốc, phụ huynh nên có một số lưu ý trong việc chăm sóc trẻ:
- Để bé nằm nghỉ ngơi trên giường, nên kê thêm gối để giúp việc hít thở dễ dàng hơn.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học cho bé. Tăng cường bổ sung thêm vitamin và khoáng chất từ trái cây, rau củ. Đối với bé dưới 6 tháng tuổi, nên cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ.
- Cho bé uống đủ nước mỗi ngày.
- Hướng dẫn bé vệ sinh thân thể đều đặn, rửa tay kỹ bằng xà phòng.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho bé.
- Giữ môi trường xung quanh bé được sạch sẽ, thoáng mát, tránh tiếp xúc với hóa chất, thú nuôi,…
- Theo dõi sát sao các triệu chứng của trẻ và cập nhật bác sĩ kịp thời. Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đủ và theo dõi sức khỏe tim mạch định kỳ.

Các câu hỏi thường gặp
1. Trẻ bị viêm cơ tim phục hồi thế nào sau khi được điều trị?
Khoảng 2/3 trẻ em bị viêm cơ tim có thể phục hồi hoàn toàn sau khi điều trị. Phần còn lại mặc dù có thể cải thiện nhưng sẽ còn các vấn đề về tim mạn tính.
Trường hợp không được can thiệp điều trị, tỷ lệ phục hồi sẽ rất thấp, phần lớn có khả năng tiến triển thành bệnh mạn tính.
2. Khi nào nên gặp bác sĩ?
Khi trẻ có những biểu hiện bất thường về nhịp thở, quấy khóc, bỏ bú,… hoặc bố mẹ có sự nghi ngờ trẻ mắc phải viêm cơ tim, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay. Vì các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác nên phải làm xét nghiệm mới có thể tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Không những vậy, bệnh ở trẻ có thể diễn biến rất nhanh, gây ra biến chứng nguy hiểm. Do đó, bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện kiểm tra ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị viêm cơ tim ở trẻ em với các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, PlinkCare, bố mẹ có thể liên hệ theo thông tin sau:
Viêm cơ tim ở trẻ em nhẹ có thể tự khỏi trong thời gian ngắn. Nhưng nếu bệnh nặng diễn tiến suy tim, sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Do đó, phụ huynh cần chú ý, nhạy bén nhận ra những bất thường của con để kịp thời đưa con đến bệnh viện khám và điều trị sớm.