
Viêm cơ chân có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm cơ chân là gì?
Viêm cơ chân là một cách gọi đơn giản dùng để chỉ nhiều bệnh lý viêm cân cơ xảy ra tại các vị trí quanh đùi, cẳng chân, bàn chân. Đây là tình trạng các bó cơ vân vùng chân bị sưng viêm, gây cơn đau nhức, giảm khả năng vận động tạm thời.
Phần lớn trường hợp cơ chân bị viêm là kết quả của thói quen không khoa học, khiến một bộ phận của chân bị tích tụ vi chấn thương. Phổ biến nhất là vận động viên và người lao động tay chân, người cao tuổi. Với tần suất vận động lâu ngày, liên tục, cường độ cao, những nhóm người này có khả năng mắc bệnh cao hơn những người khác.
Tuy nhiên, bệnh cũng có thể do các bệnh lý tự miễn gây ra (viêm cơ tự miễn). Khi hệ thống miễn dịch tự tấn công các mô cơ khỏe mạnh và gây tổn thương cho các bó cơ. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn do các bệnh tự miễn có thể diễn tiến thành nhiều biến chứng phức tạp, nguy hiểm (teo, đứt, co rút cơ…). Nếu các triệu chứng bị viêm cơ chân không thuyên giảm dù đã áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà, người bệnh cần đi khám với bác sĩ chuyên khoa sớm để được điều trị bệnh kịp thời.

Triệu chứng viêm cơ chân dễ nhận biết
Triệu chứng viêm cơ đặc hiệu nhất là cơn đau nhức trong cơ bắp. Khác với cơn đau từ trong xương, đau nhức cơ có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, hoặc kéo dai dẳng không biến mất. Cơn đau tăng lên khi người bệnh chạm vào hoặc cử động vị trí cơ bị viêm. (1)
Bên cạnh đau cơ, người bệnh cũng có thể xuất hiện những triệu chứng lâm sàng khác như:
- Sưng tấy: Do các sợi cơ tổn thương gây viêm sưng, khiến vùng da bên ngoài sưng nóng lên.
- Giảm khả năng vận động: Cơn đau cơ khiến người bệnh không thể vận động vùng viêm cơ chân thoải mái. Người bệnh thường cảm thấy khó khăn khi ngồi xổm, leo cầu thang, giơ cao chân…
- Yếu cơ, teo cơ: Cảnh báo các sợi cơ bị giảm chức năng hoặc bị phá vỡ. Người bệnh giảm khả năng chịu lực lên chân, đặc biệt là vùng viêm cơ.
Các vị trí viêm cơ phổ biến:
Các vị trí bị viêm chân thường gặp
1. Viêm cơ vùng đùi, khoeo
Viêm cơ vùng đùi, khoeo chân có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng tỷ lệ bệnh ở nhóm người cao tuổi và vận động viên, người phải di chuyển vận động nhiều cao hơn. Bệnh thể hiện sự tổn thương cơ diễn ra ở các bó cơ như cơ thon, cơ bán gân, cơ bán mạc, cơ may… Người bệnh gặp khó khăn trong các động tác co duỗi đầu gối, ảnh lên sinh hoạt hằng ngày như: Leo cầu thang, đá chân, đi lại, bật nhảy…
2. Viêm cơ bắp chân
Viêm cơ bắp chân (Viêm cơ cẳng chân) là loại dạng viêm ở cơ chân phổ biến nhất. Nguyên nhân phổ biến nhất là do sinh hoạt không khoa học, các bó cơ bắp chân bị kéo căng. Mỗi người sẽ có những triệu chứng viêm cơ bắp chân khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân viêm. Nhưng một số dấu hiệu chung bao gồm:
- Nhức cơ bắp chân
- Sưng tấy, có hoặc không kèm nóng đỏ vùng viêm
- Giảm khả năng vận động
- Tê bắp chân
3. Viêm cơ bàn chân
Viêm cơ bàn chân là tổn thương tại bó cơ vùng mu hoặc gan bàn chân. Việc cố gắng đi lại trên chân bị viêm cơ bàn chân cũng là yếu tố khiến bệnh tiến triển nặng hơn và khó hồi phục.

Nguyên nhân gây viêm cơ chân thường thấy
1. Viêm cơ chân do nhiễm trùng
Các vi khuẩn gây bệnh thường gặp như Gonocoque, staphylocoque, pneumocoque. Chúng là các vi khuẩn tồn tại ở môi trường bên ngoài, xâm nhập vào cơ thể qua nhiều đường, nhưng phổ biến nhất là từ các vết trầy xước da, côn trùng cắn, chấn thương mô mềm quanh cơ. Viêm cơ chân có khả năng là hậu quả của nhiễm trùng vết thương ngoài da.
2. Viêm cơ chân do mắc bệnh tự miễn
Các bệnh tự miễn dẫn đến chính hệ thống miễn dịch tấn công mô cơ chân, gây ra viêm cơ. Nguyên nhân của các bệnh tự miễn phần lớn là do gen di truyền và sự tấn công của các virus/vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, có những yếu tố bên ngoài tác động vào bộ gen gây khởi phát bệnh tự miễn như môi trường ô nhiễm/có chứa các chất độc hại, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, giới tính…(2)
Viêm cơ do bệnh tự miễn nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng xấu gây teo, yếu cơ, liệt hoàn toàn 2 chân.
3. Chân bị chấn thương gây viêm cơ
Viêm cơ là một trong những phản ứng đầu tiên khi chấn thương xảy ra như té ngã trong sinh hoạt, tai nạn giao thông, chấn thương thể thao… Nếu chấn thương nặng, người bệnh có thể trải qua những cơn đau dữ dội, giảm tầm vận động, thì bệnh có khả năng đi kèm các tình trạng phức tạp hơn như: gãy xương, đứt gân hoặc dây chằng…
4. Một số loại thuốc có thể gây viêm cơ chân
Thường gặp ở những người mắc các bệnh cần điều trị bằng thuốc lâu dài, thời gian từ vài tháng đến vài năm hoặc một số thuốc đặc trị. Viêm cơ chân là một trong những tác dụng phụ khi người bệnh uống một số thuốc hạ mỡ máu, thuốc kháng viêm,…. Bác sĩ sẽ lưu ý với người bệnh về các tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình uống thuốc. Dù vậy, người bệnh vẫn cần đi khám với bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe cơ xương khớp và làm các xét nghiệm cần thiết khác.
5. Chân bị viêm cơ do vận động quá mức
Vận động quá mức gây tích tụ các vi chấn thương trong thời gian dài. Là một trong những nguyên nhân cơ chân bị viêm thường gặp ở những người lao động nặng, vận động viên thể thao, đặc biệt là các môn cần dùng sức mạnh chi dưới.
Ngoài ra, những người không có thói quen vận động, đột ngột tập luyện các môn thể thao như chạy bộ, các bài tập sức mạnh thân dưới… cũng sẽ có tình trạng đau nhức cơ bắp, đặc hiệu của bệnh. Đó là vì sự thay đổi ngột làm tổn thương đến các sợi cơ và các mô mềm khác. Tuy nhiên, đây là phản ứng thông thường, cơn đau cơ bắp có thể tự giảm dần và biến mất trong vài ngày.
6. Dùng giày dép không phù hợp
Dùng giày dép không phù hợp là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm cơ vùng chi dưới, nhất là mang giày, guốc cao gót ở nữ giới. Gót chân, cẳng chân là nơi chịu tải trọng lớn của cơ thể trong mọi hoạt động, đặc biệt là chạy nhảy, đi lại. Sử dụng giày dép không phù hợp trong thời gian dài sẽ khiến mất cân đối trọng lực, căng thẳng cơ quá mức và gây tổn thương cơ.
Bị viêm cơ chân có nguy hiểm không?
Viêm cơ chân kéo dài, hoặc tái phát nhiều lần là tiền căn của các vấn đề cơ xương khớp nặng hơn. Những biến chứng của tình trạng này bao gồm:
- Giảm tầm vận động.
- Biến dạng cấu trúc gân xương, hoặc các ảnh hưởng hệ thống gân, dây chằng khác.
- Đau mãn tính, teo, yếu cơ không hồi phục.
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm cơ chân
Những phương pháp chẩn đoán viêm cơ chân bao gồm:
- Khám lâm sàng: Đây là bước đánh giá tổng quan đầu tiên của quy trình chẩn đoán. Những thông tin cơ bản bao gồm: biểu hiện lâm sàng, bệnh sử,… của người bệnh giúp bác sĩ phỏng đoán được loại viêm cơ chân và nguyên nhân chính gây bệnh.
- Xét nghiệm máu: đo nồng độ enzyme của cơ để đánh giá tổn thương cơ, các xét nghiệm bilan viêm để đánh giá viêm do tự miễn, nhiễm trùng.
- Siêu âm cơ: Chẩn đoán tình trạng viêm cơ dựa trên hình thái và vị trí bó cơ viêm, phân biệt đau cơ do một số nguyên nhân khác nhau.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Thu thập loạt ảnh bên trong hệ cơ xương khớp chân. Hiển thị các bất thường nhỏ nhất của cấu trúc. Giúp bác sĩ đánh giá chính xác hơn tình trạng viêm.
- Chèn điện cực kim vào cơ chân: Đánh giá phản ứng phần cơ viêm trong điều kiện có dòng điện đi ngang qua để chẩn đoán nguyên nhân và độ nặng của bệnh.
- Sinh thiết cơ: Lấy một mẫu mô cơ nhỏ từ bó cơ bị viêm để làm xét nghiệm.
Cách điều trị viêm cơ chân như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà phác đồ điều trị sẽ cá nhân hóa với từng người bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ kê các thuốc giảm đau, chống viêm để giải quyết những triệu chứng lâm sàng. Nếu người bệnh bị các vấn đề cơ xương khớp khác dẫn đến viêm cơ chân, bác sĩ sẽ điều trị bệnh lý căn nguyên, từ đó triệt căn tình trạng viêm cơ chân.
Cần lưu ý, trong quá trình điều trị viêm cơ chân, người bệnh cần chủ động bảo vệ chức năng cơ chân bằng các biện pháp tại nhà như:
- Để chân được nghỉ ngơi hợp lý.
- Không tạo thêm áp lực lên chân như cố đi lại tần suất cao, tập các bài tập sức mạnh không phù hợp.
- Massage nhẹ nhàng để giảm thiểu tình trạng cứng khớp.
- Chườm đá khi bùng phát cơn đau cấp tính.
Cách phòng ngừa nguy cơ viêm chân
Viêm cơ chân phần lớn là kết quả của thói quen sinh hoạt không khoa học, một số do các bệnh lý cơ xương khớp khác gây ra. Vì vậy, tối ưu sức khỏe cơ xương khớp và chức năng cơ chân có thể giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh. Những thói quen tốt cho cơ chân bao gồm:
- Tập các bài tập tăng cường cơ bắp chân, đùi với cường độ vừa sức. Duy trì 2 – 3 lần/tuần, kết hợp với tăng vận động trong ngày.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ.
- Nếu có vết thương ngoài da, cần vệ sinh cẩn thận mỗi ngày đến khi miệng vết thương khô lại. Điều này giúp hạn chế nhiễm trùng vết thương.
- Xây dựng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, chủ động bổ sung canxi và vitamin D giúp xương chắc khỏe hơn.

Viêm cơ chân có thể phản ánh lối sinh hoạt chưa tích cực, làm suy giảm chức năng của các bó cơ quanh chân. Nhưng bệnh cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của những bệnh lý xương khớp phức tạp khác. Khi có các dấu hiệu viêm cơ chân, người bệnh cần tự điều trị bảo tồn bằng cách chườm đá, đặc biệt là để chân được nghỉ ngơi. Nếu sau 1 tuần, những triệu chứng vẫn không thuyên giảm, thậm chí trở nặng hơn, người bệnh nên nhanh chóng đến khám với bác sĩ chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.