
Viêm cầu thận cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán
Viêm cầu thận cấp ở trẻ em là gì?
Viêm cầu thận cấp là tình trạng tiểu cầu thận sưng viêm do cơ chế tự miễn thường khi nhiễm liên cầu ß nhóm A.
Bình thường, các tiểu cầu thận sẽ đóng vai trò là bộ lọc tách chất thải và các chất lỏng dư thừa ra khỏi máu, từ đó, làm sạch máu. Tuy nhiên, khi trẻ bị viêm cầu thận cấp, các tiểu cầu thận sưng viêm, hoạt động bất thường khiến các chất lỏng tích tụ trong máu. Lúc này, protein và các tế bào hồng cầu có thể bị rò rỉ vào nước tiểu khiến nước tiểu có màu nâu sẫm và nhiều bọt.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi giới tính, thường gặp ở trẻ 2-12 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh viêm cầu thận cấp ở các bé trai cao gấp đôi tỷ lệ mắc bệnh này ở bé gái. Bệnh có liên quan trực tiếp đến các yếu tố vệ sinh môi trường và điều kiện sống, vì vậy, bệnh viêm cầu thận cấp thường xảy ra vào mùa hè và mùa đông. (1)
Nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp ở trẻ em
Nguyên nhân phổ biến gây viêm cầu thận cấp ở trẻ em là do trẻ đã mắc các bệnh do liên cầu khuẩn nhóm A tan huyết β (Streptococcus nhóm A) trước đó, như bệnh nhiễm trùng ở cổ họng (viêm họng, viêm amidan) hoặc qua da như chốc lở… Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, chúng phát triển một cách ồ ạt và nhanh chóng lan rộng ra khắp các cơ khác trong cơ thể và cư trú trong cách cầu thận dẫn đến tình trạng viêm cầu thận ở trẻ.
Tỷ lệ mắc bệnh do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A tan huyết β lên đến 80% tổng số ca viêm cầu thận cấp ở trẻ. Trong đó, trẻ nhiễm khuẩn do các bệnh viêm họng là 5-10% và tỷ lệ mắc bệnh do các nhiễm trùng qua da là 25%.
Ngoài ra, trẻ có thể bị viêm cầu thận cấp khi mắc một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng khác như virus HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, vi khuẩn E.coli, sởi, phế cầu, thủy đậu… Trong một số trường hợp hiếm gặp, viêm cầu thận cấp có liên quan đến các bệnh khác như lupus ban đỏ, bệnh thận IgA, ban xuất huyết Henoch Schonlein, Hội chứng Goodpasture, bệnh u hạt…
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ:
- Có người thân mắc bệnh viêm cầu thận mãn tính.
- Vệ sinh kém…
Triệu chứng viêm cầu thận cấp ở trẻ em
Trẻ khi bị viêm cầu thận cấp thường sẽ có các biểu hiện sau:
- Sưng, phù xung quanh mặt (thường xảy ra vào buổi sáng), tay, chân;
- Nước tiểu có màu đỏ, nâu sẫm;
- Nước tiểu có bọt;
- Tần suất đi tiểu và lượng nước tiểu mỗi ngày giảm;
- Cơ thể mệt mỏi, rã rời, thiếu sức sống;
- Sốt cao không rõ nguyên nhân;
- Khó thở;
- Da nhợt nhạt, xanh xao;
- Chán ăn;
- Sụt cân bất thường;
- Xuất hiện các triệu chứng của cao huyết áp: đau đầu, co giật…
Lưu ý, triệu chứng tiểu ra máu chỉ xuất hiện trong tuần đầu sau khi mắc bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng tiểu ít thường thường xảy ra trong tuần đầu tiên, kéo dài khoảng 3-4 ngày. Huyết áp có thể tăng khoảng 140/90 mmHg, thậm chí lên đến 180/100 mmHg khi trẻ bị viêm cầu thận cấp.
Chẩn đoán bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em
Khi trẻ có các dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị viêm cầu thận cấp, phụ huynh cần trưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.
Để chẩn đoán bệnh cho trẻ, đầu tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh trước đây của trẻ. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ thực hiện một số thủ thuật y khoa như:
- Xét nghiệm nước tiểu: nhằm kiểm tra xem máu và protein có lẫn vào nước tiểu không.
- Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra chức năng của thận, thành phần của máu, và tìm kiếm các kháng thể chống lại kháng nguyên liên cầu.
- Chụp X-quang, chụp CT, siêu âm: Kiểm tra các cơ quan trong cơ thể thông qua hình ảnh.
- Cấy trùng họng.
- Đo điện tâm đồ: nhằm kiểm tra huyết áp và các tổn thương ở tim (nếu có).
- Sinh thiết thận: được thực hiện khi trẻ mắc bệnh suy thận nặng và các triệu chứng của viêm cầu thận cấp không có dấu hiệu thuyên giảm.

Điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em
Nguyên tắc điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em là giảm gánh nặng cho thận, hỗ trợ chức năng lọc máu, tạo nước tiểu của thận, phát hiện sớm và có phương hướng điều trị kịp thời các biến chứng do bệnh gây ra, đồng thời, tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh và ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát. Vì vậy, phần lớn trẻ bị viêm cầu thận cấp sau khi được điều trị đều có thể hồi phục hoàn toàn mà không còn bất kỳ tổn thương nghiêm trọng nào đến thận (chiếm 90% trường hợp trẻ mắc bệnh).
Việc lựa chọn phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm: tình trạng bệnh và sức khỏe tổng thể của trẻ, tiền sử bệnh, nguyên nhân gây bệnh, độ tuổi của trẻ, khả năng đáp ứng của trẻ đối với phương pháp trị liệu, nguyện vọng của bệnh nhân và người nhà.
Các phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp hiện nay gồm:
- Điều trị nhiễm trùng do Streptococcus: Đối với các trường hợp trẻ bị viêm cầu thận cấp do nhiễm liên cầu khuẩn, bác sĩ sẽ tập trung điều trị nhiễm trùng và các triệu chứng liên quan đến nhiễm trùng nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh và giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng. Bác sĩ có thể điều trị bệnh cho trẻ bằng kháng sinh Cephalosporin hay Penicillin thuộc nhóm β Lactam.
- Điều trị viêm cầu thận cấp liên quan đến các vấn đề về hệ thống miễn dịch: Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc steroid hoặc một số loại thuốc ức chế miễn dịch khác để cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nếu thận bị tổn thương nhiều và không có khả năng hồi phục, trẻ sẽ cần được lọc máy nhân tạo (chạy thận).
- Điều trị tăng huyết áp do viêm cầu thận cấp: Tùy vào cơ địa và khả năng đáp ứng của trẻ, bác sĩ có thể chọn thuốc và điều chỉnh liều lượng phù hợp để hạ huyết áp. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể phối hợp với một số loại thuốc có tác dụng phong tỏa hạch giao cảm, thuốc chẹn kênh Calci, thuốc chẹn β… Trong trường hợp trẻ không có đáp ứng tốt với thuốc, bác sĩ có thể sẽ thực hiện phương pháp lọc máu cho trẻ.
- Điều trị lợi tiểu: Viêm cầu thận cấp khiến trẻ đi tiểu ít hơn bình thường, nước bị tích tụ trong cơ thể khiến trẻ bị phù nề, mệt mỏi. Vì vậy, bác sĩ sẽ điều trị lợi tiểu cho trẻ bằng các loại thuốc như Furosemide.
- Điều trị không dùng thuốc: Trẻ mắc bệnh cần dành nhiều thời gian để nghỉ hơi hơi, tránh vận động mạch, chơi đùa, chạy nhảy cho đến khi huyết áp trở về mức bình thường, ổn định, cơ thể hết phù. Hơn nữa, trẻ cần hạn chế uống nước và lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày cho đến khi bệnh hồi phục.
Sau điều trị, các triệu chứng khi chức năng thận bị suy giảm, cơ thể giữ nước, huyết áp cao thường sẽ thuyên giảm và biến mất sau khoảng 2-3 tuần. Đồng thời, các bất thường về đường tiết niệu sẽ được cải thiện và trở lại bình thường sau khoảng 3 tuần. Tuy nhiên, khi xét nghiệm máu, tình trạng máu bị lẫn trong nước tiểu vẫn sẽ có thể tồn tại đến 1 năm, hàm lượng protein trong nước tiểu giảm dần và có thể kéo dài cho đến 6 tháng. Do đó, sau khi khỏi bệnh hoàn toàn, trẻ vẫn cần được theo dõi chặt chẽ và tái khám định kỳ (thường là sau xuất viện 1 tháng, 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 12 tháng) để đảm bảo các chức năng của thận, huyết áp của trẻ trở lại bình thường, máu và nước tiểu không còn trong nước tiểu.
Biến chứng viêm cầu thận cấp ở trẻ
Viêm cầu thận cấp ở trẻ nếu không được phát hiện và hỗ trợ điều trị đúng cách, bệnh có thể chuyển biến thành viêm cầu thận mãn tính (chiến 2% trẻ mắc bệnh) và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Tăng huyết áp
- Suy thận
- Phù phổi
- Phù não
- Suy tim
- Vô niệu
- Thận hư
- Tử vong…
Cách phòng viêm cầu thận cấp ở trẻ
Để phòng ngừa bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ, bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh;
- Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch;
- Vệ sinh có thể cho trẻ đúng cách mỗi ngày;
- Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sống và các khu vực quanh nhà;
- Tránh để trẻ bị nhiễm trùng;
- Giữ ấm cho trẻ cẩn thận, nhất là vào mùa lạnh.

Chế độ ăn dành cho trẻ bị viêm cầu thận cấp
Đối với bệnh viêm cầu thận cấp, việc thực hiện chế độ sinh dưỡng phù hợp sẽ giúp tăng cường hiệu quả điều trị, trẻ nhanh khỏi bệnh. Dưới đây là một số nguyên tắc cần lưu ý trong chế độ ăn dành cho bệnh nhi viêm cầu thận cấp:
- Ăn ít muối: giúp cơ thể cải thiện và kiểm soát huyết áp tốt hơn, ngăn chặn nguy cơ ứ nước dẫn đến phù nề ở các cơ quan khác.
- Giảm lượng muối: giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp và gánh nặng cho thận.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, PlinkCare theo địa chỉ:
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em mà bố mẹ nên biết. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu bị nhiễm trùng, viêm cầu thận cấp, bố mẹ cần đưa trẻ đến kiểm tra tại các bệnh viện uy tín càng sớm càng tốt.