Image

Viêm amidan cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa

bệnh viêm amidan cấp
Viêm amidan cấp thường kéo dài không quá 2 tuần

Viêm amidan cấp là gì?

Viêm amidan cấp tính do virus thường được điều trị bằng chăm sóc hỗ trợ. Viêm amidan do vi khuẩn phổ biến nhất là do Streptococcus pyogenes gây ra. Nhiễm trùng đa vi khuẩn và mầm bệnh virus cũng là nguyên nhân có thể gặp.

Triệu chứng viêm amidan cấp

ThS.BS.CKI Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, PlinkCare TP.HCM cho biết, dấu hiệu viêm amidan cấp thường bao gồm những biểu hiện sau:

  • Sốt;
  • Đau họng;
  • Hôi miệng;
  • Khó nuốt hoặc nghẹn cổ;
  • Nuốt đau;
  • Nổi hạch ở cổ;
  • Thở bằng miệng, ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ;
  • Mệt mỏi, thờ ơ và khó chịu;
  • Các mảng trắng, mủ và/hoặc đỏ amidan;
  • Phát ban đỏ mịn trên cơ thể cho thấy bệnh ban đỏ có thể làm phức tạp thêm một trường hợp viêm amidan. Những triệu chứng này thường hết sau 3-4 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 2 tuần, ngay cả khi được điều trị. Một số bệnh nhân bị viêm amidan tái phát, trong đó, các triệu chứng quay trở lại ngay sau khi hoàn thành liệu pháp kháng sinh.

Nguyên nhân viêm amidan cấp

Có tới 70% trường hợp viêm amidan cấp tính là do virus gây ra, thường là các loài adenovirus, virus cúm, virus parainfluenza, enterovirus và Mycoplasma.

Trẻ em và thanh niên bị nhiễm virus Epstein-Barr (EBV), mắc bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng có thể bị viêm amidan. Virus Herpes simplex, Cytomegalovirus và virus sởi cũng có liên quan đến viêm amidan.

Vi khuẩn gây ra khoảng 15-30% trường hợp viêm amidan. Liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A (GABHS) là loại vi khuẩn phổ biến nhất liên quan đến viêm amidan. Người ta tin rằng GABHS lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí khi người bị nhiễm ho hoặc hắt hơi, hoặc qua thức ăn hoặc đồ uống dùng chung. Các cá nhân dễ lây nhiễm nhất trong giai đoạn đầu của bệnh.(1)

Chẩn đoán viêm amidan cấp

Thăm khám thực thể giúp chẩn đoán bệnh viêm amidan cấp tính. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh bao gồm:

1. Xét nghiệm GABHS

Nuôi cấy dịch lấy từ họng để tìm vi trùng hoặc có thể kết hợp cùng với xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Tuy nhiên, xét nghiệm kháng nguyên sẽ cho kết quả nhanh hơn, giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2. Xét nghiệm cấy dịch họng

Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm hầu họng để xét nghiệm chlamydia, bệnh lậu.

3. Xét nghiệm RPR

Xét nghiệm này dùng để phát hiện kháng thể bệnh giang mai trong máu. Vi khuẩn giang mai cũng có thể là nguyên nhân gây viêm amidan.

4. Xét nghiệm bệnh bạch cầu đơn nhân

Nếu nghi ngờ viêm amidan do virus Epstein-Barr, xét nghiệm bệnh bạch cầu đơn nhân nên được cân nhắc thực hiện.

5. Chụp CT

Chụp CT vùng cổ có tiêm thuốc cản quang để chẩn đoán cho các trường hợp phức tạp nghi ngờ biến chứng, chẳng hạn như dấu hiệu sinh tồn không ổn định, sưng nề họng, không thể nuốt, cứng hàm…

Phương pháp này nhằm loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm như bệnh Lemierre, áp xe quanh amidan hoặc viêm nắp thanh môn.

6. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ và chuyển hóa cơ bản

Xét nghiệm này nhằm đánh giá chức năng gan, thận.

khám viêm amidan cấp
Thăm khám, nội soi họng giúp chẩn đoán bệnh viêm amidan cấp tính.

Biến chứng viêm amidan cấp tính

Nhiễm Streptococcus nhóm A gây viêm amidan cấp có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp. Các biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong ở cả người lớn và trẻ nhỏ bao gồm viêm cầu thận, viêm cơ tim, suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) và viêm màng não.

Ngoài ra, các biến chứng nhẹ hơn của viêm amidan như bệnh Lemierre, hội chứng múa giật Sydenham, áp xe quanh amidan, sốt ban đỏ, sốt thấp khớp…

Điều trị viêm amidan cấp như thế nào?

ThS.BS.CKI Trương Trí Tường cho biết, điều trị viêm amidan cấp chủ yếu là giảm các triệu chứng tại chỗ và uống thuốc kháng sinh trong trường hợp do vi khuẩn. Phẫu thuật cắt amidan hiếm khi được chỉ định khi amidan viêm cấp.

1. Thuốc kháng sinh

Với viêm amidan do virus thường không cần điều trị kháng sinh. Bù nước và kiểm soát cơn đau rất cần thiết và có thể phải nhập viện trong những trường hợp nghiêm trọng. Đặc biệt khi bệnh nhân bị mất nước hoặc tắc nghẽn đường thở.

Viêm amidan do vi khuẩn cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh, giúp viêm amidan GABHS nhanh khỏi hơn và ngăn ngừa các biến chứng như viêm cầu thận, viêm cơ tim, sốt thấp khớp.

Các loại kháng sinh phổ biến được sử dụng để điều trị viêm amidan bao gồm penicillin, cephalosporin, macrolide hoặc clindamycin.(2)

2. Phẫu thuật cắt amidan

Trong một số tình huống nhất định được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, phẫu thuật cắt bỏ amidan có thể được đề nghị.

Thông thường, trẻ em bị viêm amidan 7 đợt trong một năm hoặc 5 đợt mỗi năm trong hai năm liên tiếp hoặc 3 đợt mỗi năm trong ba năm liên tiếp sẽ được khuyến nghị cắt amidan.

Nếu bệnh nhân bị viêm amidan nặng gây biến chứng áp xe quanh amidan, có thể cần phẫu thuật để dẫn lưu mủ từ ổ áp xe.

điều trị viêm amidan cấp
Phẫu thuật cắt amidan không đau, xuất viện trong ngày tại PlinkCare, TP.HCM

PlinkCare ứng dụng công nghệ Coblator, sử dụng dao Plasma, nguồn nhiệt thấp giúp cầm máu tại chỗ và nhanh chóng loại bỏ tổ chức amidan quá phát. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, không gây đau nên không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Phẫu thuật này chỉ diễn ra khoảng 30 phút nên giúp hạn chế được lượng thuốc mê phải sử dụng. Sau phẫu thuật ba giờ, trẻ có thể nói chuyện, ăn uống và xuất viện sau 24 giờ.

3. Các biện pháp hỗ trợ tại nhà

Viêm amidan cấp nên ăn gì và kiêng ăn gì? Những biện pháp hỗ trợ tại nhà thông qua việc ăn uống, bồi bổ và sử dụng các loại thuốc không kê đơn có thể giúp cải thiện các triệu chứng của viêm amidan cấp.

3.1 Uống nhiều nước

Uống nước ấm, ăn các loại cháo/súp loãng có thể giúp làm dịu cơn đau họng.

Các loại trà thảo dược có chứa các thành phần như mật ong, pectin hoặc glycerine có thể giúp tạo thành một lớp màng bảo vệ màng nhầy trong miệng và họng, giúp làm dịu sự kích ứng họng, miệng.

3.2 Tránh thức ăn cứng

Đối với những người bị viêm amidan, việc ăn những thức ăn cứng có thể gây đau hoặc kích ứng amidan. Các thức ăn cứng như các loại hạt sấy khô, đồ chiên giòn….

Thay vào đó, người bệnh nên ăn những thức ăn mềm, dễ nuốt như cháo, súp và các món nước như bún, phở, hủ tiếu.

3.3 Súc miệng bằng nước muối

Súc miệng bằng nước muối có thể tạm thời làm dịu cơn đau hoặc cảm giác ngứa ở thành sau họng.

Người bệnh nên dùng nước muối sinh lý pha sẵn thay vì tự pha để đảm bảo nồng độ natri chuẩn không làm ảnh hưởng cổ họng. Mỗi lần súc cần đợi ít nhất 30 giây trước khi nhổ ra. Nước muối an toàn nên người bệnh có thể súc nhiều lần trong ngày, bất cứ khi nào cảm thấy miệng hôi, đau rát và khó chịu.

3.4 Tăng độ ẩm cho không gian sống

Không khí khô có thể kích thích thêm chứng đau họng. Những người bị viêm amidan có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát. Những thiết bị này giải phóng độ ẩm trở lại không khí và giảm bớt sự khó chịu ở cổ họng.

3.5 Không nói to, hò hét

Viêm amidan có thể khiến giọng nói bị khàn đặc, khó nghe và người bệnh có thể cố gắng để nói to. Tuy nhiên điều này có thể khiến viêm amidan trở nên khó chịu hơn.

3.6 Thuốc giảm đau không kê đơn

Thuốc giảm đau không cần kê đơn có thể giúp giảm đau họng, sốt và các triệu chứng đau khác của viêm amidan. Các loại thuốc có thể dùng như acetaminophen, ibuprofen, aspirin.

Lưu ý, aspirin không phù hợp với trẻ em vì nó có thể gây ra một căn bệnh đe dọa tính mạng gọi là hội chứng Reye.

3.7 Viên ngậm trị viêm họng

Một số viên ngậm họng có thể giúp làm dịu cổ họng. Nhiều loại chứa cả thuốc chống viêm để giảm viêm và sưng. Một trong những lợi ích của viên ngậm trị viêm họng là giúp giảm đau trực tiếp đến vị trí viêm.

Một số viên ngậm cũng chứa chất sát khuẩn. Các chất này nhằm tác động đến vi khuẩn gây viêm amidan do vi khuẩn.

Tuy nhiên, viên ngậm không phù hợp với trẻ nhỏ vì chúng có nguy cơ gây nghẹt thở. Một số cũng chứa benzocaine có thể gây ra tác dụng phụ. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyên các bậc cha mẹ và người chăm sóc nên tránh cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng các sản phẩm có chứa benzocaine trừ khi bác sĩ khuyên dùng.

3.8 Thuốc xịt họng và súc miệng

Thuốc xịt họng và súc miệng có chất gây tê, chống viêm và sát trùng trực tiếp nên có thể được chỉ định để giảm các triệu chứng viêm họng.

Các loại thuốc xịt họng có một trong các hoạt chất sau chỉ được dùng cho trẻ lớn và người trưởng thành như benzydamine, phenol, dibucaine, benzocaine, rượu benzyl.

Cách phòng ngừa viêm amidan cấp

Theo ThS.BS.CKI Trương Trí Tường, để phòng ngừa viêm amidan cấp có thể thực hiện các điều sau:

  • Tiêm phòng các loại vắc xin như cúm, sởi, liên cầu khuẩn nhóm A;
  • Luôn giữ vệ sinh miệng, họng;
  • Tăng cường các loại vitamin để tăng sức đề kháng;
  • Luôn đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, đến nơi đông người;
  • Hạn chế sờ tay lên mắt, miệng, mũi;
  • Rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn mỗi khi đi ra ngoài về, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn;
  • Tránh đến nơi đông người, ăn ở hàng quán trong các đợt dịch bệnh để tránh bị lây nhiễm.

Các câu hỏi thường gặp về viêm amidan cấp tính

1. Viêm amidan cấp có cần cắt không?

Phần lớn viêm amidan cấp có thể tự khỏi hoặc được quản lý tốt bằng các phương pháp tại chỗ và kháng sinh. Thường chỉ xem xét phẫu thuật cắt amidan trong các trường hợp có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

2. Viêm amidan cấp có tự khỏi không?

Viêm amidan có thể tự khỏi, điều này phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, những biến chứng nguy hiểm cũng có thể xảy ra nếu không được điều trị.

Vì điều này, tốt nhất bạn không nên chủ quan chờ bệnh tự khỏi. Bạn nên tới bệnh viện thăm khám để bác sĩ tìm nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng cách nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.

3. Viêm amidan cấp tính có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, viêm amidan cấp tính có thể gây ra biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh như: viêm cầu thận, viêm cơ tim, viêm màng não có thể, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi do hệ miễn dịch còn non nớt.

Viêm amidan thường gặp ở trẻ nhỏ gồm viêm amidan cấp và viêm amidan mãn tính hay còn gọi là viêm amidan quá phát, dễ bị tái phát cần được theo dõi và điều trị đúng cách.

4. Viêm amidan cấp có lây không?

Viêm amidan có thể lây lan, vì đây là bệnh do virus hay vi khuẩn gây ra. Các loại virus phổ biến nhất là Adenovirus, virus cúm, virus Parainfluenza, Enterovirus và Mycoplasma, virus Epstein-Barr (EBV), Virus Herpes simplex, Cytomegalovirus và virus sởi có thể bùng phát thành các đợt dịch và lây lan mạnh mẽ trong nhà trẻ, trường học.

tiêm ngừa cúm
Tiêm vắc xin cúm giúp phòng ngừa biến chứng viêm amidan cấp tính

Để đặt lịch khám, điều trị viêm amidan, phẫu thuật cắt amidan tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Biểu hiện viêm amidan cấp diễn ra trong thời gian dưới 2 tuần. Các nguyên nhân chủ yếu từ virus. Virus có thể gây ra các đợt dịch bùng phát, ảnh hưởng đến cộng đồng. Vì điều này, tiêm các loại vắc xin phòng ngừa các loại virus gây bệnh đường hô hấp là biện pháp bảo vệ tốt nhất, tránh nguy cơ viêm amidan cấp tính và các biến chứng nguy hiểm.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send