
Vì sao phôi không bám vào tử cung? 5 nguyên nhân thường gặp
Phôi không bám vào tử cung là sao?
Phôi không bám vào tử cung là tình trạng phôi sau khi được đưa vào tử cung người mẹ không vùi sâu vào lớp niêm mạc để làm tổ, phát triển thành phôi thai. Khi làm IVF, phôi làm tổ là tín hiệu đáng mừng báo hiệu sự khởi đầu của một thai kỳ khỏe mạnh. Quá trình chuyển phôi thành công đặc trưng bởi sự xuất hiện của beta hCG trong máu mẹ sau 10-14 ngày, hoặc siêu âm thấy túi thai ở tuần thứ 5-6 thai kỳ. Nếu phôi không bám vào tử cung, các dấu hiệu mang thai đặc trưng thường không xuất hiện.

Tỷ lệ phôi không bám tử cung là bao nhiêu?
Một số nghiên cứu cho thấy, ước tính có khoảng 30-50% phôi không làm tổ thành công ở niêm mạc tử cung. Tình trạng phôi không bám vào tử cung khá phổ biến, đặc biệt ở giai đoạn đầu của thai kỳ. (1)
Vì sao phôi không bám vào tử cung sau chuyển phôi?
Hiện nay, các phương pháp chăm sóc, điều trị hỗ trợ sinh sản liên tục được cải tiến và mang lại hiệu quả rõ rệt cho kết cục điều trị IVF ở vợ chồng hiếm muộn. Mặc dù vậy, nhiều trường hợp phôi không bám vào tử cung sau chuyển phôi do nhiều yếu tố như:
1. Nguyên nhân chất lượng phôi
Chất lượng phôi kém là nguyên nhân chính dẫn đến phôi không bám vào tử cung người mẹ để làm tổ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng phôi yếu bao gồm các vấn đề bất thường gen di truyền, bất thường nhiễm sắc thể; hay trứng và tinh trùng chất lượng thấp dẫn đến chất lượng phôi suy giảm.
Suy giảm chất lượng trứng đến từ yếu tố nội sinh (tuổi tác) và ngoại sinh (thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại thường xuyên…)
2. Lớp nội mạc tử cung không đủ tốt
Vấn đề niêm mạc tử cung có thể ảnh hưởng lớn đến việc phôi có làm tổ hay không. Vì sao phôi không bám vào tử cung có thể do chuyển phôi không đúng cửa sổ làm tổ “mở”, niêm mạc tử cung quá mỏng hoặc quá dày, tình trạng viêm nhiễm nội mạc tử cung mãn tính…
Ngoài ra, các khiếm khuyết bất thường cấu trúc tử cung như polyp nội mạc tử cung, u xơ tử cung, dị tật bẩm sinh của tử cung (tử cung đôi, tử cung có vách ngăn…), mô sẹo ở niêm mạc tử cung là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phôi làm tổ, tăng nguy cơ sảy thai.
3. Vấn đề miễn dịch
Trong một số trường hợp, cơ thể người mẹ có thể đào thải phôi do nhầm tưởng phôi là tế bào ngoại lai xâm hại cơ thể. Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, PlinkCare TP HCM giải thích điều này liên quan đến bản chất của phôi chứa một nửa là bộ gen di truyền của người cha, khiến cơ thể người mẹ kích hoạt cơ chế miễn dịch, tử cung co bóp mạnh để đào thải phôi.
4. Các vấn đề kỹ thuật
Chuyển phôi là kỹ thuật quan trọng trong toàn bộ quá trình làm thụ tinh ống nghiệm. Để thực hiện kỹ thuật đòi hỏi bác sĩ thao tác chuyển phôi chính xác để hạn chế gây chấn thương, tránh co thắt tử cung và hạn chế tối thiểu phá vỡ sự cân bằng của niêm mạc tử cung.
Thao tác chuyển phôi cần thực hiện nhanh để phôi không chịu sự căng thẳng trong khi chờ được đưa vào cơ thể người mẹ. Đồng thời phôi cần được đưa đến đúng vị trí trong tử cung để tối ưu khả năng mang thai. (2)
Dấu hiệu nhận biết phôi không bám vào tử cung sau chuyển phôi
Thông thường khoảng ngày 6 sau chuyển phôi, cơ thể người mẹ sẽ xuất hiện một số thay đổi do phôi bám vào nội mạc tử cung và làm tổ. Khoảng 10-13 ngày sau chuyển phôi (tùy thuộc vào tuổi phôi), chị em có thể thực hiện các xét nghiệm beta HCG để xác định có mang thai hay không.
Khi chuyển phôi không thành công, chị em có thể có một số biểu hiện như:
- Xuất huyết âm đạo nhiều: Máu âm đạo chảy nhiều, màu nâu sẫm kèm đau bụng dưới có thể là dấu hiệu phôi không bám vào tử cung thành công. Do phôi không làm tổ nên lớp niêm mạc tử cung bong, gây phản ứng giống chu kỳ kinh nguyệt.
- Nồng độ beta hCG không tăng: Định lượng beta hCG sau chuyển phôi là “thước đo” chuẩn xác để xác định chuyển phôi thành công hay không. Trường hợp beta hCG âm tính cho thấy chu kỳ chuyển phôi thất bại.
Quá trình làm IVF, đặc biệt là sau chuyển phôi chị em sẽ được bác sĩ kê một số loại thuốc để hỗ trợ cho phôi làm tổ. Các loại thuốc này có thể gây ra những triệu chứng khiến chị em có cảm giác giống ốm nghén.
Tuy nhiên, đây không phải dấu hiệu sớm của việc đậu thai. Vì vậy việc có hay không những dấu hiệu này không khẳng định chuyển phôi thành công hay không. Để biết chính xác kết quả sau chuyển phôi, chị em nên thực hiện xét nghiệm máu theo lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra nồng độ beta HCG thai kỳ.

Phương pháp chẩn đoán xác định phôi bám vào tử cung
Phương pháp chẩn đoán giúp xác định phôi bám vào tử cung để làm tổ và phát triển thành phôi thai gồm xét nghiệm máu đo nồng độ beta hCG và siêu âm xác định túi thai.
Beta hCG là chỉ số đo nồng độ beta hCG (Human Chorionic Gonadotropin) trong máu. Beta hCG xuất hiện khi phôi bắt đầu làm tổ tại niêm mạc tử cung. Khoảng 10-13 ngày sau chuyển phôi (tùy thuộc vào tuổi phôi) bác sĩ sẽ kiểm tra định lượng beta hCG nhằm xác định mang thai hay không.
Trước đó, chị em có thể tự đo nồng độ hCG trong nước tiểu bằng que thử thai. Tuy nhiên các chỉ số có thể sai lệch, đồng thời không để đo chính xác nồng độ beta hCG trong cơ thể. Vì vậy phương pháp xét nghiệm máu kiểm tra định lượng hCG được khuyến nghị đối với trường hợp mang thai nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Thông thường chỉ số beta hCG sẽ tăng gấp đôi cứ sau 48-72 giờ và đạt đỉnh trong 8-11 tuần đầu tiên của thai kỳ, sau đó giảm dần và ổn định trong suốt thai kỳ. Nếu nồng độ beta hCG < 5 mIU/mL thì được xem là âm tính đối với thai kỳ (không có thai), đồng nghĩa phôi không bám vào tử cung để phát triển thành phôi thai.
Để chắc chắn, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm tìm kiếm sự hiện diện của túi thai sau xét nghiệm máu. Tuy nhiên đối với trường hợp kết quả định lượng beta thấp, khả năng cao bác sĩ không chỉ định siêu âm.

Phôi không bám vào tử cung có được coi là chuyển phôi thất bại không?
Phôi không bám vào tử cung có thể được coi là chuyển phôi thất bại. Để đưa ra kết luận đánh giá thất bại sau chuyển phôi, các bác sĩ và chuyên viên phôi học xem xét kỹ lưỡng thông qua các khảo sát chuyên sâu.
Quan trọng nhất, phôi không bám vào tử cung không đồng nghĩa người bệnh mất khả năng mang thai và sinh con. Nhiều trường hợp người vợ vẫn mang thai bình thường, sinh con khỏe mạnh sau khi trải qua một hoặc nhiều lần chuyển phôi thất bại. Vì vậy ngay cả khi đón nhận tin phôi không làm tổ, chị em nên bình tĩnh và làm theo các hướng dẫn từ bác sĩ để chuẩn bị tốt hơn cho lần chuyển phôi sau.
Hướng điều trị khắc phục sau khi phôi không bám vào tử cung
Trước khi chuyển phôi, bác sĩ luôn chú trọng 3 yếu tố chính: Lựa chọn phôi chất lượng tốt, độ dày niêm mạc tử cung lý tưởng và đúng thời điểm niêm mạc tiếp nhận phôi. Tuy nhiên tỷ lệ phôi làm tổ thành công khi thực hiện IVF dao động 40-50%.
Phác đồ điều trị cá thể hóa có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến kết cục điều trị IVF. Để tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công, một số phương pháp điều trị có thể được áp dụng gồm:
Nuôi phôi lên ngày 5: Nuôi phôi lên ngày 5 để chuyển khi các điều kiện nội mạc tử cung người mẹ đạt “lý tưởng” giúp tăng cơ hội mang thai thành công ở vợ chồng điều trị hiếm muộn. Phôi ngày 5 giúp hạn chế tình trạng đa thai, có thể thực hiện sàng lọc di truyền tiền làm tổ nhằm loại bỏ nguy cơ thai dị tật bẩm sinh…
Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT): Thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ giúp xác định các dị tật di truyền tiềm ẩn trong phôi. Đặc biệt ở trường hợp bệnh nhân gặp thất bại chuyển phôi liên tiếp, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định các xét nghiệm sàng lọc tiền làm tổ nhằm tầm soát dấu hiệu phôi lệch bội, sinh thiết phôi để tìm phôi nguyên bội. Sau khi đánh giá, bác sĩ ưu tiên chuyển các phôi chất lượng tốt, hình thái đồng đều, không tìm thấy dấu hiệu bất thường tiềm ẩn…
Canh niêm mạc tử cung: Đến thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào kết luận kích thước, độ dày chính xác của niêm mạc tử cung giúp phôi làm tổ thành công. Thông thường, độ dày niêm mạc tử cung để phôi làm tổ và phát triển thuận lợi là 8-12mm. Đồng thời niêm mạc cần đảm bảo các tiêu chuẩn về hình dáng, sự đồng đều… tạo điều kiện tốt để phôi làm tổ và phát triển.
Điều trị dứt điểm bệnh lý kèm theo: Điều trị dứt điểm các bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình phôi làm tổ là điều kiện tiên quyết đối với trường hợp chị em thất bại phôi bám vào tử cung do liên quan đến bệnh lý phụ khoa, bất thường giải phẫu cấu trúc tử cung… Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật can thiệp.
Bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP): Kỹ thuật này được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân có niêm mạc tử cung mỏng. Huyết tương giàu tiểu cầu giúp thúc đẩy quá trình tái tạo mô và lành hóa, hỗ trợ niêm mạc tử cung đạt độ dày phù hợp để phôi đào sâu và làm tổ.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú lưu ý chị em trước, trong và sau quá trình chuyển phôi nên chú ý cân bằng dinh dưỡng, sinh hoạt bình thường, nghỉ ngơi đầy đủ, duy trì tinh thần lạc quan nhằm hỗ trợ phôi bám vào tử cung thành công, phát triển thành phôi thai khỏe mạnh.
Cơ hội thành công lần 2 sau khi phôi không bám vào tử cung cao không?
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú cho biết không có tỷ lệ thành công chính xác cho lần chuyển phôi thứ 2. Tuy nhiên sau thất bại phôi làm tổ, các bác sĩ sẽ nỗ lực đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng phôi không bám vào tử cung. Điều này góp phần giúp tối ưu kế hoạch điều trị vô sinh, nâng cao tỷ lệ IVF thành công cho lần chuyển phôi sau.
Khi gặp phải tình trạng phôi không bám vào tử cung, các khảo sát lần lượt được chỉ định có thể gồm: kiểm tra bộ nhiễm sắc thể ở hai vợ chồng, siêu âm bơm buồng tử cung, tầm soát các bệnh lý phụ khoa… nhằm tìm kiếm nguyên nhân dẫn đến thất bại thai làm tổ. Các kết quả từ quá trình khảo sát giúp bác sĩ nhận định rõ bất thường ảnh hưởng kết quả điều trị IVF. Từ đó đề xuất các hướng điều trị cá thể hóa, chuyên biệt cho từng vấn đề.
Liên hệ PlinkCare để được tư vấn vì sao phôi không bám vào tử cung
Đằng sau mỗi kết luận thành công hay thất bại phôi làm tổ là cả một quá trình dài bệnh nhân phải trải qua thăm khám lâm sàng, chọc hút noãn, tạo phôi, theo dõi phôi phát triển, chuyển phôi… Đón nhận tin phôi không bám vào tử cung không dễ dàng đối với bất kỳ vợ chồng hiếm muộn nào đang theo đuổi hành trình “tìm con”. Thế nhưng chuyển phôi thất bại không đồng nghĩa là dấu chấm hết. Vẫn có hướng khắc phục, điều trị hiệu quả để bố mẹ có thể đón con yêu đến bên đời.
Để đi tìm lời giải cho vấn đề vì sao phôi không bám vào tử cung thành công đòi hỏi bác sĩ điều trị giàu kinh nghiệm, nhạy bén trong việc chẩn đoán các vấn đề bất thường ảnh hưởng kết cục điều trị IVF. Đồng thời sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại là “cánh tay đắc lực” giúp bác sĩ tìm ra cốt lõi của vấn đề, đề xuất hướng xử trí phù hợp trên từng trường hợp bệnh nhân, tối ưu kết quả sau chuyển phôi.
Hiện nay IVF Tâm Anh áp dụng các thiết bị hiện đại, làm chủ nhiều kỹ thuật điều trị mới như bơm huyết tương làm giàu tiểu cầu tự thân (PRP) cải thiện tình trạng niêm mạc mỏng.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong nuôi cấy phôi, sinh thiết phôi làm xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT), ứng dụng keo dính phôi EmbryoGlue® gắn kết phôi vào lòng tử cung, xét nghiệm ERA xác định cửa sổ làm tổ… cùng đội ngũ y bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, điều dưỡng tận tình, tâm lý luôn đồng hành với người bệnh nhằm tối ưu hiệu quả điều trị.
Việc điều trị cá thể hóa trên từng trường hợp giúp hiện thực hóa mơ ước trở thành cha mẹ của nhiều vợ chồng hiếm muộn. Vì vậy bệnh nhân “tìm con” bằng kỹ thuật IVF cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị, tối ưu kết quả mang thai sau chuyển phôi.
Tại IVF Tâm Anh tự hào là một trong những trung tâm hỗ trợ sinh sản có tỷ lệ thành công khi thực hiện IVF top đầu cả nước. Để đặt lịch thăm khám và tư vấn sau chuyển phôi thất bại, quý khách hàng có thể liên hệ qua thông tin:
Thất bại làm tổ sau chuyển phôi vẫn là thách thức của y học, đặc biệt đối với lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Khi đón nhận kết quả không mang thai, bác sĩ sẽ tiến hành khảo sát, đi tìm lời giải cho băn khoăn vì sao phôi không bám vào tử cung thành công để điều trị, can thiệp, tối ưu kết quả mang thai cho lần chuyển phôi sau.