Image

Van tim nhân tạo: 2 loại thường gặp và cách lựa chọn van phù hợp

Van tim nhân tạo là gì?

Van tim nhân tạo là van được tạo thành từ vật liệu nhân tạo, sử dụng để cấy ghép vào tim của người bệnh trong trường hợp van tim gặp các vấn đề như: hẹp van tim, hở van tim, hẹp khít van hai lá, hở van động mạch chủ nặng,…

Van tim bị tổn thương nặng không thể sửa chữa được thì thay van tim là lựa chọn tối ưu. Có 2 loại van tim nhân tạo được sử dụng hiệu quả hiện nay là van tim cơ học và van tim sinh học. Mỗi loại van nhân tạo đều có những ưu, nhược điểm riêng. Do đó, việc lựa chọn loại van phù hợp được bác sĩ cân nhắc và tư vấn cụ thể cho từng bệnh nhân. (1)

Van tim nhân tạo hoạt động như thế nào?

Van tim nhân tạo sau khi được thay sẽ hoạt động như một cánh cửa cho máu chảy vào tim. Van đóng, mở đúng thời điểm, đúng mức độ, tạo điều kiện thuận lợi cho máu chảy vào tim và máu từ tim đưa ra để đến các bộ phận khác của cơ thể. Đồng thời, giúp cho máu không bị rò rỉ, chảy ngược trở lại. (2)

Các loại van tim nhân tạo

1. Van tim cơ học

Cấu tạo

Van cơ học được làm từ kim loại, bên ngoài van được phủ một lớp carbon nhiệt phân có tác dụng hạn chế sự hình thành cục máu đông.

Van tim cơ học
Van tim cơ học

Một số loại van cơ học

Một số loại van cơ học được dùng khá phổ biến trong phẫu thuật thay van tim là:

  • Van bi lồng: Đây là loại van cơ học được sử dụng sớm nhất trong điều trị thay van tim. Nhưng nó lại tạo ra áp lực ngang van khá cao, khiến cho dòng máu chảy qua van không sinh lý.
  • Van một đĩa: Van có một lỗ nhỏ và một lỗ lớn được làm từ polycarbonate. Loại van một đĩa này ít được sử dụng hơn.
  • Van hai đĩa: Van có hai đĩa van hình bán nguyệt, cũng được làm từ polycarbonate. Van này được lựa chọn sử dụng nhiều hiện nay.

Ưu nhược điểm van cơ học

Van cơ học có các ưu điểm:

  • Van cơ học có độ bền cao, tuổi thọ của van tim có thể từ 20-30 năm.
  • Van được làm từ vật liệu chắc chắn, được xem là loại van thay thế lâu dài nhất.
  • Giá thành hợp lý, rẻ hơn so với van sinh học. (3)

Nhược điểm:

  • Van cơ học có thể gây hình thành các cục máu đông, nguy cơ gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.
  • Để hạn chế huyết khối, bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời.
  • Tăng nguy cơ xuất huyết ở người cao tuổi, những người có sẵn bệnh lý như xuất huyết dưới da, xuất huyết dạ dày hay xuất huyết não.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai ở 3 tháng đầu thai kỳ, việc sử dụng thuốc kháng đông có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện dị tật ở thai nhi.
  • Trường hợp sử dụng thuốc kháng đông không đủ liều lượng có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của van, gây kẹt van hoặc dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

2. Van tim sinh học

Các loại van sinh học

  • Van ghép khác loài hay van dị ghép (heterograft): Loại van tim sinh học này được làm từ mô động vật gắn với giá đỡ bằng kim loại hoặc polymer. Van ghép khác loài được sử dụng phổ biến nhất là từ mô của bò. Một số van tim ghép loài được làm từ mô của lợn.
  • Van ghép đồng loài (holograft hay allograft): Van ghép đồng loài là van tim được chọn từ người hiến tặng, có thể kèm theo một đoạn động mạch chủ. Van được bảo quản lạnh trong ngân hàng mô.

Ưu nhược điểm van sinh học

Ưu điểm:

  • Ít gây hình thành cục máu đông. Nhờ đó, người bệnh không cần phải sử dụng thuốc chống đông máu suốt đời, mà chỉ cần dùng khoảng 3 tháng sau phẫu thuật thay van tim.
  • Giúp giảm nguy cơ chảy máu sau phẫu thuật.
  • Đối với van tim đồng loài, có độ kháng khuẩn cao. (4)

Nhược điểm:

  • Độ bền của van sinh học kém hơn so với van cơ học, chỉ khoảng 8-15 năm. Do đó, nếu van được thay sau một thời gian bị tổn thương thì cần phải thay lại van mới.
  • Ở những bệnh nhân trẻ tuổi, van tim sinh học có xu hướng bị hư hỏng nhanh hơn.
  • Đối với trẻ em được thay van sinh học thì cần phải thay nhiều lần để phù hợp với sự phát triển về thể chất của trẻ theo thời gian.
  • Đối với van tim đồng loài thì có sự phụ thuộc vào người hiến tặng, nên kích thước van sẽ không được đa dạng. Việc bảo quản và thực hiện kỹ thuật cấy ghép cũng rất phức tạp.
Phẫu thuật thay van tim sinh học
Phẫu thuật thay van tim sinh học

3. Sự khác biệt giữa van cơ học và van sinh học

Van cơ học là loại van được làm từ kim loại và carbon. Trong khi đó van sinh học thì thường được làm từ mô bò hoặc mô lợn, cũng có khi là từ mô của người hiến tặng. Van đã được xử lý để đảm bảo khi thay thế vào cơ thể sẽ không đào thải.

Đối với tuổi thọ thì van cơ học được lâu hơn so với van sinh học. Tuy nhiên, van cơ học lại có một số nhược điểm như nguy cơ hình thành cục máu đông cao, bắt buộc người bệnh cần uống thuốc chống đông máu suốt đời. Còn van sinh học cải thiện được nhược điểm này, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc chống đông khoảng 3 tháng sau khi phẫu thuật, nhưng theo thời gian, van sẽ hư hỏng và cần được thay thế tiếp tục.

Làm thế nào để lựa chọn van nhân tạo phù hợp?

Để chọn được van nhân tạo phù hợp, bác sĩ cần kiểm tra thể chất, tình trạng bệnh và thực hiện các xét nghiệm khác để có thể đưa ra kết luận. Dựa vào từng loại van tim, thể trạng của bệnh nhân, nguy cơ khi sử dụng thuốc kháng đông, nguy cơ phải mổ lại, bác sĩ sẽ lựa chọn van tim nhân tạo phù hợp nhất.

Những trường hợp lựa chọn van cơ học để thay thế cho bệnh nhân thường là:

  • Người trẻ tuổi (dưới 65 tuổi) thường được chọn van cơ học để thay thế vì van này có thể tồn tại lâu.
  • Người bệnh không chống chỉ định với thuốc kháng đông máu.

Trường hợp người bệnh được chọn van sinh học để thay van tim nhân tạo là:

  • Người cao tuổi, vì họ có thể không cần phải thực hiện phẫu thuật thay van tim nữa.
  • Bệnh nhân có nguy cơ hoặc đang bị các bệnh lý chảy máu.
  • Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần tránh dùng thuốc chống đông máu trong thai kỳ có thể chọn van mô để thay thế.
  • Van đồng loài được khuyến cáo dùng cho người có bệnh viêm nội tâm mạc vì nó có khả năng kháng khuẩn cao, hạn chế được tình trạng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.

Các phương pháp thay van nhân tạo

1. Phẫu thuật truyền thống

Phẫu thuật truyền thống là phương pháp được sử dụng khá phổ biến. Để thực hiện thay van nhân tạo bằng phẫu thuật truyền thống, bác sĩ sẽ mở lồng ngực để tiến hành thay van. Trong suốt quá trình phẫu thuật, tim ngừng đập nên bệnh nhân cần được hỗ trợ bởi máy tim phổi nhân tạo. Các bác sĩ có thể dễ dàng xử lý các tổn thương của van hoặc thay thế van. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật xong, trên ngực người bệnh sẽ còn vết sẹo mổ lớn, chậm phục hồi hơn và có nguy cơ bị viêm xương ức.

2. Mổ ít xâm lấn với nội soi hỗ trợ để thay van tim

Đối với kỹ thuật mổ ít xâm lấn để thay van tim, đường mổ chỉ từ 4-5 cm. Bệnh nhân chỉ cần khoảng 2-4 tuần để phục hồi và nguy cơ bị viêm xương cũng được giảm đáng kể. Tuy nhiên, để thực hiện được kỹ thuật này, đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao, kinh nghiệm dày dặn, trạng thiết bị hiện đại, kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể tốt.

Phẫu thuật thay van tim bằng phương pháp mổ nội soi ít xâm lấn
Phẫu thuật thay van tim bằng phương pháp mổ nội soi ít xâm lấn

3. Thay van bằng can thiệp qua da

Thay van bằng can thiệp qua da là một trong những thủ thuật giúp người bệnh giải quyết dứt điểm được tình trạng hẹp hoặc tắc động mạch vành. Điểm nổi bật của phương pháp này là giúp phục hồi lưu lượng máu đến cơ tim mà không cần phải mổ hở lồng ngực, không cần phải dùng đến sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo.

Nhưng không phải tất cả bệnh nhân gặp vấn đề cần thay van tim cũng được chỉ định dùng phương pháp này. Ngoài ra, giá thành cho cuộc phẫu thuật này cũng khá cao, cần có sự hỗ trợ trợ của máy móc chuyên dụng, tiên tiến.

Biến chứng khi thay van tim nhân tạo

Trong tất cả các cuộc phẫu thuật liên quan đến tim mạch đều có thể ẩn chứa những rủi ro. Đối với người bệnh được thay van tim nhân tạo, những biến chứng có thể xảy ra còn phụ thuộc vào loại van tim được chọn để thay thế, độ tuổi, sức khỏe tổng thể, các thủ thuật được thực hiện,…. Các biến chứng sau khi thay van tim nhân tạo có thể gặp phải là:

  • Nguy cơ bị nhiễm trùng;
  • Xuất hiện cục máu đông;
  • Rối loạn nhịp tim tạm thời;
  • Bị suy giảm chức năng thận trong vài ngày đầu sau khi phẫu thuật;
  • Có nguy cơ đột quỵ;
  • Thoái hóa van, chủ yếu là đối với van tim sinh học;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Người bệnh cần lưu ý gì sau khi thay van tim nhân tạo?

  • Bệnh nhân sau khi được phẫu thuật thay van tim cần dành nhiều thời để nghỉ ngơi. Tuyệt đối không vận động mạnh hoặc khuân vác đồ vật nặng trong khoảng 8 tuần sau phẫu thuật.
  • Người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng cân đối. Ưu tiên thức ăn lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Tăng cường bổ sung thêm trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo,…
  • Thư giãn đầu óc, tránh căng thẳng, áp lực hay hoảng loạn.
  • Vận động nhẹ nhàng.
  • Dùng thuốc đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tái khám định kỳ đều đặn để bác sĩ có thể theo dõi khả năng phục hồi và kịp thời có biện pháp khắc phục nếu phát sinh vấn đề.
  • Đến bệnh viện ngay khi nhận thấy có những dấu hiệu bất thường như khó thở, sốt, tăng cân đột ngột, ngất xỉu, đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân,…
Người bệnh cần dùng thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ
Người bệnh cần dùng thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ

Quá trình hồi phục sau khi lắp van nhân tạo diễn ra thế nào?

Thông thường, người bệnh phải mất khoảng 2-3 tháng để có thể phục hồi hoàn toàn. Nhưng cũng tùy thuộc vào thể trạng và loại phẫu thuật được áp dụng mà thời gian phục hồi có thể nhanh hoặc chậm hơn. Nếu là phẫu thuật truyền thống thì cần có thêm thời gian để có thể hồi phục hoàn toàn. Trong khi đó, khi phẫu thuật thay van tim bằng phương pháp mổ ít xâm lấn thì chỉ cần khoảng 2-4 tuần sẽ dần cải thiện.

Sau khi được xuất viện về nhà, trong thời gian đầu bệnh nhân vẫn cần có sự chăm sóc, hỗ trợ từ người thân. Song song với đó, bệnh nhân cũng cần có sự tập luyện nhẹ nhàng, hợp lý, ăn uống khoa học và nghỉ ngơi điều độ. Uống thuốc chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ là điều cần thiết giúp người bệnh tránh được tình trạng huyết khối.

Các câu hỏi thường gặp?

1. Cơ thể có tương thích với van tim nhân tạo không?

Các van nhân tạo đều có sự tương thích sinh học. Trước khi lựa chọn loại van tim để thay thế, bác sĩ đã có các xét nghiệm để đảm bảo rằng sau khi thay vào, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ không “từ chối” van tim nhân tạo.

2. Độ bền và hiệu suất của van nhân tạo có cao không?

Van cơ học có độ bền cao, tuổi thọ lên đến 20-30 năm. Van sinh học thì độ bền khoảng 8-15 năm, nếu bị tổn thương thì tiếp tục thay van mới.

3. Thay van tim nhân tạo hết bao nhiêu tiền?

Chi phí cho một cuộc phẫu thuật thay van tim nhân tạo phụ thuộc vào loại van được lựa chọn và kỹ thuật thực hiện để thay thế. Chi phí thay van cơ học sẽ thấp hơn van tim sinh học.

Trung tâm Tim mạch, PlinkCare có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch giàu kinh nghiệm, đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, với nhiều gói khám chữa bệnh phù hợp.

Hệ thống phòng phẫu thuật tim hiện đại, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, xuất viện sớm như: phẫu thuật van tim ít xâm lấn, đường mổ nhỏ (Mini-invasive), phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn (CABG) – không dùng máy tim phổi nhân tạo; phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ (MICS); phẫu thuật tim bẩm sinh đường mổ nhỏ…

Đặc biệt, Trung tâm Tim mạch đã triển khai thường quy các kỹ thuật gây mê hồi sức tiên tiến như phương pháp gây mê vô cảm, gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP)… giúp giảm đau sau mổ, hạn chế biến chứng, nhanh hồi phục.

Hệ thống phòng hồi sức riêng biệt, phòng nội trú cao cấp, đầy đủ trang thiết bị y tế, kết nối bác sĩ – điều dưỡng 24/24 mang lại cho người bệnh sự thoải mái tối đa, nằm viện như “nghỉ dưỡng”, hồi phục nhanh, xuất viện sớm.

Để đặt lịch khám và điều trị, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:

Những thông tin trên đây giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về ưu nhược điểm của các loại van tim nhân tạo. Tuy nhiên, để chọn được loại van tim thay thế phù hợp nhất, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và cần sự tư vấn chỉ định trực tiếp của bác sĩ.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send