
Ung thư vú dạng viêm (IBC): Nguyên nhân, dấu hiệu và phòng ngừa
Ung thư vú dạng viêm là gì?
Ung thư vú dạng viêm là loại ung thư vú hiếm gặp, phát triển nhanh chóng, xảy ra khi các tế bào ung thư chặn các mạch bạch huyết ở vùng da bao phủ vú. Sự tắc nghẽn dẫn đến viêm nhiễm, gây đỏ, sưng tấy ở vú. Các triệu chứng này dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng.
Không giống hầu hết các bệnh ung thư vú khác, IBC thường không gây các khối u ở mô vú. Thay vào đó, tình trạng này xuất hiện dưới dạng phát ban, gây đau, đỏ, sưng và lõm ở vú.
Các giai đoạn của ung thư vú dạng viêm
Ung thư vú dạng viêm có 3 giai đoạn, gồm [2]:
- Giai đoạn IIIB: ung thư vú dạng viêm đều bắt đầu ở giai đoạn này vì tế bào ung thư xâm nhập vào da vú.
- Giai đoạn IIIC: ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết xung quanh xương đòn hoặc bên trong ngực
- Giai đoạn IV: ung thư đã di căn ra ngoài vú và hạch bạch huyết đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Triệu chứng của ung thư vú dạng viêm
Dấu hiệu ung thư vú dạng viêm có thể khó phát hiện vì thường không gây khối u như các dạng ung thư vú phổ biến. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh chủ yếu là viêm đỏ, sưng, đau ở vú. Những triệu chứng này dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng.
Trong 3 – 6 tuần, các triệu chứng ung thư vú dạng viêm tiến triển nhanh chóng, gồm:
- Vùng da đổi màu đỏ, hồng hoặc tím. Vết bầm tím hoặc phát ban lan rộng trên 1/3 vú.
- Da ngực lõm, rỗ hoặc dày lên giống như vỏ cam.
- Đau, sưng, ngứa, cứng hoặc đau ở 1 bên vú.
- Cảm giác nóng rát, nặng nề hoặc sưng tấy 1 bên vú.
- Núm vú tụt vào trong.
- Sưng các hạch bạch huyết gần xương đòn hoặc vùng nách
Nguyên nhân ung thư vú dạng viêm và yếu tố nguy cơ
Ung thư vú dạng viêm thuộc loại ung thư biểu mô ống tuyến vú xâm lấn. Loại ung thư này hình thành từ tế bào lót ống dẫn sữa, sau đó lan ra ngoài xâm lấn các mô khỏe mạnh. Các nhà khoa học không biết nguyên nhân chính xác khiến những tế bào này trở thành ác tính.
Ung thư vú dạng viêm phát triển khi tế bào ung thư làm tắc nghẽn các mạch bạch huyết (những ống dẫn trong hệ bạch huyết cho phép dịch bạch huyết chảy ra khỏi vú) Sự tắc nghẽn khiến vú đỏ, sưng và viêm. Tình trạng di căn chủ yếu từ các mạch bạch huyết đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú dạng viêm gồm:
- Phụ nữ có được chẩn đoán mắc ung thư vú viêm cao hơn nam giới.
- Người từ 40 – 50 tuổi có nguy cơ cao mắc ung thư vú dạng viêm.
- Người da đen: phụ nữ da đen có nguy cơ mắc ung thư vú dạng viêm cao hơn phụ nữ da trắng.
- Béo phì: nguy cơ mắc ung thư vú dạng viêm ở người béo phì cao hơn người có cân nặng bình thường.

Ung thư vú dạng viêm có nguy hiểm không?
Ung thư vú dạng viêm (IBC) thường di căn nhanh, tỷ lệ tái phát sau điều trị cao, từ đó, tiên lượng sống thấp hơn các loại ung thư vú khác. [3]
Tiên lượng sống tương đối 5 năm đối với phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú dạng viêm từ năm 2012 – 2018, do Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI) thống kê cho thấy:
- Tiên lượng sống 52% khi bệnh còn khu trú, không có dấu hiệu ung thư đã di căn khỏi vú.
- Tiên lượng sống 39% khi ung thư đã di căn ngoài vú đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết lân cận.
- Tiên lượng sống 19% khi ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể như phổi, gan hoặc xương.
Biến chứng của ung thư vú dạng viêm
Điều trị ung thư vú dạng viêm có thể gây các biến chứng, chẳng hạn như phù bạch huyết (phù tay) sau phẫu thuật cắt bỏ các hạch bạch huyết. Ung thư vú dạng viêm tiến triển nhanh nên khi được chẩn đoán, các tế bào ung thư thường đã lan sang các mô khác.
Phương pháp chẩn đoán bị ung thư vú dạng viêm
Ung thư vú dạng viêm (IBC) rất hiếm gặp, triệu chứng tương tự như nhiễm trùng vú. Nếu nghi ngờ IBC, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết để chẩn đoán và làm các xét nghiệm bổ sung để xem ung thư có lan ra ngoài vú không. Các chẩn đoán gồm:
- Khám lâm sàng: bác sĩ kiểm tra vú để tìm các dấu hiệu của ung thư vú dạng viêm.
- Chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú): sử dụng tia X năng lượng thấp để tạo hình ảnh bên trong vú. Chụp nhũ ảnh giúp bác sĩ nhìn thấy các dấu hiệu của ung thư vú, chẳng hạn như khối u, vôi hóa vú, đánh giá độ rộng tổn thương.
- Siêu âm vú: sử dụng sóng âm thanh để tạo hình ảnh bên trong vú, mô lân cận và các hạch bạch huyết. Siêu âm giúp bác sĩ kiểm tra xem ung thư ở vú có lan sang mô lân cận hay không. Bởi, ung thư vú dạng viêm và nhiễm trùng có triệu chứng tương tự nhau.
- Sinh thiết vú: bác sĩ sẽ lấy mẫu mô ra khỏi vú và mang đi giải phẫu bệnh để xem có phải ung thư hay không.
Khi đã có kết quả sinh thiết chẩn đoán ung thư vú dạng viêm, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm để xác định xem tình trạng ung thư có lây lan hay không:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): kỹ thuật giúp kiểm tra các dấu hiệu ung thư ở xương, phổi và một số cơ quan khác.
- Xạ hình xương: sử dụng 1 lượng nhỏ chất phóng xạ nhằm cung cấp hình ảnh ở xương. Hình ảnh này giúp xác định xương có tổn thương hay không.
- Chụp cộng hưởng từ vú (MRI): kỹ thuật sử dụng sóng vô tuyến, nam châm và máy tính để tạo hình ảnh chi tiết bên trong vú.
- Chụp cắt lớp phóng xạ Positron (PET/scan): sử dụng thuốc nhuộm có chứa thuốc phóng xạ để tạo hình ảnh và các cấu trúc bên trong vú, đồng thời khảo sát các cơ quan khác trong cơ thể xem có tế bào ác tính di căn chưa.

Phương pháp điều trị bệnh ung thư vú dạng viêm
Điều trị ung thư vú dạng viêm thường bắt đầu bằng hóa trị. Nếu ung thư chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể, việc điều trị sẽ tiếp tục bằng phẫu thuật và xạ trị. Ngược lại, khi ung thư đã di căn rộng, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị bằng thuốc để làm chậm sự phát triển của bệnh. [4]
1. Hóa trị
Thuốc được tiêm qua đường tĩnh mạch, dùng dạng viên uống hoặc kết hợp cả 2 nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.
Hóa trị được bác sĩ sử dụng trước khi phẫu thuật ung thư vú dạng viêm. Phương pháp này được gọi là liệu pháp tân hỗ trợ, nhằm thu nhỏ khối u và tăng cơ hội phẫu thuật thành công.
Nếu ung thư có nguy cơ cao tái phát hoặc lan sang bộ phận khác của cơ thể, bác sĩ sẽ đề nghị hóa trị bổ sung.
2. Phẫu thuật
Sau khi hóa trị, người bệnh có thể phải phẫu thuật cắt bỏ vú bị ảnh hưởng và nạo bỏ hạch bạch huyết vùng nách. Các phẫu thuật gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ vú: loại bỏ tất cả các mô vú, tiểu thùy, ống dẫn, núm vú và quầng vú.
- Phẫu thuật nạo bỏ các hạch bạch huyết vùng nách: bác sĩ sẽ loại bỏ các hạch bạch huyết vùng nách
3. Xạ trị
Xạ trị sử dụng chùm năng lượng cao, chẳng hạn như tia X hoặc proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Với ung thư vú dạng viêm, xạ trị được sử dụng sau hóa trị và phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại. Bức xạ được chiếu ở ngực, nách và 1 phần vùng trên xương đòn của bạn.
4. Liệu pháp nhắm trúng đích
Nếu kết quả xét nghiệm các tế bào ung thư vú dạng viêm dương tính với HER2, bác sĩ sẽ khuyến cáo kết hợp liệu pháp nhắm đích với hóa trị. Sau phẫu thuật, liệu pháp nhắm đích có thể kết hợp với liệu pháp nội tiết .
Trường hợp ung thư đã lan sang bộ phận khác của cơ thể, hiện đã có sẵn các loại thuốc trị liệu nhắm đích tập trung vào những bất thường trong tế bào ung thư.
5. Liệu pháp nội tiết tố
Liệu pháp nội tiết được dùng trong trường hợp tế bào ung thư dương tính với thụ thể estrogen và progesterone. Liệu pháp nội tiết có thể được sử dụng sau phẫu thuật hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác nhằm ngăn ung thư vú tái phát. Nếu ung thư đã lan rộng, liệu pháp nội tiết có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh .
Các phương pháp được sử dụng trong liệu pháp hormone gồm:
- Thuốc ngăn chặn hormone gắn vào tế bào ung thư (bộ điều biến thụ thể estrogen chọn lọc)
- Thuốc ngăn cơ thể sản xuất estrogen sau mãn kinh (thuốc ức chế aromatase)
- Phẫu thuật hoặc dùng thuốc hoặc xạ trị để ngăn quá trình sản xuất hormone ở buồng trứng.
6. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ thống miễn dịch của người bệnh để chống lại ung thư. Bác sĩ sẽ kiểm tra các tế bào ung thư để xem còn khả năng đáp ứng với liệu pháp miễn dịch hay không.

Phòng ngừa và chăm sóc ung thư vú dạng viêm
Ung thư vú dạng viêm thường phát triển nhanh và lan sang các cơ quan khác bên ngoài vú, thậm chí có thể tái phát sau điều trị. Việc phát hiện và điều trị sớm có thể cải thiện tiên lượng sống. Do đó, cần lưu ý:
- Tự kiểm tra vú: phụ nữ nên thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm những thay đổi bất thường, chẳng hạn như khối u, sưng, đau vùng ngực.
- Kiểm tra, tầm soát ung thư vú định kỳ.
- Tìm hiểu về ung thư vú dạng viêm, bao gồm bệnh đang ở giai đoạn nào, phương pháp điều trị ra sao.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân.
- Kết nối với những trường hợp đã điều trị để biết thêm về ung thư, tư vấn lời khuyên trong quá trình điều trị. Bạn có thể tham gia CLB Bệnh nhân Ung thư vú của PlinkCare TP.HCM.
- Tái khám theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi bệnh tiến triển và ngừa ung thư vú tái phát.
- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh với chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn, giảm căng thẳng, ngừng hút thuốc lá nhằm tăng cường sức đề kháng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Những câu hỏi thường gặp
1. Phát ban do ung thư vú dạng viêm trông như thế nào?
Đặc điểm phát ban ở mỗi người bệnh là khác nhau. Và không phải lúc nào tình trạng này cũng tương tự như phát ban. Có thể thấy rõ lỗ chân lông to do sưng tấy; vết đỏ hoặc thay đổi màu da ở một bên vú.
Phát ban liên quan đến ung thư vú dạng viêm cũng có thể có hình dạng khác nhau tùy theo màu da của mỗi người. Ở một số phụ nữ, phát ban có thể trông sẫm màu, thậm chí màu tím thay vì đỏ. Phần lớn, phát ban xuất hiện khi bệnh ở giai đoạn III-IV.
2. Những đặc điểm nào giúp phân biệt phát ban do ung thư vú dạng viêm với các loại khác?
Ung thư vú dạng viêm khá nguy hiểm, bệnh có thể phát triển rất nhanh. Vì vậy, nếu nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về kích thước, màu sắc hoặc tính chất vùng ngực trong vài tuần, người bệnh nên đi khám ngay.
Ban đầu, phát ban trông giống vết côn trùng cắn nhưng lan rộng trong thời gian ngắn. Vì vậy, người bệnh nên lưu ý đặc điểm này.
3. Có tình trạng nào khác có thể gây phát ban ở vú không?
Nhiều người thường nhầm lẫn ung thư vú dạng viêm với tình trạng viêm vú và áp xe. Ngay khi nhận thấy những thay đổi nhanh chóng ở 1 hoặc cả 2 ngực, hãy đến gặp bác sĩ khoa Ngoại Vú để kiểm tra và điều trị sớm. Tùy tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm hình ảnh, sinh thiết để chẩn đoán chính xác.
Số lượng bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư vú dạng viêm mỗi năm là rất ít. Bệnh nhân đến khám đa phần đều đã trải qua nhiều đợt điều trị bằng kháng sinh nhưng triệu chứng không cải thiện.
Khoa Ngoại Vú, PlinkCare TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu tất cả các vấn đề liên quan đến tuyến vú nói chung (khối u lành tính, bất thường bẩm sinh, vú sa trễ, vú phì đại…) và ung thư vú nói riêng.
Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị các máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ nhằm chẩn đoán bệnh chính xác nhất như máy siêu âm đàn hồi, máy chụp nhũ ảnh 3D, máy chụp cộng hưởng từ… giúp tất cả người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM.
Bài viết đã cung cấp những thông tin về ung thư vú dạng viêm là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và phòng ngừa ra sao? Đây là loại ung thư vú hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa xác định. Vì vậy, ngay khi thấy những dấu hiệu bất thường ở vùng ngực, người bệnh nên đến khám bác sĩ khoa Ngoại Vú để kiểm tra và điều trị sớm.