
Ung thư vòm họng giai đoạn cuối (IV): Triệu chứng và tiên lượng
Ung thư vòm họng giai đoạn cuối là gì?
Ung thư vòm họng có 5 giai đoạn từ 0 (ung thư tại chỗ) đến IV. Bài viết này tập trung vào ung thư vòm họng giai đoạn IV hay dân gian thường gọi là ung thư giai đoạn cuối.
Hiệu quả của điều trị ung thư trong thập kỷ qua đã có nhiều thay đổi, thời gian sống còn và chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư đã được cải thiện đáng kể. Vì vậy, dùng từ giai đoạn cuối vô hình chung gây ra một ảnh hưởng tiêu cực lên tinh thần cho người bệnh cũng như thân nhân. Bài viết này xin phép sử dụng từ giai đoạn IV thay cho giai đoạn cuối.
BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, khoa Ung bướu PlinkCare TP.HCM cho biết, sau khi chẩn đoán mắc ung thư vòm họng, cần xác định giai đoạn bệnh (vùng ảnh hưởng và mức độ lan rộng của khối u) bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: chụp cắt lớp vi tính (CT scan), cộng hưởng từ (MRI), PET-CT…; từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, cũng như đánh giá được tiên lượng sống của người bệnh. (1)

Giải mã phân đoạn T, N, M trong ung thư vòm họng giai đoạn IV
Giai đoạn ung thư vòm họng được xác định dựa trên hệ thống phân đoạn TNM của Ủy ban Ung thư Hoa Kỳ (American Joint Committee on Cancer – AJCC) bao gồm 3 yếu tố chính: (2)
- T (Tumor): Đánh giá khối tế bào ung thư hình thành đầu tiên ở vòm họng hay còn gọi là u nguyên phát. Đánh giá T dựa trên mức độ xâm lấn của khối u vào các cấu trúc lân cận. Yếu tố T đi kèm một chữ số từ 1-4. Chữ số này biểu thị mức độ phát triển của khối u. Số lớn hơn tương ứng với mức độ phát triển nhiều hơn.
- N (Node): Hạch bạch huyết (hay gọi tắt là hạch) là các cấu trúc nhỏ dạng bầu dục giúp cơ thể chống đỡ lại bệnh tật. Đánh giá yếu tố N là đánh giá số lượng, kích thước, vị trí các hạch bạch huyết bị di căn từ khối u nguyên phát. Yếu tố N đi kèm một chữ số từ 1-3. Số lớn hơn tương ứng với mức độ lan rộng hơn (số lượng nhiều hơn, kích thước lớn hơn, vị trí xa hơn).
- M (Metastasis): Yếu tố M cho biết ung thư đã lan đến các cơ quan khác của cơ thể (còn gọi là di căn). Ung thư vòm họng thường di căn đến các cơ quan như: xương, phổi, gan…
Xem thêm:
- Ung thư vòm họng giai đoạn 0
- Ung thư vòm họng giai đoạn 1
- Ung thư vòm họng giai đoạn 2
- Ung thư vòm họng giai đoạn 3
Phân loại ung thư vòm họng giai đoạn IV
Giai đoạn IV ung thư vòm họng được chia thành IVA và IVB. (3)
Ung thư vòm họng giai đoạn IVA
- Ung thư di căn đến hạch bạch huyết vùng cổ cả 2 bên và những hạch này có kích thước lớn hơn 6cm;
- Hoặc ung thư di căn đến hạch bạch huyết vùng cổ cả 2 bên và những hạch này nằm ở vùng thấp của cổ (bờ dưới của sụn nhẫn – sụn nhẫn có hình vòng giống nhẫn mặt vuông, nằm phía dưới sụn giáp);
- Hoặc khối u vòm họng xâm lấn vào hộp sọ, dây thần kinh sọ, hạ họng, xương ổ mắt, tuyến nước bọt chính, hoặc mô mềm của hàm.
Ung thư vòm họng giai đoạn IVB
Ung thư vòm họng đã lan đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) đã dựa trên số liệu của cơ quan Giám sát, dịch tễ học và kết cục (SEER – Surveillance, Epidemiology, and End Results) chia ung thư vòm họng thành 3 nhóm:
- Tại chỗ: Không có dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan ra ngoài vùng vòm họng.
- Tại vùng: Ung thư đã lan ra ngoài vòm họng đến các cấu trúc và hạch bạch huyết lân cận.
- Di căn xa: Ung thư vòm họng đã lan đến các bộ phận xa của cơ thể như phổi hoặc gan.
Từ 3 nhóm bệnh nhân ung thư vòm họng mới được chẩn đoán từ năm 2012-2018, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã đưa ra số liệu về tỷ lệ sống còn 5 năm của ung thư vòm họng giai đoạn tại chỗ là 82%, tại vùng là 72%, di căn xa là 49%. Nghĩa là so với nhóm dân số không mắc ung thư vòm họng, tỷ lệ tử vong sau 5 năm của nhóm người mắc ung thư vòm họng giai đoạn di căn xa khoảng 50%.
Triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn IV
BS.CKI Nguyễn Chí Thanh cho biết, các biểu hiện ung thư vòm họng giai đoạn IV điển hình bao gồm:
- Đau đầu: Các cơn đau đầu, đau nửa đầu nghiêm trọng xuất hiện thường xuyên do khối u đã phát triển lớn. Các cơn đau có thể xuất hiện đột ngột theo từng cơn và không thuyên giảm khi điều trị với thuốc giảm đau.
- Khó nói và hạn chế ăn uống: Khả năng nhai, nuốt gặp khó khăn; khó nói, khàn tiếng, thậm chí mất giọng do khối u chèn dây thanh quản.
- Các triệu chứng liên quan đến tai: Hiện tượng ù tai, nghe kém, mất thính lực có thể diễn ra. Tai chảy mủ hoặc viêm nhiễm nặng, có mùi khó chịu.
- Các triệu chứng liên quan mũi: Nghẹt mũi, chảy dịch nhầy, chảy mủ, chảy máu mũi.
- Hạch bạch huyết: Xuất hiện hạch ở các vùng thấp nhất của cổ như góc hàm, xương đòn… Ban đầu các hạch có kích thước nhỏ, không đau, di động, sờ vào chắc. Tuy nhiên đến giai đoạn IV của ung thư vòm họng, kích thước các khối hạch tăng lên, cố định vào thành mô, chèn ép lên các bộ phận xung quanh. Một số khối còn bị hoại tử, viêm nhiễm, chứa dịch có mùi.
- Tổn thương vùng mặt: Tổn thương các dây thần kinh sọ gây đau và tê bì vùng mặt, đau phần hốc mắt, mắt lé, nhìn đôi, nhìn mờ, liệt cơ mặt…
- Các tổn thương bộ phận khác: Ung thư vòm họng đã di căn đến phổi – xương – gan… Do đó, bên cạnh các biểu hiện ung thư vòm họng giai đoạn IV, bệnh nhân sẽ xuất hiện kèm các dấu hiệu của vùng bị di căn (ho, khó thở trong di căn phổi; đau nhức xương trong di căn xương…), dẫn đến việc điều trị khó khăn, người bệnh chịu nhiều đau đớn hơn.

Ung thư vòm họng giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Nếu được phát hiện sớm, ung thư vòm họng là bệnh lý có thể điều trị được. Tuy nhiên, việc chủ động kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư chưa được chú trọng, nên ung thư vòm họng nói riêng cũng như các bệnh ung thư khác thường ít được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Nhưng với những tiến bộ trong điều trị ung thư hiện nay, dù được phát hiện muộn nhưng người bệnh không nên bỏ cuộc. Việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tinh thần lạc quan kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý cũng giúp cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối (giai đoạn IV).
Cách chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn IV
Theo BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, một số phương pháp chẩn đoán ung thư vòm họng có thể được chỉ định gồm:
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và tiền sử của bệnh nhân, bao gồm các vấn đề về lối sống, dinh dưỡng, các yếu tố khác có thể làm tăng nặng bệnh. Bác sĩ thăm khám toàn thân để đánh giá mức độ lan rộng của bệnh cũng như tổng trạng của người bệnh để có thể đưa ra các hướng điều trị phù hợp cho từng người bệnh.
- Nội soi tai mũi họng: Nếu phát hiện tổn thương nghi ngờ, bác sĩ có thể bấm sinh thiết để lấy một mẫu mô. Mẫu mô này sẽ được các bác sĩ giải phẫu bệnh đánh giá nhằm phát hiện các tế bào ung thư.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc Cộng hưởng từ (MRI) vùng đầu cổ để đánh giá các đặc điểm bướu tại chỗ và tình trạng di căn hạch vùng.
- PET/CT: Có thể được dùng để đánh giá bướu đã di căn đến các cơ quan khác hay chưa, nếu có thì đánh giá mức độ lan rộng ở cơ quan bị di căn, góp phần giúp bác sĩ tiên lượng bệnh.
- Chụp xạ hình xương toàn thân: Xác định mức độ di căn xương của ung thư vòm họng đến các vị trí trong cơ thể.
Cách điều trị ung thư vòm họng giai đoạn IV
Các phương pháp điều trị ung thư vòm họng giai đoạn IV chủ yếu mang tính chất hỗ trợ nhằm kéo dài sự sống, giảm nhẹ triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Quá trình này đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác rất lớn từ phía bệnh nhân và gia đình người bệnh.
Điều trị giai đoạn IV
Ở giai đoạn IV của bệnh ung thư vòm họng, có thể kết hợp điều trị tại chỗ (phương pháp xạ trị) và điều trị toàn thân (phương pháp hóa trị).
Xạ trị là phương pháp dùng các tia X nhằm ức chế khả năng tăng sinh và tiêu diệt tế bào ung thư phát triển. Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được nằm cố định trên bàn xạ. Máy chiếu tia sẽ chuyển động quanh bệnh nhân và chiếu tia năng lượng cao vào các vị trí đã được chỉ định. Ngày nay, công nghệ điều trị ung thư bằng xạ trị được thực hiện bởi hệ thống trang thiết bị công nghệ cao như xạ trị điều biến liều (IMRT Intensity modulated radiation therapy) hay điều biến thể tích (VMAT – Volumetric Modulated Arc Therapy) có tác dụng tăng hiệu quả điều trị nhờ tập trung các tia vào khu vực mô tổn thương được chỉ định trước đó. Đồng thời các vùng mô xung quanh sẽ ít nhận được tia chiếu. Nhờ vậy giảm bớt tác dụng phụ trong quá trình điều trị. (4)
Đối với bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn IVA, phương pháp điều trị thường kết hợp hóa trị và xạ trị nhằm tăng hiệu quả cao nhất. Theo đó phương pháp hóa trị bằng thuốc hoặc truyền tĩnh mạch sẽ luân phiên kết hợp với xạ trị.
Phác đồ hóa xạ trị đồng thời thường sử dụng các loại thuốc như Cisplatin hoặc Carboplatin.
Ngoài hóa xạ trị đồng thời, hóa trị đơn thuần cũng có thể được chỉ định trước hoặc sau giai đoạn hóa xạ trị đồng thời. Hóa trị trước thì được gọi là hóa dẫn đầu. Hóa trị sau được gọi là hóa trị hỗ trợ. Phác đồ hóa trị dẫn đầu hoặc hỗ trợ thường có các loại thuốc như Docetaxel/Paclitaxel, Cisplatin/Carboplatin, 5-FU, Epirubicin, Gemcitabine,… Lựa chọn sử dụng một thuốc hay kết hợp nhiều thuốc là tùy vào từng trường hợp cụ thể, không giống nhau ở tất cả các bệnh nhân.

Bệnh nhân cần cố gắng phối hợp tuân thủ lịch điều trị và các chỉ định của bác sĩ đã đưa ra. Một số tác dụng phụ trong quá trình điều trị sẽ xuất hiện, vì vậy người bệnh có thể liên hệ ngay bác sĩ nếu có những dấu hiệu bất thường.
Biện pháp điều trị bằng phẫu thuật thường không được chỉ định trong điều trị ung thư vòm họng nói chung, cũng như trong điều trị ung thư vòm họng giai đoạn IV. Phẫu thuật có thể được cân nhắc trong một vài tình huống đặc biệt. Ví dụ như: sau hóa xạ trị, còn hạch vùng cổ gây chèn ép, hoặc di căn xương gây chèn ép cần phẫu thuật kết hợp với xạ trị…
Liệu pháp miễn dịch
Đây là phương pháp mới được áp dụng thời gian gần đây trong điều trị ung thư vòm họng giai đoạn IV. Phương pháp này sử dụng thuốc có vai trò ức chế chốt kiểm soát miễn dịch, kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp này an toàn, ít độc tính và ít tác dụng phụ cho người bệnh. Tuy nhiên chi phí điều trị đắt đỏ, đặc biệt với những ca bệnh ở nước đang phát triển như Việt Nam. Các thuốc miễn dịch sử dụng cho ung thư vòng họng giai đoạn IV hiện nay như Nivolumab, Pembrolizumab…
Chăm sóc bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn IV
Chăm sóc bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn IV không chỉ đòi hỏi sự săn sóc chu đáo về phương diện bệnh học mà còn về mặt tinh thần cho bệnh nhân cùng thân nhân. Theo đó một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh ung thư giai đoạn IV gia đình có thể tham khảo như sau:
Chú ý chế độ ăn uống và sinh hoạt
Bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị cần thiết kế chế độ ăn đặc biệt cho bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn IV. Việc cung cấp thực đơn khoa học, hợp lý cho bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn IV giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể người bệnh, tăng cường sức đề kháng để hỗ trợ quá trình điều trị và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân tốt hơn.
Bạn cần chú ý đến các yếu tố sau khi chuẩn bị thực đơn chăm sóc bệnh nhân ung thư vòm họng:
- Lựa chọn các loại thực phẩm mềm, kích thước nhỏ, nên được nấu dạng lỏng để dễ nuốt. Có thể tham khảo các thực phẩm phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
- Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày để người bệnh dễ ăn, dung nạp dinh dưỡng vào cơ thể nhiều hơn.
- Không dùng các loại đồ uống có cồn, chất kích thích như rượu, bia.
- Tránh hút thuốc lá. Trong trường hợp người bệnh nghiện thuốc, cần phải cai nghiện thuốc lá.
- Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện.
Duy trì tinh thần thoải mái cho người bệnh
Yếu tố tinh thần có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều trị ung thư vòm họng giai đoạn IV. Gia đình và người thân cần khích lệ tinh thần, củng cố tâm lý, động viên, an ủi, quan tâm chăm sóc tinh thần của người bệnh để họ sớm vượt qua những đau đớn, khó khăn do bệnh tật. Tránh những tác động tiêu cực làm người bệnh càng thêm lo lắng, stress, buồn tủi quá độ khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn.
Ngoài ra, người thân có thể động viên người bệnh tham gia các hoạt động giải trí nhẹ nhàng ở nhà như chăm sóc cây cối, thú cưng, tập dưỡng sinh, đi bộ…
Động viên người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị
Bệnh nhân cần tuân theo phác đồ điều trị đã được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc, từ bỏ quá trình điều trị. Trong trường hợp phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị trong thời gian sớm nhất để được tư vấn chi tiết.

Đối với bệnh ung thư vòm họng, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời ngay từ giai đoạn đầu có ý nghĩa “sống còn”, quyết định đến khả năng điều trị thành công lên đến 90%, với tỷ lệ bệnh nhân sống qua 5 năm kể từ thời điểm phát hiện bệnh là rất cao. Chính vì vậy, bạn và người thân trong gia đình, đặc biệt là những người trung niên và có nguy cơ cao nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất là mỗi 6-12 tháng/lần.
Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị ung thư vòm họng tại khoa Ung bướu, PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Ung thư vòm họng giai đoạn IV rất khó điều trị, các phương pháp thường chỉ mang tính chất hỗ trợ kéo dài sự sống và hy vọng cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Để giúp bệnh nhân duy trì tinh thần ổn định trong suốt quá trình điều trị, gia đình hãy là những người đồng hành, quan tâm người bệnh để họ cảm thấy thoải mái hơn.