Image

Ung thư trực tràng có di truyền không? Có bị ảnh hưởng bởi gen?

Ung thư trực tràng là gì?

Ung thư trực tràng là bệnh xảy ra khi tế bào niêm mạc trực tràng phát triển mất kiểm soát, tạo thành khối u, bệnh thường có tốc độ phát triển chậm. Hầu hết trường hợp ung thư trực tràng đều bắt đầu từ những khối tế bào bất thường (polyp) được gọi là u tuyến, có thể mất từ 10-15 năm để polyp phát triển thành khối u ung thư trực tràng. (1)

Các phương pháp sàng lọc ung thư, chẳng hạn như nội soi, thường được dùng để phát hiện các polyp có khả năng phát triển thành ung thư. Tầm soát ung thư trực tràng sẽ giúp phát hiện và loại bỏ polyp giúp giảm nguy cơ phát triển thành sang thương ác tính.

Ung thư trực tràng có di truyền không?

Có, khoảng 5% người bệnh mắc ung thư đại trực tràng do các hội chứng di truyền. Ung thư di truyền khi xuất hiện những đột biến hoặc thay đổi trong gen do được cha mẹ truyền lại. Những đột biến này gây hội chứng ung thư mang tính gia đình. Hai hội chứng phổ biến nhất là ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp – HNPCC (hội chứng Lynch) và hội chứng đa polyp gia đình (FAP).

bệnh ung thư trực tràng có di truyền giữa thành viên gia đình
Nếu bạn thắc mắc, liệu ung thư trực tràng có di truyền không, thì câu trả lời là “có”.

1. Ung thư đại trực tràng không đa polyp di truyền (Hereditary non-polyposis colon cancer – HNPCC)

Khoảng 2%-4% trường hợp mắc ung thư đại trực tràng do hội chứng Lynch, do một số gồm MLH1, MSH2, MSH6, PMS2 và EPCAM. Ngoài ra, những bất thường gen trong khi sửa chữa sai sót bắt cặp ở phân tử DNA cũng có thể gây hội chứng Lynch. (2)

Người bệnh ung thư đại trực tràng di truyền do hội chứng Lynch thường gây ung thư đại tràng phải và phát hiện bệnh lúc trẻ tuổi. Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở người có hội chứng Lynch từ 10%-80% (3), nhưng nguy cơ này tăng dần tuỳ theo đột biến gen gây nên hội chứng ở người đó.

Một số bệnh ung thư khác có liên quan đến hội chứng Lynch bao gồm ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư ruột non, ung thư tuỵ, ung thư dạ dày, ung thư thận, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú, ung thư niệu quản và ống mật.

2. Hội chứng đa polyp tuyến gia đình (Familial adenomatous polyposis – FAP)

Hội chứng đa polyp tuyến gia đình (Familial adenomatous polyposis – FAP) do đột biến gen APC di truyền từ cha mẹ, chiếm khoảng 1% số ca ung thư đại trực tràng. (4)

Thông thường, người có hội chứng này có nhiều polyp ở đại tràng và trực tràng, thường bắt đầu lúc 10-12 tuổi. Ung thư thường phát triển từ 1 trong số những polyp này, có thể từ năm 20 tuổi, đa số sẽ mắc ung thư trực tràng hoặc ruột kết vào khoảng 40 tuổi nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Người mang hội chứng FAP tăng nguy cơ ung thư dạ dày, ruột non, tuyến tụy, gan và một số ung thư khác.

Có 3 dạng FAP:

  • Thể nhẹ: Người bệnh có ít polyp (thường ít hơn 100), ung thư đại trực tràng thường bắt đầu từ năm 40-50 tuổi.
  • Hội chứng Gardner: Ngoài đa polyp đại trực tràng, người mang hội chứng này thường có những bướu ngoài da, phần mềm và xương.
  • Hội chứng Turcot: Người mang đột biến gen APC, tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và ung thư não thể tuỷ nguyên phát.

3. Một số hội chứng di truyền hiếm gặp liên quan đến ung thư đại trực tràng

  • Hội chứng Peutz-Jeghers: Do đột biến gen STK11 (LKB1) người mắc thường có nhiều nốt tàn nhang quanh vùng miệng, đôi khi ở tay, bàn chân và có polyp dạng hamartoma trong đường tiêu hoá. Người có hội chứng này có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng, ung thư vú, buồng trứng và tuyến tụy, thường phát hiện ung thư ở độ tuổi trẻ.
  • Hội chứng đa polyp liên quan đến gen MUTYH: Nhiều polyp hình thành trong đại tràng và tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng cũng như các bệnh ung thư khác của đường tiêu hóa và tuyến giáp.
  • Bệnh xơ nang (Cystic fibrosis): Do đột biến gen CFTR, làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Ung thư trực tràng nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân gây ung thư trực tràng nói riêng và ung thư nói chung do các thay đổi hoặc đột biến gen xảy ra trong phân tử DNA. Có 2 loại gen giúp tế bào tăng trưởng và phát triển theo chu kỳ sinh trưởng. Trong đó, gen sinh bướu (Oncogene) là gen giúp tế bào phát triển, phân chia và sinh trưởng; gen ức chế bướu (Tumour suppressor gene) là gen kiểm soát quá trình phân chia tế bào và chết tế bào theo lập trình. (5)

Các đột biến hoặc thay đổi gen làm kích hoạt gen sinh ung (gen có tiềm năng gây ung thư) hoặc giảm gen ức chế bướu dẫn đến các tế bào phát triển mất kiểm soát và hình thành ung thư.

Đa số bệnh ung thư trực tràng do những thay đổi hoặc đột biến gen mắc phải gây ra. Tức những thay đổi hoặc đột biến gen xảy ra trong quá trình sinh sống của người bệnh và không di truyền lại cho thế hệ sau. Những đột biến này chỉ ảnh hưởng đến tế bào có mang đột biến gen.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc ung thư trực tràng, nhưng y học hiện đại vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nên những thay đổi hoặc đột biến gen này. Phần lớn trường hợp bắt nguồn từ đột biến hoặc thay đổi ở gen APC – là gen ức chế bướu, dẫn đến tăng sinh các tế bào trực tràng do mất cơ chế kiểm soát này. Do cơ thể chúng ta có nhiều cơ chế sửa chữa sai sót phân tử DNA, nên phải cần nhiều đột biến khác xảy ra ở những gen khác nhau mới có thể dẫn đến tế bào tăng sinh và phát triển mất kiểm soát. Tuy nhiên, những gen này vẫn chưa được biết rõ.

ung thư trực tràng có thể do đột biến gen
Ung thư trực tràng có thể do đột biến gen hoặc thay đổi cấu trúc trong phân tử DNA.

Đối tượng nào có nguy cơ mắc ung thư trực tràng?

Dưới đây là một số trường hợp có tỷ lệ cao mắc ung thư trực tràng:

  • Người trên 50 tuổi.
  • Tiền sử gia đình có thành viên mắc ung thư trực tràng hoặc các hội chứng di truyền như hội chứng Lynch, FAP, Peutz – Jeghers…
  • Người thường hút thuốc, dùng rượu bia.
  • Người có cân nặng quá cao, không vận động.

Ung thư trực tràng có di truyền không có thể được bác sĩ dự đoán trước dựa trên các xét nghiệm di truyền liên quan đến bệnh.

Xét nghiệm di truyền bệnh ung thư trực tràng

Khoảng 5% trường hợp mắc ung thư đại trực tràng do di truyền. Tuy nhiên không thể khẳng định gia đình có người bệnh ung thư đại trực tràng thì mọi thành viên khác trong gia đình đều có khả năng mắc bệnh. Ý nghĩa của việc xét nghiệm di truyền sẽ cho biết liệu các thành viên trong gia đình có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng do hội chứng ung thư di truyền hay không, chẳng hạn như hội chứng Lynch hoặc FAP.

1. Xét nghiệm di truyền Hội chứng Lynch

Xét nghiệm di truyền Hội chứng Lynch được khuyến cáo cho những đối tượng sau (theo hướng dẫn Bethesda):

  • Người được chẩn đoán ung thư đại trực tràng hoặc ung thư tử cung trước năm 50 tuổi.
  • Người có bệnh ung thư thứ hai có liên quan đến hội chứng Lynch (ung thư nội mạc tử cung, dạ dày, tuyến tụy, ruột non, buồng trứng, thận, não, niệu quản, ống mật).
  • Người bệnh dưới 60 tuổi có đặc điểm gợi ý hội chứng Lynch.
  • Người có người thân trực hệ (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái) phát hiện ung thư đại trực tràng hoặc ung thư khác có liên quan đến hội chứng Lynch trước năm 50 tuổi.
  • Người có ít nhất 2 người thân trực hệ hoặc người họ hàng (anh chị em của cha mẹ, cháu hoặc ông bà) được chẩn đoán ung thư đại trực tràng hoặc ung thư khác có liên quan đến hội chứng Lynch ở bất kỳ độ tuổi nào.

Lưu ý, không phải trường hợp nào nằm trong khuyến cáo thực hiện xét nghiệm di truyền cũng có hội chứng Lynch. Trong thực tế lâm sàng, tất cả người bệnh ung thư đại trực tràng thường được bác sĩ khuyến cáo thực hiện xét nghiệm kiểm tra tình trạng có khiếm khuyết sửa lỗi bắt cặp (Mismatch Repair Deficiency) hoặc tình trạng bất ổn định vi vệ tinh (Microsatellite Instability). Ở người bệnh nào có trình trạng trên, bác sĩ thường sẽ khuyến cáo thực hiện xét nghiệm di truyền hội chứng Lynch.

Nếu 1 thành viên trong gia đình mang đột biến gen có liên quan đến hội chứng Lynch, bác sĩ sẽ khuyến cáo các thành viên có mang đột biến gen và những thành viên chưa được xét nghiệm di truyền nên bắt đầu tầm soát qua nội soi đại trực tràng. Thời gian thường 1-2 năm từ năm 20 tuổi, hoặc 2-5 năm trước tuổi phát hiện bệnh của người thân được chẩn đoán ung thư trẻ nhất.

2. Xét nghiệm di truyền hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP)

Đối với hội chứng đa polyp tuyến gia đình, nguy cơ tiến triển thành ung thư gần như 100%.  Do đó, bác sĩ có thể dự đoán tình trạng ung thư trực tràng có di truyền không thông qua xét nghiệm. Tư vấn di truyền và xét nghiệm nên được thực hiện ở những người bệnh nghi ngờ có hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình, dựa vào tiền sử bệnh lý bản thân và gia đình. Nếu phát hiện thay đổi bất thường ở gen gây nên hội chứng FAP, bác sĩ sẽ khuyến cáo những người thân nên được xét nghiệm di truyền (anh chị em và con cái).

Người có xét nghiệm di truyền phát hiện có thay đổi gen liên quan đến FAP nên được tầm soát nội soi đại trực tràng bắt đầu từ năm 10-15 tuổi.

Cách phòng ngừa ung thư trực tràng

Hiện vẫn chưa có phương pháp nào có thể giúp phòng ngừa được bệnh ung thư trực tràng. Tuy nhiên, tầm soát ung thư trực tràng có thể giúp phát hiện tổn thương tiền ung thư hoặc tổn thương ác tính giai đoạn sớm. Bên cạnh đó, kiểm soát các yếu tố nguy cơ ung thư trực tràng sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư trực tràng, bao gồm: (6)

  • Không dùng thuốc lá và đồ uống có cồn.
  • Tránh thừa cân.
  • Hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn, duy trì chế độ ăn thực phẩm tươi, sạch, bổ sung nhiều chất xơ.
  • Thời gian biểu hợp lý, ngủ đủ giấc, tăng cường hoạt động thể chất.
tránh rượu bia phòng ngừa ung thư trực tràng
Hạn chế đồ uống có cồn giúp bảo vệ sức khỏe cũng như hạn chế nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc của độc giả về vấn đề “Ung thư trực tràng có di truyền không?”. Khi nghi ngờ bản thân mắc ung thư trực tràng, người bệnh cần đến các bệnh viện uy tín, có chuyên khoa Ung bướu, để được hội chẩn đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send