
Ung thư cổ tử cung giai đoạn III: Triệu chứng, tiên lượng
Giai đoạn III còn được coi là giai đoạn bệnh tiến xa tại chỗ và sẽ rất nhanh phát triển thành giai đoạn IV (giai đoạn cuối) nếu không được điều trị kịp thời. Các phương pháp điều trị với hóa trị, xạ trị có thể giúp cải thiện tiên lượng sống sau 5 năm cho người bệnh.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn III là gì?
Hệ thống phân loại của Liên đoàn Sản Phụ khoa Quốc tế (FIGO) chia ung thư cổ tử cung thành 4 giai đoạn (từ giai đoạn I tới IV). Mỗi giai đoạn sẽ cho biết mức độ lớn của khối u và tình trạng di căn. Phân giai đoạn bệnh sẽ giúp các bác sĩ quyết định phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. (1)
Ung thư cổ tử cung giai đoạn III là ung thư đã lan ra khỏi cổ tử cung, xâm lấn tới 1/3 dưới của âm đạo, xâm lấn tới các cấu trúc trong khung chậu, gây ứ nước thận, và di căn hạch (vùng chậu, hạch quanh động mạch chủ).
Phân loại ung thư cổ tử cung giai đoạn III
Theo FIGO, ung thư cổ tử cung giai đoạn III có thể được chia thành: (2)
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn IIIA (u xâm lấn tới 1/3 dưới âm đạo nhưng chưa lan tới thành chậu)
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn IIIB (u lan tới thành chậu, có thể gây ra ứ nước thận).
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn IIIC (các tế bào ung thư di căn tới hạch bạch huyết vùng chậu (IIIC1) và/hoặc hạch vùng quanh động mạch chủ (IIIC2)).
Xem thêm:
- 4 giai đoạn ung thư cổ tử cung
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn I
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn II
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn IV
Triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn III
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn III gồm:
- Các triệu chứng gợi ý bệnh lý tại cổ tử cung như: ra máu âm đạo, rối loạn kinh nguyệt…
- Đau tức vùng chậu.
- Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, sút cân, chán ăn…
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng như ứ nước thận, chèn ép bàng quang-trực tràng gây tiểu khó, táo bón…
Tiên lượng tỷ lệ sống còn cho ung thư cổ tử cung giai đoạn III
Tỷ lệ sống còn 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III là trên 40%. Mặc dù vậy, đây không phải là con số tuyệt đối cho tất cả các trường hợp bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III.
Tiên lượng sống còn của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Tuổi
- Tình trạng sức khỏe chung, bệnh lý kèm theo (như các bệnh lý tim mạch, gan, thận…)
- Loại giải phẫu bệnh (ung thư biểu mô vảy, ung thư biểu mô tuyến…)
- Sự dung nạp với các phương pháp điều trị
Bác sĩ sẽ cân nhắc dựa trên các yếu tố như tuổi, tình trạng sức khỏe chung của người bệnh, đặc điểm khối u… để lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhằm đạt kết quả tối ưu nhất. Không có một phác đồ nào là phù hợp với tất cả người bệnh, cũng như không phải người bệnh nào cũng đều đáp ứng với phác đồ được lựa chọn. Tại PlinkCare, cá thể hoá điều trị, kết hợp đa chuyên khoa, đa mô thức giúp tăng hiệu quả điều trị và tăng tỷ lệ điều trị thành công.

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn III
Việc chẩn đoán ung thư cổ tử cung sẽ dựa trên thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định giai đoạn và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn III bao gồm:
Soi cổ tử cung:
Phương pháp này nhằm quan sát tổn thương cổ tử cung và bấm sinh thiết lấy mẫu để giải phẫu bệnh.
Nội soi bàng quang, nội soi trực tràng:
Bác sĩ chỉ định nội soi bàng quang, trực tràng để đánh giá xem u có xâm lấn các bộ phận này hay không.
Chẩn đoán hình ảnh học thường dùng:
- MRI vùng tiểu khung: đánh giá đặc điểm khối u, tình trạng xâm lấn, di căn hạch.
- CT ngực-bụng-chậu, PET/CT toàn thân: đánh giá tình trạng di căn xa.
Xét nghiệm khác:
Tổng phân tích tế bào máu, đánh giá chức năng gan-thận…
Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn III
Với bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III, điều trị bằng hóa – xạ trị đồng thời là phương pháp điều trị tối ưu nhất. Phác đồ điều trị kết hợp đồng thời hóa trị với xạ trị được đánh giá cao vì hóa trị và xạ trị có thể hoạt động hiệp lực làm tăng hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư. Các nghiên cứu lâm sàng được thực hiện ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung tiến xa tại chỗ sử dụng đồng thời hóa trị và xạ trị đã chứng minh hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh hơn so với chỉ điều trị xạ trị đơn thuần. (3)

Xạ trị
Xạ trị chiếu ngoài (EBRT) kết hợp với xạ trị áp sát (Brachytherapy) được lựa chọn trong điều trị bệnh.
Hóa trị
Hóa chất sẽ được cho đồng thời với xạ trị. Việc bổ sung thuốc hóa chất đã cải thiện kết quả điều trị ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung. Hóa chất có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư và giúp tăng hiệu quả của xạ trị. Hóa chất thường được sử dụng trong phác đồ hóa xạ đồng thời điều trị ung thư cổ tử cung là cisplatin (có thể thay thế bằng carboplatin cho những bệnh nhân không dung nạp được với cisplatin).
Các chiến lược điều trị mới đang được nghiên cứu
Mặc dù điều trị kết hợp hóa – xạ trị cho ung thư cổ tử cung giai đoạn III, tỷ lệ tái phát bệnh vẫn còn cao (ước tính khoảng 20-40%). Do đó, nhiều chiến lược điều trị đang được nghiên cứu nhằm cải thiện hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống còn cho người bệnh, đặc biệt là ung thư cổ tử cung giai đoạn III.
- Những phác đồ hóa trị bổ trợ mới: các chuyên gia nghiên cứu những thuốc mới có thể kết hợp với cisplatin trong điều trị hoá – xạ trị đồng thời.
- Điều trị tân bổ trợ: hóa trị tân bổ trợ, xạ trị tân bổ trợ trước phẫu thuật đang được nghiên cứu. Điều trị tân bổ trợ với hy vọng sẽ làm giảm kích thước của khối u, giúp loại bỏ khối u dễ dàng hơn bằng phẫu thuật.
- Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp này đang được nghiên cứu thử nghiệm với bệnh ung thư cổ tử cung nhằm cải thiện bệnh ở giai đoạn tiến xa di căn, trong đó có cả những bệnh nhân ở giai đoạn III. Liệu pháp miễn dịch giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết và loại bỏ tế bào ung thư qua tác dụng tiêu diệt trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch đã được nghiên cứu phát triển trong nhiều năm qua, hứa hẹn cải thiện hiệu quả tiên lượng sống của người bệnh.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn III có thể nhận biết với triệu chứng như ra máu âm đạo bất thường, đau tức vùng tiểu khung…, tuy nhiên các triệu chứng có thể do nhiều bệnh lý khác. Việc thăm khám bác sĩ chuyên khoa là cần thiết để giúp chẩn đoán chính xác bệnh và giai đoạn. Từ đó, bác sĩ có thể tư vấn và điều trị ngay, không nên chữa trị tại nhà bằng các phương pháp chưa qua kiểm chứng. Điều này sẽ làm mất đi cơ hội điều trị, đồng thời có thể khiến bệnh diễn tiến nặng hơn.