
Ung thư buồng trứng sống được bao lâu? Tiên lượng từng giai đoạn
Hiểu về cách ước tính tỷ lệ sống còn 5 năm trong ung thư
Tỷ lệ sống còn sau 5 năm ung thư là sự so sánh tương đối những người có cùng chủng tộc, cùng giai đoạn bệnh với tổng thể dân số. Ví dụ nếu nhận định tỷ lệ sống còn tương đối trong 5 năm với ung thư buồng trứng là 80%, nghĩa là khoảng 80% người bệnh có thể sống ít nhất 5 năm (so với người không mắc bệnh) sau khi được chẩn đoán. Con số chẩn đoán này chỉ có ý nghĩa đối với lần phát hiện bệnh đầu tiên, không áp dụng đối với trường hợp khối u tái phát, tiến triển. (1)
Tuy nhiên tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư buồng trứng và các bệnh lý ung thư khác thường được dựa trên các yếu tố cơ bản như: (2)
- Các yếu tố của bệnh: loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh, sự tiến triển, mức độ lan rộng và xâm lấn cơ quan khác của tế bào ung thư;
- Các yếu tố của người bệnh: độ tuổi, tình trạng sức khỏe chung, bệnh lý nội-ngoại khoa đi kèm, sự dung nạp với các phương pháp điều trị bệnh.
Thực tế có nhiều trường hợp người bệnh có thể sống nhiều hơn mốc thời gian 5 năm, 10 năm kể từ thời điểm phát hiện bệnh, vượt các tiên lượng trước đó.
Bệnh ung thư buồng trứng sống được bao lâu?
Tỷ lệ sống còn theo giai đoạn ung thư

Theo Văn phòng thống kê Quốc gia Anh (ONS) dữ liệu từ năm 2013-2017, tỷ lệ sống sót sau điều trị ung thư buồng trứng kể từ thời điểm phát hiện bệnh như sau: (3)
- Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư được giới hạn ở buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Gần 95 trong số 100 phụ nữ (gần 95%) sẽ sống sót sau 5 năm sau khi họ được chẩn đoán mắc bệnh và ngay lập tức được tiếp nhận điều trị.
- Giai đoạn 2: Ung thư xuất hiện ở một hoặc cả 2 buồng trứng/ống dẫn trứng, đã lan đến các cơ quan trong khung chậu. Gần 70 trong số 100 phụ nữ (gần 70%) sẽ sống sót sau 5 năm sau khi được chẩn đoán và điều trị.
- Giai đoạn 3: Tìm thấy ung thư ở một hoặc cả 2 buồng trứng/ống dẫn trứng, xâm lấn các cơ quan ngoài khung chậu, phúc mạc hoặc các hạch bạch huyết vùng. Hơn 25 trong số 100 phụ nữ (hơn 25%) sẽ sống sót sau 5 năm sau khi họ được chẩn đoán và điều trị.
- Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối): Ung thư buồng trứng lan ra các cơ quan ngoài vùng bụng, di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi, hệ thần kinh trung ương,… Chỉ khoảng 15 trong số 100 phụ nữ (gần 15%) sẽ sống sót sau 5 năm sau khi họ được chẩn đoán.
Tỷ lệ sống còn chung cho bệnh nhân ung thư buồng trứng
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS thống kê năm 2019, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ung thư buồng trứng được tiên lượng như sau: (4)
- Hơn 70% phụ nữ mắc ung thư buồng trứng sẽ sống từ 1 năm trở lên từ khi được chẩn đoán bệnh.
- Gần 35% phụ nữ mắc ung thư buồng trứng sống trên 5 năm từ khi chẩn đoán bệnh.
- Khoảng 35% người mắc ung thư buồng trứng có thể sống từ 10 năm trở lên.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ung thư buồng trứng
Tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ung thư buồng trứng phụ thuộc vào các yếu tố như: (5)
- Loại giải phẫu bệnh: Dựa theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư buồng trứng được chia thành các thể giải phẫu bệnh khác nhau gồm các khối u có nguồn gốc từ biểu mô buồng trứng (như ung thư biểu mô buồng trứng thanh dịch, ung thư biểu mô tuyến nhầy,…), các khối u có nguồn gốc trung mô (như sarcoma mô đệm dạng nội mạc tử cung,…), các khối u hỗn hợp trung-biểu mô (adenosarcoma), các khối u tế bào mầm, các khối u mô đệm dây sinh dục,…
Những thể giải phẫu bệnh trên đã chỉ ra sự khác biệt về nguồn gốc phát sinh tế bào ung thư, đặc tính di truyền, những biến đổi về mặt sinh học phân tử và tiềm năng đáp ứng với các liệu pháp điều trị. Ví dụ, các dữ liệu nghiên cứu cho thấy ung thư biểu mô buồng trứng thanh dịch độ mô học cao chiếm khoảng 70% ung thư biểu mô buồng trứng. Loại ung thư này có mối liên quan tới các hội chứng ung thư buồng trứng và ung thư vú di truyền, với tỷ lệ cao người bệnh mang đột biến gen BRCA1, BRCA2 hay thiếu hụt tái tổ hợp tương đồng.
Dựa trên dữ liệu từ SEER (thống kê từ 2011-2017), nhìn chung tỷ lệ sống còn 5 năm cho các bệnh nhân ung thư buồng trứng theo từng típ mô học như sau:
-
- 49% cho ung thư biểu mô buồng trứng
- 90% cho các khối u tế bào mô đệm
- 93% cho các khối u tế bào mầm
- Giai đoạn bệnh tại thời điểm được chẩn đoán.
- Thời điểm phẫu thuật và tiếp nhận các điều trị toàn thân sau khi được chẩn đoán bệnh.
- Toàn trạng của người bệnh: Tuổi tác, tình trạng sức khỏe chung, các bệnh lý nội -ngoại khoa đi kèm,…
- Tính đáp ứng điều trị: Khả năng cơ thể người bệnh đáp ứng và dung nạp với các phương pháp điều trị.
- Trình độ chuyên môn bác sĩ: Năng lực và kinh nghiệm của bác sĩ trong phẫu thuật bệnh lý, lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp, phối hợp đa mô thức điều trị.

Phát hiện ung thư buồng trứng ngay từ giai đoạn đầu giúp tối ưu hiệu quả của các phương pháp điều trị, tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao hơn và tiên lượng sống còn tốt hơn so với giai đoạn muộn. Tuy nhiên, các triệu chứng khi bệnh ở giai đoạn sớm thường không rõ ràng, mơ hồ. Do đó, người phụ nữ cần đặc biệt lưu ý trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về những thay đổi bất thường trong cơ thể để sớm phát hiện bệnh. Nhiều trung tâm đề xuất việc tầm soát bệnh cho nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh, như những người có người thân bậc 1 mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú, hay những đối tượng mang đột biến gen di truyền có khuynh hướng phát triển bệnh.
Chế độ dinh dưỡng và thay đổi lối sống cho người bệnh ung thư buồng trứng
Chế độ dinh dưỡng và thay đổi lối sống góp phần tăng hiệu quả trong điều trị ung thư buồng trứng. Lựa chọn thực phẩm phù hợp cho quá trình điều trị ung thư buồng trứng giúp cơ thể nạp thêm protein, vitamin, các chất dinh dưỡng khác nhằm tăng cường sức đề kháng, giảm thiểu các triệu chứng khó chịu như buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi…
Người bệnh ung thư buồng trứng nên ăn gì?
Một số thực phẩm bạn nên bổ sung cho thực đơn điều trị ung thư buồng trứng gồm:
- Thực phẩm giàu protein: các loại trứng và lòng trắng trứng; thịt gia cầm không da, cá và động vật có vỏ (tôm), cũng như thịt đỏ nạc ở mức độ vừa phải; bơ hạt; các loại đậu (đậu lăng, đậu, đậu nành và đậu Hà Lan)…
- Sữa và các sản phẩm thay thế từ sữa: sữa chua, phô mai tươi, sữa hoặc các sản phẩm thay thế sữa và phô mai (lượng vừa phải).
- Trái cây: sử dụng các loại trái cây tươi, có thể ăn 3-5 phần/ngày.
- Rau xanh: bổ sung nấm và rau tươi với khẩu phần 3-5 bữa/ngày.
- Tinh bột: các loại ngũ cốc nguyên hạt (nếu dung nạp được) như bột yến mạch, diêm mạch, lúa mạch, gạo lứt, mì ống làm từ lúa mì nguyên hạt, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt. Các loại rau củ giàu tinh bột, bao gồm khoai lang, khoai tây, bí ngô…
- Chất béo lành mạnh: dầu ô liu, bơ hạt, quả bơ…
Ngoài ra, giấc ngủ và chế độ tập luyện thể dục thể thao cũng góp phần tối ưu chức năng của hệ miễn dịch ở bệnh nhân ung thư buồng trứng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị bên cạnh bổ sung chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, người bệnh ung thư buồng trứng nên ngủ ít nhất 7-8 tiếng mỗi đêm. Bên cạnh đó tập luyện thể thao, vận động nhẹ 30 phút mỗi ngày.
Trong quá trình điều trị ung thư, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư có thể suy giảm nhiều, vì vậy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng. Thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần đảm bảo an toàn, sơ chế kỹ, nấu chín hoàn toàn. Đồng thời trước khi chuẩn bị bữa ăn và ăn, người đầu bếp cần vệ sinh tay kỹ để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.
Người bệnh ung thư buồng trứng tránh ăn gì?
Một số loại thực phẩm người bệnh ung thư buồng trứng cần tránh như:
- Thịt đỏ, thịt nguội: hạn chế ăn thịt bò, thịt heo,…; đồ ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, giăm bông, thịt xông khói…
- Đồ ăn nhiều đường.
- Đồ uống có cồn.
Khám, tầm soát phát hiện sớm ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng có thời gian diễn biến nhanh chóng, từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối chỉ trong khoảng 44 tuần. Các bác sĩ đánh giá ung thư buồng trứng như “kẻ giết người thầm lặng” bởi ở giai đoạn sớm của ung thư, người bệnh hoàn toàn không có các biểu hiện, triệu chứng bất thường nào, hay triệu chứng mơ hồ dễ khiến người bệnh bỏ qua. Điều này khiến người bệnh lỡ mất “thời điểm vàng” để phát hiện sớm bệnh.
Theo thống kê, có đến 60% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng ở giai đoạn muộn, khi các tế bào đã lây lan khắp khoang ổ bụng. Mặc dù các báo cáo cho thấy tiên lượng ung thư buồng trứng đã được cải thiện trong 30 năm gần đây, tuy nhiên nhìn chung tiên lượng bệnh vẫn còn kém.

Để phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn sớm, các phương pháp tầm soát, sàng lọc sẽ được thực hiện nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường. Hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu thăm khám và điều trị ung thư buồng trứng, PlinkCare triển khai các gói dịch vụ tầm soát ung thư toàn diện, chuyên sâu, hiệu quả, tối ưu thời gian với:
- Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trực tiếp chẩn đoán và điều trị
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị y khoa tiên tiến hỗ trợ đắc lực trong quá trình điều trị
- Quy trình thăm khám sàng lọc chuyên sâu, khép kín, khoa học
- Đa dạng gói thăm khám và tầm soát ung thư
- Không gian riêng tư, tạo sự thoải mái cho người bệnh thăm khám và điều trị
- Đa khoa kết hợp, nhanh chóng hội chẩn liên khoa đối với các ca bệnh mắc đồng thời nhiều bệnh lý.
Mỗi dịch vụ tầm soát ung thư nói chung và sàng lọc tầm soát ung thư buồng trứng nói riêng, bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị cụ thể, phù hợp với từng cá thể người bệnh. Bác sĩ và điều dưỡng sẽ hướng dẫn chi tiết trước tầm soát để người bệnh thực hiện, cho kết quả xét nghiệm chính xác hơn.
Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị ung thư buồng trứng tại PlinkCare, bạn có thể liên hệ qua thông tin sau:
Khoảng 40% người mắc ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn sớm, cải thiện hiệu quả điều trị, tăng cơ hội sống cho người bệnh lên đến 70-90%. Hãy bảo vệ chính mình và người thân bằng các xét nghiệm sàng lọc ung thư sớm. Thông qua bài viết Ung thư buồng trứng sống được bao lâu? Tiên lượng từng giai đoạn mà PlinkCare cung cấp giúp bạn nắm được các thông tin chung về tiên lượng cũng như hiệu quả của quá trình điều trị ung thư buồng trứng hiện nay.