Image

U trong ống sống: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

U trong ống sống là gì?

1. Cấu trúc ống sống

Cột sống (Spine) là bộ phần chịu lực chính cho vùng lưng, giúp nâng đỡ và giữ cho cơ thể, dáng người đứng thẳng. Cấu trúc vững chắc của cột sống được tạo nên bởi 33 xương đốt sống và các đĩa đệm, bao gồm 2 phần với chức năng khác nhau. Phần trước là nơi các thân xương đốt sống chồng lên các đĩa đệm có vai trò chống chịu lực. Phần sau có các cung xương xếp chồng lên nhau tạo thành ống sống. Bên trong ống sống là nơi hoạt động của một cơ quan vô cùng quan trọng, đó là tủy sống, nằm gói gọn trong các lớp màng não tủy.

Tủy sống (Spinal cord) là một cơ quan của hệ thần kinh trung ương, không chỉ đóng vai trò “giao thương” giữa các cơ quan và não bộ mà còn là trung tâm của các phản xạ nhanh nhạy của cơ thể. Phần tủy sống được bao 3 lớp màng:

  • Màng nuôi là phần ôm sát tủy sống nhất, có nhiệm vụ nuôi tủy sống.
  • Màng nhện là lớp ở giữa, nơi chứa dịch não tủy. Vị trí này thông với dịch não tủy của não bộ.
  • Màng cứng là lớp chắc nhất nằm ngoài cùng, với nhiệm vụ bảo vệ tủy. Lớp này ko ôm sát tủy sống mà lót ở mặt trong của ống sống, tạo thành một khoảng trống giữa màng cứng và tủy sống.

2. Phân loại u trong ống sống

U trong ống sống có nhiều loại khác nhau. Đây là tình trạng xuất hiện một khối mô bất thường trong tủy sống hoặc phần ống sống xung quanh. Dựa trên đặc điểm và vị trí đặc biệt của màng cứng, các u ống sống được phân thành nhiều loại:

  • U ngoài màng cứng (Extradural): Phần lớn là khối u ung thư từ nơi khác di căn đến tủy sống, hoặc là loại bướu tế bào Schwann, thậm chí là u xương đốt sống.
  • U trong màng cứng – ngoài tủy (Intradural-extramedullary): Thường gặp nhất là u màng nhện.
  • U nội tủy (Intramedullary): Thường thấy là các loại u như u tế bào đệm (tế bào sao, tế bào màng nội tủy…). (1)

Theo đó, bệnh u trong ống sống là các khối u có thể có nguồn gốc xuất phát từ màng cứng hoặc tủy sống gồm các nhóm u trong màng cứng, ngoài màng tủy và u nội tủy.

Bệnh u trong ống sống là các khối u xuất phát trong ống sống ở cột sống
Bệnh u trong ống sống là các khối u xuất phát trong ống sống ở cột sống

Nguyên nhân gây u trong ống sống và yếu tố nguy cơ

Các nghiên cứu cho đến nay chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra u trong ống sống. Các chuyên gia cho rằng, một số yếu tố nguy cơ chưa đủ kết luận là nguyên nhân nhưng có tham gia vào quá trình hình thành khối u ở cột sống bao gồm:

  • Tiếp xúc với chất có khả năng sinh ung: Các chất này có thể gây rối loạn bộ máy di truyền tế bào, tạo ra các sự mất ổn định và từ đó hình thành các khối u khác biệt với các mô xung quanh.
  • Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải: Trong số những bệnh nhân được chẩn đoán suy giảm miễn dịch, các chuyên gia ghi nhận tỉ lệ mắc loại u lympho tủy sống cao hơn những nhóm u khác.
  • Yếu tố di truyền: Một số loại u trong ống cột sống có thể gặp ở những người bệnh có quan hệ huyết thống, như bệnh lý đa u sợi thần kinh type 2, là bệnh u tại màng nhện hoặc u tế bào đệm thần kinh hay bệnh di truyền Von Hippel-Lindau. Bệnh di truyền này biểu hiện thành khối u ở nhiều cơ quan đồng thời như mạch máu, võng mạc, thận, tuyến thượng thận và cả cột sống. (2)

Triệu chứng u trong ống sống thường gặp

Tùy theo vị trí, kích thước và giai đoạn mà khối u có thể biểu hiện các triệu chứng khác nhau ở mỗi người bệnh. Triệu chứng thường thấy nhất trong các khối u trong cột sống đó là đau.

Cơn đau thường ở phía sau gáy, sau lưng, kiểu đau đặc biệt tăng lên khi người bệnh nằm đè lên chỗ có u. Dần dà xuất hiện thêm các dấu hiệu do chèn ép các dây thần kinh tủy lân cận như liệt chi, rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng co thắt tại ruột, bàng quang…

  • Đau hông lưng, đau cứng cổ gáy.
  • Rối loạn cảm giác xúc giác ở tay, chân, hoặc bàn tay, bàn chân (dị cảm, châm chích, mất cảm giác nóng lạnh, mất cảm giác chạm…).
  • Đau dọc theo rễ thần kinh, chẳng hạn như thần kinh tọa (cơn đau chạy theo chiều từ lưng, mặt dưới mông, mặt sau của đùi, bắp chân).
  • Yếu cơ ở tay hoặc chân, khó khăn khi đi lại hoặc thậm chí là liệt.
  • Rối loạn chức năng ruột (bón, tiêu chảy), tiêu tiểu không tự chủ,…
Đau hông có thể là một triệu chứng nghi ngờ của u trong ống sống
Đau hông có thể là một triệu chứng nghi ngờ của u trong ống sống

Một số loại u đặc biệt như u màng não – tủy thường ít biểu hiện triệu chứng. Loại u này thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm, cho đến khi đủ lớn để gây ra các triệu chứng chèn ép thần kinh. Ngược lại, những bệnh nhân đã được chẩn đoán có khối ung thư ở cơ quan khác, khi có một cơn đau giữa lưng đột ngột, thì có khả năng đã xuất hiện khối u di căn xương sống. Khối u này gây ra các dấu hiệu đi kèm và làm trục cột sống trở nên mất vững chắc.

Chẩn đoán bệnh u trong ống cột sống

Khi bệnh nhân đến khám vì các triệu chứng bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định các phương tiện chẩn đoán hình ảnh nhằm khẳng định các chẩn đoán:

1. Chụp X quang cột sống

Chụp X quang cột sống ứng dụng các chùm tia X để tái hiện cấu trúc xương cột sống và viền ngoài của khớp. Thông qua phim xquang, có thể phát hiện các nguyên nhân để lý giải cho cơn đau lưng của người bệnh như khối u, nhiễm trùng, gãy xương,… Tuy nhiên đây không phải là phương tiện hiệu quả nhất để chẩn đoán, đánh giá khối u trong ống sống.

2. Chụp cộng hưởng từ cột sống (MRI)

Chụp cộng hưởng từ cột sống (MRI) giúp đánh giá tốt những loại mô mềm như mô não, mô tủy sống hay tạng trong vùng chậu. Việc dùng MRI cho phép bác sĩ tạo ảnh 3D để đánh giá tủy sống, các rễ thần kinh và vùng mô xung quanh. Chụp cộng hưởng từ trong chẩn đoán bệnh lý u trong ống sống có thể dùng hoặc không dùng chất/thuốc cản quang. Sự có mặt của chất/thuốc cản quang giúp một số loại u hiện rõ hơn trên phim MRI. (3)

3. Chụp cắt lớp vi tính cột sống (CT)

Máy CT dùng một hệ thống tia X đặc biệt để tạo ra các lát cắt mô tả hình dạng của khối u. Sau khi đưa lên máy tính, hình dạng và kích thước của ống sống có thể được tái tạo cùng với các thành phần bên trong ống sống, giúp ích cho việc xác định các cấu trúc lạ như khối u trong ống sống, gãy xương…

4. Chụp xạ hình xương

Đây là công cụ rất hiệu quả để đánh giá khối ung thư ở xương, nhiễm trùng, và các bệnh lý chuyển hóa xương.

Hầu hết các phương tiện hình ảnh trên đều giúp bác sĩ có thêm dữ kiện để chẩn đoán bệnh lý u trong ống sống. Một số trường hợp phải thực hiện thêm sinh thiết để hiểu rõ bản chất mô học của khối u, từ đó có chiến lược và phác đồ phù hợp để điều trị u trong ống sống.

Ngoài ra, khi cần xác nhận hay loại bỏ khả năng di căn của khối u, bác sĩ thường dùng những phương tiện như chụp CT ngực bụng, Chụp X quang ngực và PET-CT.

Làm thế nào để điều trị bệnh u trong ống sống?

1. Điều trị u trong ống sống không phẫu thuật

Các lựa chọn điều trị không mổ bao gồm: theo dõi sự phát triển tự nhiên của khối u, hóa trị và xạ trị.

Một số khối u có đáp ứng rất tốt với các phương pháp hóa xạ trị. Với những khối u lành tính không triệu chứng, đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị không phẫu thuật, có dấu hiệu ngừng phát triển sau các đợt điều trị, thì các liệu pháp không phẫu thuật sẽ phù hợp.

Trong những lần tái khám định kỳ, người bệnh sẽ được theo dõi bằng cách chụp MRI cột sống hay chụp CT cột sống. Tuy nhiên để phát hiện những khối u có thể điều trị không phẫu, việc tầm soát và chẩn đoán sớm là rất quan trọng. (4)

Người bệnh u trong ống sống có thể được điều trị bằng phương pháp xạ trị
Người bệnh u trong ống sống có thể được điều trị bằng phương pháp xạ trị

2. Điều trị phẫu thuật u trong ống sống

Một số khối u trong ống sống ác tính, phát triển nhanh cần phẫu thuật can thiệp để loại bỏ khối u, ngăn chặn sự phát triển của khối u và các biến chứng có thể gặp phải do u trong ống sống. Mục tiêu của các cuộc phẫu thuật là cần lấy trọn vẹn khối u hoặc lấy tối đa khối u sao cho ít ảnh hưởng đến các dây thần kinh và các cấu trúc lành xung quanh nhất có thể.

3. Hồi phục sau mổ

Hồi phục sau một phẫu thuật u trong ống sống thường đòi hỏi thời gian và quy trình chăm sóc đặc biệt:

  • Ở bệnh viện sau phẫu thuật: Sau phẫu thuật, người bệnh thường sẽ được theo dõi và chăm sóc tại bệnh viện trong một thời gian nhất định. Quá trình này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào mức độ hồi phục của người bệnh. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra vết thương để đảm bảo bạn không gặp các biến chứng sau phẫu thuật.
  • Giảm đau: Phẫu thuật u trong ống sống có thể gây đau và khó chịu sau phẫu thuật. Bác sĩ sẽ theo dõi và kiểm soát đau bằng cách chỉ định người bệnh sử dụng thuốc giảm đau phù hợp.
  • Phục hồi chức năng: Sau khi ra viện, người bệnh cần tập trung vào việc phục hồi chức năng, bao gồm tập luyện vận động cũng như cách ngồi, đứng, đi lại, nâng đồ vật,… an toàn.
  • Chăm sóc vết mổ: Chăm sóc vết mổ rất quan trọng để đảm bảo vết thương tại vị trí phẫu thuật u trong ống sống hồi phục một cách tốt nhất. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh về cách làm sạch và băng vết thương. Đảm bảo tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để tránh nhiễm trùng và giúp quá trình lành vết thương diễn ra nhanh hơn.
  • Tập luyện và vận động: Người bệnh có thể tập các bài tập vận động phù hợp để tăng cường sức khỏe và giúp cơ thể được linh hoạt sau một thời gian nằm yên, hạn chế di chuyển sau phẫu thuật. Việc tập luyện nhẹ nhàng vô cùng quan trọng đối với việc hồi phục sau phẫu thuật.
  • Kiểm tra và theo dõi: Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ cần tái khám thường xuyên để đảm bảo hồi phục tốt. Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh và điều chỉnh kế hoạch điều trị nếu cần thiết.

Hồi phục sau phẫu thuật u trong ống sống có thể mất một thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn từ người bệnh. Người bệnh cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ kế hoạch hồi phục để đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt nhất.

Chăm sóc người bệnh u trong ống sống

Chăm sóc người bệnh u trong ống sống đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh hồi phục sức khỏe nhanh. Khi chăm sóc người bệnh u trong ống sống, cần lưu ý:

  • Theo dõi tình trạng sức khỏe: Theo dõi tình trạng của người bệnh thường xuyên, đặc biệt là sau phẫu thuật hoặc trong quá trình điều trị. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho người bệnh: Giúp người bệnh duy trì vệ sinh cá nhân để ngăn ngừa nhiễm trùng. Hỗ trợ người bệnh trong việc tắm rửa, vệ sinh da, vệ sinh vết thương sau phẫu thuật theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Hỗ trợ trong việc di chuyển: Người bệnh u trong ống sống có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển. Hãy đảm bảo người bệnh có sự hỗ trợ cần thiết để di chuyển an toàn và thoải mái.
  • Chăm sóc vết thương: Nếu người bệnh đã phẫu thuật, cần chăm sóc vết thương theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Hỗ trợ tinh thần: Người bệnh u trong ống sống thường phải đối mặt với vấn đề tâm lý như lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi,… Lắng nghe và động viên tinh thần người bệnh, giúp người bệnh có thể vượt qua trạng thái lo âu, sợ hãi, hoặc tâm trạng buồn bã.
  • Luôn nhắc người bệnh tuân thủ lịch điều trị, tái khám: Đảm bảo rằng người bệnh tuân thủ lịch tái khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này bao gồm uống thuốc đúng liều lượng và tái khám sức khỏe định kỳ.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng tốt: Hỗ trợ người bệnh duy trì chế độ ăn uống khoa học và cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ quá trình hồi phục sức khỏe. Nên cho người bệnh ăn đa dạng các loại thực phẩm, uống nhiều nước. Tập trung cho người bệnh ăn nhiều rau, trái cây, thực phẩm giàu chất xơ.
  • Hỗ trợ người bệnh vận động, tập thể dục nhẹ nhàng: Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc cho người bệnh vận động, tập thể dục nhẹ nhàng. Hỗ trợ người bệnh bằng cách giúp người bệnh duỗi tay, duỗi chân, đứng lên, đi chậm,… để duy trì sự linh hoạt và sức khỏe cơ bắp.
Sau phẫu thuật u trong ống sống, người bệnh cần đi lại, vận động nhẹ nhàng
Sau phẫu thuật u trong ống sống, người bệnh cần đi lại, vận động nhẹ nhàng

Hiện nay, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Hệ thống PlinkCare quy tụ các chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị các bệnh lý thần kinh, trong đó có bệnh u trong ống sống. Bệnh viện Tâm Anh đầu tư các thiết bị máy móc tân tiến hàng đầu, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị u trong ống sống, u cột sống, u tủy sống hiệu quả như Hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT 768 lát cắt, Hệ thống chụp MRI 1,5 – 3 Tesla, Hệ thống Robot Modus V Synaptive ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

U trong ống sống là một bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng với sức khỏe người bệnh. Tùy theo từng tình trạng khối u mà bác sĩ có chỉ định phẫu thuật hay không. Bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe nếu có dấu hiệu của bệnh u trong ống sống nhé!

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send