
U thần kinh đệm bậc thấp: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
U thần kinh đệm hay u thần kinh đệm bậc thấp phát triển từ các tế bào thần kinh đệm trong não và tủy sống. Tế bào thần kinh đệm đóng vai trò quan trọng trong chức năng và sự phát triển của não.
U thần kinh đệm bậc thấp là gì?
U thần kinh đệm bậc thấp là khối u não có thể xuất phát từ hai loại tế bào não khác nhau (tế bào hình sao và tế bào ít nhánh). Loại u này có tốc độ phát triển chậm. (1)
U thần kinh đệm xuất phát từ tế bào hình sao (có thể gọi là u tế bào hình sao) là loại u phổ biến hơn cả. Các loại khác bao gồm: u pilomyxoid và fibrillary. Ở trẻ em, hơn 80% trường hợp mắc u tế bào hình sao là ở mức độ thấp.
U tế bào hình sao mức độ thấp có thể phát sinh ở bất cứ nơi nào trong não hoặc tủy sống, nhưng chúng thường chỉ phát triển ở nơi chúng bắt nguồn và phát triển chậm trong một khoảng thời gian. Các khu vực phổ biến xuất hiện u tế bào hình sao mức độ thấp là bán cầu não (thùy trán, thùy thái dương) và tiểu não.
U tế bào hình sao có thể lây lan sang các vùng khác của não hoặc tủy sống trong dịch não tủy, mặc dù trường hợp này rất hiếm. Các khối u có thể ở dạng đặc hoặc một phần dạng nang (chứa dịch).
Xem thêm: U thần kinh đệm bậc cao: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị.
Triệu chứng u thần kinh đệm bậc thấp
Giống như những khối u não khác, u thần kinh đệm bậc thấp gây ra các triệu chứng tùy thuộc vào vị trí của nó trong não. Theo đó, não có các vùng chuyên biệt giúp chúng ta kiểm soát lời nói, cảm giác, di chuyển, trí nhớ, thị giác và nhiều chức năng khác. Tùy thuộc khối u nằm ở vị trí vùng não chịu chức năng gì mà có thể gây ra các dấu hiệu tương ứng.
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất do u thần kinh đệm bậc thấp gây ra là co giật. Đây có thể là những cơn co giật nhỏ mà người bệnh hầu như không nhận thấy. Cụ thể, người bệnh có cảm giác khó chịu trong bụng hoặc gặp những cảm giác khó chịu ngắn mà bản thân không thể giải thích được. U thần kinh đệm bậc thấp cũng có thể gây ra các cơn co giật lớn hơn, ảnh hưởng đến khả năng nói chuyện hoặc làm run hoặc cử động ở tay và chân. Các triệu chứng có thể gặp của u thần kinh đệm bậc thấp bao gồm: (2)
- Co giật.
- Buồn nôn và nôn (xuất hiện phổ biến hơn cả).
- Thờ ơ và khó chịu.
- Đau đầu.
- Gây ra sự vụng về.
- Gặp khó khăn với các công việc như viết tay.
- Người bệnh thay đổi tính cách và hành vi.
- Gây ra dáng đi bất thường.
Nếu khối u thần kinh đệm bậc thấp lan rộng hoặc nằm ở tủy sống, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau lưng.
- Đi lại khó khăn.
- Việc kiểm soát ruột và bàng quang gặp khó khăn.

Nguyên nhân gây u thần kinh đệm bậc thấp
Chưa có nguyên nhân nào được xác định là nguyên nhân chính gây ra các khối u thần kinh đệm bậc thấp. Một số yếu tố nguy cơ đã được xác định, thế nhưng do lịch sử sức khỏe phức tạp và đặc thù ở mỗi người bệnh, các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra kết luận về nguyên nhân cụ thể của bệnh. Một số yếu tố nguy cơ có thể đóng vai trò nhất định trong việc phát triển bệnh bao gồm: (3)
- Tiếp xúc với bức xạ ion hóa lên não có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh u thần kinh đệm và u thần kinh đệm bậc thấp.
- Tiếp xúc với một số hóa chất.
- Có các hội chứng di truyền sau: u xơ thần kinh loại 1 (NF1) hoặc 2 (NF2), hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Turcot loại 1 hoặc 2, hội chứng Lynch, hội chứng ung thư biểu mô tế bào đáy Nevoid…
- Lạm dụng một số thực phẩm nhất định như thực phẩm có chứa chất làm ngọt nhân tạo aspartame…
Bệnh u thần kinh đệm bậc thấp có nguy hiểm không?
U thần kinh đệm bậc thấp là loại u thần kinh đệm phát triển chậm. Mặc dù những khối u này phát triển chậm nhưng chúng vẫn có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng cần can thiệp sớm. Trong một số trường hợp, u thần kinh đệm bậc thấp có khả năng biến thành u cấp độ cao hơn, nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Mắc bệnh u thần kinh đệm bậc thấp sống được bao lâu?
Khoảng 40% người bệnh mắc u thần kinh đệm bậc thấp (độ II) sống được từ 10 năm trở lên sau khi được chẩn đoán và điều trị. Một số người bệnh được điều trị ngay nhưng cũng có trường hợp chỉ cần theo dõi (thời gian đầu) để xác định phương hướng chữa trị tối ưu. Điều quan trọng là người bệnh phải chủ động đi khám, gặp bác sĩ phẫu thuật thần kinh để thảo luận về việc điều trị càng sớm càng tốt.

Cách chẩn đoán bệnh u thần kinh đệm bậc thấp
U thần kinh đệm bậc thấp, đặc biệt là u thần kinh đệm bậc thấp lan tỏa là những khối u tương đối hiếm, có nhiều khả năng bị chẩn đoán sai và điều trị sai trong thực hành lâm sàng. Người bệnh cần được bác sĩ giàu kinh nghiệm thăm khám, chẩn đoán thông qua các kỹ thuật cận lâm sàng như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)…
Bác sĩ cũng sẽ cho người bệnh thực hiện các bài kiểm tra thị giác, thính giác, thăng bằng, phối hợp, sức mạnh và phản xạ. Nếu gặp khó khăn khi thực hiện thì đó có thể là dấu hiệu nghi ngờ của khối u não.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ tìm kiếm những dấu hiệu của khối u não nói chung và u thần kinh đệm bậc thấp nói chung. Trong đó, chụp MRI là phương pháp thường được sử dụng phổ biến nhất. Đôi khi người bệnh được tiêm thuốc nhuộm vào tĩnh mạch trước khi chụp MRI để tạo ra những bức ảnh sắc nét hơn. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh được áp dụng cũng có thể bao gồm chụp cắt lớp phát xạ CT và positron (chụp PET). (4)
Để xác định u thần kinh đệm bậc thấp, đôi khi bác sĩ cũng chỉ định cho người bệnh thực hiện sinh thiết. Khi sinh thiết, một số mô u sẽ được lấy ra mang đi xét nghiệm trước khi bắt đầu điều trị. Kỹ thuật này thường được sử dụng khi phẫu thuật không phải là lựa chọn để loại bỏ khối u não. Nếu cần phải phẫu thuật để loại bỏ khối u não, người bệnh có thể không cần sinh thiết trước khi phẫu thuật.
Ngoài ra, để biết chính xác người bệnh có bị u thần kinh đệm bậc thấp hay không hoặc làm cơ sở cho việc điều trị bổ sung, bác sĩ có thể lấy một mẫu khối u não mang đi xét nghiệm (xét nghiệm trên tế bào khối u). Mẫu bệnh có thể được lấy từ việc sinh thiết hoặc lấy trong quá trình phẫu thuật loại bỏ u.
Mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm để các bác sĩ giải phẫu bệnh kiểm tra. Xét nghiệm có thể cho thấy các tế bào u thần kinh đệm bậc thấp đang phát triển như thế nào. Bên cạnh đó, xét nghiệm nâng cao giúp bác sĩ xem xét những thay đổi DNA nào hiện diện trong các tế bào u thần kinh đệm. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ xác nhận chẩn đoán và lập kế hoạch chữa trị.

Cách điều trị u thần kinh đệm bậc thấp
Người bệnh u thần kinh đệm bậc thấp được bác sĩ lên kế hoạch điều trị theo các phương pháp phổ biến như hóa trị, xạ trị, bắn tia gamma knife hoặc phẫu thuật. (5)
1. Phẫu thuật
Phương pháp này giúp loại bỏ hoàn toàn khối u thần kinh đệm bậc thấp hoặc loại bỏ càng nhiều càng tốt. Tại PlinkCare TP.HCM, người bệnh có thể được tư vấn mổ bằng kính vi phẫu hiện đại hoặc bằng Robot mổ não Modus V Synaptive duy nhất tại Việt Nam (hiện mới chỉ có mặt tại 10 quốc gia trên thế giới). Các thiết bị hiện đại này giúp bác sĩ phẫu thuật loại bỏ khối u an toàn, tránh làm tổn thương các bó sợi thần kinh, hạn chế di chứng cho người bệnh. Đồng thời, bác sĩ có thể phẫu thuật được những khối u nằm ở các vị trí nguy hiểm và sâu nhất trong não.
Đối với nhiều trường hợp u thần kinh đệm bậc thấp, phẫu thuật có thể chữa khỏi nếu khối u được cắt bỏ hoàn toàn. Nếu còn lại rất ít khối u sau phẫu thuật, người bệnh có thể được theo dõi chặt chẽ hoặc bắn tia gamma knife để điều trị tối đa khối u cho người bệnh.
2. Hóa trị
Đây là phương pháp thường được dùng độc lập hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển và phân chia. Nếu người bệnh mắc u thần kinh đệm bậc thấp, phương pháp điều trị này có thể được thực hiện bằng đường uống hoặc tiêm vào máu. Nếu có nhiều loại hóa trị được thực hiện cùng một lúc thì gọi là liệu pháp kết hợp.
Liệu pháp nhắm mục tiêu là một loại hóa trị chuyên biệt hơn được thiết kế để “nhắm mục tiêu” hoặc tấn công một dấu hiệu cụ thể trong khối u thần kinh đệm bậc thấp. Dấu hiệu này là sự thay đổi trong tế bào ung thư khiến nó trở nên khác biệt so với các tế bào khỏe mạnh.
Liệu pháp nhắm mục tiêu có thể ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển hoặc sửa chữa và có thể ra lệnh cho tế bào ung thư tự tiêu diệt. Ví dụ về liệu pháp nhắm mục tiêu điều trị u thần kinh đệm bậc thấp là selumetinib, trametinib, everolimus…
3. Xạ trị
Xạ trị là sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại bức xạ khác, chẳng hạn như chùm proton để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn những tế bào u thần kinh đệm bậc thấp phát triển. Cách thức chiếu xạ tùy thuộc vào loại khối u, nguy cơ diễn tiến bệnh và vị trí của khối u trong não hoặc tủy sống. Tùy vào tính chất, kích thước của khối u thần kinh đệm bậc thấp mà các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, bác sĩ điều trị ung thư và bác sĩ ung thư hóa – xạ trị sẽ hội chẩn để chọn loại liệu pháp phù hợp, mang đến kết quả điều trị tối ưu cho người bệnh.

Bệnh u thần kinh đệm bậc thấp có thể phòng ngừa không?
Phần lớn các u thần kinh đệm nói chung và u thần kinh đệm bậc thấp nói riêng xảy ra mà không có cảnh báo đặc thù nào. Cho đến nay, không có phương pháp phòng ngừa u thần kinh đệm bậc thấp cụ thể nào được biết đến.
Việc khám và sàng lọc, phát hiện sớm bệnh, ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ u thần kinh đệm bậc thấp là vô cùng quan trọng. Không phải ai có yếu tố nguy cơ cũng sẽ bị u thần kinh đệm bậc thấp. Thế nhưng nếu bạn có những yếu tố nguy cơ phát triển bệnh hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh thì nên chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám, tầm soát, điều trị sớm.
Hệ thống PlinkCare trang bị đầy đủ các loại máy chụp chiếu hiện đại như máy chụp CT 768 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ 1.5 – 3 Tesla, hệ thống máy xét nghiệm chuyên dụng hiện đại… giúp bác sĩ phát hiện sớm u thần kinh đệm bậc thấp cho người bệnh.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
U thần kinh đệm bậc thấp vẫn có thể làm suy giảm sức khỏe của người bệnh, gây ra các biến chứng, di chứng nghiêm trọng. Do đó, nếu không may có các dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh lý này, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám sớm.