
U nguyên bào thần kinh đệm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị
U nguyên bào thần kinh đệm có thể lan rộng trong não bộ và tủy sống của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường được phát hiện tại thùy trán, thùy thái dương, thùy đỉnh, thùy chẩm… Đây là loại ung thư phổ biến bắt nguồn từ bên trong não. Mỗi năm trong 100.000 người thì có khoảng 3 người mắc u nguyên bào thần kinh đệm. Vậy, u nguyên bào thần kinh đệm là gì? Triệu chứng ra sao và điều trị như thế nào?
U nguyên bào thần kinh đệm là gì?
U nguyên bào thần kinh đệm là một trong những bệnh u não nguy hiểm nhất, hình thành chủ yếu từ các tế bào hình sao bất thường kết hợp với hỗn hợp các tế bào khác, bao gồm cả mạch máu, tế bào não đã hoại tử, không đồng nhất và còn có thể thay đổi theo thời gian. U nguyên bào thần kinh đệm thường bắt nguồn từ chất trắng của não bộ và có tính thâm nhiễm, xâm lấn, di căn đến các vùng lân cận, thậm chí lan xuống khu vực tủy sống. (1)

U nguyên bào thần kinh đệm phát triển thầm lặng nên ít khi được phát hiện ở giai đoạn đầu. Thông thường, khi khối u có kích thước lớn, ở mức độ nặng thì mới được phát hiện. Khi đó, mức độ chèn ép các cấu trúc xung quanh của khối u đã gia tăng đáng kể, gây ra những triệu chứng bất thường, nguy hiểm với tần suất và cường độ gia tăng nhanh. Vì thế, việc phát hiện và điều trị u nguyên bào thần kinh đệm sớm là rất quan trọng.
Có 2 loại u nguyên bào thần kinh đệm. Trong đó, khoảng 90% các trường hợp mắc bệnh là u nguyên bào thần kinh đệm nguyên phát, còn lại khoảng 10% là u nguyên bào thần kinh đệm thứ phát.
U nguyên bào thần kinh đệm nguyên phát có tốc độ phát triển nhanh và khả năng xâm lấn mạnh nhất, có thể lan rộng khắp não bộ trong thời gian ngắn. Loại khối u này thường xuất hiện ở những người cao tuổi và có tiên lượng tử vong cao.
U nguyên bào thần kinh đệm thứ phát thường bắt nguồn từ các khối u thần kinh đệm cấp độ thấp và được phát hiện phổ biến ở thùy trán những người trẻ tuổi (thậm chí là trẻ em, thai nhi). U nguyên bào thần kinh đệm thứ phát có khả năng điều trị khỏi cao hơn so với u nguyên bào thần kinh đệm nguyên phát.
Triệu chứng u nguyên bào thần kinh đệm
U nguyên bào thần kinh đệm phát triển thầm lặng và thường không biểu hiện những triệu chứng ban đầu khi khối u vừa hình thành, có kích thước nhỏ. Đến khi khối u phát triển đạt đến kích thước đủ lớn, tùy trường hợp sẽ bắt đầu xuất hiện hàng loạt triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, bệnh thường không có dấu hiệu nào là đặc thù hay riêng biệt.
Các triệu chứng của bệnh thường tương tự với biểu hiện của các khối u khác ở não, bao gồm: đau đầu theo chiều hướng tăng nhanh về tần suất và cường độ; co giật; cảm thấy buồn nôn và nôn; khó khăn khi nói chuyện; cảm giác tê, yếu hoặc không thể cử động tay chân; thay đổi tính cách và tâm trạng thất thường; suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ; nhìn đôi hoặc bị suy giảm thị lực; gặp hội chứng tiền đình; sức khỏe giảm đột ngột; bất tỉnh… (2)

Ngoài ra, khi khối u lan vào màng não hoặc thành tâm thất, hàm lượng protein trong dịch não tủy tăng cao, bạch cầu hạt cũng có thể tăng, chủ yếu là tế bào lympho. Nhìn chung, các triệu chứng hay dấu hiệu của u nguyên bào thần kinh đệm hầu như phụ thuộc vào vị trí, kích thước và mức độ chèn ép của khối u, không thể hiện rõ đặc tính bệnh lý.
Nguyên nhân gây u nguyên bào thần kinh đệm
Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy rõ nguyên nhân chính xác gây ra khối u nguyên bào thần kinh đệm. Tuy nhiên, một số giả thuyết về yếu tố nguy cơ gây bệnh được nhiều người chấp nhận, bao gồm: (3)
- Nhiễm chất phóng xạ: Những người đã tiếp xúc không an toàn với chất phóng xạ ngoài tự nhiên; hoặc trước đó từng sử dụng biện pháp hóa/xạ trị để điều trị các bệnh lý như ung thư… có thể có nguy cơ hình thành khối u nguyên bào thần kinh đệm.
- Di truyền: Nhiều người mắc u nguyên bào thần kinh đệm có liên quan đến rối loạn di truyền hoặc hội chứng Turcot, hội chứng Li Fraumeni…
- Bệnh u xơ thần kinh: Người bệnh u xơ thần kinh có nguy cơ cao mắc u nguyên bào thần kinh đệm.
Ngoài ra, theo thống kê của y văn thế giới, u nguyên bào thần kinh đệm phổ biến ở những người từ 50 tuổi trở lên. Hiện nay độ tuổi trung bình của người mắc căn bệnh này là 64 tuổi. Như vậy, người càng cao tuổi thì nguy cơ mắc u nguyên bào thần kinh đệm thường càng gia tăng. Đồng thời, nam giới có nguy cơ mắc u nguyên bào thần kinh đệm cao hơn nữ giới.

Bệnh u nguyên bào thần kinh đệm có nguy hiểm không?
U nguyên bào thần kinh đệm là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất khởi phát tại não bộ và có tỷ lệ tử vong cao. Đặc tính của u nguyên bào thần kinh đệm là khối u ác tính, có thể thâm nhiễm, xâm lấn, di căn khắp não bộ và tủy sống một cách nhanh chóng. Đồng thời, u nguyên bào thần kinh đệm gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe, đe dọa tính mạng của người bệnh.
U nguyên bào thần kinh đệm thường không thể loại bỏ được hoàn toàn. Sau một thời gian can thiệp, khối u thường tái phát trở lại ở mức độ có thể nặng hơn.
U nguyên bào thần kinh đệm tiên lượng sống ra sao?
Sau khi phát hiện khối u nguyên bào thần kinh đệm, nếu được điều trị tích cực, tiên lượng thời gian sống trung bình của người bệnh là từ 10 đến 13 tháng. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp, khoảng từ 5 – 10% người bệnh sống lâu hơn 5 năm. Nếu không điều trị, thời gian sống còn lại của người bệnh có thể chỉ kéo dài khoảng 3 tháng. (4)
Cách chẩn đoán bệnh u nguyên bào thần kinh đệm
Để chẩn đoán bệnh u nguyên bào thần kinh đệm, bác sĩ có thể tiến hành một số phương pháp sau: (5)
- Khám thần kinh: Thông qua việc kiểm tra thị giác, thính giác, khả năng giữ thăng bằng, mức độ phản xạ, cử động tay chân… có thể giúp bác sĩ phát hiện những triệu chứng hay bất thường ban đầu nghi ngờ do khối u ở não gây ra. Tuy nhiên, để có đủ thông tin đánh giá tình trạng u nguyên bào thần kinh đệm, bác sĩ thường phải chỉ định cho người bệnh thực hiện thêm một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
- Chụp MRI, CT…: Kết quả chụp MRI, CT… không chỉ giúp phát hiện khối u trong não mà còn hỗ trợ bác sĩ đánh giá chính xác về cấu trúc, kích thước, vị trí và mối tương quan của khối u nguyên bào thần kinh đệm với cấu trúc xung quanh.

- Xét nghiệm sinh thiết: Khi tiến hành phẫu thuật để tách bỏ khối u, bác sĩ có thể chỉ định lấy một phần bệnh phẩm mang đi xét nghiệm sinh thiết. Thông qua hình ảnh phóng to từ kính hiển vi và nhiều thiết bị hỗ trợ giải phẫu bệnh khác, bác sĩ có thể phân biệt tế bào thường với tế bào ung thư. Qua đó, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác liệu người bệnh có mắc u nguyên bào thần kinh đệm hay không. Đồng thời bác sĩ cũng có thể đánh giá được giai đoạn của bệnh, từ đó đề ra phương án điều trị phù hợp, tối ưu.
- Xạ hình u nguyên bào thần kinh đệm với MIBG: Các tế bào u nguyên bào thần kinh đệm có tính hấp thụ với protein MIBG (Meta-indo benzyl guanidine). Do vậy, có thể sử dụng một ít chất phóng xạ trong liều lượng cho phép để kiểm tra, tìm ra dấu vết của loại khối u nguy hiểm này.
- Xét nghiệm máu: Các khối u nguyên bào thần kinh đệm hấp thụ lượng máu não khá lớn để phát triển và gia tăng kích thước. Ngoài ra, loại khối u này còn giải phóng các tế bào vào trong máu. Do đó, bác sĩ có thể phát hiện bệnh u nguyên bào thần kinh đệm bằng phương pháp xét nghiệm máu, đặc biệt là với công nghệ sinh thiết lỏng TriNetra-Glio.
- Xét nghiệm nước tiểu: Hơn 85% người bệnh u nguyên bào thần kinh đệm có các chất chuyển hóa catecholamine trong nước tiểu.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh đo điện não đồ, chọc dịch não tủy hoặc thực hiện phương pháp nghiên cứu di truyền học… để góp phần tìm ra dấu vết của bệnh u nguyên bào thần kinh đệm. Tuy nhiên, tùy vào triệu chứng và mức độ của bệnh, các bác sĩ có thể chỉ định duy nhất một phương pháp hoặc nhiều hơn để hỗ trợ chẩn đoán bệnh.
Cách điều trị u nguyên bào thần kinh đệm
U nguyên bào thần kinh đệm rất khó để loại bỏ hoàn toàn. Phác đồ điều trị hiện nay tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát và làm chậm tốc độ phát triển của khối u. Kết hợp với đó là các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ, tăng cường sức khỏe tinh thần nhằm kéo dài thời gian sống, giảm bớt đau đớn và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Hiện nay, có một số phương pháp được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh u nguyên bào thần kinh đệm, bao gồm: (6)
- Phẫu thuật: Bác sĩ chỉ định phương pháp này nhằm loại bỏ nhiều nhất có thể khối u nguyên bào thần kinh đệm, giải áp cho não bộ, hỗ trợ người bệnh phục hồi chức năng. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể không loại bỏ được hoàn toàn khối u cũng như các tế bào ung thư. Chính vì vậy, phẫu thuật thường được bác sĩ chỉ định kết hợp với các phương pháp điều trị khác, đặc biệt là trong giai đoạn hậu phẫu nhằm nâng cao hiệu quả chữa trị.
- Xạ trị: Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến trong trường hợp người bệnh không tiến hành phẫu thuật. Thông qua việc sử dụng chùm năng lượng mạnh từ phóng xạ, xạ trị có thể tiêu diệt phần còn sót lại của khối u nguyên bào thần kinh đệm hoặc tế bào ung thư sau phẫu thuật. Ngoài ra, phương pháp xạ trị còn có thể kết hợp cùng lúc với hóa trị để đạt hiệu quả tốt hơn.
- Hóa trị: Đối với những người bệnh u nguyên bào thần kinh đệm không tiến hành phẫu thuật thì hóa trị cũng là một sự lựa chọn phù hợp. Ở phương pháp này, chất thuốc mạnh sẽ được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư. Người bệnh thường được bác sĩ chỉ định cho dùng loại thuốc viên sau phẫu thuật hoặc trong và sau xạ trị. Bên cạnh đó còn có dạng dung dịch truyền qua tĩnh mạch. Đôi khi, người bệnh được bác sĩ chỉ định cho dùng các tấm mỏng hình tròn chứa thuốc hóa trị. Tấm mỏng này được bác sĩ đặt thẳng vào vị trí khối u trong quá trình phẫu tích nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
- Điện trường thay thế: Đây là phương pháp mới và còn nhiều tranh luận về tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, người bệnh u nguyên bào thần kinh đệm có thể được sử dụng, đặc biệt là trong những trường hợp quyết định không can thiệp phẫu thuật hoặc phát hiện khối u sớm (kích thước còn tương đối nhỏ). Liệu pháp điện trường thay thế sử dụng điện trường để can thiệp vào quá trình phân chia của các tế bào ung thư, cản trở và làm ngừng quá trình nguyên phân bình thường giúp tiêu diệt chúng.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh có thể chỉ định cho người bệnh áp dụng một hay nhiều phương pháp điều trị hiệu quả và phù hợp. Phổ biến hơn cả là sử dụng đồng thời nhiều phương pháp điều trị. Ngoài ra, liệu pháp tâm lý và các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ… cũng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài sự sống, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh u nguyên bào thần kinh đệm.
Có thể phòng ngừa bệnh u nguyên bào thần kinh đệm không?
Hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh u nguyên bào thần kinh đệm. Vì vậy không có phương pháp nào được biết đến là có thể phòng ngừa hiệu quả việc hình thành và phát triển các khối u nguyên bào thần kinh đệm.
Tuy nhiên, bạn nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh u nguyên bào thần kinh đệm tại các cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ thiết bị và quy tụ đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn. Nếu khối u nguyên bào thần kinh đệm được phát hiện sớm khi kích thước còn tương đối nhỏ thì có thể nâng cao hiệu quả điều trị đáng kể.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
U nguyên bào thần kinh đệm là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do đó, tất cả mọi người đều cần chủ động thăm khám, tầm soát, phòng ngừa căn bệnh này từ sớm.