Image

U máu ở trẻ em có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp

U máu ở trẻ em có nguy hiểm không

U máu ở trẻ em là gì?

U máu (Hemangioma) là hiện tượng các tế bào nội mạc mạch máu phụ trên da tăng sinh quá mức tạo thành khối u. Bệnh không phải là ung thư và không có khả năng lây lan qua các cơ quan khác. Khối u có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như da, đầu, mặt, cổ, chân, tay hay các cơ quan nội tạng như gan, thận. Trẻ có thể có nhiều khối u máu trên cơ thể.

Thống kê cho thấy, có đến 60% u máu ở trẻ xuất hiện ở vùng đầu, mặt và cổ của trẻ. Nguy cơ xuất hiện u máu ở bé nam cao hơn so với các bé gái.

Thông thường, u máu sẽ hình thành và phát triển nhanh chóng trong 2 – 3 tháng đầu sau sinh. Trong 3 – 4 tháng tiếp theo, tốc độ phát triển của khối u chậm dần và sẽ ngừng phát triển khi trẻ được khoảng 1 tuổi. Lúc này, khối u có thể sẽ dần nhỏ lại, nhạt màu và có thể biến mất hoàn toàn trong 1 – 10 năm tiếp theo.

Hiện nay, u máu ở trẻ em được chia làm 2 nhóm chính:

  • U tế bào nội mạc mạch máu: Đây là một loại u lành tính thường xuất hiện ở bé gái. U xuất hiện sau khi trẻ chào đời, phát triển nhanh trong giai đoạn nhũ nhi và bắt đầu dừng lại khi trẻ được 5 – 7 tuổi.
  • U dị dạng mạch máu: Khối u xuất hiện từ khi trẻ chào đời, có tốc độ phát triển chậm nhưng kéo dài đến khi trẻ trưởng thành.
U máu có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể
U máu có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

Nguyên nhân trẻ em bị u máu

Thông thường, u máu ở trẻ bắt đầu xuất hiện với kích thước nhỏ như một nốt ruồi son. Sau đó, kích thước của khối u sẽ tăng dần theo sự phát triển của cơ thể, tạo thành một mảng da sần sùi trên bề mặt da, màu hồng đậm. Nguyên nhân cụ thể gây nên tình trạng này ở trẻ hiện vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, u máu có tính di truyền.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ u máu ở trẻ em gồm:

  • Trẻ sinh non
  • Trẻ sinh ra nhẹ cân
  • Đa thai
  • Trẻ da trắng
  • Thai kỳ nhiễm khuẩn/virus
  • Trẻ rối loạn hormone/hệ miễn dịch
  • Trẻ bị chấn thương
  • Trẻ sống trong môi trường/thường xuyên tiếp xúc với hóa chất
  • Trẻ gặp bất thường về mạch máu.

U máu ở trẻ em có nguy hiểm không?

U máu ở trẻ em là một loại u lành tính, có thể tự biến mất khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, một số trường hợp u máu có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Do đó, khi phát hiện trẻ có u máu, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, theo dõi và hỗ trợ điều trị sớm.

Biến chứng u máu ở trẻ em

Tùy thuộc vào vị trí, cách chăm sóc và mức độ phát triển của u máu, khối u có thể gây nên các biến chứng như:

  • Loét đau: Đây là biến chứng phổ biến nhất với khoảng 15% trường hợp xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 4 tháng tuổi. Khi không được xử lý kịp thời, vết loét không chỉ gây đau, xuất huyết mà còn tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát và để lại sẹo gây mất thẩm mỹ khiến trẻ cảm thấy tự ti. (1)
  • Giảm thị lực: Nếu u máu xuất hiện và phát triển ở khu vực quanh hốc mắt, khối u có thể gây ảnh hưởng đến trụ thị giác, khiến trẻ bị giảm thị lực, loạn thị, sụp mí, lồi mắt, lác mắt hay các vấn đề liên quan đến kết mạc.
  • Giảm thính lực, viêm tai ngoài: Biến chứng này xảy ra khi khối u máu xuất hiện quanh tai, gây tắc ống tai ngoài.
  • Ảnh hưởng đến thẩm mỹ mũi và khả năng hô hấp: Nếu u máu xuất hiện ở khu vực xung quanh mũi, khối u phát triển nhanh chóng có thể gây biến dạng mũi Cyrano, tạo sẹo, tắc nghẽn mũi, biến dạng van mũi, ảnh hưởng đến trụ mũi, vách ngăn mũi khiến trẻ khó thở.
  • Khó ăn uống: Khối u máu xuất hiện ở quanh miệng hoặc môi của trẻ, đặc biệt là môi dưới, có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi ăn uống.
  • Tắc nghẽn đường thở, khàn giọng: Biến chứng này thường xảy ra khi u máu xuất hiện ở vùng cằm, cổ trước, môi dưới hay khu vực phía trước tai. Sự phát triển của khối u gây ảnh hưởng đến sự mở rộng sâu của thanh môn, từ đó khiến trẻ khó khăn khỉ thở, giọng nói khàn và dễ bị sặc khi ăn uống.
  • Một số biến chứng khác: Suy tim, suy giáp, hội chứng Frey, hội chứng khoang bụng,… thậm chí gây tử vong ở trẻ.

Vì vậy, khi chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ cũng như tình trạng khối u máu. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ tích cực ngay khi có các biểu hiện sau:

  • Khối u máu bị nứt, vỡ, có dấu hiệu lở loét.
  • Khối u có dấu hiệu hoặc nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là các trường hợp u máu xuất hiện vùng quấn tã.
  • U phát triển nhanh, gây mất thẩm mỹ, nhất là khi u xuất hiện ở vùng mặt.
  • Khối u phát triển khiến trẻ gặp các vấn đề về thị giác, thính giác, hô hấp, ăn uống hay cản trở việc thay tã cho trẻ.
U máu ở mang tai của trẻ
U máu ở mang tai của trẻ.

Cách điều trị bệnh u máu ở trẻ em

Đối với các trường hợp u máu gây mất thẩm mỹ hay ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, gây nguy hiểm cho trẻ, trẻ cần được hỗ trợ điều trị đúng cách và kịp thời. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của trẻ, kích thước, vị trí và mức độ phát triển của khối u, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị u máu ở trẻ em hiện nay:

  • Thuốc bôi: Thuốc được sử dụng thoa lên bề mặt u máu, được chia làm 3 loại gồm thuốc chẹn beta tại chỗ, thuốc kháng sinh tại chỗ và thuốc corticoid. Lưu ý, phụ huynh không tự ý dùng thuốc cho trẻ. Loại thuốc, cách sử dụng và liều lượng dùng cho trẻ cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Thuốc uống: Propranolol và Prednisone là hai loại thuốc uống thường được sử dụng trong điều trị u máu ở trẻ. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ cho trẻ, do đó, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu trẻ thực hiện một số xét nghiệm và kiểm tra khả năng đáp ứng trước khi bắt đầu liệu trình. Ngoài việc tuân theo chỉ định của bác sĩ, bố mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi trẻ sốt cao, từ chối uống thuốc hay hết thuốc.
  • Phẫu thuật: Phương pháp này thường được thực hiện khi khối u đã ngừng phát triển, và trẻ không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Laser: Nếu khối u phẳng và nông, bác sĩ có thẻ dùng tia laser để loại bỏ khối u, khiến khối u mờ dần hoặc biến mất.

Phòng ngừa u máu ở trẻ nhỏ

U máu ở trẻ em vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nên bệnh vẫn chưa có cách phòng ngừa triệt để. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nên chú ý chăm sóc trẻ cẩn thận, đặc biệt khi trẻ có các yếu tố nguy cơ, tránh để trẻ mắc bệnh vặt hay bị chấn thương, côn trùng cắn. Đối với các trường hợp trẻ mắc bệnh hay có các tổn thương liên quan đến mạch máu, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, theo dõi và điều trị đúng cách, giảm nguy cơ phát triển u mau.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, PlinkCare theo địa chỉ:

Với những thông tin trên, hy vọng quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về u máu ở trẻ em cũng như có câu trả lời cho câu hỏi “U máu ở trẻ em có nguy hiểm không?”. Mặc dù được đánh giá là khối u lành tính và bắt đầu xuất hiện với kích thước khá nhỏ nhưng bố mẹ vẫn đến đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ phù hợp.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send