
U màng não có nguy hiểm không? Cách xử trí khi có dấu hiệu bệnh
U màng não lành tính không di căn, nếu được can thiệp cắt bỏ khối u kịp thời người bệnh sẽ có khoảng 80% tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, căn bệnh này thường phát triển âm thầm, đa phần khi được phát hiện khối u đã có kích thước lớn. Lúc này, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng. Vậy bệnh u màng não có nguy hiểm không hay nguy hiểm đến mức nào? Làm sao phát hiện u màng não sớm và điều trị như thế nào để hiệu quả? (1)
Bệnh u màng não là gì?
Bệnh u màng não là sự xuất hiện của khối u trên màng não (đây là phần màng bao phủ não bộ và tủy sống bên trong hộp sọ). Khối u màng não thường phát triển khá chậm, có tỷ lệ lành tính cao (gần 90%). U màng não có thể xuất hiện ở hầu hết các vị trí tại màng não. Đôi khi u màng não có thể phát triển đến phần tủy sống. Thông thường, một người chỉ xuất hiện một khối u màng não. Tuy nhiên ở một số trường hợp đặc biệt vẫn có thể tồn tại cùng lúc nhiều khối u trong màng não hoặc tủy sống trong hộp sọ của người bệnh.
Theo báo cáo từ Cơ quan thống kê khối u não Hoa Kỳ, trong tổng số các khối u được chẩn đoán vào năm 2012 – 2016, u màng não là loại mô học tổng thể được ghi nhận thường xuyên nhất. Loại khối u này chiếm 37,6% trong số tất cả các khối u nguyên phát của hệ thống thần kinh trung ương vào năm 2019. Theo đó, u màng não cũng có tỷ lệ người mắc bệnh trung bình hàng năm cao hơn cả trong các khối u nguyên phát ở não và tủy sống. Thông thường, bệnh u màng não sẽ không có triệu chứng cụ thể nhưng lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như yếu liệt, tàn tật, suy giảm chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể… Nếu không được điều trị đúng cách người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. (2)

Bệnh u màng não có nguy hiểm không?
Để biết u màng não có nguy hiểm không, chúng ta cần xác định loại, vị trí, tình trạng khối u phát triển cùng nhiều yếu tố khác như sức khỏe, khả năng đáp ứng phương pháp điều trị của người bệnh… Theo WHO, có đến 15 biến thể của u màng não và các biến thể này được phân loại theo phân độ mô học. Những phân độ mô học được tổ chức thành 3 cấp là u màng não lành tính (độ I), u màng não không điển hình (độ II) và u màng não ác tính (độ III). Ba phân độ này phản ánh tốc độ tăng trưởng và khả năng tái phát dựa trên các đặc điểm tế bào học của khối u màng não, cụ thể như sau:
- U màng não lành tính (độ I): Khối u lành tính ít gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp khối u phát triển chèn ép các nhóm dây thần kinh trung ương gây ra triệu chứng đau đầu, tê bì chân tay, động kinh, giảm thị lực, rối loạn ngôn ngữ…
- U màng não không điển hình (độ II): Đây là khối u chiếm đến 18% tổng số u màng não. Ở độ này, khối u phát triển với tốc độ nhanh hơn so với u màng não lành tính. U màng não cấp II có khả năng tái phát cao hơn khối u lành tính nên quá trình điều trị cũng kéo dài hơn.
- U màng não ác tính (độ III): Khối u độ III phát triển với tốc độ nhanh, có nhiều khả năng xâm lấn não bộ, tái phát thường xuyên hơn khối u lành tính và khối u không điển hình. Khi được chẩn đoán u màng não ác tính, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật kết hợp xạ trị. Việc điều trị khối u ác tính luôn tồn tại nhiều biến chứng và đòi hỏi sự kiên trì từ người bệnh.
Có khoảng 10% trường hợp u màng não ở thể ác tính. Khối u ác tính có độ nguy hiểm cao và phải điều trị dài hạn. Vì vậy, người bệnh u màng não ác tính cần duy trì tinh thần tích cực để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.
Vậy nếu là khối u lành tính thì bệnh u màng não có nguy hiểm không? Nếu khối u màng não là lành tính thì tiên lượng điều trị bệnh sẽ khả quan hơn. Ngược lại, khối u ác tính sẽ tồn tại nhiều biến chứng và tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong cao. Mặc dù u màng não lành tính được đánh giá là ít nguy hiểm nhưng vẫn tồn tại một số biến chứng nhất định, ví dụ như xuất hiện cơn co giật (động kinh) một cách đột ngột, bất ngờ suy giảm trí nhớ, thị lực… Khi có các triệu chứng nêu trên, người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.

Biến chứng của bệnh u màng não có nguy hiểm không?
Tùy vào phân loại, vị trí và kích thước của khối u màng não mà người bệnh có thể gặp phải các biến chứng khác nhau, bao gồm đau nhức, rối loạn thị giác, mất khả năng khứu giác, co giật, mất cảm giác ở một hoặc nhiều vị trí trên cơ thể… Ngoài ra, nếu khối u màng não phát triển gây chèn ép động mạch và các dây thần kinh quan trọng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như mất chức năng hoạt động của một số cơ quan, hôn mê, thậm chí đe dọa tính mạng.

Phẫu thuật điều trị u màng não, nếu hiệu quả không cao, có thể gây ra một số di chứng, bao gồm chóng mặt đau đầu, tụ dịch máu não, co giật, buồn nôn, mất thăng bằng, khó nuốt… Người bệnh sau phẫu thuật có thể cần thời gian phục hồi từ vài tháng đến 1 năm, tùy theo từng thể trạng. Trong quá trình chăm sóc sau phẫu thuật, người thân cần quan sát sức khỏe của người bệnh. Nếu có những triệu chứng bất thường hãy liên lạc ngay với bác sĩ để được can thiệp kịp thời, góp phần phòng tránh các tình trạng như nôn ói không kiểm soát, động kinh, ngất xỉu gây chấn thương đầu… (3)
Phải làm gì khi có dấu hiệu u màng não?
U màng não thường phát triển âm thầm, vì vậy khi bệnh ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng cụ thể. Mọi người cần duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe tổng quát để sớm phát hiện những bất thường, trong đó có bệnh u màng não.
Đa phần, khi xuất hiện triệu chứng cũng là lúc khối u màng não đã có kích thước to, ảnh hưởng đến chức năng não và hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể. Các triệu chứng thường gặp của u màng não chính là đau đầu, khó kiểm soát được những hoạt động bình thường của cơ thể, giảm trí nhớ… Những triệu chứng trên rất phổ biến và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ có khối u màng não, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ trực tiếp thăm khám. Bác sĩ sẽ thăm khám và yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để có thể đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác.

Triển vọng điều trị u màng não
Khi điều trị u màng não bác sĩ sẽ kiểm soát những dấu hiệu bất thường trong cơ thể người bệnh bằng một số loại thuốc giảm triệu chứng. Cụ thể, nếu người bệnh u màng não thường xuyên buồn nôn, đau đầu, co giật, co cứng toàn thân… bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số loại thuốc chống động kinh. Hiện nay, 3 phương pháp điều trị u màng não đang được ứng dụng phổ biến là phẫu thuật, bảo tồn và xạ trị:
1. Điều trị u màng não bằng phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật u màng não có nguy hiểm không? Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến đối với bệnh u màng não lành tính. Ưu tiên hàng đầu của phẫu thuật u màng não là bảo tồn và cải thiện chức năng thần kinh của người bệnh. Phương pháp phẫu thuật cho phép bác sĩ cắt bỏ hoàn toàn khối u, mang lại cơ hội khỏi bệnh cao. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ khối u màng não, bao gồm cả các sợi liên kết nó với lớp phủ của não và xương. Khối u màng não dù đã được phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn vẫn tiềm ẩn rủi ro tái phát. Đặc biệt là khối u đã có sự xâm lấn sang mô não hoặc các tĩnh mạch xung quanh.
Hiện nay, PlinkCare TP.HCM ứng dụng robot mổ não Modus V Synaptive thế hệ mới giúp phẫu thuật u màng não thành công. Robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở mức tinh vi, hỗ trợ người bệnh phục hồi nhanh, bảo toàn tối đa các chức năng. theo đó, Robot sở hữu nhiều ưu điểm chưa từng có so với các phương pháp mổ não truyền thống, bao gồm:
- Robot giúp bác sĩ giải phẫu thần kinh thấy rõ khối u và các bó sợi thần kinh, mô não lành trên cùng một hình ảnh 3D cả trước, trong và sau mổ.
- Cho phép mổ mô phỏng 3D trước khi mổ chính thức, chủ động chọn đường tiếp cận khối u an toàn, không phạm phải dây thần kinh.
- Robot giám sát trong suốt quá trình mổ, cảnh báo bằng các tín hiệu đèn giúp bác sĩ thao tác an toàn.
- Mang lại hiệu quả điều trị bệnh u não và u thần kinh, u cột sống vượt trội, giúp cắt u tối đa, bảo toàn các chức năng cho người bệnh.
- Thay vì phải mất rất nhiều thời gian, chi phí để được mổ não bằng robot ở các quốc gia tiên tiến thì hiện nay, người bệnh u não đã có cơ hội điều trị bằng Robot Modus V Synaptive ngay tại PlinkCare TPHCM. Kỹ thuật mổ não robot cũng giúp người bệnh giảm bớt sự lo lắng u màng não có nguy hiểm không.
2. Điều trị u màng não bằng phương pháp xạ trị
Thông thường, phương pháp xạ trị được áp dụng để điều trị khối u màng não ác tính. Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư và tế bào não bất thường, đồng thời giúp làm thu nhỏ khối u màng não. Phương pháp xạ trị có thể được chỉ định thực hiện ngay từ đầu hoặc tiến hành sau khi đã phẫu thuật u màng não nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Phương pháp xạ trị sử dụng nhiều chùm bức xạ khác nhau để tạo ra một phạm vi bao phủ phù hợp với khối u màng não. Bác sĩ sẽ hạn chế để các chùm tia bức xạ tác động đến các tế bào bình thường xung quanh. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi thực hiện xạ trị bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu… Tuy nhiên, bác sĩ điều trị sẽ tư vấn cho người bệnh thực hiện một số liệu pháp tích hợp để làm giảm thiểu những tác dụng phụ như châm cứu, yoga, thiền…
Gần đây với sự ra đời của phẫu thuật Gamma Knife, dùng để điều trị những khối u có kích thước nhỏ hoặc u còn sót lại sau phẫu thuật và cho hiệu quả cao và ít nguy cơ hơn xạ trị truyền thống.
3. Điều trị u màng não bằng phương pháp quan sát bảo tồn
Phương pháp quan sát được áp dụng điều trị cho những trường hợp u màng não sau đây:
- Người bệnh có ít triệu chứng hoặc không sưng ở các vùng não lân cận.
- Người bệnh có các triệu chứng nhẹ hoặc có tiền sử khối u lâu dài và không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của họ.
- Người bệnh lớn tuổi, các triệu chứng tiến triển rất chậm.
- Tồn tại nhiều rủi ro xảy ra nếu tiến hành điều trị u màng não cho người bệnh bằng phương pháp khác.
- Người bệnh lựa chọn không phẫu thuật u màng não sau khi được bác sĩ cung cấp các lựa chọn điều trị thay thế.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, u màng não có nguy hiểm không phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và các yếu tố khác như loại khối u, thời gian phát hiện, phương pháp điều trị… Để phát hiện sớm u màng não mọi người cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường.