
U diệp thể tuyến vú (khối u Phyllodes) là gì? Có nguy hiểm không?
Khối u diệp thể tuyến vú là gì?
Khối u diệp thể tuyến vú là một loại khối u hiếm gặp phát triển trong mô liên kết của vú. Khi nghĩ đến mô vú, bạn có thể nghĩ nhiều hơn đến mô mỡ tạo nên thể tích của vú hoặc mô tuyến tạo ra sữa. Mô liên kết là mô xơ, hỗ trợ giữ các mô khác ở đúng vị trí.
Các khối u diệp thể được tạo ra từ mô liên kết này. U có tính chất dai và có dạng sợi, giống như mô sẹo. Dưới kính hiển vi, u có hình dạng giống như chiếc lá nên có tên gọi là diệp thể trong tiếng Hy Lạp.
Khối u phyllodes có phải là ung thư không?
Phần lớn u diệp thể tuyến vú lành tính, chiếm 80%, còn lại 20% là u diệp thể ác tính thấp và ác tính trung gian.
Các khối u diệp thể thường không xâm nhập vào hệ thống hạch bạch huyết nên hiếm khi di căn hạch và cực kỳ hiếm di căn xa đến các cơ quan khác. Và nếu có thì xảy ra ở loại u diệp thể ác tính cao có thể di căn phổi. U diệp thể thường được điều trị tại chỗ bằng phẫu thuật cắt bỏ rộng quanh khối u. U diệp thể ác không đáp ứng với các phương pháp điều trị toàn thân như hóa trị như các bệnh ung thư vú khác.
Phân biệt khối u diệp thể và u sợi tuyến
U sợi tuyến là loại u vú lành tính phổ biến nhất, xuất phát trong mô liên kết vú. U sợi tuyến có thể khó phân biệt với các khối u diệp thể, ngay cả trên hình ảnh và kết quả giải phẫu bệnh sau mổ.
U sợi tuyến là loại lành tính hoàn toàn nhưng đôi khi có thể bị chẩn đoán nhầm u diệp thể là u sợi tuyến. Vì lý do này mà một số người tin rằng u sợi tuyến có thể biến đổi thành khối u dạng diệp thể khi u tái phát lại cũng vị trí dưới sẹo mổ cũ trên tuyến vú.
Điều quan trọng là bác sĩ của bạn phải xác định xem khối u của bạn là u sợi tuyến hay khối u diệp thể. Vì 2 loại này có tính chất khác nhau nên sẽ có cách xử lý khác nhau. Trong khi các khối u sợi tuyến có xu hướng giữ nguyên hoặc co lại thì các khối u dạng diệp thể có thể phát triển nhanh chóng và trở nên đau hơn, ngay cả khi chúng lành tính.

Các loại u diệp thể tuyến vú
U diệp thể được chia thành 3 loại: lành tính, ác tính trung gian (có đặc điểm giữa lành tính và ác tính) và ác tính cao (u diệp thể ác). [1]
Triệu chứng của u diệp thể tuyến vú
Bạn có thể nhận thấy triệu chứng của u diệp thể tuyến vú là một khối u cứng, trơn láng, được giới hạn rõ ở vú. Khối u diệp thể thường lớn hơn 3 cm và có thể lớn hơn nhiều đến 20-30 cm. U diệp thể có thể phát triển nhanh chóng trong vài tuần. Nếu nó làm căng da của bạn, vùng da trên nó có thể trông sáng bóng, màu đỏ hoặc mờ hoặc có thể bị đau.
Các khối u diệp thể ác tính có thể kèm theo các triệu chứng do bướu to chèn ép hoặc lâu ngày bướu có thể hoá bọc, xuất huyết bên trong, vỡ ra da,… làm người bệnh mệt mỏi, thiếu máu, đau nhức hoặc nhiễm trùng.
Hiếm có khi u diệp thể ác di căn phổi có các triệu chứng của hô hấp.
Nguyên nhân u diệp thể tuyến vú và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây u diệp thể tuyến vú hiện vẫn chưa xác định được. Phụ nữ mắc bệnh di truyền hiếm gặp gọi là hội chứng Li-Fraumeni có nguy cơ cao xuất hiện khối u diệp thể. Khối u này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở tuổi trung niên 40 – 50 tuổi. [2]
U diệp thể tuyến vú có nguy hiểm không?
Rất hiếm ảnh hưởng toàn thân. Phần lớn u diệp thể có thể điều trị tốt. Nếu toàn bộ khối u này được loại bỏ, phẫu thuật đủ rộng có thể chữa khỏi và dễ dàng hơn khi u chưa lan ra ngoài khối u ban đầu. Tuy nhiên, khi u diệp thể ác di căn thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều, nhưng tình huống này rất hiếm và có thể được điều trị bằng hóa trị toàn thân, nhưng phương pháp này không có tác dụng tốt đối với các khối u diệp thể ác di căn.
Ngay cả khi phẫu thuật đủ rộng thì u diệp thể vẫn có thể tái phát trở lại. Cả khối u diệp thể lành tính và ác tính đều có thể tái phát thậm chí nhiều năm sau khi được cắt bỏ.
Điều may mắn là ngay cả khi u diệp thể tái phát thì việc loại bỏ khối u mới với phạm vi rộng hơn xung quanh thường có tác dụng chữa khỏi và hiếm khi di căn hạch hay di căn xa như các loại ung thư vú khác. Tuy nhiên, có tới 30% số người mắc khối u diệp thể ác dạng ung thư ở vú có thể chết vì căn bệnh này.

Biến chứng của u diệp thể tuyến vú
U diệp thể tuyến vú vẫn có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Các khối u diệp thể lành tính đôi khi có thể tái phát trở lại, thường ở cùng một vị trí cũ trên vú, vì vậy bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bạn tái khám. Bởi, rất hiếm khi các khối u diệp thể lành tính có thể tái phát dưới dạng khối u trung gian hoặc ác tính. U diệp thể to quá có thể xuất huyết trong nang, viêm loét ra da.
Phương pháp chẩn đoán u diệp thể tuyến vú
Để chẩn đoán người bệnh u diệp thể tuyến vú, bác sĩ khoa Ngoại Vú sẽ khám vú và xem tính chất của u. Bác sĩ sẽ cho các xét nghiệm hình ảnh để loại trừ các loại khối u vú khác như siêu âm vú và nhũ ảnh. Nhưng thường phải làm sinh thiết để phân biệt khối u diệp thể với u sợi tuyến.
1. Sinh thiết lõi
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể dùng sinh thiết kim lõi dưới hướng dẫn bằng siêu âm để lấy chính xác vào mô đặc của khối u.
2. Xét nghiệm khác
Nếu chẩn đoán vẫn còn nghi ngờ hoặc chưa rõ trên sinh thiết kim lõi thì bác sĩ của bạn sẽ đề nghị sinh thiết khối u 1 phần hoặc cắt bỏ toàn bộ khối u nếu u nhỏ. Sinh thiết sẽ cho biết loại khối u và u có là ác tính hay không. Kết quả sinh thiết sẽ cho bác sĩ hướng điều trị đúng cho bạn.
Việc chẩn đoán có khối u diệp thể không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú xâm lấn nhưng bạn vẫn tầm soát ung thư trên mô vú còn lại giống như các phụ nữ khác.

Phương pháp điều trị bệnh u diệp thể tuyến vú
Một số phương pháp điều trị bệnh u diệp thể tuyến vú, bao gồm:
1. Phẫu thuật
Các bác sĩ của bạn sẽ khuyên bạn phải phẫu thuật loại bỏ khối u, cả khi chúng lành tính. Việc loại bỏ khối u diệp thể lành tính sẽ ngăn nó phát triển, gây đau đớn hoặc biến đổi và trở thành ác tính trong tương lai.
Vì u diệp thể có thể phát triển và thay đổi nhanh chóng nên phẫu thuật cắt bỏ rộng u cũng giúp bạn và bác sĩ của bạn không cần theo dõi nó bằng các xét nghiệm hay kiểm tra sinh thiết thường xuyên.
Cả hai khối u diệp thể lành tính và ác tính đều được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ rộng khối u (phẫu thuật cắt bỏ khối u với một phần mô vú lành xung quanh nó), giúp hạn chế u tái phát, điều này có thể áp dụng cho u diệp thể lành và ác.
Loại phẫu thuật được khuyến cáo tùy thuộc vào vị trí và mức độ lớn của khối u. Nếu u to quá hay tái phát nhiều lần và mô vú lành tính còn ít quá có thể phải đoạn nhũ và thông thường tái tạo vú tức thì sau đoạn nhũ. Bác sĩ của bạn sẽ thảo luận với bạn phương pháp phẫu thuật chi tiết trước khi điều trị.
Nếu khối u của bạn là u diệp thể ác tính, tùy vào mức độ ác tính và độ rộng của phẫu thuật mà bác sĩ của bạn có thể đề nghị xạ trị vào vú sau phẫu thuật.
Thông thường, bạn sẽ không được cắt bỏ các hạch bạch huyết trong quá trình phẫu thuật. Điều này do các khối u diệp thể trung gian hoặc ác tính rất hiếm khi lan đến các hạch bạch huyết dưới vùng nách.

2. Xạ trị
Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
Các khối u diệp thể ác tính thường được điều trị bằng xạ trị sau khi cắt bỏ rộng xung quanh u, nhằm để giảm nguy cơ khối u tái phát ở cùng một vú.
Xạ trị đôi khi có thể được áp dụng để điều trị khối u dạng diệp thể trung gian nhưng u to hay u tái phát nhiều lần. Nhưng cũng phải xạ trị sau khi phẫu thuật cắt rộng u.
3. Điều trị khối u diệp thể ác di căn (khối u thứ phát)
Khối u diệp thể ác di căn đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể thường được điều trị như ung thư mô mềm (sarcoma).
Bác sĩ điều trị sẽ thảo luận về các lựa chọn điều trị và giúp bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ nội khoa ung thư sarcoma.
Hóa trị hiếm khi được sử dụng để điều trị các khối u diệp thể ác tính. Chuyên gia của bạn sẽ thảo luận vấn đề này với bạn nếu bạn được tư vấn phương pháp điều trị này.
Phòng ngừa và chăm sóc người bị u diệp thể tuyến vú
Người bị u diệp thể tuyến vú phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi quá trình điều trị tại bệnh viện kết thúc. Bác sĩ sẽ cho bạn biết những cuộc hẹn tiếp theo tùy vào việc điều trị và mức độ của phẫu thuật trước đó.
Điều quan trọng là bạn phải nhận biết rõ về vị trí u ban đầu và tuyến vú sau điều trị. Hãy gọi cho bác sĩ hoặc quay lại gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở ngực, bất kể bạn nhận thấy chúng sớm như thế nào sau khi chẩn đoán khối u diệp thể.

Khoa Ngoại Vú, PlinkCare TP.HCM quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, liên tục cập nhật phương pháp điều trị mới trên thế giới giúp chị em tầm soát ung thư vú và được lên kế hoạch điều trị toàn diện, hiệu quả và rút ngắn thời gian đáng kể. Đặc biệt, chị em có thể chia sẻ những khó khăn với các thành viên trong Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú – Bệnh viện Tâm Anh.
Hầu hết khối u diệp thể tuyến vú đều lành tính và chỉ một số ít ác tính [3]. Tuy nhiên, ngay cả khi khối u này lành tính nhưng vẫn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, nếu người bệnh nhận thấy vùng vú mình xuất hiện khối u bất thường, hãy đến gặp bác sĩ khoa Ngoại Vú, PlinkCare TP.HCM để được khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng khối u của mình.