
Trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy: Nguyên nhân và cách điều trị
Trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy nguyên nhân do đâu?
Sữa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ như giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng chiều cao,…Một số trẻ bị tiêu chảy khi uống sữa công thức có thể do các nguyên nhân dưới đây:
1. Do trẻ không dung nạp Lactose
Cơ thể không dung nạp lactose là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị tiêu chảy khi uống sữa. Lactose là một loại đường trong sữa và các chế phẩm từ sữa động vật, có vai trò cung cấp glucose cho các hoạt động của não bộ và cơ thể, kích thích sự phát triển của lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa, hỗ trợ hệ miễn dịch. Khi trẻ không dung nạp được lactose, lượng lactose này sẽ chuyển hóa thành acid lactic, khiến trẻ bị tiêu chảy kèm theo các triệu chứng như phân chua, da quanh hậu môn hăm đỏ, trướng bụng,…Trẻ càng tiêu thụ nhiều lactose, tình trạng tiêu chảy và các triệu chứng càng nghiêm trọng.
Nguyên nhân khiến trẻ không dung nạp lactose:
- Bẩm sinh: Bất dung nạp lactose bẩm sinh là một trình trạng hiếm gặp, xảy ra do các rối loạn nhiễm sắc thể ngăn chặn sản xuất men lactase.
- Nguyên nhân nguyên phát: Trẻ thiếu men lactase để tiêu hóa lactose. Phần lớn các trường hợp không dung nạp lactose ở trẻ đều do nguyên nhân này.
- Nguyên nhân thứ phát: Tình trạng này xảy ra do trẻ bị tổn thương ruột non sau viêm dạ dày và có thể hồi phục sau khi viêm dạ dày được chữa khỏi.
2. Do trẻ dị ứng đạm sữa bò
Dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng cơ thể trẻ coi đạm sữa bò là một tác nhân gây hại, từ đó, kích thích sản xuất IgE để phản ứng với các protein này và gây ra các triệu chứng như nổi mẩn, tiêu chảy và nôn mửa. Các triệu chứng thường sẽ xuất hiện trong 1 – 2 giờ sau khi trẻ uống sữa. Ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, các triệu chứng diễn ra nặng nề hơn, có thể có nôn mửa, tiêu chảy mạnh, phân có máu và dịch nhầy.
Tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ có nguy cơ xảy ra cao ở trẻ dưới 1 tuổi và thường sẽ tự hết sau khi trẻ được khoảng 5 tuổi. Thống kê cho thấy, có khoảng 2 – 7.5% trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị dị ứng đạm sữa bò, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại dị ứng thường gặp ở trẻ. Đa số các loại sữa công thức hiện có trên thị trường đều chứa đạm sữa bò là thành phần chính.
Hơn nữa, dị ứng đạm sữa bò có tính chất di truyền. Trẻ có nguy cơ cao bị dị ứng đạm sữa bò cao nếu sinh ra trong gia đình có tiền sử bị dị ứng với thức ăn, thuốc, bị hen, viêm mũi dị ứng và viêm da cơ địa.

3. Do chất lượng sữa kém
Hiện nay, trên thị thường có nhiều loại sữa giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc bị trộn lẫn với sữa thật. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, dễ bị tổn thương. Do đó khi uống sữa kém chất lượng, trẻ rất dễ bị tiêu chảy.
Ở mỗi độ tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ khác nhau, trẻ có thể chỉ phù hợp với một số thành phần nhất định trong sữa. Đối với các thành phần không phù hợp, trẻ có thể bị dị ứng, kém dung nạp, rối loạn tiêu hóa.
4. Do pha sữa sai cách
Không tiệt trùng dụng cụ pha sữa trước khi dùng, không rửa tay với dung dịch khử khuẩn trước khi pha sữa, để sữa qua đêm hoặc để trong thời gian quá dài,… là những yếu tố tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn và virus xâm nhập. Điều này có thể gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và dẫn đến tiêu chảy. Ngoài ra, việc pha sữa quá đặc cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến tiêu chảy ở trẻ.
5. Do bảo quản sữa không đúng hướng dẫn
Quá trình lưu trữ không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa. Nếu hộp sữa không được đậy kín, trong môi trường ẩm ướt hoặc có nhiệt độ cao, các thành phần có trong sữa có thể bị biến chất và vi khuẩn, nấm mốc có thể xâm nhập vào sữa. Điều này sẽ làm thay đổi mùi vị và màu sắc của sữa, đồng thời, khiến trẻ rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.

6. Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện
Trong giai đoạn đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện về cấu trúc và chức năng. Do đó, trẻ rất dễ mắc phải tình trạng tiêu chảy, đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng hoặc trẻ gặp vấn đề tiêu hóa bẩm sinh.
Khi trẻ chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức, ăn dặm hay ăn các loại thức ăn mới khác hoặc khi mẹ thay đổi loại sữa cho trẻ, hệ tiêu hóa chưa thể thích nghi ngay với thức ăn đó. Điều này làm tăng nguy cơ bé bị tiêu chảy.
7. Do mất cân bằng vi sinh đường ruột
Hệ vi sinh đường ruột của trẻ được duy trì bằng sự cân bằng giữa lợi khuẩn và khuẩn gây hại. Tuy nhiên, do tác động từ bên ngoài hoặc các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, trẻ có thể bị loạn khuẩn trong đường ruột. Lúc này, hại khuẩn sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, lấn áp và làm suy giảm chức năng của lợi khuẩn. Từ đó, trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy phải làm sao?
Để khắc phục tình trạng uống sữa công thức bị tiêu chảy ở trẻ, tuỳ vào nguyên nhân cụ thể, bố mẹ có thể thực hiện các cách sau:
1. Đổi sang các dòng sữa hỗ trợ tiêu hóa
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu trẻ không thể bú mẹ được, mẹ nên lựa chọn sữa công thức loại có thành phần dinh dưỡng giống với sữa mẹ nhất, nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của bé. Lưu ý, trong giai đoạn này, trẻ không nên sử dụng sữa bò tươi, sữa đặc có đường, sữa bột nguyên kem hoặc các loại sữa công thức dành cho trẻ trên 6 tháng.
Khi bé đạt đến khoảng 6 tháng tuổi, mẹ có thể tập cho trẻ chuyển từ bú mẹ sang sữa công thức hoặc từ sữa công thức 1 sang sữa công thức 2 của cùng một thương hiệu. Sữa công thức 2 thướng sẽ chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với sữa công thức 1, đặc biệt là chất đạm, nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho bé ở độ tuổi này.
Trẻ từ 1 tuổi trở lên, mẹ nên cho trẻ sử dụng nhiều loại sữa khác nhau trong ngày, bao gồm cả sữa tươi. Mẹ có thể thay đổi loại sữa dựa trên khẩu vị và sở thích của trẻ, cũng như tùy thuộc vào điều kiện gia đình và nhu cầu của trẻ.
2. Tránh dùng các chế phẩm chứa đường lactose
Đối với những trẻ không dung nạp lactose, mẹ nên loại trừ các thực phẩm chứa lactose khỏi thực đơn hàng ngày của trẻ. Đồng thời, mẹ có thể cho trẻ uống sữa không chứa lactose cho đến khi trẻ không còn tiêu chảy. Đây là một loại sữa được coi là một giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ vượt qua giai đoạn tiêu chảy, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng để bé phục hồi sức khỏe.
Bên cạnh đó, mẹ nên chú ý bổ sung canxi cho bé trong khoảng thời gian bị tiêu chảy, vì chế độ ăn không lactose có thể làm giảm sự hấp thu canxi. Mẹ cũng có thể cho trẻ ăn thêm sữa chua để hỗ trợ hệ tiêu hóa sản sinh thêm lactase. Sau khoảng 1 – 2 tuần, khi ruột trẻ đã phục hồi và có thể sản xuất lactase bình thường, mẹ có thể cho trẻ quay lại với chế độ dinh dưỡng trước đó..
3. Bảo quản và pha sữa đúng cách
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ và tối ưu hóa việc hấp thu chất dinh dưỡng, quá trình pha sữa cần phải thực hiện đúng cách và đảm bảo các nguyên tắc vệ sinh. Bố mẹ nên tuân thủ theo đúng tỷ lệ pha sữa, cách pha sữa được ghi trong hướng dẫn. Ngoài ra, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến các bác sĩ dinh dưỡng để biết tỷ lệ và cách pha sữa phù hợp với trẻ.
Bảo quản sữa đúng cách sẽ giúp đảm bảo chất lượng sữa trong suốt thời gian sử dụng. Sữa cần được bảo quản trong môi trường khô thoáng, sạch sẽ và tuân thủ hạn sử dụng được khuyến cáo kể từ khi mở nắp hộp. Sau khi pha sữa cho trẻ, bố mẹ cần đậy kín nắp hộp. Lưu ý, bố mẹ không nên bảo quản sữa trong tủ lạnh hoặc nơi có độ ẩm cao và không sạch sẽ vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi.
Cách hạn chế tình trạng trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy
Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là cách tốt nhất để trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh (1). Dưới đây là một số cách để ngăn ngừa tình trạng trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời: Sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và nhỏ tuổi. Do đó, mẹ nên chú ý thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bản thân nhằm tạo nguồn sữa chất lượng cho trẻ. Tuy nhiên, nếu mẹ không thể cho trẻ bú, mẹ có thể chọn sữa công thức số 1 với thành phần dinh dưỡng gần giống sữa mẹ để đảm bảo con không thiếu chất.
- Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu: Đối với trẻ đã bước qua giai đoạn ăn dặm hoặc lớn hơn, mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, bột và chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày.
- Bổ sung lợi khuẩn cho trẻ: Các vi khuẩn đường ruột như Lactobacillus, Bacillus subtilis, Bacillus clausii, Saccharomyces boulardii có thể giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và cải thiện tình trạng tiêu chảy nhanh chóng. Đồng thời, việc kết hợp các lợi khuẩn này với các axit amin, vitamin và khoáng chất cần thiết sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng đường ruột.
- Kiểm tra kỹ các thành phần, nguồn gốc, hạn sử dụng của sữa: Mẹ nên dừng cho con uống sữa nếu trẻ có biểu hiện dị ứng với bất kỳ thành phần nào của sữa. Tốt nhất, mẹ nên cho trẻ đi khám để xác định các tác nhân gây dị ứng có trong sữa, từ đó, lựa chọn loại sữa khác phù hợp hơn.
- Thực hiện chế độ ăn giàu chất xơ, ăn đúng lượng và đủ chất: Chế độ ăn giàu chất xơ, đảm bảo lượng và chất lượng dinh dưỡng sẽ giúp giảm các vấn đề về tiêu hóa cho trẻ.
- Chọn sữa đúng với lứa tuổi, pha đúng tỷ lệ và bảo quản đúng theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

>>>Có thể bạn chưa biết: Trẻ bị tiêu chảy có nên uống sữa không?
Cách nhận biết trẻ không hợp sữa
Khi trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy, tốt nhất, mẹ nên đổi cho trẻ một loại sữa khác. Dưới đây là một số cách nhận biết trẻ có hợp với sữa không:
1. Dựa theo triệu chứng của trẻ
Quan quan các triệu chứng của trẻ sau khi dùng sữa là cách đơn giản nhất để nhận biết trẻ có bị dị ứng với sữa hay không. Một số triệu chứng cho thấy trẻ không phù hợp với loại sữa đang dùng, mẹ cần thay đổi sữa ngay gồm:
- Tiêu chảy ngay sau khi uống sữa: Nếu trẻ không hợp với sữa, thông thường trẻ sẽ bị tiêu chảy ngay sau khi uống sữa khoảng 15 – 30 phút cho tới vài giờ. Nếu trẻ đi ngoài cách xa bữa sữa, tình trạng này không phải do sữa mà do các vấn đề về đường ruột khác.
- Nổi mẩn đỏ, ngứa, nôn trớ sau khi uống sữa: Trẻ xuất hiện các triệu chứng này thường do dị ứng đạm sữa bò.
- Chậm tăng cân, có biểu hiện suy dinh dưỡng.
2. Thay đổi liều lượng sữa cho trẻ
Khi bắt đầu cho trẻ uống một loại sữa mới, mẹ nên điều chỉnh liều lượng sữa cho trẻ uống để xác định xem bé có phù hợp với loại sữa hay không. Ban đầu, mẹ nên pha sữa loãng, cho trẻ uống khoảng 20ml sữa và quan sát các biểu hiện của bé và tăng/giảm liều lượng sữa phù hợp. Nếu tình trạng tiêu chảy của trẻ không cải thiện sau khi giảm liều sữa, trẻ có thể không phù hợp với loại sữa đó. Nhưng nếu tình trạng tiêu chảy không giảm sau khi giảm hoặc ngừng sữa, mẹ cần xem xét các nguyên nhân khác.
3. Đổi sữa cho trẻ
Một số trường hợp, trẻ không phù hợp với sữa do trẻ không dung nạp được một số thành phần trong sữa. Tuy nhiên, mỗi loại sữa từ các thương hiệu, nhà sản xuất khác nhau sẽ có hàm lượng dinh dưỡng và thành phần khác nhau. Do đó, khi mẹ băn khoăn liệu bé có phù hợp với loại sữa hay không, mẹ có thể thử đổi sang một loại sữa khác và quan sát xem tình trạng của bé có cải thiện không.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, PlinkCare theo địa chỉ:
Tình trạng trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy kéo dài có thể gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Do đó, khi trẻ gặp phải tình trạng này, phụ huynh nên tìm nguyên nhân cụ thể, từ đó, có biện pháp điều trị phù hợp. Nếu tình trạng của trẻ trở nên nặng nề và nghiêm trọng hơn, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để hỗ trợ ngay lập tức.