
Trẻ em dậy thì sớm có nguy hiểm không? 10 biến chứng có thể xảy ra
Tổng quan về dậy thì sớm
Dậy thì sớm là tình trạng trẻ xuất hiện các dấu hiệu trưởng thành về mặt thể chất quá sớm, trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Các dấu hiệu này bao gồm sự phát triển của vú, dương vật,tinh hoàn, thay đổi giọng nói, mọc lông mu, lông nách, xuất hiện kinh nguyệt, mộng tinh, mụn,…
Ngoài các triệu chứng trên, khi chẩn đoán dậy thì sớm ở trẻ, bác sĩ có thể hỏi thêm về các tiền sử bệnh, chế độ dinh dưỡng. Một số xét nghiệm máu có thể được yêu cầu thực hiện để kiểm tra nồng độ hormone: hormone tạo hoàng thể (LH), hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone giới tính (estrogen/testosterone), hormone kích thích sinh dục (GnRH) và hormone tuyến giáp. Chụp X-quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được thực hiện trong chẩn đoán dậy thì sớm ở trẻ. (1)
Trẻ dậy thì sớm cần được phát hiện và hỗ trợ điều trị càng sớm càng tốt. Tùy thuộc vào nguyên nhân, độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của dậy thì sớm, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Mục tiêu chính của các biện pháp điều trị dậy thì sớm và ngăn chặn sự xuất hiện của các dấu hiệu dậy thì cũng như hạn chế tối đa các ảnh hưởng của quá trình này gây ra. Một số trường hợp trẻ có thể được điều trị bằng liệu pháp hormone giải phóng gonadotropin tổng hợp. Biện pháp này có tác dụng ức chế tuyến yên giải phóng hormone gonadotropin, từ đó, ngừng quá trình dậy thì sớm ở trẻ.
Các yếu tố gây ra dậy thì sớm
Nhiều trường hợp trẻ dậy thì sớm không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ tăng cao khi có các yếu tố sau: có khối u (đặc biệt là ở buồng trứng, tinh hoàn, tuyến thượng thận, tuyến yên hoặc não bộ), gặp các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh trung ương, gia đình có tiền sử dậy thì sớm hay mắc một số hội chứng hiếm gặp. (2)
Hiện nay, dậy thì sớm được chia làm hai nhóm chính, dựa vào cơ chế gây nên tình trạng này:
- Dậy thì sớm phụ thuộc vào hormone Gonadotropin (dậy thì sớm trung ương): Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm ở bé gái và hơn một nửa trường hợp ở bé trai đều thuộc dạng này. Đây là tình trạng cơ thể tiết ra hormone gonadotropin sớm hơn bình thường, từ đó gây nên tình trạng dậy thì sớm. Hormone gonadotropin gồm hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH).
- Dậy thì sớm không phụ thuộc vào hormon Gonadotropin: Thay vì sản sinh hormone gonadotropin sớm hơn, cơ thể bắt đầu quá trình dậy thì sớm bằng cách tiết ra nhiều hormone giới tính sớm.
>>>Xem thêm: 10 thực phẩm gây dậy thì sớm ở trẻ em nên tránh xa
Trẻ em dậy thì sớm có nguy hiểm không?
Có. Dậy thì sớm khi không được phát hiện và kiểm soát đúng cách, trẻ có nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe và tâm lý. Do đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám ngay khi có các dấu hiệu hoặc nghi ngờ dậy thì sớm.

Các biến chứng dậy thì sớm ở trẻ em có thể xảy ra
Một số biến chứng gây ra bởi dậy thì sớm ở trẻ em gồm:
1. Chiều cao thấp
Dậy thì sớm khiến chiều cao của trẻ phát triển nhanh chóng, cao hơn hẳn so với bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, xương của trẻ cũng sẽ trưởng thành nhanh hơn, khiến trẻ ngừng phát triển chiều cao sớm hơn. Do đó, trẻ dậy thì sớm thường sẽ có chiều cao thấp hơn mức chiều cao trẻ có thể đạt được khi không dậy thì sớm.
2. Kém tự tin
Ngực phát triển, lông mọc nhiều,… thậm chí bắt đầu có mùi cơ thể khi dậy thì khiến trẻ cảm thấy mình khác biệt với bạn bè xung quanh. Điều này khiến trẻ cảm thấy tự ti, lo lắng, khó hòa nhập hơn. Hơn nữa, trẻ có thể trở thành đối tượng bị bạn bè trêu chọc vì chính sự khác biệt này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ.
3. Trầm cảm, âu lo
Dậy thì sớm khiến cơ thể mất cân bằng hormone, hàm lượng hormone kích thích dậy thì gia tăng nhanh chóng. Điều này khiến tính khí của trẻ trở nên thất thường hơn, dễ trầm cảm, dễ nóng giận, dễ lo lắng, căng thẳng. Đặc biệt, nguy cơ trầm cảm tăng cao ở các bé gái dậy thì sớm do hàm lượng hormone estrogen tăng cao. Ngoài ra, sự thay đổi về vẻ ngoài của cơ thể có thể khiến trẻ cảm thấy căng thẳng hơn, từ đó càng ngày càng lo lắng.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng cho biết: “Trẻ dậy thì sớm không có đủ thời gian để học hỏi và trau dồi các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, đặc biệt là chứng trầm cảm, lo lắng. Do đó, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng âu lo. Vấn đề này có thể kéo dài đến giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành khi không có sự hỗ trợ điều trị từ bác sĩ và người thân.”

4. Căng thẳng, mệt mỏi
Căng thẳng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ. Đây cũng là một trong những hệ lụy thường gặp khi trẻ dậy thì sớm. Khi trẻ căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, trẻ có thể trở nên trầm cảm hoặc sa vào các tệ nạn xã hội như ma túy, rượu, thuốc lá,…
5. Các vấn đề về tình dục
Dậy thì sớm khiến cơ thể trẻ trông trưởng thành hơn so với bạn bè cùng trang lứa, từ đó, tò mò, tìm hiểu về các vấn đề tinh dục, giới tính nhiều hơn. Thống kê cho thấy trẻ dậy thì sớm thường có xu hướng quan hệ tình dục sớm hơn, trước khi trẻ sẵn sàng về mặt cảm xúc và có thể chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Trẻ dậy thì sớm, đặc biệt là các bé gái, có thể trở thành đối tượng dễ bị xâm hại, lạm dụng tình dục.
6. Các vấn đề về xã hội
Trẻ dậy thì sớm thường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập, khi chúng có vẻ ngoài trông trưởng thành hơn so với bạn bè cùng tuổi. Từ đó, trẻ có xu hướng đi chơi với những đứa trẻ lớn hơn và có thể hình thành nên những thói quen không lành mạnh từ những đứa trẻ này như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia,…
7. Các vấn đề về hành vi
Dậy thì sớm có thể khiến trẻ trở nên hung hăng hơn và có những hành vi bộc phát. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do trẻ bị ảnh hưởng xấu từ bạn bè.
Khi dậy thì sớm, trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi chơi với những người bạn giống chúng hoặc lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, nếu những người bạn này không được giáo dục đúng cách, dễ nóng tính, bốc đồng, trẻ có thể bị lây tính xấu này và hình thành nên những hành vi tương tự.
8. Lạm dụng chất gây nghiện
Áp lực, căng thẳng, ảnh hưởng xấu từ những người bạn lớn tuổi hơn có thể khiến trẻ rơi vào các cạm bẫy xã hội, dùng thử các chất gây nghiện như ma túy, thuốc lá, rượu bia,…
Ở các bé trai dậy thì sớm, hàm lượng hormone testosterone tăng cao khiến não kích thích, thực hiện các hành vi với mục đích thể hiện bản thân như ma túy, rượu bia. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các bộ phận của não liên quan đến việc kiểm soát xung động và đưa quyết định vẫn chưa trưởng thành hoàn toàn.

9. Ung thư vú
Ở các bé gái dậy thì sớm, khi lớn lên, nguy cơ ung thư vú của chúng tăng cao hơn bình thường. Điều này xảy ra do cơ thể trẻ tiếp xúc với estrogen sớm. Trẻ tiếp xúc với estrogen càng sớm, nguy cơ mắc ung thư vú càng cao.
10. Rối loạn ăn uống (biếng ăn hoặc ham ăn)
Tình trạng tăng nhanh các hormone giới tính khi dậy thì sớm khiến trẻ dễ mắc phải các vấn đề rối loạn ăn uống. Trẻ có thể biếng ăn, bỏ bữa hoặc ăn nhiều hơn, ăn mất kiểm soát.
Các biện pháp phòng ngừa dậy thì sớm
Thực hiện chế độ dinh dưỡng và vận động khoa học, lành mạnh là cách tốt nhất để ngăn ngừa dậy thì sớm ở trẻ. Đồng thời, để tăng hiệu quả phòng ngừa, bố mẹ nên kết hợp thực hiện các biện pháp sau:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm có chứa estrogen và testosterone hay các chất gây rối loạn nội tiết (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc theo toa cho người lớn,…).
- Kiểm soát cân nặng của trẻ, từ đó, phát hiện sớm và có phương hướng điều trị sớm khi trẻ có dấu hiệu thừa cân, béo phì gây dậy thì sớm.
- Tạo điều kiện, khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn, thực hiện các bài tập thể dục thể thao đều đặn, phù hợp lứa tuổi nhằm giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, nâng cao thể lực và sức đề kháng.
- Cho trẻ ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết với lượng vừa đủ (chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin và khoáng chất).
- Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, chứa chất tăng trưởng,… đặc biệt là những thức ăn gây dậy thì sớm ở trẻ.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, PlinkCare theo địa chỉ:
Trẻ em dậy thì sớm có nguy hiểm không? Dậy thì sớm là một vấn đề thật sự nguy hiểm đối với sức khỏe và sự phát triển, tương lai của trẻ. Do đó, bố mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ đúng cách, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dậy thì sớm cho trẻ.