Image

Trẻ chậm phát triển trí tuệ: Nguyên nhân, dấu hiệu và chẩn đoán

Trẻ chậm phát triển trí tuệ là gì?

Trẻ chậm phát triển trí tuệ là thuật ngữ chỉ những trẻ gặp phải những hạn chế về mặt trí tuệ (IQ – khả năng học tập, lý luận, ra quyết định và giải quyết vấn đề) và hành vi thích nghi (những kỹ năng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày như giao tiếp, kỹ năng xã hội, tự chăm sóc bản thân). Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ vẫn có thể học tập những kỹ năng, kiến thức mới nhưng quá trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn so với trẻ đồng trang lứa.

Chậm phát triển trí tuệ xảy ra ở khoảng 1% dân số trên Thế giới. Trong đó, 85% trường hợp chậm phát triển ở mức độ nhẹ, chỉ chậm hơn một chút so với mức trung bình trong quá trình học tập, ghi nhớ, tiếp cận những thông tin, học tập kỹ năng mới. Khi được hỗ trợ phù hợp, phần lớn những người chậm phát triển trí tuệ nhẹ đều sẽ cải thiện, có thể tự lập khi trưởng thành. (1)

Trẻ chậm phát triển trí tuệ có chỉ số IQ thấp hơn
Trẻ chậm phát triển trí tuệ có chỉ số IQ thấp hơn mức bình thường và gặp nhiều hạn chế trong học tập, rèn luyện các kỹ năng, cần được hỗ trợ từ các chuyên gia và gia đình.

Cấp độ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em

Trẻ chậm phát triển trí tuệ được chia làm 4 mức độ từ nhẹ đến rất nặng:

1. Trẻ chậm phát triển trí tuệ mức nhẹ

Chỉ số IQ của trẻ bị chậm phát triển trí tuệ mức độ nhẹ dao động trong khoảng từ 52 – 75. Trẻ có thể theo học các kiến thức, kỹ năng cơ bản ở mức tiểu học nhưng thường gặp nhiều khó khăn trong việc viết, đọc và đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, trẻ thường bị hạn chế về kỹ năng giao tiếp nhưng nếu được hướng dẫn đúng cách, tình trạng này có thể được cải thiện. Khi trưởng thành, trẻ có thể tự lập, không cần sự hỗ trợ quá nhiều từ gia đình, cộng đồng. (2)

2. Trẻ chậm phát triển trí tuệ mức trung bình

Trẻ chậm phát triển trí tuệ mức trung bình có chỉ số IQ dao động từ 36 – 51. Trẻ có thể tự thực hiện được các hoạt động chăm sóc bản thân cơ bản như tắm, ăn, đi vệ sinh. Về khả năng học tập, trẻ có thể đọc, viết và đếm cơ bản nhưng tốc độ học khá chậm. Khi trưởng thành, trẻ vẫn cần sự hỗ trợ, chăm sóc và giám sát bởi gia đình hoặc ở một số trung tâm cộng đồng.

3. Trẻ chậm phát triển trí tuệ mức nặng

Chỉ số IQ của nhóm trẻ chậm phát triển trí tuệ mức nặng rơi vào khoảng 20 – 35. Trẻ có thể học được các kỹ năng cơ bản để tự chăm sóc bản thân và giao tiếp đơn giản. Khi trưởng thành, trẻ cần hỗ trợ tích cực và giám sát bởi gia đình hoặc có thể sẽ sống trong những trung tâm bảo trợ, chăm sóc người chậm phát triển trí tuệ.

4. Trẻ chậm phát triển trí tuệ mức rất nặng

Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ mức rất nặng chiếm tỷ lệ rất ít, IQ chỉ dưới 20. Để tập các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giao tiếp cho trẻ cần có sự hỗ trợ tích cực từ người lớn. Những trẻ này cần được giám sát, hỗ trợ nhiều trong mọi hoạt động.

Nguyên nhân chậm phát triển trí tuệ

Chậm phát triển trí tuệ diễn ra khi sự phát triển của não bộ bị ảnh hưởng bởi một yếu tố nào đó, có thể xác định được hoặc không xác định được. Ước tính chỉ ⅓ trường hợp được xác định nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ cụ thể. Những nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ phổ biến như:

  • Do di truyền: Hội chứng Down, hội chứng FXS, hội chứng 5p-, hội chứng Klinefelter, khảm, hội chứng Patau, Turner, Phenylketo niệu…
  • Các vấn đề gặp phải trong thai kỳ: Thai phụ dùng rượu bia, ma túy, suy dinh dưỡng hoặc mắc phải một số bệnh lý nhiễm trùng, tiền sản giật…
  • Các vấn đề gặp phải trong sinh nở: Trẻ sinh non, sinh cực non, thiếu oxy trong quá trình sinh nở.
  • Bệnh tật và chấn thương: Di chứng của các biến chứng nhiễm trùng như viêm màng não, ho gà, sởi. Hoặc di chứng do té ngã gây chấn thương đầu, gần chết đuối, suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
  • Môi trường sống: Trẻ thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại như chì, thiếu tình cảm từ gia đình, bị bỏ bê, ngược đãi, bạo hành.
Nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ ở trẻ
Nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ ở trẻ có thể liên quan đến các vấn đề, tai nạn trong quá trình mang thai hoặc sinh nở.

Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí não

Dấu hiệu chậm phát triển trí não ở trẻ em có thể khác nhau ở từng trường hợp và tùy thuộc vào mức độ, độ tuổi. Một số trẻ có biểu hiện từ rất sớm, trong thời thơ ấu nhưng không được chú ý cho đến khi trẻ đến tuổi đi học. Triệu chứng phổ biến của chậm phát triển trí tuệ gồm:

1. Trí nhớ kém

Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ thường sẽ gặp nhiều khó khó khăn để ghi nhớ những thông tin, chi tiết nhỏ như tên, số điện thoại… Trẻ có thể chỉ nhớ ngắn hạn và thường không nhớ những sự kiện, thông tin đơn giản xảy ra trong khoảng vài giây, vài phút trước đó. Khả năng ghi nhớ sẽ càng bị hạn chế nếu mức độ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ càng nặng.

2. Học chậm

Khả năng học tập, tiếp thu và vận dụng những kiến thức mới ở trẻ chậm phát triển sẽ chậm hơn so với trẻ bình thường. Trẻ có thể cần một chương trình giáo dục đặc biệt, các hoạt động, thông tin mới được lặp lại nhiều lần với sự hỗ trợ của các chuyên gia, bố mẹ.

3. Không thể tập trung

Khả năng tập trung, chú ý của trẻ chậm phát triển trí tuệ kém. Do vậy, rất khó để trẻ có thể tập trung tối đa vào một vấn đề. Đây cũng là yếu tố khiến trẻ học chậm và khó ghi nhớ.

4. Thiếu hứng thú

Trẻ chậm phát triển trí tuệ gặp nhiều khó khăn trong học tập, giải quyết vấn đề… Chính sự thất bại liên tục, thất bại nhiều lần khiến trẻ mất hy vọng, thiếu hứng thú với các hoạt động.

Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ nghiêm trọng có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe khác như co giật, tâm lý bất thường (lo lắng, tự kỷ…), suy giảm vận động và các vấn đề về thị giác, thính giác.

Trẻ chậm phát triển trí tuệ có chữa khỏi được không?

Không, chậm phát triển trí tuệ ở trẻ không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, việc phát hiện, can thiệp sớm và các biện pháp hỗ trợ có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng và nâng cao khả năng học tập, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống về sau.

Chẩn đoán trẻ chậm phát triển trí tuệ

Khi khám cho trẻ chậm phát triển, bác sĩ sẽ thực hiện một số bài kiểm tra để đo lường chỉ số IQ và khả năng, hành vi thích nghi của trẻ. Bác sĩ có thể hỏi thêm bố mẹ một số thông tin về biểu hiện, sinh hoạt hay các dấu hiệu nghi ngờ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ.

Mức IQ trung bình sẽ dao động trong khoảng từ 85 – 115. Trẻ chậm phát triển trí tuệ có mức IQ thấp, thường từ 75 trở xuống.

Đồng thời, bác sĩ sẽ đánh giá các kỹ năng của trẻ với những trẻ khác trong cùng độ tuổi xem trẻ có thể tự ăn hay tự mặc quần áo hay không? Trẻ có thể giao tiếp, hiểu lời nói của người khác không? Cách trẻ tương tác với gia đình, bạn bè và những trẻ khác cùng độ tuổi…

Bên cạnh đó, trẻ sẽ được kiểm tra về thính giác, thị giác. Nếu nghi ngờ trẻ chậm phát triển do bất thường di truyền, chuyển hóa hay các vấn đề về não bộ, cấu trúc não bộ… bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số cận lâm sàng liên quan như xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp CT, MRI, đo điện não đồ (EEG)… để xác định vấn đề mà trẻ đang gặp phải.

Trẻ sẽ được kết luận chậm phát triển trí tuệ nếu có IQ thấp và gặp phải các vấn đề về hành vi thích nghi. Lưu ý nếu trẻ chỉ có IQ thấp hoặc vấn đề về hành vi, trẻ sẽ không được đánh giá là chậm phát triển trí tuệ. Trong quá trình chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ ở trẻ, bác sĩ xác định điểm mạnh, điểm yếu cụ thể của từng trẻ, từ đó xác định phương hướng điều trị, hỗ trợ phù hợp.

Cách điều trị chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em

Tùy vào tình trạng, độ tuổi phát hiện chậm phát triển ở trẻ, bác sĩ sẽ có phương án tư vấn điều trị, hỗ trợ cho trẻ phù hợp. Điều trị chậm phát triển ở trẻ em là một hành trình lâu dài, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, chuyên gia từ các chuyên khoa liên quan và bố mẹ. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm liệu pháp ngôn ngữ, nghề nghiệp, vật lý trị liệu, tư vấn gia đình, đào tạo với các thiết bị hỗ trợ đặc biệt và liệu pháp dinh dưỡng.

  • Thuốc cho trẻ chậm phát triển trí não: Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ không có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng và các triệu chứng, vấn đề trẻ gặp phải, bác sĩ có thể kê thuốc điều trị hỗ trợ như thuốc chống co giật, tăng động…
  • Phục hồi chức năng trẻ chậm phát triển trí não: Tùy vào tình trạng chậm phát triển trí tuệ cụ thể, các các điểm mạnh, điểm yếu của trẻ, các chuyên gia, bác sĩ từ chuyên khoa liên quan sẽ xây dựng phác đồ điều trị, phục hồi chức năng phù hợp. Mục đích chính của việc điều trị này là hỗ trợ, trang bị cho trẻ những kỹ năng cơ bản như tự chăm sóc bản thân, giao tiếp… để trẻ trở thành phiên bản tốt nhất có thể.
Điều trị trẻ bị chậm phát triển trí tuệ bằng liệu pháp dinh dưỡng
Điều trị trẻ bị chậm phát triển trí tuệ bằng liệu pháp dinh dưỡng là một cách hỗ trợ tốt cho sự phát triển của trẻ.

Phương pháp dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ

Nếu gia đình có trẻ chậm phát triển trí tuệ, điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần phải trang bị đầy đủ kiến thức về chăm sóc cũng như có phương pháp dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ phù hợp. Lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc, những câu chuyện của trẻ sẽ góp phần làm tăng gắn kết, tin tưởng, từ đó dễ dàng giúp đỡ, hỗ trợ trẻ hơn.

Bố mẹ nên khuyến khích sự độc lập của trẻ, tạo điều kiện để trẻ tự làm mọi thứ, chỉ hướng dẫn và giúp trẻ khi thật sự cần tiết. Khi trẻ cố gắng thực hiện, làm tốt hoặc thành thạo một việc mới, hãy dành những lời khen, phản hồi tích cực để khích lệ trẻ cố gắng tốt hơn mỗi ngày.

Tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè đồng trang lứa sẽ giúp trẻ cải thiện các kỹ năng xã hội. Bố mẹ có thể trao đổi thêm về tình trạng của trẻ với giáo viên, người hướng dẫn để trẻ được chú ý hơn trong quá trình học tập, làm việc nhóm, giao tiếp với bạn bè. Ngoài học tập tại trường lớp, trẻ cần được luyện tập nhiều hơn, củng cố kiến thức tại nhà.

Phòng ngừa trẻ chậm phát triển trí tuệ

Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ không có cách phòng ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, bố mẹ có thể giảm nguy cơ xảy ra tình trạng này bằng những cách phòng ngừa dưới đây:

  • Chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình mang thai: Thăm khám sức khỏe tiền sản, tiêm vaccine, trang bị kiến thức, tâm lý sẵn sàng cho “hành trình 9 tháng 10 ngày” đón bé yêu.
  • Thăm khám thai định kỳ: Khi mang thai, mẹ chú ý hạn chế các hoạt động mạnh, phòng ngừa bệnh nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Không uống rượu bia, ma túy, hút thuốc lá hay dùng các chất kích thích. Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất. Thăm khám thai theo đúng hẹn để bác sĩ theo dõi sự phát hiện của thai nhi, phát hiện sớm các bất thường (nếu có).
  • Cho trẻ tiêm vaccine đủ mũi, đúng lịch nhằm tăng sức đề kháng và miễn dịch giúp trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, viêm não… ảnh hưởng đến chức năng và sự phát triển của não bộ, thần kinh.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát triển và tầm soát sức khỏe cho trẻ nhằm phát hiện và có phương hướng can thiệp sớm, đúng cách, giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Trẻ chậm phát triển trí tuệ khó tập trung, học tập, ghi nhớ và thực hiện các kỹ năng thiết yếu để có thể tự chăm sóc cho bản thân và hòa nhập với xã hội. Sự đồng hành của bố mẹ đóng vai trò quan trọng, giúp trẻ đạt được những kết quả tốt hơn trong suốt quá trình học tập và phát triển.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send