Image

Trẻ bị viêm phổi có tự khỏi được không? Yếu tố nào quyết định?

Trẻ bị viêm phổi có tự khỏi được không?

Trẻ bị viêm phổi không thể tự khỏi được. Viêm phổi khiến trẻ mệt mỏi, cáu kỉnh, sốt cao, ho, khó thở… Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng đe dọa đến tính mạng của trẻ. Như vậy, dựa vào kết quả thăm khám cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị cũng như tư vấn cách chăm sóc trẻ phù hợp cho cha mẹ.

1. Tùy thuộc vào nguyên nhân

Có nhiều tác nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ. Với mỗi loại tác nhân gây bệnh, trẻ sẽ được điều trị theo một phương pháp khác nhau nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu nhất, giúp bệnh nhanh khỏi.

  • Viêm phổi do virus: Thông thường viêm phổi do virus ở trẻ diễn ra ở mức độ nhẹ, có thể tự khỏi khi được chăm sóc đúng cách tại nhà. Tuy nhiên, quá trình tự hồi phục chậm và có thể mất đến 4 tuần. (1)
  • Viêm phổi do vi khuẩn: Tùy vào loại vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh với liều dùng phù hợp với tuổi, cân nặng và thể trạng của trẻ. Bằng cách chăm sóc đúng cách, dùng thuốc đúng chỉ định, viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ sẽ có thể nhanh chóng được chữa khỏi.
  • Viêm phổi do nấm: Tác nhân này tương đối hiếm gặp. Nếu trẻ bị viêm phổi nghi do nấm, trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng nấm.

Bên cạnh điều trị nguyên nhân, bác sĩ có thể kê thêm một số thuốc có tác dụng hỗ trợ cơ thể giảm nhẹ các triệu chứng.

Như vậy, việc điều trị viêm phổi ở trẻ em cần phải có chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh vì điều này có thể gây ra các biến chứng không mong muốn. Bác sĩ sẽ xác định loại thuốc và liều lượng phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe của trẻ, giúp đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị.

Trẻ có dấu hiệu bị viêm phổi cần được bác sĩ khám
Trẻ có dấu hiệu bị viêm phổi cần được bác sĩ khám, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

2. Tùy thuộc vào tuổi tác và sức khỏe tổng thể

Không chỉ điều trị dựa vào nguyên nhân gây bệnh, quyết định cách điều trị viêm phổi ở trẻ còn dựa vào độ tuổi và thể trạng sức khỏe. Bởi ở những trẻ lớn hơn, có sức đề kháng, miễn dịch tốt hơn thì khả năng chống chọi lại với vi khuẩn, virus tốt hơn.

Ngược lại, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ nhũ nhi và những trẻ có bệnh lý nền, bệnh viêm phổi có xu hướng diễn tiến nặng và nhanh chóng hơn. Do đó, khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, nghi ngờ viêm phổi, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn cách điều trị phù hợp càng sớm càng tốt.

Viêm phổi ở trẻ em xuất hiện biến chứng có tự khỏi được không?

Không, viêm phổi ở trẻ một khi đã xuất hiện biến chứng có nghĩa là bệnh đã ở mức độ nặng và có khả năng đe dọa tính mạng của trẻ. Ở một số trường hợp rất nặng, thậm chí viêm phổi có thể để lại những di chứng sau này cho trẻ.

Viêm phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Triệu chứng ban đầu của viêm phổi dễ gây nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường. Kết hợp với sự chủ quan của bố mẹ, nhiều trường hợp trẻ bị viêm phổi được đưa đến bệnh viện khi bệnh đã nặng, xuất hiện biến chứng. Một số biến chứng viêm phổi ở trẻ thường gặp như: Suy hô hấp, tím tái dẫn đến giảm oxy máu, áp xe phổi, viêm phổi hoại tử, tràn mủ màng phổi, nhiễm trùng huyết…

Trong quá trình chăm sóc và theo dõi trẻ viêm phổi tại nhà, bố mẹ cần cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức nếu có các biểu hiệu dưới đây:

  • Sốt cao liên tục, sốt kéo dài;
  • Đau tức ngực;
  • Khó thở, rút lõm lồng ngực, thở rên;
  • Tím tái, nhợt nhạt;
  • Co giật;
  • Lừ đừ, li bì;
  • Nhức mỏi toàn thân;
  • Có dấu hiệu mất nước: môi khô, mắt trũng, tiểu ít.
  • Ăn bú giảm hoặc biếng ăn, biếng bú.
  • Bệnh lý nền kèm theo có thể làm nặng thêm tình trạng viêm phổi: tim bẩm sinh, bệnh lý thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch, rối loạn chuyển hóa, sinh non…
nếu không được điều trị bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm
Trẻ bị viêm phổi nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây biến chứng, đe dọa tính mạng.

Cách chẩn đoán bệnh viêm phổi ở trẻ em

Chẩn đoán viêm phổi ở trẻ sẽ bao gồm khám lâm sàng và cận lâm sàng:

1. Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng viêm phổi của trẻ qua các biểu hiện về mặt lâm sàng như sốt, sổ mũi, ho, đau ngực, khó thở, mệt mỏi… kiểm tra nhịp thở, kiểu thở và âm thanh bất thường ở phổi của trẻ. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể hỏi thêm bố mẹ về tiền sử bệnh, thời điểm xuất hiện các triệu chứng cũng như các biện pháp hỗ trợ, điều trị mà gia đình đã tự thực hiện tại nhà.

2. Xét nghiệm cận lâm sàng

Để xác định nguyên nhân gây bệnh cụ thể, mức độ tổn thương phổi cũng như kiểm tra các biến chứng của viêm phổi nếu có… một số cận lâm sàng có thể được chỉ định tùy theo mức độ nặng của bệnh:

  • Chụp X-quang phổi;
  • Xét nghiệm máu;
  • Cấy dịch tiết đường hô hấp;
  • Nội soi phế quản;
  • Nuôi cấy dịch màng phổi;
  • Chụp CT ngực.

Cách điều trị viêm phổi ở trẻ em

Trẻ bị viêm phổi có thể được chỉ định nhập viện điều trị hoặc kê thuốc, tư vấn chăm sóc tại nhà. Đối với những trường hợp viêm phổi có thể điều trị, chăm sóc tại nhà, bố mẹ cần lưu ý:

  • Cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, theo dõi trẻ sau khi dùng thuốc và thống báo cho bác sĩ ngày nếu trẻ có dấu hiệu gặp phải tác dụng phụ của thuốc hay tình trạng bệnh không cải thiện.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, chia nhỏ cữ ăn hàng ngày để đảm bảo bổ sung đủ dinh dưỡng và năng lượng cho trẻ.
  • Tạo không gian yên tĩnh để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý để trẻ dễ thở.
  • Uống đủ nước.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá.
  • Cho trẻ tái khám đúng hẹn hoặc tái khám ngay khi có bất thường.
Viêm phổi nặng, trẻ cần nhập viện để điều trị tích cực, hỗ trợ hô hấp
Viêm phổi nặng, trẻ cần nhập viện để điều trị tích cực, hỗ trợ hô hấp.

Biện pháp phòng tránh viêm phổi ở trẻ em

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.9 triệu trẻ em mắc bệnh viêm phổi, trong đó có đến 4.000 trẻ tử vong (2). Nhiều trường hợp trẻ tái nhiễm viêm phổi nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của trẻ. Vì vậy, cần chủ động phòng ngừa viêm phổi cho trẻ một cách hiệu quả. Một số biện pháp phòng ngừa viêm phổi ở trẻ em bố mẹ nên biết:

  • Tiêm vaccine: Tiêm vaccine giúp cơ thể tăng cường kháng thể và miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm bệnh do vi khuẩn, virus gây ra. Đặc biệt là vaccine cúm và phế cầu. Nếu trẻ được tiêm vaccine đủ mũi và đúng lịch thì nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và các bệnh hô hấp thường gặp có thể giảm đến 95%. Nếu không may mắc bệnh, tình trạng bệnh cũng thường ít nghiêm trọng hơn.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe và phát triển của trẻ, phát hiện sớm và có can thiệp phù hợp các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Ngoài ra, nếu trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn phù hợp càng sớm càng tốt.
  • Đảm bảo các yếu tố vệ sinh: Tạo không gian sống sạch sẽ, thông thoáng, không bị ô nhiễm, khói bụi hay có khói thuốc lá. Tắm rửa, vệ sinh răng miệng, mũi họng hàng ngày. Đặc biệt, tạo thói quen rửa tay với xà phòng khử khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tránh đưa tay lên vùng mắt, mũi và miệng. Khi ho, hắt hơi hay xì mũi, cần dùng khăn giấy che vùng mũi miệng và vứt khăn giấy đã sử dụng và thùng rác.
  • Sống lành mạnh: Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, tham gia các bộ môn thể thao ngoài trời, vận động vừa sức giúp trẻ tăng đề kháng, khỏe khoắn hơn. Bên cạnh đó, cần tránh để trẻ thức khuya, căng thẳng, áp lực, đảm bảo ngủ đủ giấc.
  • Dinh dưỡng khoa học: Trẻ em cần được bổ sung đủ dinh dưỡng và năng lượng để cơ thể phát triển mỗi ngày. Bố mẹ lưu ý cho trẻ ăn uống lành mạnh, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây tươi. Bên cạnh đó, mẹ có thể cho trẻ dùng thêm các loại sữa chua để hỗ trợ hệ tiêu hóa, tăng khả năng hấp thu.
  • Uống đủ nước: Nước là một phần thiết yếu của cơ thể. Vì vậy, cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước, đảm bảo cơ thể được bổ sung đủ nước mỗi ngày.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới bệnh viện theo địa chỉ:

Trẻ bị viêm phổi có tự khỏi được không? Theo mức độ nặng của bệnh, nguyên nhân, độ tuổi và tổng trạng sức khỏe của trẻ, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị cũng như chăm sóc trẻ bị viêm phổi cho cha mẹ. Vì vậy, tuyệt đối không chủ quan, cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ khám và tư vấn phù hợp khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send