
Trẻ bị hen suyễn nên ăn gì, kiêng ăn gì an toàn và mau khỏe?
Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với trẻ bị hen suyễn
Mặc dù không có chế độ ăn kiêng chung dành cho trẻ bị hen suyễn. Tuy nhiên, bố mẹ cần chú ý đến đến độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Một số nghiên cứu cho thấy việc ăn nhiều hơn hoặc ít hơn một số thực phẩm nhất định sẽ giúp cải thiện tình trạng hen suyễn ở trẻ.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp là một phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc, điều trị hen suyễn ở trẻ em. Một chế độ ăn cân bằng, đầy đủ dưỡng chất không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng hen và ngăn ngừa các đợt kịch phát. Bên cạnh đó, dinh dưỡng cân bằng giúp duy trì cân nặng ở trẻ ở mức phù hợp, không thừa cân, không béo phì, hạn chế tình trạng viêm trong cơ thể, từ đó giảm các triệu chứng hen suyễn, nâng cao chất lượng sống. (1)
Trẻ bị hen suyễn nên ăn gì?
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và cải thiện tình trạng của trẻ bị hen suyễn. Dưới đây là những nhóm thực phẩm nên cân nhắc khi thắc mắc trẻ bị hen suyễn nên ăn gì?
1. Thực phẩm nhiều Vitamin C
Thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, kiwi, súp lơ xanh, cà chua… giúp trẻ tăng cường đề kháng, hỗ trợ miễn dịch cho trẻ. Từ đó góp phần giảm các triệu chứng khò khè, viêm mũi dị ứng do hen suyễn.

2. Thực phẩm nhiều Vitamin D
Bố mẹ cần bổ sung đủ lượng vitamin D mỗi ngày cho trẻ bởi vitamin D giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, cải thiện chức năng phổi, giảm nguy cơ tái phát những cơn hen cấp tính, hen nặng. Một số thực phẩm giàu vitamin D nên có trong bữa ăn hàng ngày của trẻ như sữa, nấm, cá hồi, trứng.
3. Thực phẩm nhiều Omega-3
Tháng 1/2015, tạp chí Allergology International đưa ra kết quả của một nghiên cứu về lợi ích của dầu cá trong việc bảo vệ cơ thể chống tại các tác nhân gây viêm, hen suyễn. Omega 3 chứa nhiều trong các loại cá béo góp phần giảm tình trạng viêm ở trẻ bị hen suyễn.
4. Thực phẩm giàu magie
Theo các chuyên gia, trẻ bị hen suyễn thường có lượng magie trong cơ thể thấp, cần được bổ sung thêm qua chế độ ăn và có thể cân nhắc dùng thực phẩm bổ sung theo chỉ định của bác sĩ. Magie đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tình trạng viêm, giãn cơ trơn, cải thiện lưu thông khí, giúp giảm bớt các triệu chứng hen. Một số thực phẩm giàu magie bố mẹ nên bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ: các loại rau xanh, trái bơ, các loại đậu, hạt, chuối, ngũ cốc nguyên hạt…
5. Thực phẩm giàu Vitamin A
So với trẻ bình thường, trẻ bị hen suyễn có lượng vitamin A trong máu thấp hơn. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và hoạt động, chức năng của phổi. Vì vậy, cần cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A để hệ hô hấp của trẻ khỏe mạnh.
6. Rau xanh và các loại củ quả có màu sắc
Rau xanh và các loại trai cây, rau củ có màu sắc như vàng, đỏ, cam chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Không chỉ vậy những thực phẩm này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương, bảo vệ phổi.

7. Alliums
Thực phẩm chứa nhiều Alliums như hành, hẹ tây… góp phần giúp giảm viêm, cải thiện tình trạng hô hấp, tăng cường đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp. Do đó, bên cạnh những thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin khác, bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ ăn những thực phẩm chứa Alliums.
8. Chất chống oxy hóa
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa góp phần cải thiện tình trạng viêm ở trẻ bị hen suyễn, bảo vệ phổi và duy trì chức năng phổi. Chất chống oxy hóa được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm như việt quất, dâu tây, rau xanh đậm màu (bina, cải xoăn), các loại hạt…
Trẻ em bị hen suyễn kiêng ăn gì?
Bên cạnh trẻ bị hen suyễn nên ăn gì, một số thực phẩm có thể khiến tình trạng hen suyễn ở trẻ trở nên trầm trọng hơn, cần kiêng đúng cách như:
1. Thực phẩm giàu calo
Thức ăn nhanh là nhóm thực phẩm chứa nhiều calo, chất béo bão hòa, giá trị dinh dưỡng ít, khiến trẻ nhanh no và dễ gặp các vấn đề rối loạn tiêu hóa. Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu calo không chỉ tăng nguy cơ béo phì ở trẻ mà còn gây ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan khác. Theo một số nghiên cứu, hen suyễn có xu hướng nghiêm trọng hơn ở người béo phì. Do đó, cần cân nhắc bổ sung lượng calo phù hợp, cân bằng giữa lượng calo nạp vào và tiêu thụ ở trẻ. (2)
2. Chất kích thích
Cà phê, bia rượu hay hút thuốc lá thụ động làm tăng kích thích phế quản, gây co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy, gây khởi phát cơn hen cấp tính. Vì vậy, cần đặc biệt tránh cho trẻ tiếp xúc với các chất kích thích, cà phê, bia rượu, khói thuốc.
3. Thực phẩm có gas
Thức uống có gas có tác dụng kích thích vị giác, là đồ uống yêu thích của phần lớn trẻ em. Tuy nhiên, trẻ uống quá nhiều nước có gas nhất là khi vừa ăn no sẽ làm tăng áp lực lên cơ hoành, khiến trẻ khó thở. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn nếu trẻ bị trào ngược dạ dày.

4. Chất bảo quản thực phẩm
Chất bảo quản thực phẩm – Sulfites thường được tìm thấy trong các thực phẩm, đồ uống đóng hộp, thực phẩm ngâm chua, trái cây sấy khô… Theo nghiên cứu từ Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Mỹ, tiêu thụ nhiều sulfites sẽ làm tăng nguy cơ hen suyễn ở một số người và khiến các triệu chứng hen suyễn trở nên trầm trọng hơn.
5. Thực phẩm gây dị ứng
Ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng cũng có thể khiến bệnh hen suyễn trở nặng hơn. Ước tính có khoảng 5% trường hợp hen phế quản trở nặng khi ăn phải các thực phẩm dị ứng. Do đó, cần tránh cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng, đặc biệt nếu trẻ có tiền sử dị ứng hoặc đã từng phản ứng với những loại thực phẩm đó. Một số thực phẩm thường dễ gây dị ứng bao gồm đậu phộng, hải sản, trứng, và các sản phẩm từ sữa.
6. Thực phẩm mặn (có chứa muối)
Trẻ bị hen suyễn nên hạn chế ăn những thực phẩm quá mặn hoặc quá chua. Theo thống kê từ Mỹ, chế độ ăn hàng ngày có lượng natri (muối) cao sẽ tăng kích thích khí quản, tăng nguy cơ bị hen suyễn, khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn. (3)
7. Thực phẩm đông lạnh
Hầu hết thực phẩm đông lạnh đều chứa một lượng sulfite nhất định và có chứa natri bisulfit – một loại chất bảo quản thực phẩm khác. Vì vậy cần hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm được chế biến từ đồ đông lạnh, thường gặp như cá/hải sản đông lạnh.
8. Thực phẩm đóng gói, đồ hộp
Tiêu thụ thực phẩm đóng gói, đồ hộp, đồ chế biến sẵn hiện dần trở thành xu hướng tiêu thụ của nhiều gia đình trong thời gian gần đây bởi sự tiện dụng. Tuy nhiên, những thực phẩm này cũng chứa các chất bảo quản thực phẩm không tốt cho sức khỏe, dễ khiến tình trạng hen suyễn ở trẻ trở nên xấu hơn, tăng nguy cơ tái phát cơn hen.
9. Trans fat và omega 6
Omega 6 và chất béo chuyển đổi được tìm thấy nhiều trong dầu thực vật, thực phẩm chế biến sẵn và một số loại bơ. Tiêu thụ nhiều những thực phẩm này có thể khiến bệnh hen suyễn và các bệnh lý khác như tim mạch trở nên trầm trọng hơn.
10 Thực phẩm ngâm chua
Trẻ bị hen suyễn nên tránh ăn các thực phẩm ngâm chua, các loại dưa muối, cà muối, nước lên men. Thực phẩm ngâm chua rất dễ kích thích các phản ứng dị ứng, chứa nhiều chất bảo quản sulfite không tốt cho sức khỏe.
Lưu ý khi lên chế độ ăn cho trẻ bị hen suyễn
Khi lên chế độ ăn cho trẻ bị hen suyễn, phụ huynh cần lưu ý nhiều yếu tố để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh. Một số lưu ý khi lên chế độ ăn của trẻ bị hen suyễn:
- Xác định rõ các thực phẩm gây dị ứng hoặc kích phát cơn hen.
- Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, ưu tiên các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin C, D, E và khoáng chất như kẽm để tăng cường hệ miễn dịch.
- Chia nhỏ bữa ăn, tránh để trẻ ăn quá no có thể gây áp lực lên cơ hoành và ảnh hưởng đến hô hấp. “Ăn chậm, nhai kỹ”, hít thở đều đặn, thư giãn trong bữa ăn.
- Duy trì cân nặng hợp lý cho trẻ.
- Chế biến thức ăn, hạn chế các món chiên rán, nhiều dầu mỡ và gia vị.
- Ghi chép nhật ký ăn uống và theo dõi phản ứng của trẻ cũng rất hữu ích trong việc điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
Trẻ bị hen suyễn có cần tham khảo bác sĩ về chế độ ăn uống không?
Có, để có chế độ ăn uống cho trẻ bị hen suyễn phù hợp, bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Mỗi trường hợp bị hen suyễn ở trẻ sẽ có những yếu tố kích phát hen khác nhau, có thể bao gồm dị ứng thực phẩm. Vì vậy, chế độ ăn của trẻ cần được bác sĩ xây dựng kỹ lưỡng qua khám tổng thể tình trạng sức khỏe, mức độ hen, tiền sử dị ứng và một số xét nghiệm chuyên sâu.
Đồng thời, các chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng có thể giúp bố mẹ lập kế hoạch bữa ăn cân bằng, đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ nhưng vẫn tránh được các thực phẩm có nguy cơ gây kích phát cơn hen. Việc theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các cơn hen cấp và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ.
Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp được thắc mắc “Trẻ bị hen suyễn nên ăn gì? kiêng ăn gì?” của các bậc phụ huynh. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, phù hợp là yếu tố quan trọng trong chăm sóc trẻ bị hen suyễn tại nhà.