Image

Trẻ bị đau đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cha mẹ nên làm gì?

Trẻ bị đau đầu

Hiện tượng đau đầu ở trẻ em

Đau đầu là hiện tượng đau nhức, khó chịu vùng đầu hoặc mặt. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc thường xuyên, khu trú hoặc toàn bộ vùng đầu, mặt. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, thậm chí là trẻ sơ sinh. Theo thống kê, tình trạng đau nhức đầu xảy ra ở 25% trẻ nhỏ và 75% thanh thiếu niên. Đau nửa đầu là một trong năm bệnh phổ biến nhất ở trẻ, đặc biệt, trẻ trong độ tuổi đi học, thanh thiếu niên là đối tượng phổ biến nhất. (1)

Đau đầu ở trẻ là một hiện tượng phổ biến
Đau đầu ở trẻ là một hiện tượng phổ biến, có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Các dạng đau đầu thường gặp ở trẻ nhỏ

Cơn đau đầu ở trẻ được chia làm 2 nhóm chính:

1. Đau đầu cấp tính

Nguyên nhân dẫn đến các cơn đau đầu cấp tính chủ yếu do thời tiết và các yếu tố xung quanh khiến trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính. Một số bệnh thường gặp như viêm họng, viêm amidan cấp, viêm xoang, sốt xuất huyết, viêm não, viêm màng não.

2. Đau đầu tái phát

Trẻ đau đầu thường xuyên, cơn đau lặp đi lặp lại nhiều lần là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Đặc biệt khi trẻ có các dấu hiệu đau nửa đầu, đau do căng cơ, căng thẳng hay thiếu máu não,… bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân đau đầu ở trẻ em

Cơn đau đầu của trẻ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân gây đau đầu thường gặp gồm:

1. Bệnh tật và nhiễm trùng

Các bệnh thường gặp ở trẻ như cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm trùng (đặc biệt nhiễm trùng tai và xoang) là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị đau đầu.

Đối với các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm hơn như viêm não, viêm màng não,… trẻ cũng có thể có biểu hiện đau đầu. Tuy nhiên, cơn đau đầu của trẻ cũng sẽ đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng khác như sốt cao, gáy cứng, nôn mửa và rối loạn tri giác.

Đau đầu có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nhiễm trùng
Đau đầu có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nhiễm trùng.

2. Chấn thương đầu

Trẻ tinh nghịch, té ngã khiến đầu xuất hiện các vết thương, sưng, bầm tím,… cũng có thể dẫn đến đau đầu. Do đó, khi thấy con bị chấn thương đầu, đặc biệt khi va đập mạnh, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra chi tiết. Nếu cơn đau đầu của trẻ ngày càng trở nên tồi tệ hơn sau đó, hãy liên hệ lại với bác sĩ để được hỗ trợ.

3. Bệnh về mắt

Các vấn đề về mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị khi không được phát hiện sớm, đeo kính đúng tiêu cự, mắt phải điều tiết liên tục, dẫn đến đau đầu. Ngoài ra, các bệnh lý về mắt như viêm kết mạc, viêm tuyến lệ,… cũng có thể gây đau đầu ở trẻ.

4. Yếu tố cảm xúc

Căng thẳng, lo lắng trong học tập hay với các mối quan hệ xung quanh (bạn bè, giáo viên, phụ huynh) cũng là nguyên nhân khiến trẻ đau đầu. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị đau đầu khi trẻ bị trầm cảm, cô đơn và buồn bã.

Trẻ có thể đau đầu do căng thẳng, áp lực trong học tập
Trẻ có thể đau đầu do căng thẳng, áp lực trong học tập.

5. Khuynh hướng di truyền

Theo chia sẻ của các chuyên gia, chứng đau đầu, đặc biệt là đau nửa đầu có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Tức, nếu được sinh ra trong gia đình có tiền sử sử bị đau đầu, trẻ có nguy cơ bị đau đầu cao hơn bình thường. Thống kê cho thấy có đến 60% trẻ đau nửa đầu có bố mẹ hoặc anh chị ruột gặp cũng mắc phải tình trạng này.

6. Vấn đề trong não

Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ gặp các vấn đề về não bộ như não có khối u, áp xe hay xuất huyết não khiến não bị chèn ép gây đau đầu mãn tính, càng ngày càng dữ dội hơn. Phần lớn các trường hợp này, cơn đau đầu của trẻ sẽ kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác như thị lực suy giảm, chóng mặt, khó phối hợp các chi, xuất hiện co giật.

7. Một số thực phẩm và đồ uống

Một số thực phẩm, đồ uống có khả năng kích thích não bộ như cà phê, socola, trà,… cũng có thể khiến trẻ đau đầu. Ngoài ra, trẻ có thể bị đau đầu do ăn phải thức ăn chứa nhiều chất bảo quản thực phẩm, đặc biệt là nitrat – chất bảo quản được tìm thấy trong các loại thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt xông khói,…).

Trẻ có thể bị đau đầu do uống các loại nước có chất kích thích
Trẻ có thể bị đau đầu do uống các loại nước có chất kích thích não bộ như cà phê.

Triệu chứng đau đầu ở trẻ em

Trẻ bị đau đầu có thể đi kèm với nhiều triệu chứng khác nhau. Tương tự, cơn đau đầu của trẻ cũng sẽ có cường độ đau, thời gian và ảnh hưởng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và thể trạng sức khỏe của trẻ.

Triệu chứng có thể xuất hiện ở trẻ đau nửa đầu:

  • Cơn đau có thể xuất hiện kéo dài hoặc đột ngột
  • Cơn đau trở nên dữ dội khi vận động
  • Trẻ đau đầu buồn nôn
  • Nôn
  • Đau bụng
  • Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh
  • Khóc, lắc lư qua lại (thường gặp ở trẻ sơ sinh).

Triệu chứng có thể xuất hiện ở trẻ đau đầu do căng thẳng:

  • Căng tức, đau các cơ ở đầu, cổ
  • Đau ở mức nhẹ đến trung bình
  • Cơn đau thường kéo dài 30 phút đến vài ngày
  • Có xu hướng muốn ngủ nhiều hơn
  • Không cảm thấy đau hơn khi vận động, không cảm thấy buồn nôn, nôn.

Triệu chứng có thể xuất hiện ở trẻ đau đầu cụm:

  • Thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi
  • Xuất hiện theo cụm từ 5 cơn trở lên và có xu hướng tăng dần (từ 1 cơn cách ngày đến 8 cơn trong một ngày)
  • Có cảm giác đau nhói, tựa như dao đâm, xuất hiện ở 1 bên đầu và thường kéo dài dưới 3 tiếng
  • Các biểu hiện đi kèm với cơn đau như: chảy nước mắt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, bồn chồn, trở nên kích động.

Chẩn đoán đau đầu ở trẻ em

Trẻ bị đau đầu nên được đưa đến bác sĩ chuyên khoa Nhi để được thăm khám và hỗ trợ điều trị đau đầu cho trẻ càng sớm càng tốt. Tại đây, bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe lâm sàng và hỏi về bệnh sử của trẻ. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ thực hiện thêm một số thủ thuật y khoa như:

  • Chụp cắt lớp vi tính sọ não (Chụp CT);
  • Chụp cộng hưởng từ sọ não (Chụp MRI);
  • Chọc dò tủy sống;
  • Một số xét nghiệm liên quan khác.

Nên làm gì khi trẻ bị đau đầu?

Bên cạnh việc tuân theo các chỉ định điều trị của bác sĩ, việc chăm sóc trẻ đúng cách sẽ góp phần giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe, tăng hiệu quả điều trị. Một số giải pháp giúp xoa dịu cơn đau đầu của trẻ phụ huynh có thể tham khảo gồm:

1. Trẻ bị đau đầu uống thuốc gì?

Một số loại thuốc có tác dụng giảm đau đầu cho trẻ hiệu quả. Acetaminophen và ibuprofen là hai loại thuốc hạ sốt giảm đau thường được sử dụng để giảm đau cho trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng và cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, không sử dụng Aspirin cho trẻ vì loại thuốc này có thể gây nên hội chứng Reye, đe dọa tính mạng của trẻ.

Đối với trẻ trên 6 tuổi, đau nửa đầu, bác sĩ có thể cho trẻ dùng triptans giúp làm giảm cơn đau. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc điều trị các triệu chứng đi kèm như thuốc chống buồn nôn,…

Trẻ bị đau đầu nên uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ
Trẻ bị đau đầu nên uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

2. Trẻ bị đau đầu nên ăn gì?

Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học, đủ chất là một trong những nguyên tắc cơ bản trong chăm sóc trẻ. Từ đó, trẻ phát triển khỏe mạnh, xóa tan cơn đau đầu, hạn chế mắc các bệnh vặt.

Trẻ bị đau đầu nên bổ sung nhiều vitamin tự nhiên, điển hình như:

  • Vitamin B2: giúp giảm bớt cường độ đau cũng như tần suất xuất hiện cơn đau đầu.
  • Magie: giảm nhẹ và ngăn ngừa tình trạng đau nửa đầu ở trẻ, đặc biệt là trẻ thuộc độ tuổi thanh thiếu niên.
  • Coenzyme Q10: có tác dụng tương tự như magie.

Xem thêm:

3. Massage

Massage là một trong những liệu pháp được nhiều gia đình lựa chọn giúp trẻ giảm đau do căng cơ ở đầu, thư giãn. Để đảm bảo hiệu quả massage, các động tác nên được thực hiện bởi các chuyên gia.

4. Kiểm soát căng thẳng

Đối với trẻ bị đau đầu do căng thẳng, tốt nhất, bố mẹ nên tìm ra nguyên nhân khiến trẻ rơi vào tình trạng này, từ đó, xóa bỏ căng thẳng và ngăn chặn nó tải diễn. Một số trường hợp gặp khó khăn trong việc xác định nguyên nhân gây căng thẳng cho trẻ, bác sĩ có thể dùng một thiết bị cảm biến để ghi lại các phản ứng của cơ thể khi đau đầu bao gồm hoạt động của não, nhịp thở, nhịp tim, thân nhiệt, khả năng hoạt động của tay chân.

Trẻ nên được cân chỉnh thời gian học tập, nghỉ ngơi khoa học nhằm tạo không gian thoải mái, tránh căng thẳng, áp lực, lo lắng. Khi ngủ, phần đầu của trẻ nên được kê cao hơn phần thân. Việc tạo không gian yên tĩnh, thoáng khí sẽ giúp trẻ thư giãn, dễ chịu hơn.

Bố mẹ nên tạo cho trẻ không gian sống thư giãn
Bố mẹ nên tạo cho trẻ không gian sống thư giãn, thoải mái.

5. Theo dõi các triệu chứng

Khi trẻ bị đau đầu, bố mẹ chỉ nên cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đối với các triệu chứng đi kèm như nôn, sốt, chảy nước mũi,… bố mẹ nên thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn điều trị phù hợp.

Khi nào đau đầu ở trẻ em là nguy hiểm?

Nếu cơn đau đầu của trẻ thỉnh thoảng xuất hiện với mức độ nhẹ, phụ huynh không nên quá lo lắng. Nhưng nếu cơn đau đầu xuất hiện xuất hiện vào buổi sáng sớm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, tần suất xảy ra liên tục, cường độ đau tăng dần kèm theo các triệu chứng đi kèm nghiêm trọng, đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.

Khi nào nên đưa trẻ đến cơ sở y tế?

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị đau đầu tại nhà, bố mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có các biểu hiện nghiêm trọng sau:

  • Trẻ bị đau đầu/ đau nửa đầu đột ngột dữ dội.
  • Cơn đau đầu xuất hiện đột ngột kèm theo các triệu chứng như nôn, buồn nôn, méo miệng, sốt cao không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi dùng thuốc hạ sốt, khó di chuyển chân tay,…
  • Đau đầu xuất hiện thường xuyên.
  • Đau cả đầu/ đau nửa đầu đột ngột dữ dội.
  • Đau đầu sau khi bị chấn thương vùng đầu.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, PlinkCare theo địa chỉ:

Trên đây là những thông tin hữu ích về trẻ bị đau đầu. Tình trạng đau đầu thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động đến tâm lý, hiệu quả học tập và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Do đó, phụ huynh nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra sớm khi trẻ có biểu hiện này.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send