Image

Tiền tăng huyết áp (cao): Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán, điều trị

Tiền tăng huyết áp là gì?

Tiền tăng huyết áp là mức huyết áp tâm thu từ 130 – 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 85 – 89mmHg. Tiền tăng huyết áp ảnh hưởng đến 25-50% người trưởng thành trên thế giới và tăng nguy cơ phát triển bệnh tăng huyết áp thực sự. Hầu hết những người mắc tiền tăng huyết áp không có triệu chứng rõ ràng, vì vậy việc kiểm tra huyết áp định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Năm 2022, Phân hội Tăng huyết áp – Hội Tim mạch Việt Nam đã phân loại các mức huyết áp để loại trừ tiền tăng huyết áp như sau:

  • Huyết áp bình thường: HATT < 130 và HATTr < 85mmHg.
  • Huyết áp cao: HATT 130 – 139mmHg và/hoặc HATTr 85 – 89 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90-99mmHg
  • Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu ≥ 160mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 100 mmHg. (1)

Uỷ ban Quốc gia về Hướng dẫn dự phòng, phát hiện, đánh giá và điều trị tăng huyết áp của Bộ Y tế Mỹ (JNC 7) đã nhấn mạnh nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng dần từ huyết áp bình thường đến huyết áp cao và tăng huyết áp giai đoạn 1 và những bệnh nhân trong mức này sẽ được phân loại là bệnh nhân tiền tăng huyết áp.

Tiền tăng huyết áp có hay gặp không?

Tiền tăng huyết áp là một vấn đề sức khỏe phổ biến hiện nay. Theo ước tính, cứ ba người trưởng thành thì có một người mắc phải tình trạng này. Đáng chú ý hơn, gần 50% người trưởng thành trên 18 tuổi đang phải đối mặt với tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp. (2)

Con số đáng báo động này cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về tiền cao huyết áp, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đo huyết áp thường xuyên. Với tỷ lệ mắc tiền tăng huyết áp cao, việc thay đổi lối sống lành mạnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa là điều cần thiết để giảm thiểu nguy cơ phát triển thành tăng huyết áp và các biến chứng tim mạch khác.

Nhiều người trẻ hiện nay bị tiền tăng huyết áp
Nhiều người trẻ hiện nay bị tiền tăng huyết áp

Nguyên nhân tiền tăng huyết áp

Nguyên nhân gây tiền tăng huyết áp nguyên phát hoặc vô căn vẫn chưa được xác định rõ ràng. Khoảng 90% trường hợp bị tiền huyết áp cao không xác định được nguyên nhân. Bệnh có yếu tố di truyền khi tiền sử gia đình bị tăng huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các thành viên khác. Các yếu tố như béo phì và tiêu thụ quá nhiều natri cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ tiền tăng huyết áp.

Khoảng 10% tình trạng có nguyên nhân, còn gọi là tăng huyết áp thứ phát. Tình trạng này thường liên quan đến tác dụng phụ của thuốc, lạm dụng các sản phẩm có chứa chất kích thích. Các tình trạng bệnh lý liên quan đến tăng huyết áp thứ phát bao gồm: suy thận, tăng aldosteron, bệnh mạch thận, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, u tủy thượng thận và các rối loạn nội tiết khác như cường giáp và hội chứng Cushing.

Các yếu tố nguy cơ tiền tăng huyết áp

Những người có nguy cơ mắc tiền tăng huyết áp cao hơn bao gồm:

  • Sử dụng sản phẩm thuốc lá: Nicotine trong thuốc lá gây co mạch và tăng nhịp tim, dẫn đến huyết áp tăng cao tạm thời sau mỗi lần sử dụng.
  • Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 25: Những người có BMI trên 25 thường có khối lượng cơ thể lớn hơn, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, từ đó tăng áp lực lên thành mạch máu, nguy cơ gây tiền tăng huyết áp.
  • Người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị huyết áp cao: Người có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người không có tiền sử này.

>> Xem thêm: 20+ yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

Dấu hiệu tiền tăng huyết áp

Tiền tăng huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”tình trạng này không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Do đó, nhiều người không biết mình đang bị tăng huyết áp, chỉ phát hiện ra bệnh khi tình cờ đo huyết huyết áp hoặc thăm khám một bệnh lý khác.

Vì vậy, việc kiểm tra huyết áp định kỳ là phương pháp duy nhất và hiệu quả nhất giúp phát hiện tiền tăng huyết áp. Mỗi người nên thực hiện thăm khám sức khỏe thường xuyên, ngay cả khi cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Khi đo huyết áp đều đặn, có thể giúp phát hiện sớm tiền tăng huyết áp và thực hiện các biện pháp kiểm soát kịp thời, ngăn ngừa tiến triển thành tăng huyết áp và các biến chứng tim mạch nghiêm trọng.

Tiền tăng huyết áp có nguy hiểm không?

Tiền tăng huyết áp khi không được kiểm soát kịp thời và đúng cách, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Bệnh nhân tiền tăng huyết áp có nguy cơ gặp các biến cố tim mạch bất lợi và tử vong tăng gấp 2 lần so với những người có huyết áp trong giới hạn bình thường. Vì vậy, việc nhận biết và quản lý tích cực tình trạng tiền tăng huyết áp là rất quan trọng.

Tiền tăng huyết áp không được kiểm soát sẽ tiến triển thành tăng huyết áp
Tiền tăng huyết áp không được kiểm soát sẽ tiến triển thành tăng huyết áp

Biến chứng tiền tăng huyết áp có thể gặp

Tiền tăng huyết áp nếu không được phát hiện và kiểm soát sớm, sẽ tiến triển thành tăng huyết áp thật sự. Bệnh nhân bị tiền tăng huyết áp có nguy cơ gặp các biến chứng như:

1. Tăng độ dày thành động mạch cảnh

Sự dày lên của thành động mạch cảnh là dấu hiệu cho thấy quá trình xơ vữa động mạch đang bắt đầu. Thành động mạch dày lên không chỉ làm giảm tính đàn hồi của mạch máu mà còn thu hẹp lòng mạch, làm tăng áp lực máu và nguy cơ tắc nghẽn.

2. Buồng tim giãn

Khi huyết áp tăng cao, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua các mạch máu bị thu hẹp và cứng hơn. Để đáp ứng nhu cầu này, cơ tim – đặc biệt là buồng thất trái dần dần tăng kích thước dẫn đến phì đại. Theo thời gian có thể gây ra giãn buồng tim, làm giảm hiệu quả bơm máu của tim và dẫn đến suy tim.

3. Lắng đọng canxi trong động mạch vành

Sự tích tụ canxi trong thành động mạch vành là một dấu hiệu của quá trình xơ vữa động mạch tiến triển. Canxi hóa làm cho động mạch trở nên cứng và kém đàn hồi, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim.

Tiền tăng huyết áp được chẩn đoán như thế nào?

Tiền tăng huyết áp được chẩn đoán thông qua quá trình đo huyết áp cẩn thận và có hệ thống. Để có kết quả chính xác, huyết áp cần được đo ít nhất hai lần trong mỗi lần thăm khám, với khoảng cách giữa các lần đo là ít nhất một phút. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân quay lại để kiểm tra huyết áp trong ít nhất hai lần thăm khám riêng biệt trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Tiền tăng huyết áp được xác định khi huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 85-89 mmHg. Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ cũng sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ khác như tuổi tác, tiền sử gia đình, chế độ ăn uống và lối sống của bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các cận lâm sàng khác như kiểm tra lipid máu, đường huyết và chức năng thận để đánh giá toàn diện tình trạng sức khỏe và nguy cơ tim mạch của bệnh nhân.

Cách điều trị tiền tăng huyết áp

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bắt đầu điều trị dược lý ở tất cả những người bị tăng huyết áp, có huyết áp ≥140/90 mmHg. Bệnh nhân có huyết áp tâm thu từ 130-139 mmHg không mắc bất kỳ bệnh tim mạch nào nhưng có nguy cơ tim mạch cao do bệnh đái tháo đường hoặc bệnh thận mãn tính cũng nên được bắt đầu điều trị bằng thuốc.

Các loại thuốc được khuyến cáo là thiazide, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chẹn thụ thể angiotensin và/hoặc thuốc chẹn kênh canxi dihydropyridine tác dụng kéo dài, dùng đơn lẻ hoặc kết hợp tùy từng trường hợp người bệnh.

Theo Hội Tim mạch Mỹ/Hiệp hội Tim mạch Mỹ (ACC/AHA), bệnh nhân tiền tăng huyết áp có nguy cơ 10 năm ước tính dưới 10%, nên điều chỉnh lối sống khoa học và đánh giá lại huyết áp trong vòng 3-6 tháng. Bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 1 có nguy cơ 10 năm ước tính là 10% trở lên nên được điều trị kết hợp giữa thay đổi lối sống với dùng thuốc chống tăng huyết áp và đánh giá lại huyết áp sau 1 tháng.

Những điều chỉnh về lối sống được khuyến cáo ở người bị tiền tăng huyết áp bao gồm: giảm cân khoa học nếu bị thừa cân – béo phì, tuân theo chế độ ăn bảo vệ tim mạch, giảm lượng muối tiêu thụ, tăng lượng kali trong chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ và tăng cường hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, người bệnh nên hạn chế uống rượu hoặc ngừng uống rượu hoàn toàn, ngừng hút thuốc lá để giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn. (3)

Người bị tiền tăng huyết áp nên có chế độ ăn uống khoa học
Người bị tiền tăng huyết áp nên có chế độ ăn uống khoa học

Biện pháp phòng ngừa tiền tăng huyết áp tiến triển thành bệnh

Để ngăn ngừa tiền tăng huyết áp tiến triển thành bệnh tăng huyết áp, có nhiều biện pháp hiệu quả mà bạn có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì có thể giúp hạ huyết áp đáng kể.
  • Tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và kiểm soát huyết áp.
  • Áp dụng chế độ ăn lành mạnh: Chế độ ăn giàu rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm ít chất béo bão hòa có thể giúp hạ huyết áp.
  • Cắt giảm muối/natri trong chế độ ăn: Chế độ ăn nhiều natri có thể làm tăng huyết áp. Vì vậy, nên điều chỉnh giảm bớt lượng muối ăn xuống dưới 5 gam mỗi ngày hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ để giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.
  • Hạn chế uống rượu: Giảm lượng rượu tiêu thụ hoặc không uống rượu có thể giúp ngăn ngừa tăng huyết áp.
  • Bỏ thuốc lá: Ngừng hút thuốc và tránh cả khói thuốc thụ động giúp cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể.
  • Giảm căng thẳng, stress: Người bệnh có thể thực hiện các kỹ thuật thư giãn như tập yoga, thiền hoặc hít thở sâu để giúp giảm căng thẳng và kiểm soát huyết áp.
  • Kiểm soát các bệnh mạn tính khác: Tuân thủ phác đồ điều trị nếu đang bị đái tháo đường hoặc rối loạn lipid máu có thể giúp ngăn ngừa tiến triển của tiền tăng huyết áp.

Câu hỏi thường gặp

1. Tiền tăng huyết áp có cần uống thuốc không?

Tiền tăng huyết áp là giai đoạn cảnh báo nguy cơ cao tăng huyết áp trong tương lai. Ở giai đoạn này, người bệnh chưa cần phải điều trị bằng thuốc. Thay vào đó, người bệnh nên điều chỉnh lối sống khoa học, kết hợp với đo huyết áp thường xuyên để theo dõi, giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến trình phát triển bệnh.

2. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Người bệnh tiền tăng huyết áp nên đến bệnh viện kiểm tra huyết áp theo lịch hẹn của bác sĩ. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể hẹn tái khám trong vòng 1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng. Người bệnh nên tuân thủ tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ đánh giá hiệu quả của việc thay đổi trong lối sống có giúp làm hạ huyết áp không và có phương pháp điều trị sớm nếu huyết áp vẫn tiếp tục tăng.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch, PlinkCare, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:

Tiền tăng huyết áp mặc dù chưa gây ra triệu chứng rõ ràng, nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời, có thể tiến triển thành tăng huyết áp trong tương lai. Do đó, người bệnh nên thay đổi lối sống, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và kiểm tra sức khỏe định kỳ để giúp kiểm soát, đưa huyết áp về mức bình thường.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send