
10+ thuốc đau đầu cho trẻ em, được phép uống những loại nào?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, PlinkCare TP.HCM.
Theo thống kê, có khoảng 20% trường hợp trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi hay bị đau đầu. Trong đó, các loại đau đầu phổ biến ở nhóm tuổi này là đau đầu do căng thẳng (15%) và chứng đau nửa đầu (5%). Phần lớn triệu chứng đau đầu ở trẻ em không quá nghiêm trọng. Để cải thiện tình trạng này phụ huynh có thể cho bé sử dụng các loại thuốc đau đầu cho trẻ em hay thuốc giảm đau đầu cho trẻ em, thuốc trị đau đầu cho trẻ em phù hợp, theo tư vấn hay chỉ định của bác sĩ, thầy thuốc.
Trẻ em đau đầu uống thuốc gì?
Trẻ em bị đau đầu có thể sử dụng một số loại thuốc mang đến tác dụng làm giảm đau an toàn được bác sĩ tư vấn, chỉ định. Thuốc giảm đau đầu cho trẻ em được chia thành 2 nhóm bao gồm thuốc không cần kê đơn và thuốc cần kê đơn.
Thông thường, trẻ em đau đầu uống thuốc gì tùy thuộc vào nguyên nhân, biểu hiện và cường độ đau. Vì vậy, bố mẹ cần quan sát biểu hiện đau đầu của con để tìm hiểu, lựa chọn thuốc đau đầu cho trẻ em phù hợp hoặc sớm đưa bé đến bệnh viện thăm khám và được bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp với tình trạng bệnh. Tình trạng đau đầu ở trẻ em được phân thành 4 loại chính là đau nửa đầu, đau đầu căng thẳng, đau đầu hỗn hợp, đau đầu do tổn thương hoặc bệnh lý, cụ thể như sau: (1)
- Đau nửa đầu: Đau nửa đầu thường xảy ra theo từng đợt (khoảng vài lần/tháng). Tình trạng này khiến trẻ nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn, sau đó có thể xuất hiện hiện tượng buồn nôn và nôn ói.
- Đau đầu căng thẳng: Trẻ em thường gặp phải 4 loại đau đầu căng thẳng, bao gồm:
- Đau đầu từng cơn: Đau đầu kéo dài ít hơn 15 ngày.
- Đau đầu mạn tính: Đau đầu kéo dài hơn 15 ngày.
- Đau đầu do căng thẳng hàng ngày: Cường độ đau có thể không quá nghiêm trọng nhưng xảy ra hàng ngày.
- Đau đầu mạn tính không tiến triển: Xảy ra hàng ngày hoặc vài lần/tháng, tuy nhiên chỉ đau đầu đơn thuần và không kèm theo các triệu chứng khác.
- Đau đầu hỗn hợp: Đây là sự kết hợp của chứng đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng mạn tính không tiến triển.
- Đau đầu do tổn thương hoặc bệnh lý: Đau đầu ở trẻ có thể là biểu hiện của các bệnh lý như cảm cúm, nhiễm trùng, viêm họng, viêm xoang, rối loạn não, thậm chí u não hoặc xuất huyết não…

Thuốc đau đầu cho trẻ em không kê đơn
Các loại thuốc đau đầu trẻ em không kê đơn thường được nhà sản xuất thông tin về cách sử dụng, hạn dùng, lưu ý… trên bao bì sản phẩm. Nhóm thuốc này được sử dụng phổ biến gồm có: (2)
- Thuốc Tylenol (acetaminophen) hoặc Advil (ibuprofen): Đây là 2 loại thuốc giảm đau dành cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
- Thuốc Aleve (naproxen): Loại thuốc giảm đau này thường được sử dụng cho trẻ trên 12 tuổi.
- Thuốc Benadryl (diphenhydramine) hoặc Dramamine (dimenhydrinate): Đây là 2 loại thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng đau nửa đầu kèm theo các triệu chứng về tiêu hóa như buồn nôn, nôn ói, đau bụng…
- Thuốc Antofan: Đối với chứng đau nửa đầu ở trẻ, thuốc Antofan có thể giúp làm dịu cơn đau hiệu quả. Ngoài ra, loại thuốc này còn giúp kiểm soát tình trạng buồn nôn ở trẻ.
Thuốc đau đầu trẻ em theo toa
Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc đau đầu cho trẻ em với 2 mục đích chính là điều trị, giảm và phòng ngừa triệu chứng đau đầu. (3)
Các loại thuốc trị đau đầu cho trẻ em theo toa điển hình như:
- Zofran (ondansetron): Có tác dụng làm giảm tình trạng đau đầu, đau cổ, buồn nôn và nôn ói ở trẻ.
- Triptans: Thường được sử dụng để điều trị các cơn đau nửa đầu từ trung bình đến nặng. Một số loại thuốc thuộc nhóm triptans được sử dụng cho trẻ em, bao gồm Zomig (zolmitriptan), Axert (almotriptan) và Maxalt (rizatriptan).
Một số loại thuốc theo toa giúp ngăn chặn chứng đau đầu ở trẻ điển hình như:
- Amitriptyline: Giúp phòng ngừa chứng đau nửa đầu mạn tính ở trẻ em và người lớn.
- Periactin (cyproheptadine): Là thuốc kháng histamine có tác dụng giúp phòng ngừa hiệu quả chứng đau nửa đầu ở trẻ em.

Lưu ý khi dùng thuốc trị đau đầu cho trẻ nhỏ
Để dùng thuốc đau đầu cho trẻ em an toàn, hiệu quả phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:
- Với thuốc giảm đau đầu cho trẻ em không kê đơn, bố mẹ hãy luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc để chắc chắn rằng bạn không cho trẻ dùng sai liều lượng, cách dùng được khuyến cáo.
- Không cho trẻ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc đau đầu trẻ em khác nhau.
- Không cho trẻ sử dụng thuốc đau đầu của người lớn.
- Trong mọi trường hợp, bố mẹ không được tự ý tăng hoặc giảm liều được ghi trên nhãn thuốc. Vì có thể khiến tình trạng đau đầu của trẻ nghiêm trọng hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc hoặc làm giảm khả năng đáp ứng thuốc.
- Tránh tùy tiện cho trẻ sử dụng thuốc aspirin. Mặc dù loại thuốc này có tác dụng giúp làm giảm đau, hạ sốt hiệu quả nhưng không tùy tiện dùng cho trẻ, tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ mắc hội chứng Reye.
Để đảm bảo an toàn, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho con sử dụng bất kỳ thuốc đau đầu cho trẻ em nào. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc điều trị khi trẻ đang gặp phải những vấn đề về sức khỏe như hen suyễn, động kinh, chuẩn bị thực hiện hoặc vừa trải qua quá trình phẫu thuật… cần có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Cách giảm đau đầu không dùng thuốc cho trẻ em
Ngoài việc cho con sử dụng thuốc đau đầu cho trẻ em, bố mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau đây để hỗ trợ làm dịu cơn đau đầu cho trẻ: (4)
1. Cho bé nghỉ ngơi
Tương tự như người lớn, trẻ em cũng cần được nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi năng lượng đã tiêu hao và làm giảm cơn đau đầu hiệu quả. Phương pháp hỗ trợ điều trị này thường được áp dụng cho trường hợp trẻ bị đau đầu do căng thẳng. Hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị căng thẳng, mệt mỏi chẳng hạn như áp lực từ việc học tập, khó hòa nhập với bạn bè mới, môi trường sống thay đổi… Phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến con của mình để sớm phát hiện tình trạng đau đầu căng thẳng và kịp thời can thiệp.
2. Liệu pháp thư giãn
Liệu pháp thư giãn làm giảm hiệu quả các triệu chứng trầm cảm, trong đó có chứng đau đầu. Liệu pháp thư giãn (bao gồm các bài tập thở, ngồi thiền, yoga trẻ em…) thường được áp dụng khi trẻ bị đau đầu do trầm cảm hoặc các vấn đề khác liên quan đến tâm thần. Tuy nhiên, việc áp dụng liệu pháp thư giãn cho trẻ cần được tham vấn và theo dõi bởi bác sĩ hoặc nhà trị liệu. (5)
3. Liệu pháp phản hồi sinh học
Nhiều bậc phụ huynh có chung nỗi lo trẻ đau đầu uống thuốc gì, uống nhiều thuốc có hại hay không? Bên cạnh lựa chọn thuốc nhức đầu cho trẻ em phù hợp, bố mẹ có thể tìm hiểu áp dụng liệu pháp phản hồi sinh học để làm dịu cơn đau đầu cho con. Liệu pháp này bao gồm kiểm soát nhịp tim, nhịp thở, huyết áp. Đây là một trong những kỹ thuật có tác động chống lại chứng trầm cảm, căng thẳng ở trẻ thông qua việc kiểm soát tốt các chức năng quan trọng trong cơ thể. Để thực hiện liệu pháp phản hồi sinh học, bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện gặp bác sĩ thăm khám, nhận phác đồ điều trị phù hợp.
4. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng như magie sẽ giúp làm giảm cơn đau đầu ở trẻ. Ngay cả khi bé có uống thuốc đau đầu cho trẻ em hay không thì việc thiết lập chế độ ăn uống giàu dưỡng chất là điều cần thiết. Một số loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và magie điển hình gồm có các loại đậu, rau màu xanh đậm, các loại hạt, sữa ít béo… Ngoài ra, bố mẹ nên bổ sung trái cây tươi, các loại nước ép rau củ quả và nước khoáng vào chế độ ăn hàng ngày để giúp bé tăng cường sức đề kháng, góp phần ngăn ngừa chứng đau đầu tái phát.
5. Giáo dục trẻ cách ứng phó với chứng đau đầu
Dạy trẻ cách chủ động ứng phó với cơn đau đầu là phương pháp cải thiện tình trạng đau đầu hữu hiệu đối với trẻ trên 7 tuổi. Cách ứng phó với chứng đau đầu mà bố mẹ nên dạy cho bé cụ thể gồm có:
- Các bài tập hơi thở và yêu cầu bé thực hiện hàng ngày.
- Chủ động tránh ánh sáng mạnh từ đèn hoặc mặt trời mỗi khi cơn đau xuất hiện.
- Cách nhận biết sự bất thường của cơ thể do cơn đau đầu gây ra.
- Sớm thông báo cho người lớn biết tình trạng đau đầu của mình.
Việc sử dụng thuốc đau đầu cho trẻ em hay áp dụng các phương pháp hỗ trợ giảm đau đầu tại nhà nói trên mang tính chất tham khảo. Cơn đau đầu của trẻ có thể trôi qua nhanh sau khi dùng thuốc hoặc nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau đầu của trẻ vẫn không cải thiện, bạn nên sớm đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và đề ra phác đồ điều trị kịp thời. Dưới đây là những biểu hiện cho thấy tình trạng đau đầu ở trẻ đang dần trở nên nghiêm trọng hơn:
- Cơn đau đầu xuất hiện mỗi ngày gây cản trở cho quá trình học tập, vui chơi của bé.
- Trẻ bị đau đầu kèm theo các triệu chứng khác như đau mắt, đau tai, buồn nôn, nhạy cảm ánh sáng và âm thanh…
- Đau đầu tái phát với cường độ đau nhiều hơn.
- Cơn đau đầu gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, tình trạng đau đầu ở trẻ em thường bắt nguồn từ các vấn đề như thay đổi nhiệt độ đột ngột, rối loạn giờ giấc sinh hoạt, ăn uống… Tuy nhiên, không loại trừ nguy cơ đau đầu là biểu hiện của những bệnh lý hoặc tổn thương khác. Vì vậy bố mẹ không nên chủ quan trước triệu chứng đau đầu của con. Việc sử dụng thuốc đau đầu cho trẻ em hoặc áp dụng các biện pháp giảm đau khác có thể cân nhắc, nhưng bố mẹ cần tư vấn thêm bác sĩ và sớm đưa bé đến bệnh viện thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.