
6 thuốc chống đột quỵ phổ biến, có thực sự giúp ngăn ngừa tai biến?
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc được biết đến là thuốc chống đột quỵ. Thật hư các loại thuốc ngừa đột quỵ này là gì, hiệu quả ra sao và có thể giúp phòng ngừa đột quỵ hay không?
Thuốc chống đột quỵ là gì?
Thuốc chống đột quỵ được hiểu là thuốc phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. Hiện nay, chưa có loại thuốc nào trên thị trường được công nhận là thuốc chống đột quỵ. Tuy nhiên, một số loại thuốc có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh lý và các vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ đột quỵ nên có thể tạm xem như là thuốc chống đột quỵ.
Thuốc chống đột quỵ thường được chỉ định sử dụng ở những người từng bị đột quỵ để dự phòng đột quỵ tái phát hoặc những người chưa bị đột quỵ nhưng có nguy cơ đột quỵ rất cao.

Thuốc chống đột quỵ hoạt động như thế nào?
Cơ chế hoạt động của các loại thuốc ngừa đột quỵ sẽ dựa trên những nguyên nhân gây đột quỵ, chính là tắc nghẽn mạch máu não và xuất huyết não.
Tùy theo loại thuốc mà công dụng của thuốc có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông hình thành trong mạch máu của bạn, điều chỉnh huyết áp cao và mức cholesterol cao để giúp ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu não, làm tan cục máu đông, làm loãng máu,… (1)
6 nhóm thuốc chống đột quỵ thứ cấp phổ biến
Tùy theo vấn đề sức khỏe của bạn như nguyên nhân bạn từng bị đột quỵ là gì, bạn đang có những yếu tố nguy cơ đột quỵ nào (cao huyết áp, lượng cholesterol xấu trong máu cao,…) mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc chống đột quỵ phù hợp.
Một số loại thuốc ngừa đột quỵ phổ biến hiện nay gồm có:
1. Thuốc kháng tiểu cầu
Các tiểu cầu trong cơ thể có nhiệm vụ liên kết với nhau để sửa chữa mạch máu bị tổn thương, vỡ. Tuy nhiên, khi quá nhiều tiểu cầu liên kết lại với nhau có thể hình thành nên những cục máu đông – một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
Vai trò của thuốc kháng tiểu cầu hay còn được gọi là thuốc chống tập kết tiểu cầu giúp hạn chế tiểu cầu dính lại với nhau. Thuốc chống kết tập tiểu cầu có nhiều loại, trong đó phổ biến nhất là nhóm thuốc ASA như aspirin hay acetylsalicylic acid. Ngoài ra còn có các loại thuốc khác như ticlopidine, clopidogrel, dipyridamole,…
Một phân tích năm 2016 cho thấy dùng aspirin với liều hàng ngày 75–162 mg hoặc 500–1500 mg làm giảm khả năng tái phát đột quỵ lâu dài hơn so với giả dược. Tuy nhiên, nguy cơ chảy máu tăng lên khi tăng khoảng liều, do đó aspirin thường được chỉ định sử dụng ở liều 75–150 mg. Lợi ích của aspirin thậm chí còn được chứng minh rõ ràng hơn trong việc ngăn ngừa đột quỵ thứ phát trong sáu tuần đầu tiên sau đột quỵ. Với dipyridamole, thường dùng kèm với aspirin theo liều aspirin 25 mg và dipyridamole 200 mg.
Không phải ai cũng có thể dùng thuốc kháng tiểu cầu như một loại thuốc chống đột quỵ vì thuốc có thể gây ra vấn đề chảy máu dạ dày, dị ứng và các tác dụng phụ khác. Nên thông báo với bác sĩ nếu bạn từng bị viêm loét dạ dày, bị suy gan, có tiền sử dị ứng,… trước khi dùng thuốc kháng tiểu cầu. (2)

2. Thuốc chống đông máu
Trong các loại thuốc phòng ngừa đột quỵ, thuốc kháng tiểu cầu và thuốc chống đông máu là hai loại thuốc thuộc nhóm thuốc giúp làm loãng máu. Thuốc chống đông máu là thuốc can thiệp vào quá trình đông máu, giúp máu của bạn không bị đông dễ dàng. Hiệu quả của thuốc chống đông máu giúp ngăn ngừa cục máu đông mới hình thành hoặc ngăn ngừa cục máu đông hiện có trở nên lớn hơn.
Thuốc chống đông máu được sử dụng để ngăn ngừa đột quỵ do thiếu máu cục bộ (loại đột quỵ phổ biến nhất) và đột quỵ nhỏ và thường được chỉ định nhất ở nhóm bệnh nhân từng bị đột quỵ, người có nhịp tim không đều (rung tâm nhĩ) hoặc những người bị đau tim.
Những người mới bị chấn thương sọ não, huyết áp cao, lạm dụng rượu, nguy cơ té ngã cao,… thường không được dùng thuốc chống đông máu để làm thuốc chống đột quỵ. Khi dùng thuốc, cần tái khám để xét nghiệm máy định kỳ xem tình trạng đông máu như thế nào. Và cần lưu ý tránh té ngã, bị thương vì thuốc có thể làm bạn bị chảy máu nhiều hơn, gây mất máu và ảnh hưởng đến tính mạng. (3)
3. Thuốc làm tan các cục máu đông
Khi các mảng xơ vữa tích tụ, kết hợp với tiểu cầu gắn vào các sợi fibrin có thể hình thành nên các cục máu đông (huyết khối) và làm tắc nghẽn mạch máu não, dẫn đến đột quỵ. Một số trường hợp các cục máu đông có thể tự vỡ một phần và phần còn lại sẽ cần đến thuốc làm tan cục máu đông.
Hiện nay, chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA) là loại thuốc điều trị đột quỵ duy nhất có khả năng thực sự phá vỡ cục máu đông. Loại thuốc này được sử dụng như một phương pháp điều trị khẩn cấp phổ biến khi bị đột quỵ để hạn chế tối đa các biến chứng xảy ra.
Đối với phương pháp điều trị này, tPA được tiêm vào tĩnh mạch để có thể nhanh chóng đi đến cục máu đông và làm tan các cục máu đông. Loại thuốc làm tan các cục máu đông được xếp vào nhóm thuốc chống đột quỵ khẩn cấp, được áp dụng trong những tình huống phát hiện người bệnh có những cục máu đông lớn, nguy cơ gây tắc nghẽn cao.
Chất hoạt hóa plasminogen mô không được sử dụng cho tất cả mọi người. Những người có nguy cơ cao bị chảy máu não không được dùng tPA.
4. Thuốc giảm cholesterol
Cholesterol cao là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Khi mức cholesterol của bạn quá cao, cholesterol có thể bắt đầu tích tụ dọc theo thành động mạch của bạn, tạo nên những mảng xơ vữa.
Vì thế, một loại thuốc phòng đột quỵ mà bác sĩ có thể chỉ định cho bạn chính là thuốc statin – nhóm thuốc với hiệu quả làm giảm cholesterol trong máu. Nhóm thuốc statin bao gồm các loại thuốc như pitavastatin (Livalo), rosuvastatin (Crestor), lovastatin (Altoprev), atorvastatin (Lipitor), fluvastatin (Lescol), pravastatin (Pravachol), simvastatin (Zocor),… (4)
Những loại thuốc thuộc nhóm thuốc statin giúp ức chế HMG-CoA reductase, một loại enzyme mà cơ thể bạn cần để tạo ra cholesterol. Từ đó, cơ thể bạn tạo ra ít chất đó hơn. Điều này giúp giảm nguy cơ mảng bám ở mạch máu và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.

5. Thuốc giảm huyết áp
Thuốc giảm huyết áp được xếp vào nhóm thuốc chống đột quỵ thứ cấp phổ biến. Các loại thuốc giúp giảm huyết áp bao gồm: Thuốc ức chế thụ thể, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn kênh beta, thuốc lợi tiểu,…
Bệnh nhân từng bị đột quỵ hoặc TIA có huyết áp lâm sàng > 140/90mmHg nên bắt đầu hoặc tăng cường sử dụng thuốc giảm huyết áp dưới sự theo dõi của bác sĩ. Các trường hợp khác, bác sĩ sẽ cân nhắc dựa trên tình hình sức khỏe của bạn và đánh giá về nguy cơ đột quỵ của bạn để đưa ra chỉ định dùng thuốc chống đột quỵ phù hợp.
6. Thuốc dự phòng đột quỵ
Ngoài các loại thuốc kể trên, những người có người thân trong gia đình có người bị đột quỵ hoặc những người có tiền sử thiếu máu não thoáng qua, mắc các bệnh lý mạch máu có thể dùng các loại thuốc như Aggrenox, Clopidogrel, Dipyridamole,… để phòng ngừa nguy cơ tai biến.
Thuốc chống đột quỵ được sử dụng như thế nào?
Các loại thuốc chống đột quỵ sẽ có hiệu quả khác nhau trong việc ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Khi dùng thuốc, bạn cần lưu ý:
- Dùng thuốc theo chỉ định: Không tự ý sử dụng các loại thuốc chống đột quỵ, đặc biệt là các loại thuốc được bán trên thị trường nhưng không rõ nguồn gốc. Chỉ dùng các loại thuốc chống đột quỵ theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám, đánh giá tình hình sức khỏe và nguy cơ đột quỵ của bạn. Và bạn không nên đột ngột ngừng dùng thuốc hoặc thay đổi liều lượng, thay đổi loại thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Ghi nhớ các thông tin thuốc: Khi dùng thuốc chống đột quỵ, bạn cần ghi nhớ thông tin thuốc như tên thuốc và liều dùng thuốc, đây là loại thuốc gì. Như vậy, trong các tình huống cần dùng thuốc điều trị bệnh lý khác hay trước khi phẫu thuật, trước khi tiêm thuốc cản quang,… bạn có thể thông báo chi tiết với bác sĩ về loại thuốc mà mình đang dùng xem liệu có tương tác hay rủi ro gì hay không.
- Cài đặt nhắc nhở ngày hết thuốc: Nên đến bệnh viện thăm khám trước ngày hết thuốc 1-2 ngày để đảm bảo bạn sẽ được đánh giá lại sức khỏe và được kê đơn thuốc chống đột quỵ tiếp theo. Việc cài đặt nhắc nhở ngày hết thuốc để đi khám trước đó vài ngày sẽ giúp bạn tránh được tình trạng hết thuốc nhưng chưa có thuốc uống, làm gián đoạn việc dùng thuốc chống đột quỵ.
- Xây dựng thói quen dùng thuốc: Bạn có thể dùng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày, chẳng hạn như sau khi dùng bữa trưa và bữa tối. Như vậy bạn sẽ dễ nhớ uống thuốc hơn. Ngoài ra, bạn có thể đặt thông báo trên điện thoại, dán giấy ghi chú lên gương phòng tắm hay tủ lạnh,… để tạo thói quen dùng thuốc liên tục, không bỏ qua liều dùng nào.
- Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng một loại thuốc khác: Nếu bạn đang dùng thuốc chống đột quỵ, không dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn hoặc thậm chí các loại thảo dược, thực phẩm bổ sung,… mà chưa tham khảo ý kiến từ bác sĩ. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng axit để điều trị chứng khó chịu ở dạ dày, thuốc kháng histamine để điều trị dị ứng và thuốc chống viêm không steroid để giảm đau (như ibuprofen), có thể tương tác với thuốc chống đột quỵ mà bạn đang dùng, dẫn đến những rủi ro về sức khỏe.
- Trao đổi với bác sĩ các thắc mắc của bạn: Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về thuốc của mình, chẳng hạn như quên uống một liều có sao không, nên trao đổi với bác sĩ để được giải đáp chi tiết nhất.
- Thông báo với bác sĩ về các tác dụng phụ khi dùng thuốc ngừa đột quỵ: Nếu loại thuốc chống đột quỵ bạn đang dùng gây ra tác dụng phụ khó chịu, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn. Bbác sĩ có thể giúp bạn loại bỏ tác dụng phụ chỉ bằng cách thay đổi liều lượng, đề nghị bạn dùng thuốc vào thời điểm khác hoặc sử dụng loại thuốc khác.

Người khỏe mạnh có nên uống thuốc ngăn ngừa tai biến không?
Với nỗi lo sợ về đột quỵ và các biến chứng có thể xảy ra, nhiều người đã tự mua các loại thuốc chống đột quỵ để sử dụng. Tuy nhiên, thuốc chống đột quỵ chỉ nên dùng ở người từng bị đột quỵ cần phòng ngừa đột quỵ tái phát hoặc người có nguy cơ đột quỵ rất cao.
Nếu bạn đang khỏe mạnh, bạn không cần phải dùng thuốc chống đột quỵ. Việc dùng thuốc sai cách có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác. Thay vào đó, bạn có thể chủ động phòng ngừa đột quỵ bằng các biện pháp không dùng thuốc.
Trong trường hợp bạn có các yếu tố nguy cơ như béo phì, huyết áp cao, cholesterol trong máu cao,… bạn nên đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình sức khỏe của bạn và tư vấn phương pháp phòng ngừa đột quỵ phù hợp.
Cách phòng ngừa đột quỵ không dùng thuốc
Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì việc xây dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ. Để tránh nguy cơ đột quỵ, cần lưu ý:
- Nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya và ngủ quá ít.
- Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung rau củ quả và các loại trái cây. Hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều muối hoặc đường. Nên ưu tiên thực phẩm tự nấu thay vì các loại thực phẩm chế biến sẵn.
- Tập thể dục 20 – 30 phút mỗi ngày. Có thể đi bộ, chạy bộ, tập yoga,…
- Hạn chế căng thẳng, stress, áp lực kéo dài. Nên chủ động thư giãn bằng cách nghe nhạc, đạp xe, trồng cây,… hoặc các hoạt động mà bạn yêu thích.
- Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích.
- Kiểm soát cholesterol, ổn định huyết áp và điều trị các bệnh liên quan.
- Thăm khám, tầm soát sức khỏe định kỳ. Đặc biệt nên chủ động tầm soát đột quỵ.
Nhìn chung, mặc dù chưa có loại thuốc chống đột quỵ nào được ghi nhận nhưng các loại thuốc kháng tiểu cầu, chống đông máu, giảm huyết áp,… có thể giúp hạn chế một phần nguy cơ đột quỵ tái phát. Người khỏe mạnh bình thường không nên dùng thuốc và cần lưu ý, không được tự ý dùng thuốc mà phải có chỉ định từ bác sĩ. Các trường hợp tự dùng thuốc chống đột quỵ mà chưa có chỉ định, đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.