
Thời kỳ tiền mãn kinh bao nhiêu tuổi? Kéo dài bao lâu?
Bạn cần biết gì về tiền mãn kinh?
Tiền mãn kinh là khoảng thời gian trước khi phụ nữ chính thức bước vào giai đoạn mãn kinh. Giai đoạn tiền mãn kinh, buồng trứng sẽ sản xuất ít dần các hormone hơn khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc trở nên thất thường. Giai đoạn này cũng chính là lúc cơ thể người phụ nữ đang tiến dần đến những năm cuối của hoạt động sinh sản. (1)
Bác sĩ Nguyễn Thị Quý Khoa cho biết, nếu chị em trải qua 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt (trừ những trường hợp sau sinh con và đang cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ) nghĩa là chị em đã hết giai đoạn tiền mãn kinh và chính thức bước vào thời kỳ mãn kinh.
“Có thể nói tiền mãn kinh là một quy luật tự nhiên phụ nữ không thể tránh khỏi. Bên cạnh sự suy giảm nội tiết tố nữ, các thay đổi vì tác động của môi trường sống, căng thẳng, hoạt động sống của tế bào làm lượng gốc tự do được sản sinh nhiều hơn trong cơ thể gây ra hiện tượng lão hóa ở người phụ nữ, chị em sẽ đối mặt với hàng loạt sự xuống cấp từ nhan sắc, sức khỏe và tâm sinh lý. Nếu thời kỳ tiền mãn kinh gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống, chị em cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách cải thiện”, bác sĩ Quý Khoa nhắn nhủ.
Giai đoạn tiền mãn kinh bao nhiêu tuổi mới xảy ra?
Hầu hết phụ nữ đều thắc mắc tiền mãn kinh từ bao nhiêu tuổi. Bác sĩ Quý Khoa cho biết, thời gian bắt đầu thời kỳ tiền mãn kinh khác nhau ở mỗi người. Nhìn chung, theo thống kê thời kỳ mãn kinh bắt đầu khoảng 8-10 năm trước khi phụ nữ chính thức bước sang thời kỳ mãn kinh.
Thông thường tiền mãn kinh thường bắt đầu vào giữa độ tuổi 40, tuy nhiên cũng có thể bắt đầu sớm hơn. Trường hợp hoàn thành thời kỳ mãn kinh trước 40 tuổi được gọi là mãn kinh sớm.
Một số yếu tố bệnh lý hoặc can thiệp phẫu thuật có thể gây ra tình trạng mãn kinh sớm. Trong tình huống không có nguyên nhân bệnh lý hoặc phẫu thuật, mãn kinh sớm được xem xét đến nguyên nhân suy buồng trứng nguyên phát.

Tiền mãn kinh kéo dài trong bao lâu?
Bác sĩ Quý Khoa chia sẻ, giai đoạn tiền mãn kinh diễn ra dài hay ngắn phụ thuộc vào nội tiết tố trong cơ thể mỗi người. Độ dài trung bình của thời kỳ tiền mãn kinh là khoảng 4 năm. Tuy nhiên có người chỉ chịu đựng những triệu chứng “ẩm ương” của giai đoạn này trong vài tháng, có người lại chật vật hơn 4 năm, thậm chí kéo dài đến 7-8 năm.
Cột mốc đánh dấu thời kỳ tiền mãn kinh chấm dứt là khi phụ nữ chính thức bước sang thời kỳ mãn kinh, tức là phụ nữ được xác định không xuất hiện kinh nguyệt trong vòng 12 tháng liên tục. Tuy vậy vẫn có không ít trường hợp các triệu chứng khó chịu hoặc vấn đề sức khỏe ở thời kỳ tiền mãn kinh tiếp tục diễn tiến ở thời kỳ mãn kinh.
Tiền mãn kinh có xảy ra sớm hơn bình thường không?
Nhiều trường hợp phụ nữ xuất hiện các dấu hiệu tiền mãn kinh tuổi 30 và thắc mắc rằng liệu tiền mãn kinh có xảy ra sớm không. Bác sĩ Quý Khoa cho biết, thống kê cho thấy độ tuổi trung bình bước vào thời kỳ tiền mãn kinh là giữa 40 tuổi, nếu xảy ra trước 40 tuổi và phụ nữ không có kinh nguyệt sẽ được gọi là tiền mãn kinh sớm. Đa số trường hợp tiền mãn kinh sớm có liên quan đến bệnh lý nào đó. Tiền mãn kinh muộn chỉ những trường hợp có dấu hiệu tiền mãn kinh sau 60 tuổi.
Những triệu chứng cho thấy bạn đang bước vào thời kỳ tiền mãn kinh
Phụ nữ có thể dễ dàng nhận biết bản thân đã bước vào thời kỳ tiền mãn kinh hay chưa thông qua các dấu hiệu sau: (2)
1. Rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất của thời kỳ tiền mãn kinh. Hầu hết phụ nữ sẽ chuyển từ chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, dễ đoán sang chu kỳ không đều, không thể dự đoán trước. Chu kỳ kinh nguyệt có thể trở nên thất thường, tháng có tháng không, chu kỳ kinh thưa thớt, lượng máu kinh ít hơn…

2. Khô hạn, giảm ham muốn tình dục
Sự suy giảm của Estrogen khiến âm đạo khô, lượng dịch tiết ra chất bôi trơn kém đi, độ đàn hồi của âm hộ, âm đạo suy giảm… khiến phụ nữ giảm ham muốn nhu cầu tình dục, giảm khoái cảm hoặc khó đạt được khoái cảm do niêm mạc âm đạo bị khô, teo và dễ tổn thương, dễ bị chảy máu.
3. Bốc hỏa và cáu gắt
Phụ nữ tiền mãn kinh sẽ gặp phải những cơn bốc hỏa với cảm giác nóng bừng đột ngột ở mặt, cổ và lan ra khắp cơ thể, kèm theo đó là đổ mồ hôi liên tục, đi tiểu thường xuyên, nhất là ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ, lâu dần làm thay đổi tâm trạng và cảm xúc, chị em dễ cáu gắt, khó chịu hơn, nặng nhất là nguy cơ trầm cảm.
4. Mất ngủ
Bước vào giai đoạn tiền mãn kinh chị em có thể gặp những vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ chập chờn… làm ảnh hưởng đến chất lượng sống.
5. Sạm da và rụng tóc
Khi nồng độ Estrogen suy giảm, làn da phụ nữ sẽ trở nên mỏng hơn, khô hơn, kém đàn hồi hơn nên làm lộ rõ các nếp nhăn. Các vết nám, tàn nhang, sạm cũng xuất hiện trên da nhiều hơn. Đồng thời tóc mất dần sắc tố và chuyển màu hoa râm. (3)

6. Nhiễm trùng đường tiểu
Một số chị em tuổi tiền mãn kinh có thể gặp phải những dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu là đi tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu lắt nhắt, tiểu rắt, đau khi tiểu tiện…
7. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và xương khớp
Nồng độ Estrogen giảm có thể dẫn đến loãng xương và thay đổi mức cholesterol làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Vì thế chị em cần thăm khám định kỳ để được theo dõi và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.
Tình trạng này có can thiệp được không?
Tiền mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải trải qua, tuy nhiên có người trải qua nhẹ nhàng, có người lại trong trạng thái “chiến đấu” từng ngày. Bác sĩ Quý Khoa khuyên rằng, chị em nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và can thiệp nếu các triệu chứng tiền mãn kinh gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tâm sinh lý, công việc và mối quan hệ vợ chồng. (4)
Tham khảo: Các loại thuốc điều trị tiền mãn kinh

Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, phác đồ điều trị cá thể hóa… giúp chị em vượt qua giai đoạn tiền mãn kinh nhẹ nhàng, tận hưởng cuộc sống vui khỏe và hạnh phúc.
Cần làm gì để vượt qua giai đoạn tiền mãn kinh nhẹ nhàng?
Sự lão hóa ở giai đoạn tiền mãn kinh là sự thay đổi tự nhiên của cơ thể trước sự suy giảm chức năng của các cơ quan, vì thế phụ nữ trong giai đoạn này cần giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh lo âu, muộn phiền, thay vào đó hãy xây dựng chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh và công việc, nghỉ ngơi hợp lý để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Theo đó, phụ nữ cần chú trọng thực hiện các việc sau:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là bổ sung canxi giúp ngăn ngừa loãng xương; omega-3 giúp cân bằng hormone, giảm cơn bốc hỏa và nguy cơ mắc bệnh tim mạch; các loại rau củ quả xanh bổ sung chất xơ, vitamin C và carotene ngăn ngừa lão hóa và nguy cơ mắc bệnh ung thư…
- Hạn chế hoặc tránh không uống rượu bia, cà phê để cải thiện được những triệu chứng tiền mãn kinh khó chịu, cũng như phòng ngừa nguy cơ gia tăng mắc bệnh tim mạch.
- Tập luyện thể dục thể thao điều độ mỗi ngày, nên lựa chọn những bộ môn phù hợp với thể trạng sức khỏe ở tuổi mãn kinh như đi bộ, bơi lội, thiền…
- Giữ mức cân nặng hợp lý tránh tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm/lần để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa hoặc vấn đề sức khỏe nếu có.
Để đặt lịch hẹn thăm khám với các chuyên gia Sản Phụ khoa tại Hệ thống PlinkCare, chị em vui lòng liên hệ đến:
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp chị em biết được thời kỳ tiền mãn kinh bao nhiêu tuổi để chủ động cải thiện các triệu chứng khó chịu ảnh hưởng xấu đến sức và tâm sinh lý. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, chị em có thể liên hệ đến hotline Hệ thống PlinkCare để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!