Image

Thoát vị là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

Thoát vị là gì?

Thoát vị là tình trạng một phần cơ quan nội tạng bên trong cơ thể di chuyển ra khỏi vị trí bình thường qua một lỗ hổng hoặc điểm yếu ở cơ quan hoặc mô. Hầu hết các trường hợp nó đều liên quan đến một trong các cơ quan trong khoang bụng. Thoát vị xảy ra khi cơ thể già đi và các cơ, mô xuất hiện tình trạng lão hóa. Ngoài ra, nguyên nhân gây thoát vị cũng có thể do chấn thương, phẫu thuật hoặc do ảnh hưởng của quá trình mang thai ở phụ nữ,…

bị thoát vị
Hình ảnh minh họa 1 trường hợp thoát vị rốn.

Một số loại thoát vị thường gặp

Dưới đây là một số loại thoát vị thường gặp: (1)

1. Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là loại phổ biến nhất, chiếm 75% trong các loại thoát vị. Tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở nam giới, xảy ra khi một phần cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột hoặc mỡ mạc nối) chui vào ống bẹn (cấu trúc chứa thừng tinh ở nam hoặc dây chằng tròn ở nữ, đi từ ổ bụng xuống bìu).

2. Thoát vị bụng

Thoát vị bụng là loại xảy ra ở bất kì vị trí nào thành trước của bụng, bao gồm thoát vị rốn và thoát vị vết mổ. Ngoài ra, thoát vị bụng nằm ở vị trí phía trên rốn được gọi là thoát vị thượng vị.

3. Thoát vị rốn

Thoát vị rốn xảy ra khi một phần cơ quan ổ bụng đi qua một lỗ ở thành bụng gần vị trí rốn. Hầu hết các trường hợp thoát vị rốn là bẩm sinh, còn lại là thoát vị qua vết mổ quanh rốn.

4. Thoát vị đùi

Thoát vị đùi là một loại thoát vị bẹn hiếm gặp xảy ra tại vị trí ống đùi, một cấu trúc chạy bên dưới ống bẹn. Mô mỡ mạc nối hoặc ruột có thể chui qua vị trí này.

5. Thoát vị hoành bẩm sinh

Thoát vị hoành bẩm sinh là một dạng khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng, xảy ra khi cơ hoành không đóng hoàn toàn trong quá trình phát triển của thai nhi. Tình trạng này có thể khiến các cơ quan trong ổ bụng chui lên trên khoang ngực, gây chèn ép các cơ quan trong lồng ngực như phổi, trung thất.

6. Thoát vị vết mổ

Thoát vị vết mổ xảy ra khi mô hoặc cơ quan chui ra khỏi khoang bụng tại vị trí vết mổ cũ trên thành bụng. Tình trạng chui qua vết mổ khiến nó ngày càng to dần theo thời gian. Đây là một biến chứng thường gặp của các phẫu thuật vùng bụng.

7. Thoát vị tầng sinh môn

Thoát vị tầng sinh môn xảy ra khi mổ hoặc các cơ quan ổ bụng, vùng chậu bị đẩy qua lỗ mở hoặc điểm yếu ở sàn chậu. Đây là loại thoát vị tương đối hiếm gặp.

thoát vị là bệnh gì
Thoát vị có nhiều dạng khác nhau

Đối tượng dễ bị thoát vị

Nam giới là đối tượng thường dễ bị, đặc biệt là thoát vị bẹn. Trong đó có khoảng 50% nam giới trên 50 tuổi gặp tình trạng thoát vị này. Thoát vị bẩm sinh xảy ra ở khoảng 15% trẻ sơ sinh, chủ yếu là thoát vị rốn. Thoát vị vết mổ chiếm khoảng 10% các loại thoát vị.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị thoát vị bao gồm:

  • Thường xuyên nâng, vác vật nặng hoặc tư thế đứng nhiều giờ
  • Ho mạn tính hoặc tình trạng dị ứng gây hắt hơi mạn tính
  • Táo bón mạn tính hoặc phải rặn khi đi đại tiện hoặc đi tiểu
  • Có tiền sử phẫu thuật vùng bụng hoặc vùng chậu
  • Mang thai, đặc biệt là mang thai liên tiếp nhiều lần
  • Béo phì (chỉ số khối cơ thể hoặc BMI lớn hơn 30)

Trẻ sơ sinh có nhiều khả năng bị thoát vị bẩm sinh nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Sinh non
  • Mắc bệnh lý gây rối loạn mô liên kết
  • Mắc chứng loạn sản xương bẩm sinh
  • Có tinh hoàn ẩn
  • Có vấn đề liên quan đến hệ thống sinh sản hoặc hệ tiết niệu

Dấu hiệu nhận biết thoát vị

Triệu chứng rõ ràng nhất của thoát vị là xuất hiện một khối phồng, mềm có thể nhìn thấy được và thường biến mất khi nằm xuống. Hầu hết các trường hợp thoát vị bẹn, đùi, rốn và thoát vị vết mổ đều có những dấu hiệu sau: (2)

  • Xuất hiện một khối phồng rõ rệt ở vùng bụng hoặc bẹn, đặc biệt khi nâng vật nặng hoặc cúi người xuống.
  • Cảm giác đau, căng tức tại vị trí khối phồng
  • Táo bón, đi tiêu ra phân có máu bầm
  • Đầy bụng, ăn uống chậm tiêu
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Đau và sưng quanh tinh hoàn
  • Ợ nóng và đau thượng vị (thường gặp trong thoát vị hoành)

Đối với thoát vị nghẹt, người bệnh không thể tự đẩy khối thoát vị trở lại vị trí bình thường. Tình trạng nghẹt làm ngăn chặn tình trạng lưu thông máu đến cơ quan thoát vị, dẫn đến thiếu máu nuôi gây hoại tử, đe dọa đến tính mạng nếu không thể can thiệp điều trị kịp thời. Người bệnh cần đến khám bác sĩ sớm nếu nghi ngờ có dấu hiệu thoát vị nghẹt:

  • Khối thoát vị đau nhiều, sưng đỏ
  • Không thể đại tiện hoặc trung tiện
  • Sốt
  • Nôn ói

Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Triệu chứng điển hình là xuất hiện một khối phồng mềm ở vùng bẹn hoặc quanh rốn. Trẻ khóc nhiều do đau, tình trạng kích thích làm khối thoát vị ngày càng to hơn.

Nguyên nhân của thoát vị

Thoát vị xảy ra khi có tình trạng tăng áp lực vào một lỗ hổng hoặc điểm yếu ở cơ, mô. Dẫn đến các cơ quan dễ chui qua vị trí điểm yếu. Trong trường hợp thoát vị bẩm sinh, tình trạng này đã có sau khi sinh, sau đó diễn tiến ngày càng nặng hơn.

Các nguyên nhân phổ biến gây ra tăng áp lực ổ bụng bao gồm:

  • Nâng vật nặng không đúng tư thế khiến cơ, mô bị thiếu ổn định
  • Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính
  • Ho kéo dài do bệnh phổi mạn tính
  • Tiểu khó do phì đại tiền liệt tuyến
  • Mang thai
  • Phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng
  • Chẩn đoán thoát vị

Hầu hết các trường hợp thoát vị đều có thể được chẩn đoán bằng cách khám sức khỏe, bác sĩ có thể nhìn, sờ vào khối phồng để đánh giá tình trạng đang mắc phải. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được chẩn đoán thông qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT. Ngoài việc chẩn đoán, các phương tiện này còn giúp đánh giá mức độ, tình trạng cơ quan thoát vị cũng như các biến chứng mà nó gây ra.

Điều trị thoát vị như thế nào?

Hầu hết các trường hợp thoát vị đều cần được can thiệp phẫu thuật. Đối với thoát vị nhỏ hoặc nhẹ, người bệnh có thể chỉ được yêu cầu theo dõi, nếu nó to hơn sẽ phẫu thuật. Nguyên tắc của phẫu thuật thoát vị là đưa cơ quan thoát vị về vị trí bình thường đồng thời phục hồi lỗ hổng, điểm yếu bằng mô tự thân hoặc tấm lưới nhân tạo (lưới phẫu thuật). Phẫu thuật có thể mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi. Trong đó, phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm như kích thước vết mổ nhỏ, ít đau sau mổ, sớm phục hồi, rút ngắn thời gian nằm viện. Các phương pháp cụ thể bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi phục hồi thành bụng, bẹn bằng tấm lưới nhân tạo
  • Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bằng robot
  • Phẫu thuật mổ mở truyền thống.

Thoát vị rốn bẩm sinh thường sẽ tự đóng lại khi trẻ lớn lên, Trong trường hợp thoát vị không đóng lại, người bệnh cần can thiệp phẫu thuật. Thoát vị khe thực quản nhẹ chưa gây ra triệu chứng thường chưa cần phải phẫu thuật, trường hợp có các triệu chứng ảnh hưởng sức khỏe như nuốt nghẹn, đau, trào ngược dạ dày thực quản,… cần phải đến để bác sĩ thăm khám và chỉ định can thiệp phẫu thuật kịp thời.

chữa thoát vị
Can thiệp phẫu thuật điều trị thoát vị

Cách phòng ngừa thoát vị

Ngoại trừ các trường hợp bẩm sinh, thoát vị có thể được phòng ngừa hiệu quả thông qua các biện pháp sau: (3)

  • Hạn chế nâng vật nặng, khi nâng đồ vật nên sử dụng kỹ thuật nâng phù hợp
  • Duy trì cân nặng ở mức phù hợp, tránh thừa cân, béo phì
  • Tập luyện để tăng sức mạnh tổng thể, đặc biệt là các cơ vùng bụng chậu, đùi.
  • Theo dõi và kiểm soát ổn định các bệnh lý mạn tính gây tăng áp lực ổ bụng.
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá.

Thắc mắc thường gặp

Dưới đây là phần giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến bệnh thoát vị:

1. Thoát vị có thể tự khỏi không?

Thoát vị không tự khỏi và cần can thiệp điều trị kịp thời để tránh bệnh diễn tiến nặng hơn hoặc xảy ra biến chứng.

2. Thoát vị có gây nguy hiểm không?

Trong hầu hết các trường hợp thoát vị, biến chứng bắt đầu xảy ra khi khối thoát vị bị kẹt, nghẹt và không thể di chuyển trở lại vị trí ban đầu. Nếu ruột bị nghẹt, quá trình vận chuyển khí, thức ăn sẽ bị tắc nghẽn. Cơ quan thoát vị có thể bị thiếu máu nuôi, dẫn đến chết mô (hoại tử hoặc hoại thư).

Biến chứng của thoát vị hoành là khác nhau tùy theo từng trường hợp. Nhìn chung, các cơ quan thoát vị qua cơ hoành ít có khả năng bị kẹt. Thoát vị hoành hiếm khi gây ra biến chứng, ngoại trừ gây trào ngược dạ dày thực quản mạn tính. Tuy nhiên, thoát vị hoành bẩm sinh thường nặng và cần được theo dõi, can thiệp phù hợp.

3. Điều gì sẽ xảy ra nếu thoát vị không được điều trị?

Khối thoát vị nhỏ không gây ra triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên, khối thoát vị có khả năng tăng kích thước theo thời gian, mô ra ngoài ngày càng nhiều, làm tăng nguy cơ kẹt, gây đau cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

4. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi nhận thấy dấu hiệu thoát vị, đặc biệt là triệu chứng đau, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác và can thiệp điều trị kịp thời. Điều này càng quan trọng trong trường hợp thoát vị đau nhiều đổi màu, sưng đỏ, hoặc xuất hiện sốt, nôn ói, không thể đại tiện hoặc trung tiện.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Trên đây là bài viết tổng hợp các thông tin liên quan đến thoát vị, nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh. Hy vọng thông qua những cập nhật trên, người bệnh đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để biết cách phát hiện, đi khám sớm và được điều trị kịp thời.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send