Image

Thai kỳ nguy cơ cao là gì? Yếu tố nguy cơ và cách quản lý biến chứng

Mang thai và sinh con là thiên chức thiêng liêng, là đặc quyền tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ. Thế nhưng, do chưa được trang bị kiến thức, hoặc chủ quan, bỏ qua các bước thăm khám tiền sản, các mốc khám thai, sàng lọc thai nhi quan trọng… mà mẹ bầu có thể rơi vào nhóm thai nghén nguy cơ cao, mẹ và bé có nguy cơ gặp nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm. Thậm chí, nhiều trường hợp đe dọa tính mạng mẹ và bé, buộc phải chấm dứt thai kỳ ở bất cứ tuổi thai nào.

Thấu hiểu những khó khăn và vất vả của mẹ bầu trên thiên chức làm mẹ, đặc biệt là người lần đầu làm mẹ, BS.CKI Trần Lâm Khoa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa PlinkCare TP.HCM đã có những chia sẻ cụ thể về cách phát hiện thai nghén nguy cơ cao, cũng như hướng dẫn kiểm soát và quản lý thai nghén nguy cơ cao trong bài viết dưới đây.

Thai kỳ nguy cơ cao là gì?

Thai kỳ nguy cơ cao là thai kỳ có nhiều khả năng đưa đến kết cục xấu cho mẹ và/hoặc thai nhi hơn so với những thai kỳ khác nói chung. Thai kỳ nguy cơ cao khá phổ biến, chiếm khoảng 20% tổng số các thai kỳ và có thể gặp ở bất kỳ tuổi thai nào, gây nên các dị tật, dị dạng cho thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ. Nguy hiểm hơn, tình trạng này có thể đe dọa tính mạng, làm tăng tỷ lệ tử vong ở thai phụ, thai nhi và trẻ ở thời kỳ chu sinh và sơ sinh. (1)

thai nghén nguy cơ cao
Thai nghén nguy cơ cao có thể gây nên những kết cục xấu cho mẹ bầu lẫn thai nhi

Các yếu tố của thai kỳ nguy cơ cao

BS.CKI Trần Lâm Khoa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa PlinkCare TP.HCM cho biết, có 5 nhóm yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tình trạng thai kỳ nguy cơ cao gồm:

Yếu tố nguy cơ liên quan đến mẹ bầu

Đầu tiên là độ tuổi của mẹ bầu

  • Mẹ bầu dưới 18 tuổi có nguy cơ cao bị sinh khó, sinh non, thai giới hạn tăng trưởng, tỷ lệ trẻ sinh ra bị tử vong trong giai đoạn chu sinh cao hơn những thai kỳ khác;
  • Mẹ bầu trên 35 tuổi dễ bị sinh khó, nhiều nguy cơ có các bệnh lý nền đi kèm, thai tăng nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể, trẻ sinh ra bị dị tật, tỷ lệ trẻ tử vong trong giai đoạn chu sinh cao.

Tiếp đến, thể trạng của mẹ bầu cũng ảnh hưởng rất lớn: mẹ bầu có thể trạng béo phì hoặc suy dinh dưỡng: chỉ số khối cơ thể BMI lớn hơn 30 hoặc nhỏ hơn 18 đều có nhiều nguy cơ trong thai kỳ và trong quá trình chuyển dạ; chiều cao dưới 145cm khung chậu thường không thuận lợi cho sự di chuyển của thai nhi khi chuyển dạ…

Yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh lý của mẹ bầu trước khi mang thai

Một số bệnh lý mẹ bầu đã mắc phải trước khi mang thai có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và bé gồm:

  • Tăng huyết áp thai kỳ đe dọa tính mạng mẹ bầu lẫn thai nhi nếu không may bị tiền sản giậtsản giật;
  • Bệnh thận làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp mãn tính, dẫn đến biến chứng tiền sản giật và sản giật;
  • Bệnh tim, đặc biệt là bệnh tim có biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng cả mẹ bầu và thai nhi;
  • Bệnh nội tiết như đái tháo đường thai kỳ, Basedow dễ dẫn đến biến chứng như làm thai nhi to bất thường, thai suy dinh dưỡng, thai chết lưu.

Các bệnh lý do rối loạn hệ miễn dịch cũng ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi trong suốt quá trình mang thai như:

  • Bệnh lý ác tính như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung…;
  • Bệnh thiếu máu do hồng cầu hình liềm, suy tủy;
  • Bệnh nhiễm khuẩn mạn tính hoặc cấp tính như lao phổi;
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia, Herpes sinh dục, Human Papilloma Virus (HPV), Human Immunodeficiency Virus (HIV), lậu, giang mai;
  • Bệnh do virus như Rubella, viêm gan;
  • Bệnh do ký sinh trùng như sốt rét;
  • Bệnh não như viêm não, tâm thần, động kinh…;
  • Bệnh có tính chất di truyền gia đình như Thalassemia…;
  • Bệnh ngoại khoa như bệnh trĩ, chấn thương, gãy xương chậu…
mẹ bầu có nguy cơ cao
Tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… nếu không được điều trị ổn định trước khi mang thai có thể đe dọa sức khỏe mẹ và bé

Yếu tố nguy cơ liên quan đến tiền sử thai sản của mẹ bầu

Nếu mẹ bầu có tiền sử thai sản nặng nề như sảy thai liên tiếp, bất thường ở tử cung, rối loạn chức năng nội tiết; thai chết lưu, tiền sản giật, mổ lấy thai; bất thường nhiễm sắc thể; bất đồng nhóm máu ABO, yếu tố Rh; khoảng thời gian giữa các lần sinh nở quá gần hoặc quá xa… có nguy cơ cao lặp lại ở những lần mang thai tiếp theo.

Yếu tố nguy cơ do các bất thường xuất hiện trong thai kỳ

Một số vấn đề phát sinh trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Cụ thể, ở mẹ bầu cần chú ý các bệnh sốt rét, tiền sản giật và sản giật, giảm tiểu cầu tự miễn trong thời gian mang thai, tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu…; ở thai nhi cần chú ý các bất thường như thai to, thai suy dinh dưỡng, thai chết lưu, ngôi thai bất thường, song thai, đa thai… Ngoài ra, cần chú ý các trường hợp nhau tiền đạo, nhau bong non, nhau cài răng lược, u bánh nhau, sa dây rốn, rỉ ối, vỡ ối, thiểu ối, đa ối…

Yếu tố nguy cơ liên quan đến vấn đề xã hội

Hạn chế về trình độ văn hóa, cơ sở y tế quá xa, giao thông không thuận tiện, đời sống nhiều hạn chế, không tiếp cận được với những tiến bộ trong chăm sóc tiền sản và tầm soát trước sinh… cũng đe dọa ít nhiều đến một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

“Ngoài ra, những thai phụ có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng ma túy và các chất kích thích…; tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ; làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, thường xuyên tiếp xúc hóa chất, tia X-quang… dễ rơi vào tình trạng thai kỳ nguy cơ cao”, bác sĩ Lâm Khoa cho biết thêm.

Dấu hiệu cảnh báo thai kỳ nguy cơ cao

Hãy thông báo ngay với bác sĩ nếu trong thai kỳ mẹ bầu có các triệu chứng bất thường báo hiệu thai nghén có nguy cơ cao, bao gồm: (2)

  • Đau bụng, đau âm ỉ kéo dài không biến mất;
  • Tức ngực;
  • Đau đầu, chóng mặt hoặc ngất xỉu;
  • Sốt cao;
  • Tim đập nhanh;
  • Buồn nôn và nôn, tình trạng này tồi tệ hơn triệu chứng ốm nghén khi mang thai;
  • Không thấy chuyển động của thai nhi;
  • Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường ở âm đạo.
triệu chứng bất thường khi mang thai
Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường trong thai kỳ như đau bụng, tức ngực, tim đập nhanh, xuất huyết… mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời

Biến chứng nguy hiểm của thai kỳ nguy cơ cao

Bác sĩ Lâm Khoa cho biết, hậu quả của một thai kỳ nguy cơ cao có thể rất nặng nề: thai nhi kém phát triển, thai chết lưu, sảy thai, suy thai cấp và mạn tính, trẻ sinh ra bị dị tật, chậm phát triển tâm thần – vận động, có nguy cơ mắc các bệnh lý di truyền bẩm sinh…; mẹ có nguy cơ cao cần can thiệp y tế trong và sau sinh, tăng tỷ lệ sinh mổ, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí bị đe dọa tính mạng. (3)

“Việc chăm sóc và quản lý thai kỳ nguy cơ cao có vai trò vô cùng quan trọng. Những thai phụ có các yếu tố thai kỳ nguy cơ cao cần được thăm khám, tầm soát phát hiện sớm, theo dõi và can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu tỷ lệ biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé”, bác sĩ Lâm Khoa khuyến cáo.

Phương pháp chẩn đoán thai kỳ nguy cơ cao

Cách phát hiện thai nghén nguy cơ cao gồm thăm khám thực thể, thực hiện các sàng lọc, tầm soát cận lâm sàng để phát hiện thai kỳ nguy cơ cao, từ đó có hướng chăm sóc thai kỳ hiệu quả theo từng trường hợp, theo dõi và đánh giá dự phòng các nguy cơ lúc chuyển dạ.

“Ở những thai phụ không có nguy cơ, tình trạng sức khỏe tốt được khuyến cáo khám thai tối thiểu 3 lần trong thai kỳ. Ở những thai phụ có nguy cơ cao, thai kỳ cần được theo dõi và giám sát chặt chẽ hơn, do đó khuyến cáo thai phụ cần khám thai 4 tuần một lần đến tuần 28, sau đó 2 tuần một lần đến tuần 36 và đều đặn hàng tuần cho đến tuần 40. Với mỗi lần khám thai sẽ giúp đánh giá tổng thể, phát hiện các yếu tố nguy cơ đe dọa thai kỳ, từ đó có hướng can thiệp xử trí kịp thời và hiệu quả, bảo vệ mẹ tròn con vuông”, bác sĩ Lâm Khoa cho biết.

Theo đó, mẹ bầu cần tuân thủ đầy đủ các mốc khám thai quan trọng ở từng tam cá nguyệt như sau:

  • Ở tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ): Khám thai và siêu âm hình thái học quý 1, bao gồm đo độ mờ da gáy vào thời điểm 11 – 13 tuần 6 ngày để thực hiện các xét nghiệm thường quy phát hiện sớm bệnh lý ảnh hưởng đến thai nhi, đồng thời làm xét nghiệm tầm soát bất thường nhiễm sắc thể (NST), tầm soát các nguy cơ tiền sản giật và sản giật.
  • Ở tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa thai kỳ): Khám thai và siêu âm hình thái học thai nhi vào thời điểm 20 – 24 tuần để phát hiện sớm bất thường ở thai nhi, đồng thời làm tầm soát dấu hiệu dọa sinh non thông qua bước đo chiều dài kênh tử cung. Trường hợp thai kỳ nguy cơ cao, bác sĩ sẽ chỉ định đo chiều dài kênh tử cung từ lúc thai nhi 16 – 18 tuần.
  • Ở tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ): Mẹ bầu cần nhớ mốc khám thai vào thời điểm 24 – 28 tuần để tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Vào tuần thứ 30 – 32, mẹ bầu cần siêu âm để phát hiện bất thường xuất hiện muộn. Vào tuần 35 – 36, mẹ bầu cần siêu âm để đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi, tiên lượng cho việc sinh nở sắp tới.
thăm khám và theo dõi thai kỳ
Tuân thủ đầy đủ hướng dẫn thăm khám và theo dõi thai kỳ của chuyên gia Sản khoa là biện pháp hàng đầu giúp ngăn ngừa bệnh

Quản lý thai kỳ nguy cơ cao như thế nào?

Thai kỳ nguy cơ cao nếu được chăm sóc, quản lý thai kỳ chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ lịch khám thai và các chỉ định cận lâm sàng của bác sĩ… sẽ hạn chế các biến chứng, giup1 thai kỳ an toàn, mẹ và bé đều khỏe mạnh.

“Mặc dù có nhiều yếu tố nguy hiểm nhưng phần lớn các trường hợp thai kỳ nguy cơ cao nếu tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ đều kết thúc có hậu là mẹ tròn con vuông”, bác sĩ Lâm Khoa chia sẻ.

Biện pháp phòng ngừa thai kỳ nguy cơ cao

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, quá trình mang thai và sinh nở nhẹ nhàng, an toàn, bác sĩ Lâm Khoa chia sẻ một số mẹo nhỏ nhưng hữu ích cho thai phụ như: (4)

  • Chuẩn bị kỹ lưỡng cho thai kỳ: Chị em phụ nữ nên khám tiền sản trước khi mang thai, tham gia các lớp học tiền sản, thăm khám và tham vấn với các bác sĩ sản khoa khi có kế hoạch mang thai, đặc biệt là những phụ nữ có bệnh lý nền kèm theo như cao huyết áp, đái tháo đường. Tuân thủ lịch khám thai định kỳ và các chỉ định cận lâm sàng cần thiết trong suốt thai kỳ.
  • Bổ sung axit folic: Axit folic được chứng minh có tác dụng ngăn ngừa việc trẻ sinh ra bị bất thường hệ thần kinh trung ương… Tham vấn ý kiến bác sĩ để có chỉ định bổ sung axit folic phù hợp.
  • Thăm khám đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ: Thai kỳ nguy cơ cao cần được theo dõi, đánh giá và chăm sóc sát sao nhiều hơn so với thai kỳ bình thường để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, từ đó có can thiệp kịp thời và hiệu quả.
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học: Tham vấn ý kiến bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo bạn được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết khi mang thai.
  • Lối sống sinh hoạt lành mạnh: Từ bỏ các thói quen xấu như thuốc lá, rượu bia, chất kích thích; kiểm soát cân nặng hợp lý; chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ điều trị.
lên kế hoạch khi mang thai
Thăm khám tiền sản, lên kế hoạch chuẩn bị mang thai và chăm sóc thai kỳ khoa học là cách giúp mẹ bầu an tâm tận hưởng thai kỳ an toàn và nhẹ nhàng

Thống kê cho thấy, có trên 4.000 bất thường ở thai nhi và trẻ sơ sinh xuất phát từ các nguyên nhân như di truyền, môi trường, bệnh lý ở bố mẹ hoặc không rõ nguyên nhân. Chính vì thế, các chuyên gia Sản Phụ khoa khuyến cáo chị em phụ nữ nên khám tiền sản, không chỉ để kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi mang thai mà còn đảm bảo hạnh phúc trong tương lai. Dựa trên kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ có lời khuyên bổ ích, hướng dẫn chị em các bước chuẩn bị cho việc mang thai, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và an toàn, tránh được các nguy cơ khi mang thai.

Khám tiền sản tại Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống PlinkCare

Bác sĩ Lâm Khoa cho biết, khám chuẩn bị mang thai có thể áp dụng từ lúc phụ nữ có khả năng sinh sản đến khi kết hôn. Khuyến cáo chị em phụ nữ nên khám chuẩn bị mang thai tối thiểu từ 3-6 tháng trước khi có ý định mang thai để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Khám chuẩn bị mang thai giúp các cặp đôi:

  • Trang bị kiến thức chăm sóc thai kỳ, chuẩn bị tâm lý cho đời sống vợ chồng để gia đình hạnh phúc viên mãn.
  • Phát hiện kịp thời các bệnh lý truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu có để can thiệp điều trị hiệu quả.
  • Phát hiện và tầm soát các vấn đề liên quan sức khỏe sinh sản.
  • Kiểm tra các yếu tố rối loạn di truyền, dự phòng các bệnh lý và dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
  • Lên kế hoạch cho một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Với mức độ phổ biến và nguy hiểm của một thai kỳ nguy cơ cao, Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ chuyên gia giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, xây dựng các phác đồ thăm khám, chẩn đoán, hội chẩn liên chuyên khoa, triển khai đa dạng gói chăm sóc sức khỏe mẹ bầu từ sức khỏe tiền hôn nhân, tiền sản, chăm sóc trong thai kỳ và sau sinh nở… nhằm kiểm soát và quản lý thai kỳ an toàn, dự phòng các biến chứng có thể xảy ra.

Khi lựa chọn gói dịch vụ thai sản và sinh con tại Hệ thống PlinkCare, mẹ bầu sẽ nhận được:

  • Thăm khám và theo dõi chặt chẽ suốt thai kỳ bởi các chuyên gia Sản khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.
  • Thực hiện đầy đủ các kiểm tra và xét nghiệm cần thiết, phát hiện sớm các bất thường cảnh báo thai kỳ nguy cơ cao.
  • Mẹ bầu được chăm sóc toàn diện, khỏe mạnh, quá trình sinh nở nhẹ nhàng và nhanh chóng.
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện ngay sau khi chào đời, phát triển thể chất và trí tuệ trong tương lai.

Từ ngày 05/10/2022, Trung tâm Sản Phụ khoa PlinkCare TP.HCM đưa vào hoạt động Phòng khám Tiền sản, đồng hành cùng chị em phụ nữ trong việc lên kế hoạch mang thai và sinh nở, hoàn thành trọn vẹn thiên chức làm mẹ đầy khỏe mạnh và hạnh phúc.

Để được tư vấn và đặt lịch khám tiền sản tại Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống PlinkCare, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến:

Nếu mẹ bầu nghi ngờ hoặc không may bị chẩn đoán thai kỳ nguy cơ cao, mẹ hãy liên hệ ngay đến hotline Hệ thống PlinkCare để được các chuyên gia Sản khoa giỏi tư vấn, chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh và an toàn, đảm bảo mẹ tròn con vuông!

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send