
Bệnh tăng tiểu cầu có phải là ung thư máu không? Một số lưu ý
Tìm hiểu về tình trạng tăng tiểu cầu
Tăng tiểu cầu (thrombocytosis) là tình trạng tế bào tiểu cầu tăng số lượng bất thường, vượt ngưỡng giới hạn trên của giá trị bình thường 450,000 tế bào/mcL [1]. Bệnh tăng tiểu cầu bao gồm tăng tiểu cầu tiên phát (nguyên phát) và tăng tiểu cầu thứ phát.
Tiểu cầu là tế bào máu đảm nhiệm vai trò đông máu, ngăn chặn nguy cơ chảy máu không kiểm soát. Cơ thể người bình thường chứa khoảng 150,000 – 450,000 tế bào tiểu cầu trên mỗi microlit máu (mcL) [2]. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng số lượng tiểu cầu tăng vượt mức bình thường có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe. Vậy, tăng tiểu cầu có phải là ung thư máu không?
>> Tìm hiểu thêm: Bệnh tăng tiểu cầu có nguy hiểm không?
Tăng tiểu cầu có phải là ung thư máu không?
Tăng tiểu cầu là ung thư máu nếu người bệnh mắc phải bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát (một dạng tiền ung thư máu). Ngược lại, bệnh tăng tiểu cầu thứ phát không phải là ung thư máu. Do đó, tăng tiểu cầu có phải là ung thư máu không còn tùy thuộc vào phân loại bệnh tăng tiểu cầu.
Bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát có thể xảy ra do:
- Tăng sinh quá mức các tế bào mẫu tiểu cầu (megakaryocyte) trong tủy xương. Các tế bào này đảm nhiệm vai trò tạo ra các tiểu cầu và phóng thích vào máu ngoại vi. Vì vậy, số lượng tiểu cầu tăng cao trong bệnh lý tăng tiểu cầu nguyên phát.
- Một số trường hợp tăng tiểu cầu nguyên phát có thể bắt nguồn từ sự đột biến các gen trong cơ thể, chẳng hạn như:
- Gen JAK2: Đây là loại gen giúp các tế bào trong cơ thể tạo ra protein JAK2, có chức năng kiểm soát quá trình sản xuất tế bào máu của tế bào gốc.
- Gen CALR: Là gen đảm nhiệm vai trò tạo nên một loại protein tham gia vào quá trình điều hòa hoạt động của các gen trong cơ thể có tên là calreticulin. Loại protein này tham gia vào nhiều quá trình sinh lý khác nhau.
- Gen MPL: Loại gen oncogene có thể tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh ung thư.
- Nếu các gen này xảy ra tình trạng đột biến có thể dẫn đến tình trạng tăng sản xuất tế bào gốc ở tủy xương, kéo theo nguy cơ làm tăng lượng tiểu cầu quá mức kiểm soát.
Mặc dù là một dạng tiền ung thư máu, nhưng bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát có xu hướng mạn tính với diễn biến chậm. Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh tăng tiểu cầu tiên phát có thể được kiểm soát, hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Bệnh tăng tiểu cầu có thể phát triển thành các bệnh ung thư khác không?
Tình trạng tăng tiểu cầu nguyên phát nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính, nhưng nguy cơ này ít phổ biến. Để hạn chế rủi ro sức khỏe, người mắc bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
Khi nào tăng tiểu cầu không phải là ung thư máu?
Bệnh tăng tiểu cầu thứ phát không phải là bệnh máu ác tính (không phải là ung thư máu). Bởi nguyên nhân gây tăng tiểu cầu thứ phát không bắt nguồn từ sự tăng sinh tiểu cầu mất kiểm soát ở tủy xương mà xảy ra do các tác nhân cụ thể, điển hình như bệnh lý, chấn thương, nhiễm trùng… tiềm ẩn trong cơ thể.
Các phương pháp điều trị tăng tiểu cầu hiện nay
Dựa vào phân loại bệnh tăng tiểu cầu (nguyên phát hay thứ phát) và thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc phác đồ điều trị phù hợp. Tăng tiểu cầu thứ phát thường có xu hướng thuyên giảm sau khi căn nguyên gây bệnh được kiểm soát hiệu quả. Mặt khác, bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm.
Phác đồ điều trị bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát thường tập trung vào mục tiêu kiểm soát triệu chứng và làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu. Để điều trị bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh:
- Sử dụng thuốc Aspirin liều thấp: Để ngăn chặn nguy cơ hình thành huyết khối, bác sĩ có thể kê đơn thuốc Aspirin với liều lượng thấp. Tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc Aspirin liều thấp từ bác sĩ được đánh giá an toàn cho sức khỏe của người bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát.
- Sử dụng một số loại thuốc giúp làm giảm tiểu cầu: Để ức chế sự sản xuất tế bào tiểu cầu của tủy xương, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc như Anagrelide (Agrilyn®), Hydroxyurea (Siklos®, Droxia®, Hydrea®, Mylocel®…)…
- Thực hiện thủ thuật gạn tách tiểu cầu: Khi mức tiểu cầu tăng quá cao (> 2000,0000/mcL) có thể tiềm ẩn nguy cơ hình thành huyết khối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể cân nhắc việc chỉ định người bệnh điều trị tăng tiểu cầu nguyên phát bằng cách thực hiện thủ thuật gạn tách tiểu cầu.
Một số lưu ý phòng ngừa tình trạng tăng tiểu cầu
Sau khi làm rõ thắc mắc “tăng tiểu cầu có phải là ung thư máu không?”, người dân cũng cần biết cách phòng tránh bệnh lý này. Dựa vào nguyên nhân gây tăng tiểu cầu, mỗi người có thể chủ động phòng tránh bệnh bằng cách:
- Thực hiện xét nghiệm DNA để có thể sớm phát hiện các gen bị đột biến liên quan đến nguy cơ gây bệnh tăng tiểu cầu.
- Duy trì thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ, ít nhất 2 lần mỗi năm để có thể tầm soát các yếu tố gây bệnh tiềm ẩn trong cơ thể ở giai đoạn sớm. Có như vậy, hiệu quả điều trị bệnh tăng tiểu cầu sẽ được tối ưu, đồng thời ngăn chặn nguy cơ khởi phát các biến chứng nguy hiểm.
- Duy trì lối sống khoa học, cân bằng để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe tổng thể bằng cách thường xuyên rèn luyện thể chất, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, tránh lạm dụng chất kích thích… Từ đó, cơ thể sẽ có đủ khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh tiềm ẩn nguy cơ khiến tiểu cầu trong máu tăng cao quá mức.
Thăm khám và điều trị các bệnh về tiểu cầu tại khoa Nội Tổng hợp, Hệ thống PlinkCare vui lòng liên hệ:
Như vậy, bài viết đã cung cấp những thông tin giúp làm rõ thắc mắc tăng tiểu cầu có phải là ung thư máu không và các vấn đề liên quan. Tốt nhất, mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để tăng cơ hội chữa trị bệnh tăng tiểu cầu, hạn chế nguy cơ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.