
Tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh là gì?
Tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh là tình trạng các mạch máu phổi không mở ra đủ rộng, khiến cho máu không thể vào phổi để lấy đủ oxy cung cấp cho não và các cơ quan khác. Hậu quả là khi trẻ sinh ra, da và môi bị tím tái lại, sự phát triển về thể chất và trí tuệ cũng sẽ bị ảnh hưởng ngay từ giai đoạn sơ sinh.
Trẻ sơ sinh đủ tháng hay sinh non đều có thể gặp phải tình trạng tăng áp phổi. Hoặc trẻ gặp các tình trạng nhiễm trùng, ngạt khi sinh cũng có thể mắc bệnh. (1)
Khi còn trong bụng mẹ, phổi của thai nhi không trao đổi oxy và carbon dioxide; thay vào đó là nhận tất cả oxy từ mẹ thông qua nhau thai. Nhau thai là một cơ quan trong tử cung của người mẹ kết nối với dây rốn. Con đường này cho phép oxy và chất dinh dưỡng đi từ máu của mẹ đến trẻ.
Tiếng khóc đầu tiên khi bé vừa chào đời sẽ tạo ra áp suất trong lồng ngực, hai lá phổi chứa đầy không khí, các mạch máu đến phổi sẽ giãn ra. Nhờ đó, oxy được vận chuyển từ phổi đến tim, não và các cơ quan khác trong cơ thể. Sau khi cắt dây rốn, áp lực trong phổi và các mạch máu sẽ giảm dần, thấp hơn so với tuần hoàn hệ thống.
Tuy nhiên, một số em bé sơ sinh gặp cản trở trong quá trình chuyển tiếp tuần hoàn bình thường sau khi chào đời, khiến các mạch máu mở ra không đúng cách, tuần hoàn của trẻ tiếp tục hướng máu ra khỏi phổi, huyết áp trong phổi vẫn ở mức cao. Đây là lý do tại sao tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm.

Xem thêm: Tăng áp phổi sống được bao lâu? Tiên lượng sống và triển vọng điều trị
Nguyên nhân gây tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh
Tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh xảy ra do các mạch máu trong phổi gặp vấn đề như kém phát triển, phát triển không bình thường hoặc gặp khó khăn trong việc thích nghi với không khí bên ngoài sau khi sinh.
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh như:
- Hội chứng suy hô hấp (RDS): Thường xảy ra ở những trẻ sinh non, phổi của bé chưa hoàn thiện, các túi khí phổi có xu hướng xẹp hoàn toàn, làm cho phổi bị cứng, không giãn nở tốt.
- Trẻ bị ngạt trước hoặc trong khi sinh: Trong quá trình sinh nở, trẻ bị thiếu oxy kéo dài đủ lâu. Ngay khi chào đời, trẻ không khóc trong vài phút đầu, nguy cơ gây suy hô hấp, ảnh hưởng đến phổi của trẻ.
- Hít phân su: Vì phân thường trộn lẫn với nước ối nên trẻ có thể hít phân vào phổi. Điều này khiến trẻ khó thở, thiếu oxy, tăng áp động mạch phổi dai dẳng.
- Nhiễm trùng: Trong trường hợp mẹ bầu bị vỡ nước ối một thời gian dài trước khi sinh sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng máu. Do đó, khi em bé được sinh ra, nguy cơ bị tăng áp phổi cũng sẽ cao hơn.
- Bất thường bẩm sinh của tim và phổi: Trẻ sơ sinh có các bất thường bẩm sinh như phổi nhỏ hơn bình thường, van tim gặp trục trặc dễ bị tăng áp phổi.
- Mẹ bầu dùng một số thuốc trong thời gian mang thai: Một số loại thuốc chống viêm không steroid có thể tăng nguy cơ tăng áp phổi ở thai nhi nếu mẹ bầu dùng thuốc này trong giai đoạn cuối thai kỳ. (2)
Triệu chứng thường gặp
Tăng áp phổi ở trẻ em có thể được nhận biết trong vài giờ sau khi bé chào đời với một số triệu chứng điển hình như:
- Thở nhanh;
- Khó thở, thở gắng sức;
- Nhịp tim nhanh;
- Rên rỉ hoặc rên rỉ khi thở;
- Trào dịch ở mũi, miệng;
- Co rút (da giữa và dưới xương sườn co lại khi thở nhanh);
- Da và môi tím tái;
- Nồng độ oxy trong máu thấp;
- Độ bão hòa oxy ở chân thấp hơn ở cổ tay phải;
- Huyết áp thấp;
- Trẻ có biểu hiện suy tim phải;
- Tiểu ít. (3)
Phương pháp chẩn đoán tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh
Khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu tăng áp phổi, bác sĩ có thể thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác, bao gồm:
- Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm thanh để khảo sát cấu trúc, chức năng của tim và mạch máu, giúp đánh giá lưu lượng máu đến tim và phổi của bé. Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện được những bất thường về cấu trúc và đo lường áp lực trong lòng động mạch phổi của trẻ.
- Xét nghiệm máu: Cho thấy những thay đổi về số lượng tế bào máu và nồng độ của muối, đường, axit trong máu; giúp đo nồng độ oxy trong máu và xác định được trẻ có bị nhiễm trùng hay không.
- Đo độ bão hòa oxy: Trẻ sơ sinh bị tăng áp phổi thường không có đủ oxy đến tim, não và các cơ quan khác. Điều này khiến trẻ trông xanh xao, nhợt nhạt và khó thở. Bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị theo dõi độ bão hòa oxy để đo lượng oxy trong máu, giúp chẩn đoán trẻ mắc tăng áp phổi.

Biến chứng tăng áp phổi ở trẻ em
Tăng áp phổi ở những em bé mới vừa được sinh ra không phải tình trạng hiếm gặp. Lúc này, trẻ cần được can thiệp hỗ trợ để khắc phục ngay, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Trẻ có dấu hiệu bị tăng áp phổi, nồng độ oxy trong máu thấp ngay cả khi có sự hỗ trợ từ máy thở oxy. Việc thiếu oxy sau khi chào đời ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của tim, phổi cũng như các cơ quan khác trong cơ thể. Nhất là khi lượng oxy lên não không đủ sẽ khiến trẻ chậm phát triển về trí tuệ.
Đồng thời, sức đề kháng và thể chất của trẻ cũng yếu hơn so với trẻ sơ sinh bình thường. Một số trường hợp có thể gây bất thường về thính giác, trẻ bị giảm khả năng thực hiện các hoạt động thể chất,… Nguy hiểm hơn hết là tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến ngừng thở, suy tim, nguy hiểm đến tính mạng của bé.
Cách điều trị tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh
Mục tiêu điều trị tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh là tăng nồng độ oxy trong máu, mở các mạch máu trong phổi và duy trì huyết áp bình thường. Phương pháp điều trị tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
1. Thở áp lực dương (CPAP)
Đây là phương pháp thở áp lực dương liên tục, thường được áp dụng cho những trẻ bị suy hô hấp. CPAP giúp trẻ nhanh chóng hồi phục chức năng hô hấp. Phương pháp này an toàn và hiệu quả cho cả trẻ sơ sinh, giúp nhẹ nhàng đẩy oxy vào phổi của trẻ.
2. Thở máy
Bác sĩ sẽ đặt một ống thở xuống khí quản và ống thở được nối với máy thở. Thiết bị này sẽ hỗ trợ giúp bé thở đều cho đến khi bé có thể tự thở được.
3. Thở máy rung tần số cao
Trong trường hợp trẻ bị tổn thương phổi cấp tính, bác sĩ có thể tiến hành thở máy rung tần số cao. Loại máy thở này giúp cung cấp một luồng không khí nhanh, ngắn thông qua một ống thở. Thở máy rung tần số cao còn có khả năng tạo ra sự thông khí và trao đổi oxy đầy đủ cho những em bé sinh non, phổi còn yếu.
4. Dùng thuốc
Thuốc để điều trị tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh sẽ được truyền qua ống thông tĩnh mạch. Những loại thuốc được sử dụng bao gồm:
- Thuốc huyết áp: Có tác dụng giữ cho huyết áp của bé ở mức ổn định.
- Thuốc kháng sinh: Sử dụng trong trường hợp trẻ bị nhiễm trùng hoặc giúp phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
- Thuốc an thần: Giúp trẻ nghỉ ngơi để máy cung cấp oxy có thể hoạt động tốt hơn.
- Thuốc giãn mạch phổi như Sidenafile, Milrinone…
5. Thở khí NO (Nitric oxide)
Khi trẻ sơ sinh bị tăng áp phổi, mạch máu trong phổi của bé không mở ra đúng cách. Khi đó, sử dụng phương pháp oxit nitric sẽ giúp làm giãn các mạch máu này, hỗ trợ cải thiện lưu lượng máu đến phổi cho bé. (4)

6. ECMO
Trong trường hợp trẻ vừa chào đời đã bị suy tim hoặc suy phổi ở mức độ nặng, các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp tim phổi nhân tạo (ECMO). Thủ thuật này có tác dụng thay thế tạm thời chức năng của phổi và tim, giúp cung cấp oxy cho não cũng như các bộ khác trong cơ thể bé.
Phục hồi sau điều trị
Sau khi điều trị tăng áp phổi, phổi của trẻ sơ sinh sẽ mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng để hồi phục hoàn toàn. Trong quá trình chăm sóc trẻ sau khi điều trị, bố mẹ nên lưu ý một số điều sau:
- Giữ ấm cho bé, tránh các yếu tố nguy cơ có thể khiến bé bị cảm lạnh hoặc cảm cúm.
- Người chăm sóc trẻ cần chú ý vệ sinh thật kỹ, rửa tay bằng xà phòng trước khi bế hoặc cho bé ăn.
- Tuyệt đối không hôn vào mặt bé.
- Hạn chế đưa bé đến những nơi đông người, môi trường bụi bẩn, không đảm bảo an toàn để hạn chế tối đa nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vacxin cần thiết theo khuyến cáo cho trẻ.
- Thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ, nhất là trong hai năm đầu đời.
Trung tâm Sơ sinh, Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm như TS.BS Cam Ngọc Phượng, TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương, BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, BS.CKII Lê Tố Như…; đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt; thực hiện các kỹ thuật khó, chuyên sâu trong nuôi dưỡng trẻ sinh thiếu tháng như: nuôi ăn đường tĩnh mạch, đặt tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại biên, thở máy SIMV qua nội khí quản, truyền máu, duy trì vận mạch, bơm Surfactant, đặt động mạch rốn để theo dõi huyết áp…
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị cho trẻ tại Trung tâm Sơ sinh, Hệ thống PlinkCare, bố mẹ có thể liên hệ theo thông tin:
Tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh nếu được phát hiện và can thiệp ngay khi vừa chào đời, sẽ giúp bé tránh được các biến chứng ở tim, phổi, có cơ hội sống khỏe mạnh và phát triển tốt nhất. Chính vì vậy, mẹ nên theo dõi thai kỳ chặt chẽ và sinh con ở cơ sở y tế uy tín, có chuyên gia giỏi và đầy đủ trang thiết bị hiện đại để trẻ được chăm sóc tích cực ngay sau sinh.