Image

Tầm soát ung thư da: Phương pháp và quy trình sàng lọc bệnh

Tầm soát ung thư da là gì?

Tầm soát ung thư da là quá trình kiểm tra các dấu hiệu ung thư trước khi người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào. Bác sĩ bắt đầu quá trình tầm soát ung thư bằng cách quan sát toàn bộ làn da trên cơ thể và kiểm tra các dấu hiệu ung thư da. Các dấu hiệu ung thư da giai đoạn sớm có thể được phát hiện bằng mắt thường nên việc điều trị ung thư da giai đoạn đầu tương đối khả quan. (1)

Chương trình tầm soát ung thư da được thực hiện bằng cách bác sĩ quan sát, kiểm tra da và khảo sát các nốt ruồi, vết bớt hoặc các vùng da có màu sắc, hình dạng, kích thước bất thường. Sau khi xác định vùng da trông không bình thường, bác sĩ tiến hành soi da kèm các chỉ định xét nghiệm chẩn đoán để xác định vùng da bất thường có phải ung thư da hay không.

phương pháp tầm soát ung thư da
Các chương trình tầm soát ung thư da được thực hiện tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa ung bướu.

Ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC)ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC) là hai loại ung thư da phổ biến nhất, chiếm khoảng 95% các trường hợp chẩn đoán mới ung thư. Tuy nhiên, tiên lượng của hai loại ung thư này đều rất khả quan, gần 100% bệnh nhân ung thư da biểu mô tế bào đáy và hơn 95% bệnh nhân ung thư tế bào vảy sống thêm sau 5 năm. Ung thư da tế bào Merkel và ung thư hắc tố da chiếm tỷ lệ ít, nhưng tiên lượng sống thêm và điều trị kém khả quan hơn, đặc biệt nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Tỷ lệ điều trị và phục hồi đối với bệnh nhân ung thư da hắc tố chỉ còn khoảng 32%  nếu ung thư hắc tố di căn xa.

Các phương pháp tầm soát ung thư da

Để xác định có mắc ung thư da hay không, người bệnh cần trải qua quá trình thăm khám tổng quát đến chuyên sâu. Các phương pháp thường được chỉ định khi tầm soát ung thư da gồm:

1. Thăm khám lâm sàng

Sau khi tiến hành lấy số đo chiều cao, cân nặng, đo huyết áp, đánh giá toàn trạng sơ bộ bệnh nhân, bác sĩ quan sát kỹ hơn vùng da bất thường nghi ngờ ung thư. Các vùng da được kiểm tra bằng mắt thường gồm vùng mặt, cổ, tai, ngực, lưng, tay, chân… nhằm tìm kiếm các bất thường như vết dảy sừng, lở loét, nốt ruồi lạ. Thông thường, quá trình này mất khoảng 10-15 phút.

Bác sĩ sử dụng dụng cụ soi da chuyên dụng có phát quang để tạo ra dải sóng trên bề mặt da. Các chỉ số nhằm kiểm tra, đánh giá phân loại các tổn thương da. Với tính năng phân tích quang phổ tổn thương da, máy soi da giúp bác sĩ thấy rõ phân bổ collagen, hệ thống mạch máu, sắc tố melanin… tại vùng da tổn thương. (2)

2. Xét nghiệm chỉ điểm khối u

Xét nghiệm máu có thể được chỉ định nhằm đánh giá các chỉ số có liên quan đến khối u và mức độ ảnh hưởng. (3)

Dựa vào từng trường hợp bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu nhằm đưa ra chẩn đoán chi tiết hơn đối với bất thường của cơ thể bệnh nhân.

Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện sinh thiết nốt ruồi, vùng da tổn thương. Một vùng da bị tổn thương sẽ được tách mẫu mô tế bào để soi dưới kính hiển vi. Dựa trên kết quả giải phẫu mô bệnh học, bác sĩ có thể đánh giá trình trạng bệnh, phân đoạn, loại ung thư và tiên lượng điều trị…

3. Chẩn đoán hình ảnh ung thư da

Bác sĩ chỉ định thực hiện chụp X-quang để phát hiện các bất thường, mức độ tiến triển và xâm lấn của khối u.

Sau khi hoàn tất các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tầm soát ung thư da, bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ đưa ra các phương án điều trị thích hợp đối với từng loại bệnh.

Vì sao nên sàng lọc ung thư da sớm?

Các chuyên gia y tế khuyến nghị những người thuộc nhóm nguy cơ mắc ung thư da cao nên bắt đầu kiểm tra da từ năm 18 tuổi. Mọi người đều có nguy cơ mắc ung thư da, do đó các biện pháp sàng lọc phát hiện ung thư sớm góp phần cải thiện hiệu quả điều trị cuối cùng ở bệnh nhân. (4)

tầm soát bệnh ung thư da
Sàng lọc ung thư da giúp bác sĩ xác định giai đoạn, loại ung thư để đề xuất hướng điều trị phù hợp với thể trạng người bệnh.

Các báo cáo cho thấy ung thư da có tiên lượng điều trị thành công cao nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, đặc biệt là khối u hắc tố và ung thư da tế bào Merkel. Đối với ung thư hắc tố, nếu phát hiện và điều trị can thiệp vào giai đoạn khối u khu trú, tiên lượng điều trị và phục hồi có thể hơn 99% .

Đối với trường hợp ung thư da không phải hắc tố, tiên lượng điều trị và phục hồi cũng rất khả quan. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm đối với ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC) lên đến 100% và ung thư biểu mô tế bào vảy đạt hơn 95%. Rất hiếm trường hợp ung thư da không phải hắc tố tử vong. Tuy nhiên nếu khám tầm soát ung thư da phát hiện dấu hiệu ung thư giai đoạn sớm giúp rút ngắn thời gian điều trị dứt điểm.

Ai nên tầm soát ung thư da?

Ai cũng có nguy cơ bị bệnh do không phòng ngừa ung thư da hoặc các yếu tố liên quan đến môi trường sống, thói quen sinh hoạt. Những người nên tầm soát ung thư da thường xuyên gồm:

  • Người có nhiều nốt ruồi không điển hình (loạn sản), các nốt ruồi ngày càng xuất hiện nhiều, nốt ruồi có hình dạng khác với nốt ruồi thông thường.
  • Vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời xuất hiện các vết sừng quang hóa hoặc có màu hồng, xám…
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình ghi nhận mắc ung thư da.
  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời trực tiếp mà không có biện pháp bảo hộ, che chắn nào.
  • Người da trắng, có tàn nhang hoặc bị bạch tạng, da nhợt nhạt.
  • Người mắc hội chứng Gorlin hoặc bệnh khô da sắc tố…
  • Người có hệ miễn dịch suy giảm do mắc hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (HIV) hoặc đang uống các loại thuốc làm giảm miễn dịch sau ghép tạng.
  • Môi trường sinh sống, làm việc độc hại, thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại như asen, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu,…

Những người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao trên có thể trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán ung thư da.

người bị loạn sản nên tầm soát ung thư da
Những người có chứng loạn sản nên thăm khám sàng lọc ung thư định kỳ.

Học viện Da liễu Hoa Kỳ (ADD) cho biết nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư hắc tố cao hơn dân số nói chung. Vì vậy nếu nhận thấy các đốm đáng ngờ trên da, có biểu hiện ngứa hoặc chảy máu thì người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

Khi nào nên tầm soát ung thư da?

Bác sĩ khuyến nghị nên khám định kỳ mỗi năm để kiểm tra, tầm soát ung thư da và 2 lần/năm đối với nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tuổi, số lượng nốt ruồi phức tạp và bất thường, tiền sử liên quan bệnh lý về da hoặc mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch, bệnh sử gia đình ghi nhận trường hợp mắc ung thư da… (5)

Mỗi người nên tiến hành kiểm tra da hàng ngày để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường, tổn thương da lâu lành. Các khu vực cần được chú ý như mặt, tai, cổ, vai, cánh tay, tay, chân. Đặc biệt những khu vực khuỷu, lòng bàn tay và bàn chân cũng được kiểm tra kỹ càng. Đối với các vùng khó kiểm tra bằng mắt thường, có thể sử dụng gương hoặc điện thoại để chụp và quan sát. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ung thư da hoặc các bệnh lý liên quan da, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và chẩn đoán, điều trị.

theo dõi tầm soát dấu hiệu ung thư da
Kiểm tra các bất thường xuất hiện trên da mỗi ngày.

Tầm soát ung thư da tại PlinkCare

Ung thư da là một trong số ít ung thư có tiên lượng điều trị và phục hồi sức khỏe hoàn toàn nếu bệnh được phát hiện sớm. Bằng quan sát mắt thường, mỗi người đều có thể dễ dàng nhận biết sự thay đổi màu sắc, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bệnh để nhanh chóng thăm khám và điều trị.

Hiện nay tại khoa Ung bướu, PlinkCare trang bị hệ thống máy móc hiện đại, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn trong tầm soát và điều trị ung thư da. Các bác sĩ khuyến nghị mỗi người cần thăm khám, sàng lọc ung thư da định kỳ mỗi năm 1 lần và 6 tháng/lần nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư da và các bệnh lý liên quan đến da. Phát hiện và điều trị ung thư da sớm là cách giúp loại bỏ triệt căn khối u, rút ngắn thời gian điều trị và phục hồi, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân.

Để liên hệ thông tin và đặt lịch tầm soát ung thư da tại PlinkCare, Quý khách hàng có thể liên lạc qua:

Tầm soát ung thư da mang lại hiệu quả điều trị vượt trội, là cách giúp phát hiện ung thư ngay từ giai đoạn vừa khởi phát. Ung thư da (không phải ung thư hắc tố) không quá nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nếu phát hiện và can thiệp muộn có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Do đó ngay khi phát hiện các tổn thương da kéo dài, người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị phù hợp.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send