
Tắc tia sữa chườm nóng hay lạnh thì tốt hơn? Chuyên gia giải thích
Dấu hiệu nhận biết tắc tia sữa là gì?
Tắc tia sữa là tình trạng sữa bị tắc do lòng ống dẫn sữa bị bịt kín hoặc chèn ép khiến sữa không thể chảy ra ngoài, trong khi sữa vẫn tiếp tục được tạo ra làm cho các ống dẫn sữa trước chỗ tắc ngày càng căng to dần dần sữa đông kết thành các cục to hơn khiến ngực của mẹ trở nên sưng tấy, đau nhức. Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, tắc tia sữa có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ như viêm tuyến vú, áp xe vú, các dải xơ hóa…
Bác sĩ Hồ Thị Khánh Quyên cho biết, dù mẹ mới bắt đầu cho con bú sữa mẹ hoặc đã cho con bú một thời gian vẫn có thể gặp tình trạng tắc tia sữa bất cứ lúc nào. Vì thế, mẹ cần sớm nhận biết tắc tia sữa để thăm khám sớm, điều trị kịp thời nhờ vào phát hiện sớm những dấu hiệu như sữa mẹ rất ít hoặc không tiết sữa mặc dù đã cố gắng vắt sữa; ngực căng tức, sưng đỏ và đau; sờ vào bầu ngực thấy một hoặc nhiều điểm cứng, đau; nhiều trường hợp tắc tia sữa gây sốt. (1)

Tắc tia sữa chườm nóng hay lạnh thì tốt hơn?
Khi bị tắc tia sữa, một trong những giải pháp được các mẹ truyền tai nhau là chườm khăn để thông tia sữa và giúp bầu ngực dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nhiều mẹ băn khoăn tắc sữa chườm nóng hay lạnh sẽ tốt hơn?
Giải đáp thắc mắc này, bác sĩ Khánh Quyên chia sẻ bản chất của hai phương pháp chườm nóng và chườm lạnh giúp mẹ nắm rõ. Về cơ bản, cả hai phương pháp chườm nóng và chườm lạnh đều dùng nhiệt độ tác động lên vùng da cần điều trị nhằm giảm triệu chứng sưng và đau. Tuy nhiên, tùy vào loại tổn thương mà cần áp dụng phương pháp phù hợp để đem lại hiệu quả tốt nhất, tránh làm tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn. (2)
Có nên chườm lạnh khi bị tắc tia sữa
Chườm lạnh là phương pháp dùng khăn lạnh, đá lạnh, nước lạnh (vật có nhiệt độ dưới 15 độ C)… để chườm lên vị trí bị tổn thương nhằm hạ thân nhiệt, giảm xung huyết cục bộ và giảm đau. Phương pháp này chỉ nên áp dụng trong những trường hợp ngực bị chấn thương, tụ máu, sưng tấy hoặc phù nề do lực tác động từ bên ngoài. Trường hợp tắc tia sữa không nên chườm lạnh bởi không những không đem lại hiệu quả, mà còn có thể khiến tình trạng tắc sữa ngày càng nghiêm trọng hơn do chất béo trong sữa gặp lạnh sẽ đông lại, cộng thêm mạch máu và tuyến sữa co lại gây sức ép lên dòng sữa khiến ngực mẹ căng cứng và đau nhức hơn. (3)
Chườm nóng khi bị tắc sữa
Chườm nóng là phương pháp dùng vật dụng hoặc dược liệu có nhiệt độ ấm nóng từ 41-60 độ C để chườm lên vị trí bị tổn thương giúp làm giãn các mao mạch và động mạch nhỏ, hỗ trợ tăng cường tuần hoàn, giảm cơn co thắt và giảm đau với các chứng đau mạn tính.
Tắc tia sữa là tình trạng sữa bị ứ đọng làm tắc nghẽn sự lưu thông của hệ thống tuyến sữa. Việc làm cần thiết lúc này là làm tan phần sữa bị đông kết lại, và chườm nóng chính là phương pháp được các chuyên gia Sản khoa khuyến khích.

Lợi ích của phương pháp chườm nóng khi bị tắc tuyến sữa
Bác sĩ Khánh Quyên cho biết chườm nóng khi bị tắc tia sữa sẽ mang lại những lợi ích sau: (4)
- Làm tan khối sữa bị đông kết lại, nhờ đó sữa trong bầu ngực được lưu thông tốt hơn.
- Giãn nở mạch máu và ống dẫn sữa.
- Thúc đẩy máu lưu thông đến vùng bị tổn thương nhanh chóng hơn.
- Tăng tuần hoàn tại chỗ.
- Giảm đau nhức và sưng tấy nhờ việc giãn ống dẫn sữa, mẹ không còn bị căng tức ngực.
- Giảm kích thích hệ thần kinh.
- Thả lỏng cơ và dây chằng.
- Kích thích sữa mẹ về nhiều và đều đặn hơn.
Như vậy, đối với câu hỏi tắc sữa nên chườm nóng hay lạnh, câu trả lời là mẹ nên lựa chọn phương pháp chườm nóng để mang lại hiệu quả tốt hơn.
Hướng dẫn cách chườm nóng khi bị tắc tia sữa
Bác sĩ Khánh Quyên nhắn nhủ, có nhiều phương pháp chườm nóng khác nhau mẹ có thể áp dụng, tuy nhiên cần lưu ý đến nhiệt độ và thời gian chườm để đạt hiệu quả tốt nhất. Cách đơn giản mẹ có thể thực hiện tại nhà là sử dụng khăn lông mềm, sạch và làm theo các bước sau đây:
- Bước 1: Chuẩn bị thau nước ấm nóng có nhiệt độ khoảng 41-60 độ C là lý tưởng nhất.
- Bước 2: Nhúng khăn lông đã chuẩn bị vào thau nước ấm nóng rồi vắt khô.
- Bước 3: Chườm nhẹ nhàng khăn lông lên vùng ngực bị đau nhức trong khoảng 20 phút. Không nên chườm quá lâu bởi có thể gây bỏng rát hoặc kích ứng. Trong quá trình chườm ấm, mẹ nên kết hợp massage nhẹ nhàng bầu ngực để đạt hiệu quả thông tắc tia sữa tốt hơn.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng túi chườm ấm hoặc chai nước ấm có nhiệt độ tương tự đặt lên vùng ngực bị đau nhức. Với cách làm này, mẹ nên thực hiện trước khi cho con bú hoặc trước khi hút sữa tầm vài phút để kích hoạt phản xạ tiết sữa, giúp giảm đau và thông ống dẫn sữa bị bít tắc tốt hơn.
Một cách làm khác là mẹ có thể ngâm mình hoặc nằm nghiêng người ngâm bầu ngực trong nước ấm tầm 10-20 phút. Khi ngâm, mẹ cũng nên massage vùng bầu ngực bị tắc sữa nhẹ nhàng theo vòng tròn để làm tan cục sữa bị đông cứng.
Những lưu ý khi chườm nóng cải thiện tắc tia sữa tại nhà
Chườm nóng là một phương pháp giúp thông tia sữa đơn giản và hiệu quả với điều kiện mẹ thực hiện đúng khuyến cáo. Bác sĩ Khánh Quyên chia sẻ một số lưu ý mẹ cần nắm rõ để đạt hiệu quả điều trị tắc tia sữa tốt nhất, gồm:
- Tuyệt đối không chườm ở nhiệt độ quá nóng bởi vùng da quanh bầu ngực vốn mỏng manh, nếu tiếp xúc với nhiệt độ cao rất dễ kích ứng, sưng đỏ và bỏng rát.
- Cần kết hợp massage nhẹ nhàng trong thời gian chườm nóng, tuyệt đối không dùng lực mạnh vì có thể làm vỡ nang sữa khiến tình trạng tắc tuyến sữa càng nghiêm trọng hơn.
- Nên sử dụng máy hút sữa chuyên dụng trong thông tắc sữa đặc, tránh hút sữa bằng miệng bởi có thể khiến vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng ngày càng nặng hơn.
- Nếu tình trạng tắc tia sữa kéo dài hơn 2-3 ngày nhưng không cải thiện mặc dù đã chườm nóng hoặc áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra và hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp, tránh để tình trạng kéo dài gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tìm hiểu thêm: Nên chọn máy hút sữa loại nào tốt?

Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, phác đồ thăm khám và điều trị cá thể hóa, can thiệp điều trị tắc tia sữa hiệu quả, nhanh chóng và an toàn mà không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe mẹ.
Trung tâm triển khai đa dạng dịch vụ thăm khám, theo dõi và chăm sóc mẹ bầu với nhiều tiện ích như thai sản trọn gói, thai sản theo yêu cầu, sinh con trọn gói… Sau sinh nở, mẹ lưu viện được theo dõi sát sao bởi chuyên gia Sản khoa đầu ngành, nữ hộ sinh đồng hành hỗ trợ mẹ chăm sóc bé để mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Ngoài ra, nữ hộ sinh sẽ hỗ trợ, hướng dẫn mẹ cách massage kích thích gọi sữa về, phòng ngừa tình trạng tắc tia sữa, hướng dẫn mẹ cho bé bú đúng cách, không bị sặc cũng như giúp sữa không bị ứ đọng, vón cục trong bầu ngực.
Để đặt hẹn khám và tư vấn với các chuyên gia Sản Phụ khoa tại Hệ thống PlinkCare, mẹ vui lòng liên hệ đến:
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp mẹ nắm rõ tắc tia sữa chườm nóng hay lạnh, cũng như biết được những lưu ý quan trọng trong thông tia sữa tại nhà. Nếu còn bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, mẹ có thể liên hệ đến hotline Hệ thống PlinkCare để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!