
9 tác dụng phụ của thuốc tê và các biện pháp giảm thiểu
Thuốc tê là gì?
Thuốc tê là thuốc tạm thời ngăn truyền tín hiệu đau từ dây thần kinh ở một vùng cơ thể đến trung tâm não, trong quá trình thực hiện thủ thuật hoặc phẫu thuật. Thuốc gây tê có 2 loại như sau: (1)
- Gây tê cục bộ: Phương pháp này áp dụng cho các thủ thuật, phẫu thuật như đục thủy tinh thể, nha khoa hoặc sinh thiết da. Người bệnh vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình gây tê bằng thuốc xịt, thuốc bôi, dạng tiêm, viên ngậm.
- Gây tê vùng: Giúp giảm đau cho một vùng rộng lớn trên cơ thể, chẳng hạn như chân, tay và dưới thắt lưng. Người bệnh có thể tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật hoặc sử dụng thuốc an thần kèm theo.

Thuốc tê được sử dụng khi nào?
Thuốc gây tê được sử dụng trong các trường hợp sau: (2)
1. Thuốc gây tê cục bộ:
- Điều trị đau: Thuốc không kê đơn (OTC) dưới dạng xịt hoặc gel có chứa chất gây tê cục bộ điều trị các tình trạng như viêm họng, loét miệng. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiêm thuốc gây tê cục bộ và steroid để điều trị các bệnh về cơ xương khớp.
- Thủ thuật: Bác sĩ sử dụng thuốc gây tê cục bộ khi lấy mẫu sinh thiết, nhổ răng, xóa nốt ruồi,… giúp bệnh nhân không thấy đau khi làm thủ thuật.
- Phẫu thuật: Một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê cục bộ trong một số các cuộc phẫu thuật bề mặt nông, có thể kèm các thuốc an thần hỗ trợ.
2. Thuốc gây tê vùng:
- Gây tê ngoài màng cứng: Đây là hình thức kiểm soát cơn đau trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, giúp thai phụ tỉnh táo, giảm các cơn đau do gò tử cung.
- Gây tê tủy sống: Phương pháp này thường được sử dụng trong các phẫu thuật bụng dưới, vùng chậu và chi dưới, kể cả phẫu thuật lấy thai trong sản khoa.
- Phong bế thần kinh ngoại vi: Đây là phương pháp tiêm thuốc gây tê các dây thần kinh cung cấp tín hiệu cho bộ phận cơ thể, chẳng hạn bàn tay, cánh tay hoặc chân. Phong bế thần kinh ngoại vi được sử dụng để ngăn cơn đau khi phẫu thuật mà không cần gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ siêu âm để tiêm chính xác vào dây thần kinh. Việc tiêm không gây đau và sau 20 – 30 phút thuốc phát huy tác dụng.
Phong bế thần kinh ngoại vi và gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống thường kết hợp với thuốc an thần để thay thế gây mê toàn thân.

Tác dụng phụ của thuốc tê
Thuốc gây tê cục bộ an toàn, ít biến chứng nhưng một số trường hợp vẫn gặp các tác dụng phụ ngắn hạn như đau khi đưa kim vào, có vết bầm tại chỗ tiêm, ngứa ran, run rẩy, mờ mắt, chóng mặt, nhức đầu… Những người dị ứng với thuốc tê có thể dẫn đến co giật hoặc ngừng tim. Ngoài ra, thuốc gây tê vùng sẽ có tác dụng ngắn hạn phổ biến như sau:
- Huyết áp thấp: Khi gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng có thể làm giảm huyết áp khiến bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt. Tình trạng này, được kiểm soát bằng cách truyền dịch và sử dụng các thuốc co mạch để ổn định huyết áp.
- Ngứa: Điều này xảy ra do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc, chẳng hạn morphin kết hợp với thuốc gây tê khi tiêm tủy sống.
- Mất kiểm soát bàng quang: Bệnh nhân sẽ không cảm giác khi bàng quang đầy nước tiểu vì thuốc tê tác động các dây thần kinh xung quanh. Chức năng bàng quang sẽ lại bình thường sau khi thuốc tê hết tác dụng. Trong thời gian gây tê, tùy trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định đặt ống thông tiểu vào bàng quang giúp dẫn lưu nước tiểu.
- Đau khi tiêm: Bệnh nhân báo ngay cho bác sĩ gây mê nếu cảm thấy đau ở vị trí tiêm; thậm chí khác chỗ tiêm, chẳng hạn ở chân hoặc mông, điều này cho thấy dây thần kinh bị kích thích hoặc tổn thương cần phải đặt lại kim.
- Đau đầu: Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu, bao gồm thuốc mê, phẫu thuật, mất nước, lo lắng và gây tê vùng. Hầu hết các cơn đau đầu sẽ thuyên giảm trong vòng vài giờ hoặc điều trị điều trị bằng thuốc giảm đau. Đôi khi, cơn đau đầu dữ dội xảy ra khi gây tê ngoài màng cứng vì trong một số ít trường hợp có tình trạng thủng màng cứng khi thực hiện thủ thuật gây thất thoát dịch não tủy. Người bệnh cần thông báo các bất thường ngay để các bác sĩ theo dõi và xử trí kịp thời các rối loạn có thể xảy ra khi thực hiện gây tê.
- Không giảm đau: Bệnh nhân được tiêm thuốc gây tê nhưng vẫn thấy đau, lúc này bác sĩ sẽ quyết định tăng liều lượng hoặc chuyển sang gây mê toàn thân.
- Tổn thương thần kinh tạm thời: Đây là biến chứng hiếm gặp của gây tê tủy sống hoặc ngoài màng cứng. Bệnh nhân sẽ mất cảm giác, yếu cơ kéo dài vài ngày hoặc vài tuần và sau đó hồi phục bình thường.
- Tổn thương thần kinh kéo dài: Mặc dù hiếm gặp nhưng thuốc gây tê khiến một số người tổn thương thần kinh gây đau, tê dị cảm tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Nên làm gì khi phát hiện bản thân bị các tác dụng phụ của thuốc gây tê?
Trong quá trình bác sĩ gây tê và sau đó, nếu bệnh nhân nhận thấy các dấu hiệu bất thường nên thông báo với bác sĩ nhanh chóng để tránh các biến chứng nguy hiểm. Các dấu hiệu phổ biến để người bệnh nhận biết đang gặp tác dụng phụ của thuốc gây tê như:
- Khó thở.
- Ngứa dữ dội, phát ban hoặc sưng tấy.
- Tê, khó cử động bất cứ vùng nào trong cơ thể của bạn.
- Nói lắp.
- Khó nuốt.
Làm thế nào để giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc gây tê?
Để giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc gây tê người bệnh nên thực hiện các biện pháp sau đây:
- Nhịn ăn và uống trong 8 giờ trước khi tiêm thuốc tê.
- Không hút thuốc lá, bia rượu trước 24 giờ gây tê, để cải thiện sức khỏe tim và phổi.
- Tiếp tục duy trì các thuốc điều trị các bệnh lý nền tim mạch, nội tiết, hô hấp,… theo chỉ định của bác sĩ.
- Thông báo với bác sĩ nếu đang mắc bệnh (huyết áp, tim, bệnh phổi,…) hoặc dị ứng thuốc tê trước đó.

Các câu hỏi liên quan về tác hại của thuốc tê
1. Thuốc gây tê tác dụng bao lâu?
Thuốc gây tê cục bộ có tác dụng trong vài giờ và gây tê vùng có hiệu lực từ 4 – 24 giờ.
2. Cần tìm hiểu những gì trước khi gây tê?
Trước khi gây tê, người bệnh nên tìm hiểu những điều sau đây:
- Hỏi bác sĩ về tác dụng phụ và lưu ý về loại thuốc gây tê sử dụng cho bản thân.
- Nếu đang mắc bệnh (tim, phổi, huyết áp,…) thông báo với bác sĩ để giảm thiểu các tác dụng phụ (nếu có).
- Trao đổi với bác sĩ các thông tin cần thiết để chuẩn bị gây tê như có cần nhịn ăn, khi nào ngưng hút thuốc lá, các loại thuốc đang uống (nếu có),…
Khoa Gây mê Hồi sức, hệ thống PlinkCare hội tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong gây tê, gây mê và luôn túc trực, hỗ trợ kịp thời trong ca mổ, cùng hệ thống trang thiết bị y tế cao cấp, hiện đại giúp bệnh nhân an tâm và đem lại kết quả phẫu thuật cao.
Bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin về các tác dụng phụ của thuốc gây tê và biện pháp giảm thiểu. Do đó, người bệnh cần tuân theo các quy định của bác trước khi gây tê, để tránh các biến chứng trong và sau thời gian phẫu thuật. Quan trọng, người bệnh nên đến các bệnh viện uy tín, chất lượng, bác sĩ có kinh nghiệm để hạn chế, kiểm soát tác dụng phụ từ thuốc gây tê và ca phẫu thuật hoặc thủ thuật có kết quả cao.